'Bổ âm Tráng Dương' Mùa Lạnh Theo Cách Người Trung Quốc

Hai chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Kim Hành và Ngụy Khang Khang, Bệnh viện Trung - Nhật, chia sẻ theo truyền thống Trung Quốc, mùa đông là mùa âm dương đan xen. "Trung âm tất dương", khí lạnh u ám chiếm phần lớn sẽ chuyển dần sang ánh nắng ấm áp hơn. Cây cỏ khô héo, côn trùng ngủ đông, vạn vật ẩn nấp. Bởi thế, con người nên thuận theo sự thay đổi tự nhiên mà chú ý đến việc giữ gìn sức khỏe.

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng tiết trời mùa đông tương ứng với thận, coi thận là gốc rễ của việc "giữ gìn các tạng", tương tự như thực vật bảo tồn năng lượng để chờ sinh trưởng trong năm mới. Chính vì vậy, việc bồi bổ thận khí trong mùa đông là vô cùng quan trọng.

Về mùa đông, bệnh thường gặp nhất là bệnh tim mạch. Giữ tạng và dưỡng thận thực ra là một trong những biện pháp phòng chống bệnh tim mạch.

Về tâm lý, con người nên tĩnh tâm dưỡng thần, kiềm chế nóng giận. Khi trời rét cần vào nơi ấm áp, ngủ sớm dậy muộn. Hoạt động khi trời nắng ấm.

Khi vận động không nên đổ mồ hôi. Hãy giảm cường độ tập luyện và sinh hoạt sao cho phù hợp.

Chế độ ăn uống, thích hợp nhất là đồ ấm và bổ.

Cần phòng bệnh có mục tiêu, điều trị kịp thời, ngăn ngừa các bệnh về tim, não, thận và các bệnh có tỷ lệ mắc cao khác.

Những gia vị giúp làm ấm cơ thể. Ảnh: Webber Naturals

Những gia vị giúp làm ấm cơ thể. Ảnh: Webber Naturals

Chăm sóc sức khỏe mùa đông cho phụ nữ

Đàn ông thuộc tính dương và phụ nữ thiên về thuộc tính âm. So với nam giới, phụ nữ có khả năng chịu lạnh kém và dễ mắc các bệnh do lạnh hơn. Họ có thể bị đau bụng kinh và tăng rong huyết nên cần đặc biệt chú ý giữ ấm, tránh ăn đồ lạnh.

Chăm sóc sức khỏe mùa đông cho người trung niên và cao tuổi

Người trung niên và cao tuổi, trên cơ sở giữ gìn sức khỏe theo các phương thức nêu trên, cần tránh thận hư và nhất là chú ý đến giấc ngủ. Người già vốn dĩ ngủ ít, mùa đông thích hợp với việc ngủ, hãy nhân cơ hội này để phục hồi thật nhiều sinh lực cho cơ thể.

Chân tay người già thường lạnh, đa phần là do thiếu dương khí. Đây là biểu hiện của suy nhược cơ thể. Các cụ nên ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng và ấm như táo tàu, thịt cừu, thịt bò, thịt gà, gia vị cay như tiêu, thì là, quế... Uống trà tốt nhất là chọn hồng trà, trà lên men, trà chuyên, trà Bạch Linh, trà đen...

Bên cạnh đó, các cụ nên ăn nhiều thực phẩm có màu đen như đậu đen, mộc nhĩ, táo tàu đen, dâu tằm, hắc kỷ tử, lạc đen... Làm ấm cơ thể bằng liệu pháp châm cứu tại các huyệt vị như Quan Nguyên, Túc Tam Lý. Bổ dương nên đi kèm với bổ âm, vậy nên có thể bổ sung các chất dưỡng âm như xạ đen, cẩu kỷ tử, nữ trinh tử... vào tiết trời nắng ấm.

Một số vị thuốc Đông y Trung Quốc. Ảnh Firefly Chi

Một số vị thuốc Đông y Trung Quốc. Ảnh Firefly Chi

Tẩm bổ phù hợp

Mùa đông là thời điểm tốt để mọi người tăng cường sức khỏe. Vào mùa này, dinh dưỡng dễ thẩm thấu để nuôi dưỡng các nội tạng hơn. Y học cổ truyền Trung Quốc gọi đây là "Thu Đông dưỡng âm". Âm không hẳn là đại diện cho sự lạnh lẽo mà là khái niệm về các vật chất cấu tạo nên cơ thể con người, bởi vậy, đừng cho rằng mùa đông được ăn đồ lạnh.

Vậy nên, người dân nên bổ sung đầy đủ nhiệt lượng để chống lại cái lạnh. Thức ăn ấm nóng thông thường bao gồm thịt bò, thịt cừu, thịt chó, thịt gà, nhãn, chà là, trứng, tiết canh, gạo nếp, tỏi tây, hành lá, gừng, quế...

Bồi bổ cơ thể, chẳng hạn như thịt cừu, có thể làm ấm thận và tráng dương. Những thực phẩm có màu đen như gạo đen, đậu đen, vừng đen, dâu tằm đen, cẩu kỷ đen và mộc nhĩ... mang đến nhiều lợi ích cho thận bởi vì màu đen dễ thẩm thấu.

Keo da lừa (một loại thuốc cổ truyền Trung Quốc), nhãn, củ mài, hạt dẻ, cẩu kỷ tử, quả óc chó... giúp bổ âm huyết. Ngoài ra, nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho tim mạch như lúa mì, lúa mạch, táo tàu, hạt sen đỏ... để bồi bổ tâm khí, ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Minh Vũ (Theo Tạp chí Chăm sóc Sức khỏe Lão khoa)

  • Sắc thuốc đông y có nên càng đặc càng tốt?
  • 'Thần y' Biển Thước, cha đẻ phương pháp bắt mạch Đông y
  • Gạo chữa nhiều bệnh
  • Bài thuốc Đông y chữa xuất tinh sớm
  • Bài thuốc Đông y hỗ trợ phòng trị sốt xuất huyết

Từ khóa » Bổ âm Là Gì