BRAVO Hay BRAVA? Vỗ Tay Hay Là Không? - Website Nhạc Cổ Điển

Nội dung

  • 1 Có nên vỗ tay giữa các chương nhạc?
  • 2 Vỗ tay trong một buổi biểu diễn opera
  • 3 BRAVO hay BRAVA?
  • 4 Nên và không nên

Có nên vỗ tay giữa các chương nhạc?

Về việc vỗ tay trong một buổi biểu diễn nhạc cổ điển, mặc dù quy định chuẩn mực là không vỗ tay cho đến tận cuối tác phẩm nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn tán thành với việc vỗ tay này. Nhạc trưởng Eiji Oue đã trả lời về việc này, kể ra hai câu chuyện và thổ lộ: “Tôi nghĩ điều này thật tuyệt. Nếu thính giả bị thu hút thật sự và tiếng vỗ tay bật ra, nó rất tốt. Tôi nghĩ rằng nếu cảm xúc chân thật tạo ra tiếng vỗ tay đấy, thì tại sao không.

Có hai câu chuyện minh họa cho việc này:

Cách đây vài năm, một nhạc trưởng biểu diễn bản giao hưởng số 7 của Beethoven, và khán giả rất say mê. Họ vỗ tay nồng nhiệt sau chương một, nhưng ông ta cảm thấy rất khó chịu và quay ra dừng họ lại. Sau chương hai, có một vài tiếng vỗ tay nhỏ; ông quay ra và dừng họ lại lần nữa. Sau chương ba, mọi người rất ngập ngừng. Và cuối cùng, sau buổi biểu diễn tuyệt vời, đoạn kết đầy kích động của chương cuối, kết thúc bản giao hưởng, không ai vỗ tay cả – một khi họ mất cơ hội để bắt đầu vỗ tay, họ sẽ không thể nào lấy lại được cảm giác đó. Nhạc trưởng buộc phải đi ra ngoài sân khấu trong sự im lặng.

Mozart trong một lần viết thư cho bố sau một buổi biểu diễn Paris Symphony của ông. Ông kể lại một cách tự hào rằng, mọi người đã vỗ tay sau chủ đề hai của chương đầu – và ông cảm thấy vô cùng phần khích. Nếu nó đủ tốt cho Mozart, nó cũng hoàn toàn đủ tốt cho tôi.”

Nhạc trưởng Grant Cooper cùng quan điểm như vậy:

“Thật ra tôi cho rằng có những đoạn nhạc (như kết thúc chương đầu của bản piano concerto số 1 của Tchaikovsky) rất khó cho những ai đam mê âm nhạc mà không cảm thấy phấn khích khi nó được biểu diễn một cách cuốn hút. Không khó hiểu với tôi về việc sự nhiệt tình vỗ tay của khán giả là một cảm xúc chân thật. Thực ra, vỗ tay giữa các chương nhạc từng là một phần quy tắc của buổi hòa nhạc. Khi tôi có cơ hội, thỉnh thoảng tôi có nói với thính giả rằng không có gì xảy ra nếu họ vỗ tay giữa các chương – không hề có việc dọa nạt cho họ sợ.”

Tôi không cảm thất thất vọng khi thính giả vỗ tay trước khi một bản nhạc kết thúc. Tôi hoàn toàn vui khi họ ở đây, và đó là bằng chứng cho tôi biết rằng thính giả vẫn còn thức, rằng họ đang sống, nghĩ và thưởng thức. Sự thưởng thức là tuyệt vời.”

Nhạc trưởng Christian Gansch cũng cho rằng vỗ tay sau từng chương là việc hay: “Điều này không thực sự làm phiền tôi. Thỉnh thoảng nó cũng quấy rầy một ít, nhưng không hề gì – nó hoàn toàn tốt khi mọi người đến buổi hòa nhạc. Sau tất cả, trong buổi diễn opera, thậm chí tại Vienna, nó là điểm chung của các thính giả khi vỗ tay cuối mỗi aria.”

Tuy nhiên không hẳn nghệ sĩ nào cũng cho rằng việc vỗ tay là tốt. Nữ nghệ sĩ piano Natalie Zhu (người hòa tấu cùng Hilary Hahn) cho rằng: “Tôi nghĩ tốt hơn khi không có vỗ tay giữa các chương, bởi vì nó phá vỡ cấu trúc của tác phẩm và làm sao lãng người biểu diễn. Nếu mọi người không biết thì dù sao nó cũng không phải là điều hết sức tồi tệ – Tôi vui khi họ đánh giá cao cuộc biểu diễn. Tuy nhiên nghệ sĩ dễ tập trung hơn nếu việc vỗ tay dành cho cuối tác phẩm.”

Vỗ tay trong một buổi biểu diễn opera

Quy tắc vỗ tay ở các nhà hát opera và các nước cũng khác nhau. Có thể vỗ tay sau aria, đặc biệt tại nhà hát opera nổi tiếng Metropolitan ở Mỹ; nhưng nếu tại nhà hát danh tiếng Convent Garden ở Anh, khán thính giả chỉ vỗ tay khi kết thúc vở hoặc màn. Đấy chính là lí do vì sao, khi Maria Callas hát xong aria “Casta diva” (Norma) ở đây, bà đã rất ngạc nhiên khi không thấy ai vỗ tay. Bà hỏi người phụ trách sân khấu: “Tôi hát có vấn đề gì không, sao không thấy thấy khán giả … vỗ tay?” (tự tin quá nhỉ!!!) Người phụ trách sân khấu trả lời: “Ở Anh người ta không vỗ tay sau mỗi aria”. Phải chăng đây là do tính phớt tỉnh ăng lê vỗn có của dân Anh. Thế nhưng có vẻ cái thói quen này cũng chẳng giữ được lâu, vì nếu để ý trong DVD Lucrezia Borgia (bản thu tại Convent Garden thập niên 80), khi Joan Sutherland (vai L.Borgia) vừa xuất hiện, khán giả đã hoan hô ầm trời lên (giống hệt khi Maria Callas xuất hiện trong Poliuto vậy). Không hiểu do dân Anh hết phớt rồi, hay vì Sutherland là gà nhà (Sutherland vốn trưởng thành từ Convent Garden) mà đêm diễn đó khán giả vẫn vỗ tay rất nồng nhiệt sau mỗi aria.

BRAVO hay BRAVA?

Trước đây, để hoan hô nữ nghệ sĩ chính khán giả hô to từ BRAVA, để hoan hô nam nghệ sĩ chính khán giả hô to từ BRAVO, còn đối với với cả nam và nữ nghệ sĩ thì sẽ là từ BRAVI (theo tiếng Ý). Nhưng hiện tại, người ta thường dùng từ BRAVO cho mọi nghệ sĩ.

Nên và không nên

Điều tối kị là vỗ tay khi ca sĩ vừa dứt hơi trong lúc dàn nhạc chưa chơi xong! Về nguyên tắc, chỉ khi nào nhạc trưởng hạ đũa chỉ huy xuống thì mới nên vỗ tay. Giữa các chương nhạc bao giờ nhạc trưởng cũng để đũa chỉ huy ngang ngực. Rất nên tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc này cho dù người nghệ sĩ biểu diễn “phê” đến mức nào đi nữa.

Các aria là cơ hội để cho ca sĩ – diễn viên thể hiện hết tài năng của mình, vì thế đương nhiên khán giả nên vỗ tay sau khi aria kết thúc để tôn vinh ca sĩ. Mặc dù vậy cũng có ngoại lệ. Một số aria được chuyển tiếp rất nhanh (Aida, màn III hoặc Samson et Dalila, màn II) thì không cần thiết phải vỗ tay.

Khi buổi biểu diễn kết thúc, nếu khán giả thực sự bị thuyết phục, RẤT NÊN làm nhà hát vỡ tung bởi những BRAVO và những tràng pháo tay TO, NHIỆT TÌNH, CÀNG LÂU CÀNG TỐT. Kỉ lục về thời gian vỗ tay sau một buổi biểu diễn opera là hơn 40 phút (buổi biểu diễn vở L’elisir d’amore của Donizetti với Pavarotti tại nhà hát Opera quốc gia Berlin).

Nhaccodien.info

Từ khóa » Bravo Vỗ Tay