BSC Và KPI - Cầu Nối Kết Hợp Giữa Chiến Lược Kinh Doanh Và ... - VJCC

  1. KPI - Key Performance Indicator
  1. KPI là gì?

KPI (Key Performance Indicator) là chỉ số đánh giá hiệu suất trọng yếu, chỉ số đánh giá hiệu quả công việc thông qua số liệu, tỉ lệ, chỉ tiêu định lượng, từ đó phản ảnh hiệu quả hoạt động về kinh doanh của một doanh nghiệp, tổ chức cũng như để đánh giá mức độ thực thi công việc của từng cá nhân.

Tùy theo doanh nghiệp, tổ chức, bộ phận, chức vụ và thời điểm mà doanh nghiệp sẽ đặt ra mức KPI khác nhau. Ví dụ: Sales KPIs, Marketing KPIs, SEO KPIs, Email KPIs, Social KPIs,...

  1. Tại sao doanh nghiệp cần sử dụng chỉ số KPI trong đánh giá thực hiện công việc?

Mục đích của việc sử dụng chỉ số KPI trong đánh giá thực hiện công việc

  • Triển khai các chiến lược của doanh nghiệp thành các mục tiêu và chương trình hành động cụ thể cho từng bộ phận, từng lĩnh vực, từng cá nhân.
  • Đo lường hiệu suất hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp, bộ phận và cá nhân so với mục tiêu đề ra.
  • Đảm bảo cho người lao động thực hiện đúng các trách nhiệm tuỳ theo từng vị trí và chức danh cụ thể.
  • Đánh giá mức độ thực hiện công việc minh bạch, rõ ràng, cụ thể, công bằng và hiệu quả hơn.
  • Hỗ trợ cấp quản lý đưa ra chế độ lương thưởng theo kết quả thực tế đạt được, tọ động lực phát triển cho nhân viên.
  1. BSC (Balance Scoredcard)
  1. BSC là gì?

BSC (Balanced scorecard - thẻ điểm cân bằng) là một mô hình quản trị chiến lược ở cấp độ cơ bản định hướng cho doanh nghiệp theo phương pháp chuyển đổi tầm nhìn và chiến lược thành mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá và hoạt động cụ thể.

BSC giám sát chiến lược thông qua 4 khía cạnh:

  • Tài chính: đo lường và giám sát hiệu quả tài chính và việc sử dụng các nguồn tài chính của doanh nghiệp.
  • Khách hàng: đo lường hiệu quả trong các hoạt động trên thị trường, đo lường giá trị cung cấp đến với khách hàng, giám sát sự thỏa mãn khách hàng.
  • Quá trình hoạt động nội bộ: xem xét hiệu suất của doanh nghiệp thông qua các lăng kính về chất lượng và hiệu quả của các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó cải thiện, học tập & phát triển để phục vụ cho các quá trình nội bộ & khách hàng.
  • Học tập & phát triển: đánh giá hiệu suất của tổ chức thông qua nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ, văn hóa,...
  1. BSC quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?

BSC giúp cho doanh nghiệp thiết lập, thực hiện, giám sát, đo lường để đạt được các chiến lược & các mục tiêu của mình:

  • Lập chiến lược cốt lõi: BSC thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố mục tiêu với nhau từ đó giúp doanh nghiệp định hình được chiến lược cốt lõi cho mình.
  • Liên kết những chiến lược, mục tiêu với hoạt động hàng ngày: khi đã có bộ khung BSC, mọi công việc được liên kết chặt chẽ với nhau một cách khoa học và tiết kiệm thời gian.
  • Cải thiện truyền thông doanh nghiệp: khi đã có bức tranh toàn cảnh BSC, việc triển khai kế hoạch truyền thông doanh nghiệp dễ dàng hơn.
  • Đảm bảo tính trách nhiệm của từng cá nhân và của cả tập thể, đánh giá được hiệu quả hoạt động của những bộ phận, phòng ban hay thậm chí là cá nhân từ đó đưa ra phương án khắc phục kịp thời tránh gây ảnh hưởng đến mục tiêu, kế hoạch chung của công ty.
  1. Mối liên hệ giữa BSC và KPI - Cầu nối kết hợp giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược lãnh đạo

BSC và KPI sẽ định hướng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp (bao gồm các chiến lược sản phẩm; chiến lược dịch vụ; chiến lược tăng trưởng; chiến lược bán hàng; hoặcchiến lược marketing,...) và chiến lược lãnh đạo của doanh nghiệp (tập trung vào đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp một cách cụ thể và rõ ràng).

BSC nhằm mục tiêu chính giúp nhà lãnh đạo đưa ra được những chiến lược từ tổng quát đến chi tiết và cụ thể tới từng nhân viên. KPIs sẽ giúp đo lường và đánh giá hiệu quả công việc của nhân sự, từ đó lãnh đạo có thể dễ dàng đánh giá năng lực và định hướng công việc cho nhân viên của mình.

Nếu như nhà lãnh đạo thường lại chỉ quan tâm đến chiến lược doanh nghiệp đề ra mà không tận dụng được các yếu tố về nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện chiến lược đó thì sẽ không đạt được hiệu quả hoạt động một cách tốt nhất. Hơn nữa, khi có bất kỳ vấn đề phát sinh, doanh nghiệp rất khó để đánh giá, kiểm soát và tìm ra lỗ hổng trong hoạt động của doanh nghiệp mình.

Do đó, nhà lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ cần có các chiến lược lãnh đạo kết hợp song song với các chiến lược kinh doanh, nói cách khác đó chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai công cụ BSC và KPIs để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp và quản lý nhân sự hiệu quả.

Ban Đào tạo doanh nghiệp, VJCC

Từ khóa » Tìm Hiểu Bsc Và Kpi