Bước đầu Khai Thác THƯ TỊCH ĐÔN HOÀNG Vào NGHIÊN CỨU ...
Có thể bạn quan tâm
JUAN HUANGYEN (HOÀNG YẾN) (Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan)
1. Lời mở đầu
Đôn Hoàng là tên một thành phố nằm ở khu vực tây bắc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Trong lịch sử, Đôn Hoàng là một điểm dừng chân quan trọng trên con Đường tơ lụa và rất nổi tiếng với hang đá Đôn Hoàng, Đôn Hoàng bích hoạ (tranh vẽ trên tường) với hang Mạc Cao đã được xếp hạng di sản văn hoá thế giới. Năm 1900, đạo sĩ Vương Viên Triện khi đang lau dọn trong hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng đã tình cờ phát hiện một mật thất nhỏ, bên trong có chứa hàng vạn quyển kinh và thư tịch. Theo thống kê, các tư liệu, thư tịch được cất giữ ở các hang Đôn Hoàng có khoảng 50.000 quyển, trong đó kinh Phật chiếm khoảng 90%, các thư tịch có nội dung khác bao gồm thư tịch về tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo, các tôn giáo khác); thư tịch về Nho gia (Luận ngữ, Hiếu kinh, Dịch kinh, Thượng Thư,…); Đạo gia (Lão tử, Trang tử,…); thư tịch về ngôn ngữ, văn tự học, chủ yếu nói về chữ Hán, cũng có một số sách chữ Tạng, chữ Phạn, chữ Đột Quyết; thư tịch về văn học như Văn tuyển, Ngọc đài tân vịnh, Văn tâm điêu long,… và các tác phẩm văn học thông tục như thơ ca, từ khúc, phú, diễn xướng; thư tịch về lịch sử như Tấn Dương thu, Xuân Thu hậu ngữ, Đế Vương lược luận; thư tịch về địa lí bao gồm địa lí các vùng Hà Tây, địa lí vùng Đôn Hoàng, địa lí toàn quốc, văn thư ghi chép họ tộc các vùng,… Các ghi chép trong tư liệu Đôn Hoàng có niên đại sớm nhất là từ năm Tiên Tần Phù Kiên nguyên niên (năm 359), muộn nhất là năm Khánh Nguyên thứ hai thời Nam Tống (năm 1196). Tư liệu Đôn Hoàng có một sức hấp dẫn rất lớn đối các nhà khảo cổ học và các nghiên cứu trong và ngoài nước. Bởi vì chúng đã cung cấp một nguồn tư liệu mới vô cùng lớn, lần đầu tiên xuất hiện và rất có giá trị trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, xã hội, kinh tế, chính trị cũng như tôn giáo, văn tự học, ngôn ngữ học, văn học, nghệ thuật, khảo cổ, kĩ thuật, kiến trúc,… của các thời đại mà chúng ghi lại. Chính vì thế, giới học thuật đã hình thành một ngành nghiên cứu mới là Đôn Hoàng học (tiếng Anh: Dunhuangology) để đáp ứng những yêu cầu nghiên cứu mới đặt ra. Như đã giới thiệu ở trên, các tư liệu Đôn Hoàng có niên đại từ năm 359 đến năm 1196, khoảng thời gian đó bao gồm thời gian miền bắc Việt Nam đang thuộc thời kì Bắc thuộc. Do vậy, việc tìm kiếm những thư tịch trong kho thư tịch Đôn Hoàng ghi chép về Việt Nam, nguồn thư tịch mới xuất hiện, chưa được các học giả nhắc đến sẽ có đóng góp rất to lớn trong việc tìm hiểu lịch sử, xã hội, kinh tế,… Việt Nam thời kì này. Xuất phát từ ý tưởng đó, chúng tôi đã bắt tay tìm hiểu và xin giới thiệu với bạn đọc bài viết giới thiệu những thư tịch liên quan đến Việt Nam trong kho thư tịch Đôn Hoàng và ứng dụng của chúng trong việc nghiên cứu lịch sử, xã hội, kinh tế Việt Nam.
2. Những tư liệu Đôn hoàng liên quan đến Việt Nam
2.1. Giới thiệu tư liệu Đôn Hoàng liên quan đến Việt Nam
Sau khi tiến hành rà soát kho tư liệu Đôn Hoàng, chúng tôi đã tìm được những tư liệu Đôn Hoàng trực tiếp nhắc đến Việt Nam thuộc khu vực địa lí, bao gồm các thư tịch như trong bảng 1. Trong đó các kí hiệu B, S, P, Đôn Bác,… là kí hiệu các thư viện đang cất giữ những tài liệu trên. B là thư viện Bắc Kinh, S là bảo tàng Anh Quốc, P là bảo tàng quốc gia Paris, Đôn Bác là bảo tàng Đôn Hoàng tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
Bảng 1: Các tư liệu Đôn Hoàng liên quan đến Việt Nam
Tuy nhiên, tình hình các sách chỉ còn lại khá ít do sự tàn phá của thời gian và di chuyển, sau khi tìm hiểu trực tiếp văn bản hiện có, chúng ta lại có thể phân loại 9 sách trên làm hai loại. Loại một là các sách có nhắc đến Việt Nam thời kì đó nhưng nội dung đã bị mất, bao gồm các sách P2511, B8418, P3191, S5861, P2511, P2522 và P3421. Loại thứ hai là các sách hiện còn nội dung ghi chép về Việt Nam, đó là P2507, Đôn Bác số 58 và S2052. Do văn bản P2507, S2052 chưa được giới học thuật khôi phục đầy đủ, nên trong bài viết này, chúng tôi lấy Đôn Bác số 58 (từ dưới đây gọi là số 58) làm đối tượng nghiên cứu chính.
2.2. Nội dung văn bản Đôn Bác số 58
Phần đầu và sau tác phẩm số 58 đều đã mất, còn lại 160 hàng, nội dung ghi chép lại các châu, huyện, làng của mỗi đạo, khoảng cách đến Trường An và Lạc Dương, vật phẩm cống nạp và số tiền vốn công cần cống nạp của từng địa phương. Sách được viết trong những năm đầu Thiên Bảo nhà Đường (khoảng năm 742). Trong nội dung của số 58, xin giới thiệu với bạn đọc những đoạn nói về Việt Nam như sau:
(Lĩnh Nam đạo lục thập bát châu)
Hạ 1, Quỳnh Sơn, Quỳnh. An Nam quản nội. Hạ, Dung Quỳnh; hạ, Quỳnh Sơn; hạ, Nhạc Hội; hạ, Nhan La; hạ, Vị Cát. Tịnh bất ngôn hộ số.
…
Hạ, An Nam, kinh thất thiên nhị thập, đô lục thiên nhị bách. Bổn 2 nhị bách lượng. Thượng, Chu Diên; cửu; bát bách ngũ thập tam. Thượng, Long Biên; cửu, lục bách thập ngũ. Thượng, Giao Chỉ; thập nhị; cửu bách. Trung, Tống Bình; thập; nhị bách bát thập. Trung, Thái Bình; ngũ; nhị bách bát thập. Trung, Bình Đạo; tứ; tứ bách tứ thập. Trung Hạ, Bình Vũ. Tứ, nhị bách ngũ thập.
Hạ, Cửu Chân, Ái. Kinh cửu thiên, đô bát thiên. Bổn ngũ bách nhị thập tam thiên. Thượng, Cửu Chân; thập nhất; ngũ bách ngũ thập ngũ. Thượng, An Thuận (Yên Thuận); thập, chuẩn thượng. Hạ, Nhật Nam; tam; tam thập thiên. Trung, Sùng An (Sùng Yên); ngũ, ngũ thập bát. Trung hạ, Quân An; tam, tam thập tam. Hạ, Long Trì. Ngũ; tam thập.
Hạ, Thang Tuyền, Thang. An Nam quản nội. Hạ, Thang Tuyền; hạ, Lục Thuỷ; hạ, La Thiều. Tịnh bất ngôn hộ.
Hạ, Phúc Lộc (Phước Lộc), Phúc Lộc. Chuẩn thượng. Hạ, An Viễn (Yên Viễn). Nhất. Hạ, Đường Lâm, nhất. Tịnh vô bổn.
Hạ, Nhật Nam, Hoan. An Nam quản nội. Trung, Cửu Đức; thất, tam thập thiên. Trung hạ, Vô Yên; tam; tam thập ngũ. Hạ, Vô Yên (Vô An); tam, nhị thập. Trung hạ, Việt Thường; nhất; tam thập ngũ. Trung hạ, Phố Dương; tứ; nhị thập cửu. Hạ, Hoài Ân. Nhị; tứ.
Hạ, Thừa Bình (Hoá), Phong. Chuẩn tiền. Lục bách tứ thập ngũ. Hạ, Thừa Hoá; nhị; bách lượng. Hạ, Tung Sơn; nhị; ngũ thập. Hạ, Tân Xương; tam, cửu thập nhị. Trung hạ, Gia Ninh; thất; bách. Hạ, Thù Lục. Tam, vô bổn.
Hạ, Vạn An (Vạn Yên), Vạn An. An Nam quản nội. Hạ, Vạn An; hạ, Phú Vân; hạ, Bác Liêu; hạ, Lăng Thuỷ. Bất ngôn hộ khẩu.
Hạ, Long Trì, Sơn. Chuẩn thượng. Trung hạ, Long Trì, nhất. Hạ, Bồn Sơn, nhất. Tịnh vô bổn. Văn Dương, Trường. Chuẩn tiền. Văn Dương, hạ, nhị. Đồng Thái (Sái), hạ, nhất. Trường Thượng, hạ, nhất. Cơ Thường, hạ, nhất, tịnh vô bổn.
___________ 1. Các từ “hạ, trung, trung hạ, thượng” (nhỏ, trung bình, trung bình nhỏ, lớn) được dùng trong văn bản Đôn Hoàng số 58 là kí hiệu để phân loại quận, huyện thời Đường. Theo [Tống] Vương Phổ: Đường hội yếu, quyển 70: “Theo luật thời Vũ Đức, dựa vào hộ khẩu để phân cấp bậc của từng châu, huyện,… Theo sắc lệnh ngày 17 tháng 3 năm Khai Nguyên số 18, châu lớn là châu có từ 40.000 hộ trở lên, châu trung bình là châu có từ 25.000 hộ trở lên, châu có số hộ không đến 20.000 là nhỏ,… Đến ngày 7 tháng 3 năm Khai Nguyên thứ 18, huyện lớn có từ 6.000 hộ trở lên, huyện trung bình có từ 3.000 hộ trở lên, huyện có số hộ không đến 3000 là trung bình nhỏ.”
2. “Bổn”, chỉ “công giải bổn tiền 公廨本錢”, hay “tiền vốn công”, là số tiền do các châu, huyện dành ra để cho vay nặng lãi hay kinh doanh, số tiền lãi được dùng để chi trả cho những khoản chi công (như ăn uống…), trả tiền lương bổng hàng tháng cho quan lại và các mục đích khác tuỳ theo thời điểm trong lịch sử nhà Đường. Tham khảo [Trung] Trịnh Thiên Đĩnh: Trung Quốc lịch sử đại từ điển. Thượng Hải, NXB Thượng Hải từ thư, 2000.
Có thể thấy, tư liệu vừa nêu đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin về Việt Nam, từ tên gọi các địa phương của Việt Nam thời đó, các địa phương thuộc địa hạt quản lí của An Nam đô hộ phủ, khoảng cách địa lí đến Trường An, Lạc Dương, từ đó có thể giúp chúng ta tìm hiểu về địa lí, diện tích,… của Việt Nam đương thời. Đồng thời, những số liệu về số làng, phân loại làng, số tiền vốn công của các châu huyện,… cũng là nguồn thông tin quý giá để chúng ta tìm hiểu về kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam thời đó.
3. Ứng dụng số 58 vào nghiên cứu kinh tế, xã hội Việt Nam
3.1. Số lượng làng của Việt Nam
Trong lịch sử, để nghiên cứu về tình hình xã hội Việt Nam thời kì thuộc Đường, các nhà nghiên cứu thường sử dụng những sách tham khảo từ Trung Quốc như Tân, Cựu Đường thư, Nguyên Hà quận huyện đồ chí,… Những sách này cung cấp thông tin về số lượng châu, huyện của An Nam (tức Việt Nam). Số 58 không chỉ cung cấp cho chúng ta những số liệu châu, huyện như các tư liệu khác, mà còn ghi chép rất cụ thể số lượng và phân loại từng làng thuộc các châu, huyện của Việt Nam cũng như số tiền vốn công cần cống nạp, là những thông tin chưa hoặc ít được ghi chép đầy đủ ở các tư liệu khác. Với những thông tin đó, chúng ta có thể khái quát về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, cũng như ước lượng về dân số thời kì này.
Để độc giả dễ theo dõi và đối chiếu, chúng tôi tiến hành tổng kết số lượng làng của các châu, huyện thuộc Việt Nam trong số 58 và Nguyên Hà quận huyện đồ chí như trong bảng 2 và bảng 3 (tham khảo Phụ lục). Bảng 2 tổng hợp số lượng làng trong các châu. Bảng 3 tổng kết số lượng làng của từng huyện. Qua bảng 2 chúng ta có thể thấy số lượng làng của các châu ghi chép trong số 58 khác với trong Nguyên Hà quận huyện đồ chí. Bảng 2 cũng cho thấy, số 58 cung cấp thêm số lượng làng của châu Phúc Lộc và Trường Châu, là hai châu rất ít được ghi lại. Ghi chép về Thang Châu cũng rất ngắn gọn “Thang Tuyền là châu lị, có ba huyện, không ghi số làng”.
Số lượng làng thường được sử dụng để đánh giá trình độ phát triển kinh tế, xã hội của một châu, huyện. Nếu so sánh giữa các châu, qua bảng 2 chúng ta có thể thấy rõ sự khác nhau về số lượng làng của từng châu. Nhìn chung, các châu An Nam, Ái Châu, Hoan Châu có ít nhất hai mươi làng, trong khi các châu như Phúc Lộc, Trường Châu chỉ có hai đến năm làng. Điều này cho thấy sự phân bố dân số cũng như sự phát triển không đồng đều về kinh tế, xã hội giữa các châu. Cụ thể hơn, châu An Nam, Ái Châu, Hoan Châu có sự tập trung dân số và đời sống kinh tế, xã hội cao hơn các châu Phúc Lộc, Phong Châu và Trường Châu. Tương tự như vậy, các huyện có số lượng làng lớn hơn được dự đoán có sự phát triển hơn về kinh tế, xã hội, đó là các huyện như Giao Chỉ, Tống Bình, Cửu Chân và An Thuận. Qua số liệu bảng 2 và 3, chúng ta có thể thấy An Nam có tới bốn huyện với số lượng làng lớn nhất (Chu Diên 9, Long Biên 9, Giao Chỉ 12, Tống Bình 10), có thể dự đoán đây là khu vực tập trung dân cư và phát triển nhất của Việt Nam thời kì này. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và đáng tin cậy vì như chúng ta biết Giao Chỉ là trung tâm của Việt Nam thời kì đó và khu vực này trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam luôn là thủ đô hoặc trung tâm lớn trong cả nước.
3.2. Phân loại làng của Việt Nam
Các sách cổ sử của Trung Quốc thường căn cứ vào dân số của làng, huyện, châu để phân loại chúng thành nhóm lớn, trung bình hoặc nhỏ. Sự phân loại này rất có ích cho bộ máy chính quyền trong việc quản lí và thu thuế. Vì thế chúng ta có thể sử dụng những thông tin phân loại này để dự đoán về dân số của từng làng, huyện hoặc châu. Số 58 cung cấp đầy đủ thông tin về phân loại làng của Việt Nam, thường được ghi chép không đầy đủ, rời rạc trong các sách sử trước đây, vì thế nó có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu dân số, cũng như trình độ phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam thời kì này. Thông tin phân loại được tổng kết trong bảng 4 (tham khảo Phụ lục), với L là nhóm lớn, M là nhóm trung bình, LM là nhóm trung bình nhỏ, S là nhóm nhỏ.
Sách Đường hội yếu có ghi quy định phân loại làng như sau: “(i) đối với các châu vùng biên, châu có hơn 30.000 hộ là thuộc nhóm lớn, hơn 20.000 hộ thuộc nhóm trung bình; (ii) đối với những châu cách thủ đô 500 lí và các huyện vùng biên, huyện có nhiều hơn 5.000 hộ là lớn, hơn 2.000 hộ là trung bình, hơn 1.000 hộ là nhỏ.” Căn cứ vào quy định đó, Việt Nam có bảy châu nhỏ, ước tính có ít hơn 140.000 hộ. Ngoài ra, Việt Nam có năm huyện lớn, sáu huyện trung bình, sáu huyện trung bình nhỏ, mười sáu huyện nhỏ, nên dân số lại lớn hơn 43.000 hộ. Như vậy, có thể dự đoán dân số Việt Nam thời nhà Đường khoảng từ 43.000 đến 140.000 hộ.
Qua bảng 4, chúng ta cũng có thể dự đoán tương quan phân bố dân số giữa các châu, huyện. Kết quả cho thấy An Nam có nhiều huyện thuộc nhóm lớn và trung bình, trong khi các châu khác có nhiều huyện thuộc nhóm trung bình nhỏ và nhỏ. Điều này một lần nữa khẳng định dự đoán ở trên, đó là An Nam là khu vực tập trung đông dân số và có trình độ phát triển kinh tế, xã hội cao nhất.
3.3. Số tiền vốn công của Việt Nam
“Công giải bổn tiền 公廨本錢”, hay “tiền vốn công”, là số tiền do các châu, huyện dành ra để cho vay nặng lãi hay kinh doanh, số tiền lãi được dùng để chi trả cho những khoản chi công (như ăn uống…), trả tiền lương bổng hàng tháng cho quan lại và các mục đích khác tuỳ theo thời điểm trong lịch sử nhà Đường 1. Đã có rất nhiều sách nhắc đến chế độ tiền vốn công này của nhà Đường và chỉ có Tân Đường thư ghi lại quy định về số tiền vốn công mà các châu, huyện cần cống nạp cho chính quyền nhà Đường. Số 58, hơn tất cả các tư liệu trước đó, cung cấp cho chúng ta số liệu chính xác về số tiền vốn công mà từng châu, huyện, thậm chí từng làng cần cống nạp. Với dữ liệu quý giá này, chúng ta có điều kiện nghiên cứu kĩ hơn về chế độ tiền vốn công, chế độ kinh tế nhà Đường, cũng như tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam thời kì này. Chúng tôi tổng kết số tiền vốn công từng làng, huyện, châu của Việt Nam cần cống nạp cũng như số tiền quy định ở bảng 5 (tham khảo Phụ lục) để độc giả dễ theo dõi.
Bảng 5 cho thấy, trong đa số trường hợp, làng/huyện càng lớn thì số tiền vốn công cần nộp càng nhiều và số tiền các châu, làng Việt Nam phải đóng đều khác so với quy định và đa số là thấp hơn quy định khá nhiều. Số tiền vốn công của toàn Việt Nam khá ít cho thấy sự không đồng đều về phát triển kinh tế của Việt Nam và các đơn vị hành chính cùng cấp khác của nhà Đường. Trong phạm vi Việt Nam chúng ta cũng thấy rõ sự khác biệt về số tiền cần cống nạp của các châu, làng. Điều này càng làm chúng ta thấy rõ ràng hơn sự phát triển không đồng đều về kinh tế giữa các châu, làng của Việt Nam. Và kết luận này một lần nữa phù hợp với kết quả thể hiện qua số lượng làng, phân loại làng của Việt Nam vừa nêu.
___________ 1. Tham khảo [Trung] Trịnh Thiên Đĩnh, Trung Quốc lịch sử đại từ điển, NXB Thượng Hải từ thư, Thượng Hải, 2000.
4. Kết luận
Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng giới thiệu đến bạn đọc những tư liệu Đôn Hoàng có liên quan đến Việt Nam và bước đầu tiến hành khai thác một trong các tư liệu đó vào việc nghiên cứu tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam thời kì thuộc Đường. Kết quả tìm kiếm và nghiên cứu cho thấy, số 58 cung cấp những thông tin cụ thể, ít được giới thiệu trước đây về số lượng và phân loại làng của từng châu, huyện của Việt Nam cũng như thông tin về số vốn công mà các châu, huyện, làng này cần cống nạp cho chính quyền.
Các thông tin về số lượng làng, phân loại làng, số tiền vốn công dựng lên một bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam thời thuộc Đường. Giữa các châu, huyện của Việt Nam tồn tại sự phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều rất rõ nét thể hiện ở sự tập trung dân số, số tiền cần cống nộp,… Có thể thấy, Giao Chỉ và các huyện lân cận là khu vực phát triển nhất Việt Nam thời kì này với số làng thuộc nhóm lớn chiếm đa số và số tiền cần cống nộp lớn. Kết quả nghiên cứu đã có những đóng góp nhất định và bổ sung vào quá trình nghiên cứu lịch sử, kinh tế, xã hội Việt Nam trong thời kì này.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. [Trung] Trịnh Thiên Đĩnh, Trung Quốc lịch sử đại từ điển, NXB Từ thư Thượng Hải, Thượng Hải, 2000.
2. [Trung] Vũ Điền Hanh, Đôn Hoàng di thư, Tân Văn Phong, Đài Bắc, 1985.
3. [Trung] Vương Trọng Lạc – Trịnh Nghi Tú, Đôn Hoàng thạch thất địa chí tàn quyển khảo thích, NXB Cổ tịch Thượng Hải, Trung Hoa học thuật tùng thư, Thượng Hải, 1993.
4. [Trung] Trịnh Bỉnh Lâm, Đôn Hoàng địa lí văn thư hội tập hiệu chú, NXB Giáo dục Cam Túc, Lan Châu.
5. [Trung] Chu Lôi, Đôn Hoàng Thổ Lỗ Phiên văn thư luận tùng, NXB Nhân dân Cam Túc, Lan Châu, 2000.
6. [Trung] Đường Canh Ngẫu – Lục Hoành Cơ, Đôn Hoàng xã hội kinh tế văn hiến chân tích thích lục quyển 1, NXB Thư mục văn hiến, Bắc Kinh, 1986.
7. [Trung] Phòng Biên tập Viện nghiên cứu Đôn Hoàng, Tạp chí Nghiên cứu Đôn Hoàng, Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng, Lan Châu.
8. [Trung] Vương Phổ, Đường hội yếu, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1955.
9. [Trung] Trịnh A Tài – Chu Phượng Ngọc, Đôn Hoàng học nghiên cứu luận chứ mục lục: 1908-1997, Trung tâm Nghiên cứu Hán học, Đài Bắc, 2000.
10. [Trung] Trịnh A Tài – Chu Phượng Ngọc, Đôn Hoàng học nghiên cứu luận chứ mục lục: 1998-2005, Lạc Học, Đài Bắc, 2006.
11. [Trung] Thư viện Thượng Hải, NXB Cổ tịch Thượng Hải, Những tư liệu Đôn Hoàng Tây Vực tại thư viện quốc gia Pháp. Thượng Hải, Thượng Hải cổ tịch, 1994.
12. [Trung] Thư viện Thượng Hải, NXB Cổ tịch Thượng Hải, Những tư liệu Đôn Hoàng Thổ Lỗ Phiên tại thư viện Thượng Hải, Thượng Hải cổ tịch, Thượng Hải, 1999.
13. [Trung] Trung tâm Nghiên cứu cổ sử Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, Tuyển tập Nghiên cứu tư liệu Đôn Hoàng Thổ Lỗ Phiên, Trung Hoa xuất bản, Tân Hoa phát hành, Bắc Kinh, 1982.
14. [Trung] Phùng Chí Văn – Dương Tế Bình (chủ biên), Trung Quốc Đôn Hoàng bách niên văn khố, NXB Văn hoá Cam Túc, Lan Châu, 1999.
15. [Trung] Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng, Đôn Hoàng di thư tổng mục sách dẫn tân biên, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2000.
16. [Trung] Viện Nghiên cứu Đông Phương Saint Petersburg Viện Khoa học Nga, Phòng Văn học Đông phương Nhà xuất bản Khoa học Nga, NXB cổ tịch Thượng Hải, Những tư liệu Đôn Hoàng tại Viện Nghiên cứu Đông Phương Saint Petersburg Viện Khoa học Nga, Thượng Hải cổ tịch, Thượng Hải, 1992-1994.
17. [Trung] Viện Nghiên cứu Lịch sử Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Anh tàng Đôn Hoàng văn hiến, Hán văn Phật giáo dĩ ngoại bộ phận, NXB Nhân dân Tứ Xuyên, Tân Hoa phát hành, Thành Đô, 1990.
18. [Trung] Viện Nghiên cứu Văn hoá Trung Quốc, Thuỷ lợi cổ đại Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Văn hoá Trung Quốc, Hồng Kông, 2013. (http://hk.chiculture.net/0808/html/a06/ b18/0808b18b.html).
19. [Trung] Hoàng Vĩnh Vũ, Đôn Hoàng bảo tàng, 135 tập, Tân Văn Phong, Đài Bắc, 1981.
20. [Trung] Hoàng Vĩnh Vũ, Đông Hoàng tùng san sơ tập, 15 tập, Tân Văn Phong, Đài Bắc, 1985.
21. [Trung] Hoàng Vĩnh Vũ, Đôn Hoàng di thư mục lục mới nhất, Tân Văn Phong, Đài Bắc, 1986.
PHỤ LỤC
Các bảng biểu trong bài viết “Bước đầu khai thác thư tịch Đôn Hoàng vào nghiên cứu lịch sử, xã hội Việt Nam”.
phu-luc-cac-bang-bieu-thu-tich-don-hoangTừ khóa » đôn Hoàng Di Thư
-
Thư Viện Đôn Hoàng, Phát Hiện Vĩ đại Của Trung Hoa - Travellive
-
Tự điển - đôn Hoàng Thạch Thất Di Thư - .vn
-
Đôn Hoàng - Di Sản Thế Giới Trên Con đường Tơ Lụa - Báo Lao Động
-
Mạc Cao - Đôn Hoàng: Thạch động Phật Tích Qua Nghìn Năm Dâu Bể ...
-
Đôn Hoàng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đôn Hoàng (chiêu Thu) | Shopee Việt Nam
-
Dựa Vào Lặn Thượng Vị-Đôn Hoàng Di Thư | Chương 61 - Hố Truyện
-
Sử Thi Bằng Tranh Trên Hang đá Đôn Hoàng, Trung Quốc
-
Phần 2 BÍCH HOẠ ĐÔN HOÀNG Nguồn : Internet Trong ... - Facebook
-
NGHỆ THUẬT BÍCH HỌA ĐÔN HOÀNG
-
Chân Trời Tìm Pháp: Cô Thủ Đôn Hoàng | Nguyên Thần Bất Diệt
-
Đôn Hoàng Với Những Kho Báu Vô Giá Bị Bỏ Quên - Tây Ninh Plus
-
Vài Nét Về Một Thế Kỷ “đôn Hoàng Học”
-
Tìm Lại Giấc Mơ Đôn Hoàng (P.1): Khởi Nguồn Của Lịch Sử Và ước Mơ