VÀI NÉT VỀ MỘT THẾ KỶ “ĐÔN HOÀNG HỌC” PHAN VĂN CÁC Viện Nghiên cứu Hán Nôm Đôn Hoàng vốn là địa danh, là một trong những cứ điểm quan trọng đầu Đông của “con đường tơ lụa”. Thời Hán là đất của quận Đôn Hoàng, thời cổ là Qua châu, vốn là đất của người Nhung tộc Nhục Chi, nhà Hậu Ngụy đặt lại là Qua châu, nay là huyện Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc. Trước Đường, các triều đại Tiền Lương, Hậu Lương, Bắc Lương, Hậu Ngụy đều đã từng chiếm đóng đất ấy. Sau loạn An-Sử, vào niên hiệu Kiến Trung đã rơi vào tay Thổ Phồn, thời Tống nhập vào Tây Hạ, thời Nguyễn là lị sở của lộ Sa Châu, thời Minh đặt Sa châu vệ, thời Thanh đổi thành huyện Đôn Hoàng, là An Tây phủ trị, sau bỏ phủ, thuộc châu An Tây Cam Túc, đầu Dân Quốc thuộc đạo An Túc, Cam Túc, nay là huyện Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc. “Đôn Hoàng học” là thuật ngữ do học giả cận đại Trần Dần Khác nêu ra trong Đôn Hoàng kiếp dư lục tự của ông. Do chỗ người ta phát hiện được trongg các hang đá Đôn Hoàng một khối lượng đồ sộ các tác phẩm và tài liệu viết tay cùng các tranh vẽ sau này được coi lầ sử liệu quý giá về thời Trung cổ, lại thêm có nhiều chữ viết cổ của vùng Tây vực vốn đã chết nay được tìm thấy và dần dần được giải mã, đem lại nhiều hiểu biết mới cho nhân loại, nên Đôn Hoàng học dần dần trở thành một môn học thời thượng sang trọng. Tiếp sau văn tự giáp cốt Ân Khư được phát hiện năm 1898, thì đến năm 1900 (Quang Tự 26), người ta lại tìm thấy kho báu thạch thất với nội dung cực kỳ phong phú trong đó kinh Phật chiếm đại bộ phận, ngoài ra là kinh điển Nho, Đạo, văn kiện nhà nước và tư nhân, cùng với chư tử, sử tịch, vận thư, độ điệp, khế ước, lịch biểu, thơ phú, tiểu thuyết v.v.. cũng không ít, tính chung số quyển trục đã có trên ba vạn quyển (chạy sang Liên Xô cũ hơn một vạn quyển trục). Theo La Chấn Ngọc (đầu thời Dân Quốc) trong lời tựa của Đôn Hoàng tương lai tàng kinh mục lục thì “một phần lớn đi sang Anh, Pháp, một phần nữa đi sang Nhật Bản, Trung Quốc vét số còn lại, còn được mấy ngàn quyển”. Thoạt đầu số tài liệu được cất giữ ở Anh và Pháp đều được hai nước này giấu kín, mãi về sau học giả Nhật là Tiến sĩ Thú Dã Trục Hỉ sau khi Âu du gửi được một bản sao mục lục cho học giả Trung Quốc, thì người Trung Quốc mới bắt đầu biết được nội dung của các tài liệu ấy. Tác phẩm “Đôn Hoàng học” sớm nhất của học giả Trung Quốc (bao gồm mục lục, tập dật, đồ giải, bình luận, chuyên khảo v.v..) là Đôn Hoàng thạch thất chân tích lục của Vương Nhân Tuấn (bản in đá năm đầu Tuyên Thống, 1909). Sau đó lần lượt có Sa châu thạch thất văn tự ký của Tào Nguyên Trung, Minh Sa thạch thất dật thư 16 tập (1913), Cổ tịch tùng ta tàn 30 quyển (1916) và Trinh Tùng đường Tây Hùng bí tịch tùng tàn 3 tập đều của La Chấn Ngọc, rồi đến Sa châu văn lục 1 quyển của Tưởng Phủ Chi, Bổ di của La Phúc Thành (1924), Đôn Hoàng xuyết tỏa của Lưu Phục Chi (1925), Đôn Hoàng kiếp dư lục của Vương Quốc Duy, Đôn Hoàng chư thư bạt văn của La Chấn Ngọc, Đôn Hoàng kỉ niệm của Đổng Tác Tân, Đôn Hoàng bản Duy ma cật kinh Văn Thù vấn tật phẩm diễn nghĩa bạt và Đường Phạn phiên đối tự âm Bát nhã la mật da tâm kinh bạt của Trần Dần Khác, Đường tả bản Kinh điển thích văn tàn quyển ngũ chủng bạt của La Thường Bồi… Muộn hơn nữa thì có Đôn Hoàng bản Vương Lăng Đổng Vĩnh biến văn bạt cập Đôn Hoàng bản lịch nhật chi nghiên cứu của Vương Trọng Dân, Đôn Hoàng Ngũ đại Phật động chi nhất ngung của Thạch Chương Như, Ngô Kiến Hành nhị niên sách đam tả bản Đạo đức kinh tàn quyển khảo chứng của Nhiêu Tông Di… Nhìn chung, cống hiến của văn hiến và văn vật Đôn Hoàng cho việc nghiên cứu lịch sử văn hoá Hoa Hạ là rất lớn. “Văn hiến” Đôn Hoàng là chỉ các quyển trục bản viết và bản khắc tìm thấy ở Đôn Hoàng thạch thất, còn “văn vật” chỉ số ít bia khắc hiện còn cùng với một khối lượng lớn các đề danh (bao gồm cả quan tước, tản hàm, quê quán của các người cúng dàng trên các bích hoạ Đường, Ngũ đại và Tống. Ngoài ra có một số thể tre thời Hán Tấn và gạch nền ở hang đời Đường số lượng rất ít nhưng giá trị rất cao. Cống hiến có thể chia ra 5 mặt: 1. Giúp hiểu rõ hơn tình hình địa lý và bố trí quân sự của Tây vực ở thời Hán; 2. Bổ sung sử liệu mới về lịch sử quan hệ Trung Quốc với phương Tây. 3. Bổ sung những hiện vật cho lịch sử nghệ thuật Trung Quốc từ Bắc triều qua Tuỳ, Đường, Ngũ đại, Tống cho đến Nguyên. 4. Thêm nhiều sử liệu mới cho các tôn giáo Phật, Đạo, Mani. 5. Bổ sung những chương riêng và làm phong phú nội dung lịch sử văn hoá Trung Quốc và văn hoá dân gian Trung Quốc. Trở lên trên là một trong hai trọng điểm của nội hàm “Đôn Hoàng học” tức là nghiên cứu các văn thư tìm thấy ở các hang đó. Còn một trọng điểm thứ hai là tìm hiểu mĩ thuật hang đá tại chỗ. Không kể các văn vật ở các hang đá Đôn Hoàng đã lưu lạc sang các nước Âu, Mĩ, Nhật, Ấn, chỉ riêng số phẩm vật còn lại tại chỗ cũng đá là một số lượng khổng lồ. Không kể hang Du Lâm, hang Mạc Cao, Đôn Hoàng đã có 429 động quật, tượng Phật hiện còn 12.208 pho, tranh thuyết pháp 933 bức; tranh chuyện với nội dung khác nhau 54 loại, 161 bức; tranh vẽ của Jataka 23 bức (tác phẩm thuộc Bắc triều 16 bức); bích họa càng phong phú lạ thường. Các động quật này có 6 bộ phận bao hàm tác phẩm của mấy thời đại. Có giá trị nổi bật như hang Đường 130, có tượng Di Lặc cao 26 mét, thường gọi là Nam đại tượng, vách bắc có tranh vẽ vợ chồng Tấn Xương Thái thú Mặc Li Quân, hang 96 có Bắc đại tượng cao 33 mét; hang 285 là Tây Ngụy đại thống thiền quật, trong đó có tượng Ganesa; hang 156 có tranh Trương Nghị Triều và Tống quốc phu nhân xuất hành; hang 68 có tượng công chúa Vu Điền và tranh Ngũ Đài sơn; hang 98 do họ Tào tạo dựng có ba trăm bức bích họa lớn nhỏ, 42 tấm tranh bình phong, 163 mục đề ký rất bổ ích cho việc khảo chứng các sự kiện thuộc Ngũ đại sử. Gần đây có nhiều tác phẩm mang tính tổng kết như Mạc Cao quật niên biểu của Khương Lượng Phu, Cổ đại tả bản thức ngũ tập lục của Trì Điền Ôn… là những công trình quy mô đồ sộ. Việc nghiên cứu Đôn Hoàng thời đầu nhà Thanh, do chỗ tư liệu bị người ta lũng đoạn, các quyển kinh cất giữ ở thủ đô Anh, Pháp không dễ lưu thông, nên hầu như đã trở thành đặc quyền đặc lợi của một số người. Bây giờ thì các quyển Phật điển kiếp dư của Bắc Kinh cũng đã micro phim hóa. Việc ấn hành Đôn Hoàng bảo tạng tuy chế bản không được lý tưởng lắm, song đã tiện cho người tra cứu. Tàn quyển ở thủ đô Nga chưa chính thức công bố, đã có người chụp ảnh. Ở thủ đô Anh, Stein đã đánh số đến 6.980 rồi dừng lại, ngoài ra còn hơn 4.000 tàn phiến. Đã có một dự án tập hợp toàn bộ kinh quyển đang phân tán ở Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Ấn Độ lại, thành Đôn Hoàng văn hiến tập thành, khi đó thì “Đôn Hoàng học” sẽ được thuận lợi hơn nhiều. Tài liệu tham khảo 1. Nhiêu Tông Di, Đôn Hoàng nghiên cứu nghiệp tiền kết cập kỳ phát triển phương hướng, Trung Hoa thư cục, 1992. 2. Tô Oanh Huy, Tùng Đôn Hoàng văn hiến văn vật nghiên cứu Hoa Hạ văn hoá sử đích hồi cố dữ tiền chiêm, Trung Hoa thư cục, 1992. Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.45-49) |