Bút Ký: Lớp Đệ Thất Đầu Tiên ...(18-12-06)

Trang Chính Hình Ảnh Hộp Thư Truyện Thật Ngắn Bút Ký Thơ Góp Nhặt Sức Khỏe và Gia Đình Gia Chánh Tin Tức SK Nghệ Thuật Cùng Tác Giả

                                                                   LỚP ĐỆ THẤT ĐẦU TIÊN

                                                                             Dương Văn Chung

Năm 1950, không nhớ rõ tháng mấy.

Suốt  mấy ngày học sinh tụ tập rất đông ngoài rào cũng như trong sân trường Nam Tiểu Học tỉnh lỵ Châu Đốc để trông ngóng kết quả cuộc thi tuyển vào vào lớp Đệ Thất Trường Trung Học Châu Đốc.

Tin tức từ phòng chấm thi từng lúc được loan truyền: đang rọc phách…, đang chấm bài…, đang chấm lại…, đang ráp phách…, đang họp hội đồng…, đang lên danh sách…, đang kiểm tra lần cuối.

Cuối cùng, sự mong đợi đã đến. Ngày nọ, khoảng 3 giờ chiều, kết quả được công bố. Tôi được trúng tuyển vào lớp Đệ Thất đầu tiên của Trường Trung Học Châu Đốc. Gọi là “đầu tiên”, vì trước đó nền giáo dục tại Việt Nam đều dạy theo chương trinh Pháp, xem nặng Pháp văn, bảng tên lớp cũng ghi bằng chữ Pháp, như ở bậc tiểu học có Cours Enfantin (lớp Đồng Ấu hay lớp Năm), Cours Preparatoire (lớp Dự Bị hay là lớp Tư), Cours Elémentaire (lớp Sơ Đẳng hay lớp Ba), Cours Moyen (lớp Trung Đẳng hay lớp Nhì), Cours Supérieur (lớp Cao Đẳng hay lớp Nhứt), Cours Certifié (lớp Tiếp Liên). Ở bậc trung học có lớp Première Année (Năm thứ Nhứt), Deuxième Année (Năm thứ Hai)…Về chứng chỉ và văn bằng, học hết lớp Ba tiểu học phải thi để lấy chứng chỉ Sơ Đẳng Tiểu Học. Trong kỳ thi đó, nếu ai đậu thêm bài thi Pháp văn thì trên chứng chỉ ghi có “mention” (avec mention). Cuối lớp Nhứt tiểu học thi lấy chứng chỉ Tiểu Học Bổ Túc Đông Dương (Certificat D’Etude Primaire Complémentaire Indochinois, viết tắt là C.E.P.C.I.), có viết chánh tả và trả lời câu hỏi bằng Pháp văn. Ở bậc trung học, cuối năm thứ Tư thi lấy bằng Brevet du Premier Cycle ( Trung Học Đệ Nhứt Cấp) hoặc Diplôme (Bằng Thành Chung). Cuối bậc trung học, thi lấy bằng Tú Tài I và II (Baccalauréat). Ai đậu  chứng chỉ C.E.P.C.I. có thể ra làm giáo viên hoặc thư ký rồi. Rất ít người đậu bằng Brevet hoặc Diplôme, đừng nói chi đến Baccalauréat, càng hiếm hoi hơn.

Bắt đầu từ niên học 1950/51, tôi thi vào trung học, chương trinh giáo dục Việt Nam được “chuyển ngữ” thành Việt ngữ, mặc dầu trong các kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp (Thay cho bằng Brevet và Diplôme) và Tú Tài (thay cho Baccalauréat),  Pháp văn và Anh văn vẫn còn được xem trọng, thi vừa viết, vừa vấn đáp.

Một thực tế hơi phũ phàng là rất nhiều người xem nhẹ chương trình Việt. Bao nhiêu năm sống dưới sự đô hộ của người Pháp, cái gì cũng của Tây, xài xe của Tây, đi Tây học, ở nhà Tây, nói tiếng Tây…Cái gì của Tây cũng tốt hơn của ta. Đó là chuyện hết sức bình thường, không có gì đáng chê trách. Buổi giao thời lúc vừa chuyển qua chương trình Việt, nhiều người giàu có cho con đi Sài Gòn hoặc Đà Lạt tiếp tục học chương trinh Pháp. Con nhà nghèo có phương tiện đâu mà đi, thôi đành ngâm những câu an ủi “ ta về ta tắm ao ta”, “chỗ quê hương đẹp hơn cả ”.

Bậc phụ huynh cũng  có lý khi chịu tốn kém cho con đi xa tiếp tục học chương trình Pháp, vì bước đầu, sách giáo khoa bằng Việt ngữ rất hiếm hoi và không hoàn chỉnh, quý thầy cô giáo phải tự dịch bài từ tiếng Pháp ra, thiếu giáo viên trầm trọng. Quý thầy cô giáo tốt nghiệp sư phạm, đang dạy tiểu học như Bà Nguyễn Thị Mót, Thầy Châu Văn Đồng, Thầy Thái Văn Thân, Thầy Phan Cao Nhựt…v.v. được mời lên dạy lớp đệ Thất, Đệ Lục. Quý vị là những ân sư khai trí cho chúng tôi trong những năm đầu học trung học.

Ông Hiệu Trưởng đầu tiên của tôi ở bậc Trung học là Ông Đốc Phạm Ngọc Đa. Lúc bấy giờ Thầy Đa là Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Việt Nam, Thầy đã xây Bạch Vân Tịnh xá trên triền núi Sam để tôn trí một tượng  Đức Phật Thích Ca, có lẽ lúc Ngài còn tu khổ hạnh, người rất khô gầy, đang tọa thiền. Thầy Đa là một trong những vị đã sang Ấn Độ để cung thỉnh một cây bồ đề nhỏ, con  của cây bồ đề mẹ mà Đức Phật đã ngồi dưới gốc nhập định bốn mươi chín ngày rồi thành đạo. Trong lúc chờ đợi xây cất Bồ Đề Đạo Tràng, cây bồ đề nhỏ đó tạm để trong rào nhà Thầy Đa (đối diện với Trường Nam Tiểu Học Châu Đốc) thì bị người ta ban đêm lẻn vào chặt ngang. Thầy Phạm Ngọc Đa, Thầy Châu Văn Đồng, Thầy Lê Quang Điện và một số vị khác đã khổ công vun dưỡng lại cây bồ đề trước khi dời đến trồng tại Bồ Đề Đạo Tràng. Mới nhập học lớp Đệ Thất tôi đã có dịp đọc một bài thơ Đường luật, thất ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu bảy chữ) của Thầy Phạm Ngọc Đa, bút hiệu Bạch Liên, khuyên mọi người tu hành, tôi quên mất sáu câu đầu, chỉ còn nhớ hai câu kết luận :

                                    Bao nhiêu danh lợi bao nhiêu mộng

                                    Một kiếp tu hành một kiếp chơn.

Tôi còn nhớ trường Trung học Châu Đốc có hai lớp Đệ Thất đầu tiên. Trường “ở nhờ” một dãy lớp của Trường Nam Tiểu học Châu Đốc, ngoài cổng bước vào, về phía trái. Căn đầu tiên là văn phòng, có treo cái trống chầu trước cửa dùng để báo giờ vào học, giờ chơi và giờ về. Kế đến là các lớp học theo chương trinh Pháp, rồi đến hai lớp đệ Thất chương trinh Việt. Trước dãy lớp học là sân quần vợt tráng xi măng để quý thầy đánh trong những ngày giờ nghỉ. Bên kia sân quần vợt là cây phượng vĩ, tàn lớn, hoa nở đỏ rực vào mùa hè.

Học sinh chưa có đồng phục, có gì mặc nấy, miễn là kín đáo, gọn gàng, kẻ đi giày dép, người đi guốc. Thỉnh thoảng có nam sinh mặc đồ bà ba trắng, đội nón cối đánh phấn trắng như học trò xưa, đi guốc dong. Nữ sinh thường để tóc dài kẹp hoặc để xõa phủ lưng. Có người xài cặp da, có người xài cặp đan bằng lá bàng gọi là cặp đệm. Mực tím đựng bình với ngòi viết lá tre và ngòi viết rong vẫn còn thông dụng, thỉnh thoảng có người xài viết máy hiệu Kalo, chưa thấy có viết nguyên tử.

Thời gian qua nhanh quá, tính từ lúc nhập học lớp Đệ Thất đến nay đã năm mươi sáu  năm rồi, tôi không còn nhớ rõ Trường Trung học Châu Đốc đổi thành Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa từ bao giờ. Có người nói từ năm 1954, nhưng tôi nhớ hình như sớm hơn, lúc tôi học lớp Đệ Lục (1951/52) hoặc lớp Đệ Ngũ (1952/53), Thầy Ng.Gia Thi dạy nhạc đã đặt bản nhạc “Thủ Khoa Nghĩa” rồi. Trong bản nhạc đó có câu “Thủ Khoa Nghĩa, Thủ Khoa Nghĩa muôn năm ! ”.

Cuối năm Đệ Tứ (niên khóa 1953/54), chúng tôi đi Cần Thơ thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp tại Trường Trung Học Phan Thanh Giản.

Học hết lớp Đệ Tam Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa chưa mở được lớp Đệ Nhị, chúng tôi đành ngậm ngùi tạm biệt ngôi trường cũ, mỗi người một ngả để tìm trường khác tiếp tục việc học.

Hơn nửa thế kỷ nhìn lại, những hình ảnh thân thương hiện về, khi tỏ khi mờ, vì đầu óc  của một người “thất thập cổ lai hi” khi nhớ khi quên. Ngày nay trường Thủ Khoa Nghĩa đã xây cất lại ở một địa điểm mới, to lớn đẹp đẽ hơn, nhưng tôi vẫn luyến nhớ ngôi trường cũ như Bà Huyện Thanh Quan nhớ Thăng Long Thành:

                                    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

                                    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Và tình thầy trò, tình đồng môn không hề lạt phai, giống như “Thủ Khoa Nghĩa , Thủ Khoa Nghĩa muôn năm”.

Trang Chính Hình Ảnh Hộp Thư Truyện Thật Ngắn Bút Ký Thơ Góp Nhặt Sức Khỏe và Gia Đình Gia Chánh Tin Tức SK Nghệ Thuật Cùng Tác Giả

Từ khóa » đệ Lục Là Lớp Mấy