Lớp đệ Thất Là Lớp Mấy - Kinh Nghiệm Trader

                                                                   LỚP ĐỆ THẤT ĐẦU TIÊN

Nội dung chính Show
  • 1. Các cấp bậc
  • 2. Các kỳ thi
  • 3. Thi cử tại Mỹ & Việt Nam
  • 4. Bonus vui: Một đứa đi thi, cả nhà mệt nghỉ!
  • 5. Rồi từ đó mỗi kẻ một nơi!
  • Video liên quan

                                                                             Dương Văn Chung

Năm 1950, không nhớ rõ tháng mấy.

Suốt  mấy ngày học sinh tụ tập rất đông ngoài rào cũng như trong sân trường Nam Tiểu Học tỉnh lỵ Châu Đốc để trông ngóng kết quả cuộc thi tuyển vào vào lớp Đệ Thất Trường Trung Học Châu Đốc.

Tin tức từ phòng chấm thi từng lúc được loan truyền: đang rọc phách…, đang chấm bài…, đang chấm lại…, đang ráp phách…, đang họp hội đồng…, đang lên danh sách…, đang kiểm tra lần cuối.

Cuối cùng, sự mong đợi đã đến. Ngày nọ, khoảng 3 giờ chiều, kết quả được công bố. Tôi được trúng tuyển vào lớp Đệ Thất đầu tiên của Trường Trung Học Châu Đốc. Gọi là “đầu tiên”, vì trước đó nền giáo dục tại Việt Nam đều dạy theo chương trinh Pháp, xem nặng Pháp văn, bảng tên lớp cũng ghi bằng chữ Pháp, như ở bậc tiểu học có Cours Enfantin (lớp Đồng Ấu hay lớp Năm), Cours Preparatoire (lớp Dự Bị hay là lớp Tư), Cours Elémentaire (lớp Sơ Đẳng hay lớp Ba), Cours Moyen (lớp Trung Đẳng hay lớp Nhì), Cours Supérieur (lớp Cao Đẳng hay lớp Nhứt), Cours Certifié (lớp Tiếp Liên). Ở bậc trung học có lớp Première Année (Năm thứ Nhứt), Deuxième Année (Năm thứ Hai)…Về chứng chỉ và văn bằng, học hết lớp Ba tiểu học phải thi để lấy chứng chỉ Sơ Đẳng Tiểu Học. Trong kỳ thi đó, nếu ai đậu thêm bài thi Pháp văn thì trên chứng chỉ ghi có “mention” (avec mention). Cuối lớp Nhứt tiểu học thi lấy chứng chỉ Tiểu Học Bổ Túc Đông Dương (Certificat D’Etude Primaire Complémentaire Indochinois, viết tắt là C.E.P.C.I.), có viết chánh tả và trả lời câu hỏi bằng Pháp văn. Ở bậc trung học, cuối năm thứ Tư thi lấy bằng Brevet du Premier Cycle ( Trung Học Đệ Nhứt Cấp) hoặc Diplôme (Bằng Thành Chung). Cuối bậc trung học, thi lấy bằng Tú Tài I và II (Baccalauréat). Ai đậu  chứng chỉ C.E.P.C.I. có thể ra làm giáo viên hoặc thư ký rồi. Rất ít người đậu bằng Brevet hoặc Diplôme, đừng nói chi đến Baccalauréat, càng hiếm hoi hơn.

Bắt đầu từ niên học 1950/51, tôi thi vào trung học, chương trinh giáo dục Việt Nam được “chuyển ngữ” thành Việt ngữ, mặc dầu trong các kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp (Thay cho bằng Brevet và Diplôme) và Tú Tài (thay cho Baccalauréat),  Pháp văn và Anh văn vẫn còn được xem trọng, thi vừa viết, vừa vấn đáp.

Một thực tế hơi phũ phàng là rất nhiều người xem nhẹ chương trình Việt. Bao nhiêu năm sống dưới sự đô hộ của người Pháp, cái gì cũng của Tây, xài xe của Tây, đi Tây học, ở nhà Tây, nói tiếng Tây…Cái gì của Tây cũng tốt hơn của ta. Đó là chuyện hết sức bình thường, không có gì đáng chê trách. Buổi giao thời lúc vừa chuyển qua chương trình Việt, nhiều người giàu có cho con đi Sài Gòn hoặc Đà Lạt tiếp tục học chương trinh Pháp. Con nhà nghèo có phương tiện đâu mà đi, thôi đành ngâm những câu an ủi “ ta về ta tắm ao ta”, “chỗ quê hương đẹp hơn cả ”.

Bậc phụ huynh cũng  có lý khi chịu tốn kém cho con đi xa tiếp tục học chương trình Pháp, vì bước đầu, sách giáo khoa bằng Việt ngữ rất hiếm hoi và không hoàn chỉnh, quý thầy cô giáo phải tự dịch bài từ tiếng Pháp ra, thiếu giáo viên trầm trọng. Quý thầy cô giáo tốt nghiệp sư phạm, đang dạy tiểu học như Bà Nguyễn Thị Mót, Thầy Châu Văn Đồng, Thầy Thái Văn Thân, Thầy Phan Cao Nhựt…v.v. được mời lên dạy lớp đệ Thất, Đệ Lục. Quý vị là những ân sư khai trí cho chúng tôi trong những năm đầu học trung học.

Ông Hiệu Trưởng đầu tiên của tôi ở bậc Trung học là Ông Đốc Phạm Ngọc Đa. Lúc bấy giờ Thầy Đa là Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Việt Nam, Thầy đã xây Bạch Vân Tịnh xá trên triền núi Sam để tôn trí một tượng  Đức Phật Thích Ca, có lẽ lúc Ngài còn tu khổ hạnh, người rất khô gầy, đang tọa thiền. Thầy Đa là một trong những vị đã sang Ấn Độ để cung thỉnh một cây bồ đề nhỏ, con  của cây bồ đề mẹ mà Đức Phật đã ngồi dưới gốc nhập định bốn mươi chín ngày rồi thành đạo. Trong lúc chờ đợi xây cất Bồ Đề Đạo Tràng, cây bồ đề nhỏ đó tạm để trong rào nhà Thầy Đa (đối diện với Trường Nam Tiểu Học Châu Đốc) thì bị người ta ban đêm lẻn vào chặt ngang. Thầy Phạm Ngọc Đa, Thầy Châu Văn Đồng, Thầy Lê Quang Điện và một số vị khác đã khổ công vun dưỡng lại cây bồ đề trước khi dời đến trồng tại Bồ Đề Đạo Tràng. Mới nhập học lớp Đệ Thất tôi đã có dịp đọc một bài thơ Đường luật, thất ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu bảy chữ) của Thầy Phạm Ngọc Đa, bút hiệu Bạch Liên, khuyên mọi người tu hành, tôi quên mất sáu câu đầu, chỉ còn nhớ hai câu kết luận :

                                    Bao nhiêu danh lợi bao nhiêu mộng

                                    Một kiếp tu hành một kiếp chơn.

Tôi còn nhớ trường Trung học Châu Đốc có hai lớp Đệ Thất đầu tiên. Trường “ở nhờ” một dãy lớp của Trường Nam Tiểu học Châu Đốc, ngoài cổng bước vào, về phía trái. Căn đầu tiên là văn phòng, có treo cái trống chầu trước cửa dùng để báo giờ vào học, giờ chơi và giờ về. Kế đến là các lớp học theo chương trinh Pháp, rồi đến hai lớp đệ Thất chương trinh Việt. Trước dãy lớp học là sân quần vợt tráng xi măng để quý thầy đánh trong những ngày giờ nghỉ. Bên kia sân quần vợt là cây phượng vĩ, tàn lớn, hoa nở đỏ rực vào mùa hè.

Học sinh chưa có đồng phục, có gì mặc nấy, miễn là kín đáo, gọn gàng, kẻ đi giày dép, người đi guốc. Thỉnh thoảng có nam sinh mặc đồ bà ba trắng, đội nón cối đánh phấn trắng như học trò xưa, đi guốc dong. Nữ sinh thường để tóc dài kẹp hoặc để xõa phủ lưng. Có người xài cặp da, có người xài cặp đan bằng lá bàng gọi là cặp đệm. Mực tím đựng bình với ngòi viết lá tre và ngòi viết rong vẫn còn thông dụng, thỉnh thoảng có người xài viết máy hiệu Kalo, chưa thấy có viết nguyên tử.

Thời gian qua nhanh quá, tính từ lúc nhập học lớp Đệ Thất đến nay đã năm mươi sáu  năm rồi, tôi không còn nhớ rõ Trường Trung học Châu Đốc đổi thành Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa từ bao giờ. Có người nói từ năm 1954, nhưng tôi nhớ hình như sớm hơn, lúc tôi học lớp Đệ Lục (1951/52) hoặc lớp Đệ Ngũ (1952/53), Thầy Ng.Gia Thi dạy nhạc đã đặt bản nhạc “Thủ Khoa Nghĩa” rồi. Trong bản nhạc đó có câu “Thủ Khoa Nghĩa, Thủ Khoa Nghĩa muôn năm ! ”.

Cuối năm Đệ Tứ (niên khóa 1953/54), chúng tôi đi Cần Thơ thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp tại Trường Trung Học Phan Thanh Giản.

Học hết lớp Đệ Tam Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa chưa mở được lớp Đệ Nhị, chúng tôi đành ngậm ngùi tạm biệt ngôi trường cũ, mỗi người một ngả để tìm trường khác tiếp tục việc học.

Hơn nửa thế kỷ nhìn lại, những hình ảnh thân thương hiện về, khi tỏ khi mờ, vì đầu óc  của một người “thất thập cổ lai hi” khi nhớ khi quên. Ngày nay trường Thủ Khoa Nghĩa đã xây cất lại ở một địa điểm mới, to lớn đẹp đẽ hơn, nhưng tôi vẫn luyến nhớ ngôi trường cũ như Bà Huyện Thanh Quan nhớ Thăng Long Thành:

                                    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

                                    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Và tình thầy trò, tình đồng môn không hề lạt phai, giống như “Thủ Khoa Nghĩa , Thủ Khoa Nghĩa muôn năm”.

Sang xứ người đã vài thập kỷ, kỷ niệm thời học trò ngày càng lùi dần vào quá khứ. Bất chợt hôm nay có người nhắc lúc này đang là mùa thi cử tốt nghiệp phổ thông bên nhà, bỗng bồi hồi nhớ lại ngày xưa…

Trường Gia Long xưa.

Trước 1975, chương trình giáo dục phổ thông tại miền Nam gồm 12 lớp, chia ra hai bậc: tiểu học và trung học. Bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 (cấp 1 ngày nay). Bậc trung học từ lớp 6 đến lớp 12, lại chia ra làm 2 bậc: trung học đệ nhất cấp (cấp 2) gồm lớp 6, 7, 8, 9; trung học đệ nhị cấp (cấp 3) từ lớp 10 đến lớp 12.

Đó là hệ thống giáo dục do Pháp thiết lập, sau này bàn giao lại cho chính phủ Việt Nam và được Việt hóa, dùng tiếng Việt và sách giáo khoa Việt để giảng dạy và thi cử (sau hội nghị giáo dục toàn quốc 1958).

1. Các cấp bậc

1.1. Bằng tiểu học

Thời bố mẹ tôi còn đi học, thập niên 40, cuối bậc tiểu học có kỳ thi tiểu học, thi đậu thì được cấp bằng tiểu học hay thường gọi bằng tiếng Tây là Certificat (CEPCI – tức là Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise). Những người có Certificat đã có thể kiếm được việc làm “chữ nghĩa” tại văn phòng lĩnh lương khá hậu vào thời ấy.

Sau này thì bằng tiểu học được bãi bỏ, nhưng đến thời anh em tôi cắp sách đến trường vào thập niên 60 thì học sinh hoàn tất bậc tiểu học phải qua một kỳ thi hóc búa hơn: thi tuyển vào các trường trung học công lập. Những kỳ thi này được xem là khó vì số trường trung học công lập do chính phủ lập ra và miễn học phí không đủ phục vụ cho dân số học trò vào lúc đó, nên tỉ lệ đậu vào trường công chỉ độ 62%, riêng đối với những trường “top” chỉ khoảng 10% trúng tuyển, cũng khắt khe như tỉ lệ học sinh Mỹ ngày nay được tuyển vào các trường đại học Ivy League như Harvard, Princeton, Yale, v.v..

Những học sinh không đậu vào trường công phải ghi tên vào các trường tư, đóng học phí tốn kém và trình độ giảng dạy cũng không bằng trường công: thành phần ưu tú đã vào trường công, trường tư nhét nhiều học sinh vào ngồi cùng lớp để giảm chi phí tăng lợi nhuận, nhà trường không kỷ luật gắt gao vì muốn giữ học sinh, v.v..

Học sinh không đậu vào lớp 6 trường công thì vào lớp tiếp liên tại các trường tư hay ở nhà để luyện thêm, năm sau thi tiếp, sau 3 kỳ không được thi nữa. Vì thế học sinh trường công có thể chênh lệch nhau 2 tuổi. Tôi có một bạn ngày xưa học cùng lớp tiểu học, nhưng thi 3 lần mới đậu vào trường công, nên đến khi vào trường, lại thua tôi hai lớp.

1.2. Bằng trung học

Hết lớp 9 bậc trung học đệ nhất cấp có kỳ thi trung học, đậu bằng trung học mới được lên trung học đệ nhị cấp. Bằng trung học là thước đo trình độ để tiến thân trong việc làm cho những người trẻ vào đời. Nữ giới có bằng trung học có thể làm thư ký văn phòng, thi vào sư phạm cấp tốc dạy tiểu học, vào trường trung cấp y tế đào tạo y tá, v.v.. Nam giới nếu nhập ngũ thì được đào tạo thành hạ sĩ quan, còn có bằng tiểu học chỉ đóng binh nhì.

Mái trường Gia Long xưa.

Đến thời anh em tôi lên trung học vào thập niên 60 kỳ thi trung học đệ nhất cấp đã bãi bỏ vào năm 1967.

1.3. Tú tài I, Tú Tài II

Lên đến trung học đệ nhị cấp thì học sinh chọn ban chuyên môn: ban A chuyên về khoa học (sinh vật và lý hóa); ban B chuyên về toán, lý, hóa; ban C chuyên về văn chương, triết học, ngoại ngữ. Các môn chính học nhiều tiết hơn môn phụ, nhưng chương trình học ban nào cũng gồm đủ cả các môn văn, triết, sử, địa, toán, lý hóa, sinh vật, công dân, sinh ngữ 1, sinh ngữ 2. Cuối năm lớp 11 thi Tú tài I, cuối năm lớp 12 thi Tú Tài II. Sau này tú tài I bãi bỏ năm 1973.

2. Các kỳ thi

Các kỳ thi Trung học, Tú tài I và II đều là kỳ thi quốc gia, được tổ chức toàn quốc, cùng ngày, cùng đề thi. Đề thi được bộ khảo thí thuộc bộ Giáo dục chọn lựa, niêm phong mật và gửi xuống các ty giáo dục, chỉ được bóc niêm trước giờ thi.

“Ban soạn đề thi bị cô lập ở Sài Gòn khoảng một tuần để hoàn tất việc chọn đề rồi đem niêm phong cẩn thận. Đề thi cho mỗi tỉnh được đựng trong một cái rương nhôm có hai ổ khóa và được giữ bảo mật cho đến gần ngày thi, giao cho hội đồng giám thị của từng tỉnh để phân phát đề thi cho mỗi trung tâm thi xuống tận mỗi phòng thi. Vì bảo mật nên việc di chuyển đề thi có cảnh sát hộ tống.

Mỗi phòng thi có hai giám thị: một giáo sư trung học và một giáo viên tiểu học. Ngoài ra là một giám thị hành lang để giữ trong ngoài nghiêm ngặt không ai ra vào trong khi thi. Bài thi của thí sinh phải có chữ ký của hai giám thị phòng thi để ngăn ngừa việc tráo bài thi. Việc di chuyển bài thi khi thí sinh đã nộp vào cũng đòi hỏi sự cẩn mật như việc di chuyển đề thi.”

2.1. Thể thức thi cử & chấm điểm

Học sinh đến thi tại các trung tâm thi cử theo phiếu báo danh nhận được, không thi tại trường của mình, và không được các thầy cô dạy mình trông thi. Học sinh chỉ mang bút và tẩy vào lớp, giấy thi và giấy nháp do trung tâm khảo thí cấp để tránh chuyện làm “phao”.

Phiếu báo danh sắp thứ tự theo tên, chẳng hạn như những tên An, Ân, Ẩn, Ánh, v.v. được xếp vào cùng phòng thi, tên Thanh, Thêm, Thoa, Thu, Thúy, Thủy, v.v. vào cùng phòng. Mỗi tờ giấy thi có ô vuông trên đầu trang để học sinh ghi tên tuổi, ngày sinh, số báo danh, v.v.. Phần này gọi là “phách” sẽ rọc đi cất riêng sau khi giám khảo ghi mã số vào phần phách và phần bài thi bên dưới.

Giáo sư chấm bài không biết tên tuổi của người viết bài, chỉ dựa thuần vào chất lượng bài thi để chấm điểm. Học sinh còn cho biết những điều phải tránh như không được dùng mực đỏ, không được gạch dưới, không được viết chữ in, tức là những điều khác thường, vì bài sẽ bị loại theo nghi vấn bài được “làm dấu” để giám khảo nhận ra “gà nhà” mà chấm thiên vị.

Sau khi việc chấm bài hoàn tất thì hội đồng thi sẽ mang phách ra ráp lại theo đúng mã số, từ đó mới biết tác giả của từng bài và điểm thi của từng thí sinh, rồi lập bảng điểm và biết ai được “bảng vàng đề tên”, ai phải thở dài ai oán “thi không ăn ớt thế mà cay”.

Nữ sinh Gia Long đang học bài.

Kỳ thi tú tài kéo dài ba ngày dài lê thê. Sáng ngày thứ nhất thi môn chính, vì là ban C nên tôi thi môn văn sáng ngày thứ nhất, chiều thi môn phụ như sử, địa, hay công dân, toán, lý, hoá, sinh ngữ phụ (Anh văn).

Sáng ngày hai thi môn chính thứ hai: sinh ngữ chính Pháp văn, chiều thi môn phụ. Ngày thứ ba thi các môn còn lại. Hình như ban A hay B có đến 3 môn chính (sinh, lý, hoá hay toán, lý, hoá) nên ba môn này sẽ thi vào ba buổi sáng, chiều thi các môn khác.

Môn văn hay triết thường là bình luận một tác phẩm, một đề tài triết, viết dài độ 4-6 trang. Sinh ngữ chính của ban C được dạy 7 năm trung học, đòi hỏi viết một bài luận văn tiếng Pháp (rédaction). Môn sinh ngữ phụ Anh văn đã học 3 năm lớp 10-12 đòi hỏi đọc một bài viết rồi trả lời các câu hỏi (reading comprehension), làm một vài phép văn phạm, dịch một đoạn văn ngắn ra tiếng Việt.

Các môn phụ hệ số thấp như sử, địa, công dân, v.v. cũng phải thuộc làu làu từng quyển sách dầy độ 150-250 trang. Vì thế bảo rằng các cô tú cậu tú có cả “bồ” chữ nghĩa trong bụng cũng không ngoa.

Ngày xưa sau khi vượt vũ môn thi viết còn phải vào thi vấn đáp, sau này kỳ thi vấn đáp đã được bỏ năm 1968.

2.2. Các môn thi, cách chấm điểm, và xếp hạng

Điểm thi các môn từ 0 đến 20, đạt trên trung bình từ 10 trở lên là đậu, dưới 10 là rớt. Các thứ hạng thi đậu được xếp như sau:

  • 10.00 – 11.99: thứ
  • 12.00 – 13.99: bình thứ
  • 14.00 – 15.99: bình
  • 16.00 – 17.99: ưu
  • 18.00 – 20.00: tối ưu

Tất cả các môn học trong năm đều cho thi, không từ môn nào. Tuy nhiên, điểm các môn được nhân theo hệ số (coefficient) tùy theo ban chuyên môn của mình. Ban A có môn sinh vật hệ số 4, số điểm sẽ nhân lên 4 lần, môn lý hoá sẽ nhân 3, ngoại ngữ nhân 2, các môn khác như sử, địa, công dân nhân 1. Ban B có số điểm toán sẽ nhân 4 lần, điểm lý hóa nhân 3, ban C thì môn văn hay triết sẽ nhân 4, ngoại ngữ nhân 3, v.v., tức là môn chính của mình phải xuất sắc thì mới đậu cao.

Thí dụ: nếu một học sinh ban B (toán) được 20 điểm môn công dân, hệ số 1, mà môn toán hệ số 4 chỉ có 2 điểm, thì tổng số điểm sẽ là 20×1 + 2×4 = 28, chia cho 5 hệ số, trung bình chỉ có 5.60: RỚT!

Ngược lại, nếu công dân có 2 điểm mà toán được 18 điểm, thì tổng số điểm là 2×1 + 18×4 = 74, trung bình gần 15 điểm: đậu bình!

Những ban khoa học và toán thường có nhiều thí sinh xuất sắc hơn ban văn chương sinh ngữ, vì giải toán đúng 100% có thể đạt điểm tối đa là 20, trong khi viết bài bình luận hay vẫn khó mà đạt điểm 20 được.

2.3. Kết quả thi cử

Những kỳ thi tú tài là một thử thách lớn và là cơn ác mộng trầm kha đối với giới học sinh thời đó. Có một bài hát tả oán như sau: “Thi ơi là thi, sinh mi làm chi!” Cả năm học hành kết quả khá, mà đến ngày thi lỡ bị “tào tháo đuổi” hay hỏng xe không đến được phòng thi là kể như sự nghiệp tan tành, không có mảnh bằng lận lưng là đời tàn trong ngõ hẹp.

Theo tôi, triết lý giáo dục của Pháp chủ định dùng kỳ thi để tuyển lựa ra thành phần ưu tú (élite) và loại bỏ thành phần “không xứng đáng”. Miền Nam theo nề nếp đó. Khỏi nói cũng biết học sinh thi rớt như rạ. Trung bình tú tài I chỉ đậu độ 30%, còn tú tài II, vì đã vượt vũ môn lên từ 30% của tú I, nên có sĩ số đậu khoảng 70%. Thi cử mà chỉ đậu có 30% thì đúng là thi loại bỏ chứ không phải là thi kiểm tra trình độ nữa rồi. Nhà thơ Nguyễn tất Nhiên đã có bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc: “Thi hỏng tú tài ta đợi ngày đi (vào quân trường), đau lòng ta muốn khóc”.

Có những học sinh uống thuốc chống ngủ để gạo bài thâu đêm, đế nỗi bị lậm thuốc sinh ra điên loạn. Có những học sinh thi rớt bị gia đình mắng mỏ, hay tự thất vọng đã uống thuốc độc kết liễu đời mình, năm nào báo cũng đăng. Có người thi 7 năm liền mới bằng tú tài! Sau này để “cứu giúp” học sinh thi hỏng, bộ Giáo dục cho thi tú tài II hằng năm hai lần, lần đầu vào đầu hè, lần sau cuối hè, để mọi người có cơ hội “thua keo này ta bày keo khác!”.

Bằng tú tài I đánh dấu một thành quả cao hơn bằng trung học, được vào một số học viện như Học viện Cảnh sát Quốc gia, hoặc trường cao đẳng như Trường Cao đẳng Công chánh, vào quân đội thì được huấn luyện thành sĩ quan, tuy nhiên không được lên đại học. Chỉ có bằng tú tài II mới đánh dấu việc hoàn tất thành công trung học đệ nhị cấp (cấp 3) và mở ra cổng trường đại học. Năm 1973 kỳ thi tú tài I cũng được bãi bỏ (tạ ơn!), chỉ còn giữ tú tài II.

3. Thi cử tại Mỹ & Việt Nam

Sau này sang Mỹ sinh sống thấy con tôi học rất thoải mái, học trong lớp vừa xong một chương là cho bài kiểm, bài thi liền để còn nhớ bài, không đợi đến cuối năm khảo nguyên một cuốn sách mấy trăm trang như ở Việt Nam, (mà đúng ra thì Việt Nam khảo cả chục cuốn sách vì chương trình nguyên năm có cả chục môn học).

Tại trường Mỹ bài nào kiểm không khá là thầy cô cho “dạy lại, thi lại” ngay (re-teach, re-test), đến giờ nghỉ trưa hay sau buổi học bảo trò đến thầy cô kèm thêm cho thấu đáo. Đến hết bậc trung học bên Mỹ, nếu các môn bắt buộc trong chương trình phổ thông đã hoàn tất và đủ điểm, là lập tức mũ áo vênh vang lên lãnh bằng ngay, chẳng có tú I tú II gì sất! Từ đó tôi thấy sự khác biệt về thi cử giữa hai hệ thống: ở Mỹ dạy cho đậu chứ không dạy cho rớt, ở Việt Nam không thật xuất sắc là rớt như chơi.

4. Bonus vui: Một đứa đi thi, cả nhà mệt nghỉ!

Chưa thấy một người làm quan, cả họ được nhờ, mà chỉ thấy cả nhà mệt nghỉ vì đứa con đi thi. Bố lo tiền cho con đi học kèm thêm suốt năm, mẹ nấu chè nấu cháo ăn dặm ban đêm cho có sức khoẻ, giữa khuya lại thức giấc quát con ơi đi ngủ thôi con kẻo mai không dậy đi học nổi! Bà nội ngày rằm mồng một sì sụp khấn vái xin Trời Phật phù hộ cho cháu nó thi đỗ phen này, bảng vàng đề tên, không hổ danh giòng họ.

Ngày đi thi bố chuẩn bị dầu nhớt cho chiếc xe từ mấy hôm trước để đưa sĩ tử đi đến nơi về đến chốn. Mẹ nấu món ăn cho lành, bổ dưỡng, dễ tiêu, để không bị đau bụng đau bão. Nhất định phải có chè đậu, phải nấu bằng đậu đỏ cho may mắn, không nấu đậu đen, và tuyệt đối không cho ăn chuối hay trứng gà trứng vịt những ngày này, nhất định không cho cơ hội trượt vỏ chuối hay lãnh trứng vịt!

Đến ông anh trong nhà chẳng muốn quan tâm gì mà cũng bắt buộc trở nên “hữu dụng”: “Ra đầu ngõ đứng đi con!”. Thế là ngày nào sĩ tử cũng ra ngõ gặp trai, hên cách gì! Sau đó thì anh xách xe chạy theo đuôi bố, nhỡ xe bố trở chứng nằm ẹp là có tài xế dự khuyết trám chân vào ngay! Không nhiêu khê như nhân vật trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố ngày xưa, nhưng toàn thể tiểu gia đình cũng không kém phần sôi động vất vả.

Đại gia đình trong hai họ nội ngoại cũng chăm chăm vào. Con bác A, con chú B, con cô C, đều cũng đi thi năm nay đấy nhé. Chúng mày cố gắng hết sức mình nhé. Thi đậu thì mới có tương lai nhé. Thi rớt là tàn đời con ạ. Giờ mà không cố gắng, sau này có hối cũng muộn rồi con ạ! Bao cái “nhé! nhé! ạ! ạ!” ấy càng làm cho thí sinh tăng thêm xì trét (stress), phen này mà lỡ thi rớt thì chỉ có chít!

Hàng xóm cũng mặc tình “quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Đến ngày toàn quốc ứng thí mà thấy cô ả áo dài tươm tất, mặt mày tái nhợt, lủi thủi theo xe bố bước ra đầu ngõ là ai cũng nhận biết ngay cái mặt “tội đồ đi thi” đây rồi, chẳng dấu vào đâu được. Các bác hàng xóm, các anh chị lớn, các em bé, v.v. đều mỉm cười thông cảm, ngấm ngầm gửi lời chúc thiện, làm mức độ xì trét lại tăng lên vụt vụt.

Nữ sinh Sài Gòn xưa.

Chín tháng cặm cụi gạo bài, ba ngày căng thẳng loay hoay, gặm bút, viết viết, xóa xóa, đến khi khổ nạn qua rồi thì thí sinh trở nên xẹp lép như bong bóng xì hơi, ỉu xìu như chiếc bánh bao chiều, tả tơi như chiếc mền rách!

Kết quả rồi cũng được niêm yết, đứa đậu, người rớt. Học sinh trường công thì kết quả đậu rất cao. Tỉ lệ đậu toàn quốc chỉ độ 70% cho tú II, nhưng trong trường “top” của tôi, lớp 50 học sinh chỉ có một bạn rớt, còn lớp bên cạnh 100% đậu.

Trường của tôi là trường top của nữ sinh miền Nam và có một truyền thống rất tốt đẹp và rất… hậu hĩ. Mỗi học sinh đậu bình được thưởng một bông mai bằng vàng 18 karat, nho nhỏ xinh xinh, biểu tượng của trường, đường kính độ 1.8cm (nửa chỉ?), còn học sinh đậu ưu và tối ưu được thưởng một bông mai hơi lơn lớn xinh xinh, đường kính độ 2cm. Thời đó vàng rẻ, và hội phụ huynh tài trợ. Năm lớp chúng tôi lãnh thưởng hoa mai vàng có tổng thống Nguyễn văn Thiệu và bà phu nhân đến trường dự lễ và đọc diễn văn khen thưởng. Sau này các chị lớn kể với thầy cô rằng nhờ chiếc bông mai vàng của trường tặng thưởng mà các chị đã bán đi lấy tiền thăm nuôi chồng học tập tại các trại cải tạo, hay trao cho chồng cầm đi làm của hộ thân trên đường vượt biên.

Trong hàng xóm hay trong họ hàng thì khác, phản ánh tình hình chung, có đậu có rớt, độ 50/50. Tôi cứ nghĩ mà xót xa cho những bạn đã cố gắng hết sức mình mà vẫn ôm hận. Bố mẹ lại được dịp hể hả so sánh con mình với con nhà khác. Tội nghiệp bố cả đời vất vả chỉ mãn nguyện có bấy nhiêu, và chỉ được báo hiếu có bấy nhiêu, rồi thì bố mất sớm khi con chưa thành tài, sau này mỗi lần lãnh lương rủng rỉnh chẳng có dịp mua quà biếu bố cho bố vui.

Rồi mùa mưa kéo qua mùa thi,Rồi em cũng bỏ trường mà đi!

Đó là hai câu thơ một bạn trong trường viết ra. Tú tài II là chặng đường cuối, kết thúc tuổi học trò thơ ngây và đánh dấu tuổi vào đời. Ngày xưa bậc trung học kéo dài 7 năm dưới cùng một mái trường, nên cuộc chia tay với thầy cô, bạn bè, lớp học, sân trường, phấn trắng, bảng đen, v.v. không ít bịn rịn.

5. Rồi từ đó mỗi kẻ một nơi!

Sau này gặp lại, bọn tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đi học, đi thi ngày xưa. Kiến thức miệt mài nấu sử sôi kinh đã quên gần hết, nhưng điều không quên đi, không mất đi, là cái đạo đức, cái nền nếp làm người mà thầy cô đã dạy dỗ uốn nắn cho ngày xưa. Cách sống cho ra người ấy đã giúp cho học trò của thầy cô ngày xưa vươn lên ở bất cứ mọi nơi, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi trở ngại, chinh phục mọi môi trường mới, chinh phục lòng người, tạo dựng một chỗ đứng trong đời cho mình và tìm cơ hội chăm lo lại cho người khác.

Chính cái môn không hệ số, không thi cử này lại là cái vốn sống trong suốt cuộc đời.

Bây giờ họ ở nơi nao?

Viện đại học Đà lạt ngày xưa đã lấy tên là Đại học Thụ Nhân, trích từ câu nói của Quản Trọng thời Xuân Thu, và có khắc câu ấy hai cột trụ hai bên cổng trường:

Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc (vì lợi ích một năm hãy trồng lúa)Thập niên chi kế mạc như thụ mộc (vì lợi ích mười năm hãy trồng cây)Chung thân chi kế mạc như thụ nhân (vì lợi ích cả đời hãy trồng người)

(Có nơi ghi: “Bách niên chi kế mạc như thụ nhân” (vì lợi ích trăm năm hãy trồng người)

Chúng tôi đồng ý với nhau chúng tôi là những sản phẩm nhà trường đã “trồng” được trong những năm tháng dưới mái trường xưa, và đã không để nhà trường và thầy cô phải hổ thẹn!

Gordon ThúyMaryland, Hoa Kỳ

Đăng lại từ bài viết cùng tên trên Blog Hiệu Minh (hieuminh.org)

Xem thêm:

Page 2

Page 3

Page 4

Page 5

Page 6

Page 7

Page 8

Page 9

Page 10

Page 11

Page 12

Page 13

Page 14

Page 15

Page 16

Page 17

Page 18

Page 19

Page 20

Page 21

Page 22

Page 23

Page 24

Page 25

Page 26

Từ khóa » đệ Lục Là Lớp Mấy