Bút Pháp Nghệ Thuật Của Nguyễn Du Qua đoạn Trích “Cảnh Ngày Xuân”

Bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân”

  • Mở bài:

Truyện Kiều có nguồn gốc cốt truyện từ một tác phẩm văn học Trung Quốc, nhưng phần sáng tạo của Nguyễn Du là hết sức lớn, mang ý nghĩa quyết định đến thành công của tác phẩm. Về nghệ thuật, Truyện Kiều là một bức tranh đa diện, nhiều màu sắc lung linh. Nghệ thuật tả cảnh, tả người hay miêu tả tâm lí nhân vật đều đạt tới đỉnh cao mà đến nay chưa có tác phẩm nào vượt qua được. Trong đó bút pháp tả cảnh nụ tình của Nguyễn Du có thể nói là tuyệt diệu. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một minh chứng tiêu biểu cho những thành công về nghệ thuật của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

  • Thân bài

Tả cảnh ngụ tình là bút pháp quen thuộc trong nền văn học trung đại. Nhờ bút pháp này mà cảnh vật, nhân vật, sự việc được tái hiện một cách cụ thể, làm cho cảnh vật, nhân vật, hiện lên rõ nét, sinh động, hấp dẫn, gợi cảm và ẩn chứa tình cảm sâu đậm của con người. Bốn câu thơ đầu đoạn trích mở ra khung cảnh thiên nhiên mùa xuân tươi xanh:

“Ngày xuân con én đưa thoi Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Hai câu thơ đầu vừa nói tới thời gian vừa gợi không gian. Ngày xuân thấm thoắt trôi mau, tiết trời đã sang tháng ba. Trong tháng cuối cùng của mùa xuân, những cánh én vẫn rộn ràng bay lượn như thoi giữa bầu trời trong sáng

Nếu hai câu thơ trên là thời gian, là không gian xuân thoáng đạt, thì hai câu dưới là bức hoạ tuyệt đẹp về mùa xuân.

“Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Hai câu thơ này cụ Tố Như đã mượn ý hai câu cổ thi Trung Hoa: “Phương thảo liên thiên bích – lê chi sổ điểm hoa”, có nghĩa là: “Cỏ thơm liền với trời xanh- Trên cành lê có mấy bông hoa”. Nhưng Nguyễn Du đã thật tài hoa khi sáng tạo thêm hai chữ “trắng điểm”. Có thể nói hai chữ này là nhãn tự ” bởi chữ ‘ điểm ” làm cho cảnh vật sinh động có hồn chứ không tĩnh tại,” trắng điểm” càng làm nổi bật vẻ thanh xuân trinh trắng của thiên nhiên cỏ hoa. Đó chính là cách miêu tả chấm phá điểm xuyết của thi pháp cổ.

Bút pháp này đã tạo nên sự phối sắc tài tình: Thảm cỏ xanh non trải rộng tới chân trời là gam màu nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Màu sắc có sự hài hoà đến tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, nhẹ nhàng, thanh khiết và đầy sức sống. Như vậy, bằng vài nét chấm phá, miêu tả bậc thầy “Cảnh ngày xuân” trở thành bức tranh xuân hoa lệ, là vần thơ tuyệt bút mà Nguyễn Du trao tặng cho đời, điểm tô cho cuộc sống.

Bút pháp tả cảnh còn được thể hiện trong 8 câu thơ tiếp theo của đoạn trích miêu tả cảnh lễ hội trong tiết thanh minh. Bút pháp chủ yếu ở đây là miêu tả cụ thể, chi tiết qua việc sử dụng nhiều từ ghép, từ láy như gần xa, nô nức, yến anh, dập dìu…để vẽ lên một lễ hội rộn ràng, tưng bừng, náo nức

Sáu câu cuối đoạn trích tả cảnh chị em Kiều du xuân trở về nhưng ta cũng thấy thấp thoáng tâm trạng con người:

“Tà tà bóng ngả về tây, Chị em thơ thẩn dan tay về. Bước dần theo ngọn tiểu khê, Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh. Nao nao dòng nước uốn quanh, Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”

Nguyễn Du thật khéo khi miêu tả thiên nhiên, vẫn là cây cầu nhỏ, khe nước nhỏ, vẫn là cái thanh, cái dịu của mùa xuân, nhưng được tả dưới cái nhìn của nhân vật, trong thời điểm chiều tà, ngày vui đã hết, nên cảnh và tình thật giao hoà đồng điệu.

Nguyễn Du dùng hàng loạt từ láy tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ để biểu đạt sắc thái cảnh vật và tâm trạng của con người. Ta như thấy được cảm giác bâng khuâng, xao xuyến pha chút buồn man mác, có chút gì nuối tiếc ngày vui của chị em Thúy Kiều khi du xuân trở về . Trong cái “nao nao” của dòng nước như có cả cái nao nao của lòng Kiều vì sự linh cảm một điều gì đó sắp xảy ra.

Cảnh ở đây không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên nữa mà là bức tranh tâm trạng. Đó chính là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình quen thuộc trong văn học cổ. Tuy tính chất ngụ tình trong ở phần cuối đoạn nhẹ nhàng, man mác nhưng cũng đủ để ta cảm nhận được trái tim đa sầu, đa cảm của nàng Kiều và sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du.

  • Kết bài:

Chỉ với Cảnh ngày xuân cũng đủ để ghi nhận và vinh danh tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du. Bút pháp nghệ thuật của thi hào đã trở thành mẫu mực, để bây giờ nhắc đến mùa xuân là bất cứ ai yêu mến văn chương cũng đều nhớ đến đoạn thơ này.

  • Cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích
  • Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Kiều qua đoạn thơ: “Kiều càng sắc xảo mặn mà...”
  • Cảm nhận vẻ đẹp Thúy Vân qua 4 câu thơ: “Vân xem trang trọng khác vời…”
  • Tài năng miêu tả người bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”
  • Tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

Từ khóa » Các Bút Pháp Nghệ Thuật Trong Truyện Kiều