Cá Chuồn: Loài Cá Biết 'bay' Và ước Mơ Vươn Mình Tới Vùng Trời ...

Trong suốt lịch sử tiến hóa của thế giới động vật, một số loài đã phát triển được khả năng bay cao và trở thành kẻ chinh phục bầu trời. Điều này diễn ra không chỉ một mà đến những bốn lần — lần lượt từ côn trùng, thằn lằn bay, đến chim chóc và loài dơi. Thế thì bạn tôi ơi, năm dài tháng rộng, sao bạn lại nghĩ rằng trái tim yêu thương của mình sẽ không bao giờ cất cánh lần nữa?

Tôi từng dùng luận điểm này để an ủi một người bạn vừa trải qua mối tình tan vỡ. Phép ẩn dụ của tôi tuy không giúp anh ấy hết buồn nhưng tôi vẫn cảm thấy nó khá sâu sắc. Tuy nhiên, lần ấy tôi đã không nhắc đến một loài cá biết bay. Nói chính xác thì cá vẫn không thể bay, nhưng có giống cá chuồn (tên khoa học là Exocoetidae) có một khả năng na ná như vậy.

Nói chính xác thì cá không thể bay.

Có khoảng 64 loài cá chuồn sinh sống ở mỗi đại dương trên thế giới. Nhờ có vây ngực phát triển, vây bụng lớn ở một số phân loài, cột sống cứng cáp, cùng chiếc đuôi có hình dạng độc đáo, cá chuồn có thể tăng tốc độ bơi để phóng mình lên mặt biển rồi lướt xa tới 200 mét trong hơn 40 giây. Khả năng này giúp cá chuồn thoát khỏi vòng vây của những kẻ săn mồi như cá heo, cá cờ và cá ngừ đang truy đuổi chúng bên dưới những con sóng. Khi ở trên không trung, “đôi cánh” cá chuồn bắt lấy ánh nắng mặt trời và tỏa sáng óng ánh, hình ảnh ấy khiến ta ngỡ như loài cá này đã hóa thân thành bươm bướm hay những cô tiên tí hon trong truyện cổ tích.

Quá trình tiến hóa của tự nhiên có thể được ví như một người thợ may tài ba, nhưng đôi khi người thợ ấy say rượu và đã may nên rất nhiều loài động vật kỳ dị: ví dụ như tôm súng bắn bong bóng nước nóng hổi, ếch sinh con bằng miệng cho đến cái cổ lạ đời của hươu cao cổ. Vì vậy, những con cá có thể "giả bay" cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Các nhà khoa học đã đặt ra giả thiết về quá trình tiến hóa của cá chuồn qua những thay đổi cơ thể chậm rãi mà hợp lý. Trước đây, chúng chỉ có thể thực hiện các bước nhảy nhỏ trên mặt biển để trốn thoát kẻ săn mồi, nhưng với ý chí sinh tồn, loài cá này đã dần dần phát triển khả năng bay lướt một quãng xa, nhờ đó chiến thắng chọn lọc tự nhiên và duy trì sự hiện diện của mình trên hành tinh này.

Tuy quá trình tiến hóa đã mang lại nhiều điều kỳ diệu về mặt sinh học, cú phóng mình lên không trung của cá chuồn khó có thể phát triển thành khả năng bay thực thụ. Cá chuồn không có phổi để "hít thở" không khí, cũng không thể ăn bất cứ ngoài gì ngoài các sinh vật phù du và động vật hải sinh tí hon khác. Và khi rời khỏi đại dương, chúng sẽ chịu sự săn lùng của những loài chim biển nhanh nhẹn hơn.

Dù thế, việc gọi cá chuồn là loài cá biết bay vẫn không có gì sai trái. Vì rốt cuộc thì lươn điện cũng không phải là lươn, gấu trúc đỏ cũng chẳng phải là gấu. Từ “bay” được đưa vào tên gọi của các loài sóc, vượn cáo, rắn và thằn lằn có khả năng lượn trên không một khoảng xa. Cá chuồn cũng giống như thế mà thôi.

Có rất nhiều nơi người ta không biết đến cá chuồn.

Tôi say mê cá chuồn không chỉ vì sự kỳ thú của một loài cá biết bay. Mà còn vì có rất nhiều nơi người ta không biết đến loài cá này, cũng như không phải quốc gia nào cũng biết đến đà điểu đầu mào, kỳ lân biển, kỳ giông Mexico, thú lông nhím echidna và chuột lang nước capybara.

Ở Barbados, cá chuồn là biểu tượng quốc gia, xuất hiện trên tiền mặt và hộ chiếu, là nguyên liệu của món ăn "quốc dân," và việc đánh bắt cá chuồn đóng góp một phần đáng kể vào nền kinh tế đất nước. Thậm chí, vì nguồn tài nguyên này mà Barbados đã nhiều lần vướng vào các tranh chấp quyền khai thác thủy hải sản với các nước láng giềng. Ngoài những lý do trên, sự tồn tại của cá chuồn còn nhắc nhớ chúng ta về sự kỳ diệu của tự nhiên và cảm giác vui thích khi khám phá thế giới bên ngoài xã hội loài người.

Hình ảnh loài cá biết bay hiếm gặp là thế, ấy vậy mà chúng ta lại có thể bắt gặp ở vùng biển Việt Nam. Ở miền trung, vào cuối mùa xuân, ngư dân thường đánh bắt các loài chuồn lộng, chuồn gành, chuồn khơi, chuồn cánh gián và chuồn cồ. Người ta giăng lưới trên mặt biển hoặc chong đèn trong ca nô để dụ cá nhảy vào. Mẻ cá sau đó được bán ở chợ địa phương và các vựa hải sản, rồi từ đó phân phối đến ngoại tỉnh, và thậm chí được rao bán trên các trang thương mại điện tử lớn như Tiki.

Cá chuồn chỉ bung vây ra khi bay lướt, nhưng khi nằm trong chiếc giỏ đan lát của người bán cá, vây của chúng khép lại và không dễ nhìn thấy, chưa kể là người ta thường cắt bỏ phần vây trước khi đem bán, nên nếu người mua chỉ nhìn thoáng qua sẽ khó nhận ra loài cá này. Và rất có thể chúng ta đã từng ăn món cá này qua những cách chế biến như nhồi nghệ chiên, om mít non và ớt xanh hay nướng tỏi. Ở miền Trung thậm chí còn có một câu hát phổ biến thông báo mùa đánh bắt cá chuồn: “Ai về nhắn với bạn nguồn / Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.”

Cá chuồn xuất hiện như loài chuồn chuồn kỳ diệu và biến mất như “bông tuyết tan vào mặt biển.”

Cá chuồn cũng từng đi vào thơ văn tiếng Anh. Vào năm 1917, nhà thơ người Mỹ Charles Wharton Stork đã viết bài thơ ‘An Ode to Flying Fish’ (Vịnh cá chuồn) để ngợi ca rằng loài cá này xuất hiện như loài chuồn chuồn kỳ diệu và biến mất như “bông tuyết tan vào mặt biển.” Chuyến bay của cá chuồn đẹp đẽ làm sao nhưng cũng ngắn ngủi biết nhường nào, chẳng mấy chốc chúng đã lao trở lại xuống biển sâu đầy nguy hiểm. Nhưng thay vì có cái nhìn bi quan về giây phút huy hoàng ấy, nhà thơ chiêm nghiệm rằng:

Nhưng vui làm sao! Khi coi thường cái chết,Khi tận hưởng từng khoảnh khắc tỏa sáng dưới ánh mặt trờiĐắm mình trong sắc đẹp và tình yêu ngọt ngào,Khi được hít thở không khí tốt lành — dù chỉ trong một hơi ngắn ngủi;Khi vươn cao hơn,Và khám phá một vùng trời mới; Cứ thế bay lên, và lại bay lên nữaMặc cho số phận bi thươngVẫn đuổi theo ta đến tận cùng: Dù là cá, người, hay sinh vật nào khácCó ái thoát khỏi lưỡi hái của thần chết bao giờ.

Đối với tác giả, khoảnh khắc chóng vánh của niềm hân hoan bất diệt ấy là nỗi ước ao của tất cả “thi nhân, thánh nhân và tình nhân” khi không thể thoát ly cái hữu hạn của đời người.

Luận điểm này khiến tôi nhớ lại cái lần tôi cố gắng an ủi người bạn đang thất tình. Có lẽ tôi đã nên kể về loài cá biết bay này, và giải thích rằng cá chuồn chỉ có thể bay một lát, nhưng sau khi lao xuống biển sâu lạnh giá và tàn nhẫn, chúng vẫn lấy lại sức, lấy lại động lực để một lần nữa phi thân vào ánh sáng mặt trời lung linh, để tận hưởng bầu không khí tự do và mát lành. Đây cũng là lời nhắc nhở rằng chúng ta luôn luôn có thể giải thoát bản thân khỏi tình huống hiện tại và khao khát những điều lớn lao hơn, dù cho đó chỉ là “một phút huy hoàng rồi chợt tắt.”

Đồ họa: Hannah Hoàng, Phan Nhi, và Hải Anh.Animation: Phan Nhi.Vẽ minh họa: Hải Anh.Hình ảnh: Steve N.G. Howell, Ross Robertson, và Hiroya Minakuchi.

Từ khóa » Cá Chuồn Có Bay được Không