Cá Ông Là Cá Gì - Nguồn Gốc Tín Ngưỡng Thờ Cá Voi

Tạp chí Hồng Lĩnh số 157 giới thiệu bài viết “Tín ngưỡng thờ Cá Ông ( Cá Voi) của cư dân vùng biển” của Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Phan Thư Hiền

Trong dòng chảy văn hóa tín ngưỡng, hầu hết các vị thần được cư dân ven biển nước ta tôn thờ vốn đều mang yếu tố biển cả, sông nước, bến bãi…có lai lịch công trạng và là niềm tin về quyền năng cứu giúp, là vị thần hộ mệnh cho cư dân của cả một vùng ven biển. Tín ngưỡng thờ Cá Ông1 (cá Voi) nhằm đem đến nhiều may mắn cho ngư dân làm nghề đánh cá, ra khơi vào lộng. Đây là một dạng thức thờ vật linh, nhiên thần, vị thần độ mạng cho những người đi biển. Vì vậy, tục thờ Cá Ông là một tín ngưỡng hết sức phổ biến và có từ lâu đời ở cư dân ven biển nước ta trên suốt dải bờ biển từ Bắc chí Nam.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: “Cá Ông voi: Đức ngư (theo tên đời Tự Đức ban cho) đầu tròn, trên trán có lỗ phun nước sắc đen, nhẵn nhụi không vẩy, đuôi chẻ ra như con tôm, tính hiền lành hay cứu người. Quốc sử quán triều Nguyễn trong sách Đại Nam nhất thống chí: “Bạch ngư dài 20 trượng, tính hiền lành, hay cứu người, hoặc thấy người chài bị loài cá dữ làm khốn quẫn, nó cũng giải cứu”. Sách Gia Định thành thông chí cũng chép: “Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần (cá Ông) dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người yên ổn. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong cơn sóng gió thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ. Chỉ nước Nam ta từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có”2. Còn trong Thoái thực ký văn, Trương Quốc Dụng cho ta biết rõ hơn về tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân ven biển: “Hải Thu tục gọi là cá Ông voi, mình dày không vây, đuôi giống tôm, kỳ nó rất sắc, mũi ở trên trán, tính nó nhân hay cứu người. Người đi thuyền gặp phong ba mà đắm nó thường đội trên lưng đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ lên. Người miệt biển rất kính. Có con chết mà tạt vào bờ ruồi lẳng không đậu, họ bèn góp tiền làm ma, ai chủ việc ấy thì đánh cá và buôn bán có lợi”.

Đang xem: Nguồn Gốc Tín Ngưỡng Thờ Cá Voi

Tục thờ cúng Cá Ông tương truyền được biết đến từ thời Nguyễn với các câu chuyện liên quan tới việc Cá Ông cứu mạng cho Vua Gia long Nguyễn Ánh khi chạy trốn quân Tây Sơn. Khi thắng trận, Vua Gia Long đã phong tặng Cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân và cho lập lăng miếu thờ cúng, sắc phong. Ngoài ra, việc Cá Ông cứu người và cứu ghe thuyền của ngư dân cũng thường được lưu truyền trong nhiều cộng đồng ngư dân ven biển bằng những câu chuyện truyền miệng mang màu sắc huyền thoại như: Cá Ông là tiền thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Đức Phật này đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sanh. Ngài hóa thân thành ông Nam Hải để đi tuần du biển Nam Hải. Một hôm, trên tòa sen nhìn lướt qua sóng gió đại dương Nam Hải, ngài không khỏi đau lòng thấy muôn ngàn sinh linh gặp cơn phong ba bão táp phải bỏ mình giữa biển khơi, mà những nạn nhân đáng thương này chỉ là những ngư dân hiền lành lấy nghề đánh cá nuôi thân. Trước cảnh tượng đau lòng đó, Bồ Tát liền cởi chiếc pháp y xé tan thành từng mảnh vụn thả xuống mặt biển mênh mông. Mỗi mảnh vụn theo nguyện ý của Bồ Tát đã biến thành một cá Ông, sau đó Quan Âm Bồ Tát lấy bộ xương Voi ban cho để cá Ông có thân hình to lớn. Để giúp cá Ông làm tròn trách nhiệm cứu người, Đức Bồ Tát đã ban cho cá Ông phép thu đường, giúp cho cá Ông ở bất cứ nơi nào, cần đến nơi đâu để cứu nạn đều kịp thời. Nhờ có phép thu đường mà cá Ông đã kịp ứng cứu các thuyền lâm nạn không kể ở hải điểm nào, xa bao nhiêu.

Huyền thoại này đã ảnh hưởng sâu sắc về lòng nhân ái, đức hy sinh trong tâm thức của cư dân ven biển. Đối với họ, những người sống lênh đênh giữa biển khơi, bão tố hiểm nguy luôn đe dọa họ. Khi đó, cá Ông trở thành chỗ dựa tinh thần trong niềm tin bất diệt của ngư dân. Niềm tin này, ban đầu là một nhu cầu giúp người ta chịu đựng gian khổ hiểm nguy trong cuộc mưu sinh, dần dần dấu vết của niềm tin hằn sâu vào tiềm thức, trở thành tín ngưỡng dân gian.

Xem thêm:

Cộng đồng ngư dân làm nghề đánh cá biển, tùy theo các địa phương thường gọi Cá Ông bằng nhiều danh xưng tôn kính mang biểu tượng dân gian khác nhau như: Đức Ông, Cá Ngài, Ông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Cậu, Ông Lộng, Ông Khơi, Ông Chuông, Ông Kìm, Ông Phướn, Ông Sứa… Khi Cá Ông sống, ngư dân gọi là Ông Sanh (là ân nhân cứu sống sinh mạng của họ những khi bão to gió lớn trên biển); khi Cá Ông chết thì gọi là Ông Lụy (ngư dân chịu tang như đối với người thân của mình).

*

Bộ xương cá voi trong Lăng Ông Nam Hải, thuộc Khu du lịch Hòn Đá Bạc ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Dưới thời nhà Nguyễn, các vua nhà Nguyễn đã phong tặng cá Ông là vị thần biển và cấp độ phong tặng Cá Ông như sau: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (thời Minh Mạng); Từ Chế Chương Linh Trợ Tín Nam Hải cự tộc Ngọc Lân chi thần (thời Thiệu Trị); Từ Tế Chương Linh trợ tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (thời Tự Đức); Từ Tế Chương Linh trợ tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (thời Đồng Khánh); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần (thời Duy Tân). Đồng thời, các Vua nhà Nguyễn cũng quy định, làng nào bắt gặp Cá Ông chết thì lý trưởng phải báo cáo lên cho phủ, huyện để cử quan đến khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và tổ chức khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. Sau khi chôn cất cá Ông khoảng ba năm thì người ta làm lễ cải táng, xương cốt Cá Ông được người ta xếp vào các quách đặt trong lăng để thờ. Chính vì vậy, mỗi khi có xác Cá Ông dạt vào bờ (Ông lụy), ngư dân thực hiện trang nghiêm các nghi thức làm đám tang Cá Ông, chôn cất xương cá Ông, lập lăng miếu thờ cá Ông…

Theo quan niệm dân gian, Cá Voi không phải là một sinh vật biển bình thường mà là sự hiện diện của một vị thần biển. Theo lệ, ai phát hiện được “ông lụy” thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Ngư dân vùng biển tin rằng người nào gặp được “Ông lụy” thì sẽ được nhiều ơn lộc trời ban, những chuyến ra khơi sau đó luôn đánh bắt được nhiều hải sản. Còn đối với dân làng thì người địa phương có câu: “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ”. Nơi thờ cá Ông được ngư dân gọi là miếu Ông, hoặc Lăng ông.

Xem thêm: Cửa Hàng Miễn Thuế Lotte Duty Free Là Gì ? Cửa Hàng Miễn Thuế Lotte

Lễ cúng Cá Ông là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân ven biển, lễ cúng này không có ngày thống nhất chung, tùy theo từng làng nghề và từng địa phương mà người ta có những ngày cúng riêng, có làng chọn ngày cá ông đầu tiên lụy hoặc ngày nhận sắc của Vua phong. Hàng năm, ngư dân chọn ngày “ông lụy” làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Lễ cúng này được thường tổ chức lồng ghép với Lễ hội cầu ngư. Đây cũng là dịp để người ngư dân tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật “thiêng” ở biển, mà trong tâm thức của họ vẫn chứa đựng một niềm tin về sự giúp đỡ của cá Ông khi gặp tai nạn. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Tại các gia đình hành nghề đi biển, người ta đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều giăng đèn kết hoa. Còn trong làng, người ta chọn ra một ban nghi lễ là các vị cao niên, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Tại lăng (miếu) Đức Ông, vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong một mùa đánh bắt an toàn, bội thu./.

P.T.H

_____________

1. Cá Ông (Cá Voi): Theo các nhà khoa học thì đây là một loài động vật có vú, sinh được con và thở bằng phổi; thích nghi với đời sống ở biển ôn đới cũng như hàn đới; là một sinh vật to lớn với thân hình đồ sộ, thể trọng có thể đến 120 – 150 tấn. Vì thở bằng phổi nên từ 3 đến 5 phút, cá Ông phải ngoi lên mặt biển để thở, hấp thụ ôxy, đồng thời cá Ông có tập tính hay bơi theo thuyền đánh cá của ngư dân, nhất là khi có sóng to gió lớn cho đến tận gần bờ mới rời thuyền bơi ngược lại ra biển khơi.

2. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2005, tr.237.

Post navigation

Ex-Works Là Gì Trong Ngoại Thương? Điều Kiện Exw Là Gì Tên Gọi Của Các Loại Hoa Cúc Tiếng Anh Là Gì ? Hoa Cúc Trắng

Từ khóa » Cá ông Khác Cá Voi