Cá Ông Với đời Sống Người Dân Vùng Biển - Ngày Mới Online

Người dân vùng biển quan niệm: “Ông” lụy vào vùng nào thì vùng đó có phúc, may mắn, làm ăn thuận lợi! Vì vậy, mỗi khi thấy “Ông” lụy dạt vào bờ được ngư dân chôn cất bằng lễ nghi tôn kính nhất, lập am thờ tự, hương khói và hàng năm tổ chưc lễ cúng “Ông”!

Tục thờ cúng cá “Ông” là tập tục tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời của ngư dân. Ngày xưa chuyên đánh bắt thủ công, thuyền nhỏ nên khi ra khơi gặp lốc tố, hiểm nguy là điều khó tránh khỏi. Nhưng với niềm tin vào sự giúp đỡ của “Ông” nên ngư dân yên tâm dong thuyền ra khơi vào lộng. Cá “Ông” được ngư dân xem là vị thần bảo trợ tinh thần cho các ngư dân ở các làng biển bãi ngang.

Nhiều câu chuyện cá Ông cứu người được ngư dân lưu giữ, truyền tai nhau mang màu sắc li kì, huyền bí. Như giữa lúc giông tố mù trời, làm thuyền chao đảo thì cá “Ông” xuất hiện đưa ngư dân cũng như thuyền gặp nạn vào bờ an toàn. Đáp lại ân tình của loài cá “Ông”, ngư dân miền biển ngày xưa khi gặp cá “Ông” dính vào lưới thì họ sẽ nhẹ nhàng dìu “Ông” vào bờ. Khi vào đến bờ, thanh niên trai tráng trong làng được huy động đến bờ biển để đưa “Ông” lên bờ. Cũng trong ngày hôm ấy, các bô lão cao niên của làng bắt đầu công việc tìm mảnh đất cao ráo, gần biển để lập đàn cúng tế xin với thần linh, thổ địa được an táng “Ông”. Nơi an táng “Ông” phải có địa hình thoáng đãng, hướng nhìn ra biển. Nghi thức an táng “Ông” tiến hành như đối với nghi lễ của bậc trưởng lão uy tín trong làng qua đời! Sau 3 ngày an táng, dân làng tiếp tục làm lễ mở cửa mả tại “nghĩa địa cá Ông” của làng. Trong những ngày diễn ra lễ tang, các làng chài bạn mang lễ vật đến phúng điếu cũng như góp tiền lo tang ma cho “Ông”.

Cá “Ông” lụy vào bờ.
Cá “Ông” lụy vào bờ.

Tín ngưỡng thờ phụng cá Ông của ngư dân xưa thể hiện tình cảm của họ đối với biển cả đã hào phóng cho họ cá, tôm. Qua đó, còn thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân các vạn chài nơi đầu sóng, ngọn gió…

Cụ Nguyễn Tân Long, trên 90 tuổi, ở thôn Thuân An kể: Vào một ngày của năm Nhâm Thân (1932), có ông Hương Lại (Hồ Lại) đang đánh cá, bất ngờ ông gặp “Ông” lụy ở chà mình, chà sâu 27 sải nước. Ông liền hạ buồm xuống giữa cột (tra ngang) để báo hiệu cho thuyền các nơi quanh vùng đến ứng cứu “Ông! Vì “Ông” quá lớn, nên các thuyền phải chuyền dây nối nhau để đưa “Ông” vào bờ. Khi đến gần bờ do độ sâu hơn 4 mét nước, thân “Ông” chạm đất nên các thuyền không đem vào bờ được! Tin “Ông” lụy về làng, làng trình báo xã, xã trình quan xin dâng tự ích. Dân làng lấy tre đan trành vây quanh “Ông”, đợi khi rã xương, thịt rồi bỏ vào từng cái quách đan sẵn đem vào bờ an táng. Có đến hơn 10 cái quách, mỗi quách từng lại xương, vây, thịt… táng thành một mộ và đặt 2 hòn đá ong ở 2 đầu.

Cụ Long cho biết thêm, hai năm Canh Ngọ (1930) và Tân Mùi (1931) biển mất mùa cá, dân làng đói khát; nhưng từ ngày “Ông” lụy được dân làng an táng chu đáo sau đó biển trúng mùa, dân làng ấm no sung túc liên tục nhiều năm liền.

Cụ Long kể tiếp: Sau khi đánh bại Nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Nhà vua khai lập Vương triều Nguyễn và quan tâm đến việc xác lập chủ quyền biển đảo mà tiền nhân đã dày công khai phá, trong đó có 2 quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa.

Vào một ngày nọ, nhà vua cùng các quan cận thần dong thuyền Rồng ra biển để khảo sát hải phận, chẳng may gặp một cơn lốc xoáy mạnh, mạn thuyền tròng trành, tính mạng nhà vua thập tử nhất sinh, thì “Ông” nổi lên và kèm sát mạn thuyền, giữ cho thuyền nhà vua an toàn trong cơn sóng dữ. Thuyền rồng và nhà vua được tai qua nạn khỏi! Để tỏ lòng biết ơn, nhà vua đã lập trai đàn và gắn chức cho “Ông” là “Tứ Hải Long Vương”.

Ngày nay, nghi lễ an táng cá Ông không còn nhiều thủ tục như xưa, nhưng mỗi khi “Ông” dạt vào bờ đều được ngư dân chôn cất, hương khói rất tôn kính.

Từ khóa » Cá ông Khác Cá Voi