Cà Rem ơi Cà Rem…
Có thể bạn quan tâm
Trời se lạnh, tự nhiên thèm một cây kem ốc quế.
Nó là một đứa thường thích ăn kem vào những ngày trời lạnh, đặc biệt là khi trời mưa. Nó thích cảm giác ngồi co ro ở một quán cóc vỉa hè, nhấm nháp cây kem lạnh bốc khói trong làn hơi nước ẩm ướt, cả người lạnh run, hai hàm răng va vào nhau lập cập, nhưng nó thích thế, và cho rằng ăn kem vào lúc đó mới là ngon nhất…
Nó thích ăn kem từ khi mới hơn một tuổi. Mỗi khi được mẹ cho tờ hai trăm đồng, nó thường chạy ào ra tiệm tạp hóa đầu xóm, thích thú nhìn bà bán hàng lôi từ trong tủ đá đựng đầy kem các loại ra hai que kem tắc. Cây kem tròn trịa, mập mạp màu vàng cam cắm trong que đũa tròn, cầm trên tay còn bốc khói. Que kem ngày đó chẳng có gì làm nhiều nhặn, hết hai phần ba là đá lạnh xôm xốp. Bí ẩn nằm trong một phần ba còn lại là cái mùi đăng đắng thơm thơm, cùng với vị chua chua ngọt ngọt quyến rũ đầy mê hoặc tan dần trên đầu lưỡi, cắn vào nghe tê buốt cả răng… Hai trăm đồng mua được hai que, ăn hết rồi vẫn còn thòm thèm. Khi ăn chung với đám bạn, đứa nào cũng cố gắng ăn cho thật chậm, vì nếu lỡ tham lam ăn hết trước, thế nào cũng không dám đứng nhìn những đứa khác vẫn còn say sưa cầm kem mút, phải ngoảnh mặt đi chỗ khác mà lòng ngẩn ngơ thèm…
Trong các món kem ngày ấy còn một món cực kỳ quyến rũ bọn con nít, mà hầu hết nhà nào có tủ lạnh cũng đều có thể tự làm, đó là kem chuối. Nải chuối chín vàng lấy từ trên bàn thờ xuống, bẻ ra một quả, bóc vỏ, cắt làm đôi, cho vào bao nilon to bằng cỡ bàn tay, dùng dao bản lớn ép dẹp ra, rải lên trên dừa trắng bào sợi, đậu phộng rang bóc vỏ giã nhỏ, chút xíu nước đường, cuối cùng là nước cốt dừa trắng đục, đặc quánh đổ lên trên, để vào trong ngăn đá cho đến khi đông đặc lại. Đến bây giờ vẫn còn nhớ cảm giác háo hức khi đi ra đi vào mở tủ lạnh mỗi năm phút, thăm chừng rờ rờ xem kem đã cứng chưa, đến khi không nhịn nổi nữa mới lấy đại một que chạy ào ra ngồi trước hiên nhà, bóc nhẹ lớp bao nilon, cắn một miếng kem to đùng và thưởng thức cảm giác ngọt thơm của chuối hòa quyện cùng vị nước cốt dừa béo ngậy thơm lừng, thỉnh thoảng lẫn vào hạt đậu phộng rang bùi bùi lan tỏa dần trong vòm miệng…
….
Bọn con nít buổi chiều sau khi đi học về, thường nhấp nha nhấp nhổm đừng ngồi không yên, nhìn đồng hồ chạy ra chạy vào ngóng đợi, để rồi níu áo mẹ xin vài đồng bạc lẻ ngay khi vừa nghe tiếng leng keng thấp thoáng nơi đầu ngõ. Người đàn ông ngồi trên chiếc xe đạp ba bánh, tay cầm chiếc chuông lắc lắc, mở cái nắp tròn bằng gỗ, bên trong thùng là các thứ kem đủ màu: kem sữa trắng mờ, kem sôcôla nâu nâu đăng đắng, kem dâu hồng nhạt, kem sầu riêng vàng vàng… Ông dùng cây múc kem kéo vài đường trong thùng kem, xắn vào và thả ra từng viên kem tròn trĩnh, đặt lên chiếc bánh hình ốc quế nâu sẫm giòn tan, rưới lên trên một loại cacao nâu nâu từ hộp sữa đặc có đường, rải thêm một muỗng đậu phộng rang giã nhỏ, cùng với vài sợi mứt đu đủ xanh đỏ, đưa cho bọn con nít đang nhìn bằng cặp mắt hau háu xung quanh, xòe cả hai tay ra đón lấy, nhấm nháp hương vị mát lạnh thơm lừng của nhiều mùi vị trộn lẫn khiến người ta nhớ hoài trong ký ức tuổi thơ…
[Tranh minh họa: Họa sĩ Bé Ký – Người ghi lại sinh hoạt đường phố Sài Gòn]
Những ngày đầu đi học, nó thích thú với vô vàn thứ quà vặt bán trước cổng trường tiểu học mỗi giờ tan tầm, đặc biệt là món kem ống. Kem được bỏ trong ống hình trụ dài, đủ mùi vị, đậu xanh, cam, sữa, cà phê, nhưng thích nhất là món kem mít. Ống kem sữa có màu trắng đục, chen lẫn vài sợi mít xé nhỏ vàng ươm, ăn trong lúc còn bốc khói, cứng và giòn, vừa cắn vào một cái đã nghe buốt lạnh tê cả chân răng, thỉnh thoảng chen lẫn vào sợi mít ngọt ngào nhai trong miệng đầy thích thú…
…
Những thế hệ gia đình gốc ở Sài Gòn hẳn không ai là không biết đến kem Vi Bổn ở khu chợ Đakao nổi tiếng một thời. Kem được bán theo ký, mỗi một khối được làm vuông vắn chính xác nửa ký khỏi cần cân lại, vị sôcôla, dâu, sầu riêng, vani, dừa, khoai môn… Mỗi lần đi mua thường mua hai khối, mùi sôcôla nhất định lúc nào cũng phải mua, còn mùi kia có thể thay đổi là sầu riêng, vani, sữa hoặc dừa. Người bán cẩn thận gói kín bằng nhiều lớp giấy nâu để kem khỏi tan chảy trước khi về đến nhà, còn được “khuyến mãi” tặng kèm thêm một ống dài gói mười cái bánh ốc quế và hai gói đậu phộng.
Có lẽ kem ký là thứ kem duy nhất có thể ăn được theo nhiều cách khác nhau, tha hồ có chỗ cho sự sáng tạo. Kem mua về, dùng muỗng xắn ra từng miếng bỏ vào chén, có thể ăn trực tiếp cũng đã ngon, không cần cho thêm bất kỳ thứ gì. Thông dụng nhất là bỏ kem lên bánh ốc quế rắc kèm đậu phộng, có khi bị đòn vì cái trò mút kem ngược từ dưới đít bánh lên làm kem đổ đầy ra áo! Hoặc là kẹp kem giữa hai cái bánh xốp hình tròn màu vàng nằm gọn trong lòng bàn tay, giòn giòn nhàn nhạt. Muốn lạ hơn nữa thì có món bánh mì kem, kem được cho vào giữa ổ bánh mì mềm được xẻ ra, rưới thêm sữa đặc cacao và đậu phộng, thêm chút xirô đo đỏ và và vài sợi mứt đu đủ, cắn nhẹ để nghe cái lạnh hòa quyện trong miếng bánh mì mềm mại và vị chua ngọt của xirô… Cầu kỳ nhất có lẽ là món xirô kem, kem được bỏ vào ly, rưới xirô mùi cam, mùi dâu, bạc hà tùy thích, vắt thêm nước cốt chanh, đương nhiên không thể thiếu đậu phộng và mứt đu đủ xanh đỏ, cộng thêm đá bào nhỏ, là có ngay một món thức uống làm dịu đi những ngày hè nóng bức…
…
Lớn lên một chút, nó được ăn que kem có thương hiệu đầu tiên, nằm trong bao bì đàng hoàng có nhiều màu bắt mắt, được quảng cáo trên tivi với chú sư tử Paddle Pop và logo hình trái tim xoắn ốc đặc trưng. Kéo theo sau đó là vô số những thứ đi kèm bên cạnh que kem: nào là trò ghép que kem trúng thưởng ba lô, cặp sách, sư tử nhồi bông lúc nào cũng thiếu đúng một chữ. Là bài viết được đăng báo đầu tiên trong cuộc thi Thiết kế que kem của em trên trang giữa của tờ báo Donald & Bạn Hữu. Là những chiếc xe đạp đi vào trong xóm mỗi ngày, chở theo thùng kem màu đỏ phía sau luôn khiến bọn con nít bu đen bu đỏ mỗi bốn giờ chiều, phát ra tiếng nhạc lặp đi lặp lại cho đến tận bây giờ mà không đứa trẻ con nào là không thuộc “Không có tiền, không có tiền, không có tiền là không có kem ”…
Que kem hòa lẫn nước mắt đầu tiên đó là vào năm bảy tuổi. Lúc đó cây kem ốc quế Cornetto vừa mới ra được quảng cáo trên tivi, giá khá đắt, nó cố gắng học thật giỏi, đứng nhất lớp để mẹ thưởng cho, ăn một cây vẫn chưa đã thèm. Một lần người bạn của mẹ đến nhà chơi, nó được mua cho một cây, thích thú đến mê tơi, cầm cây kem trên tay xoay vòng vòng ngắm nghía, ăn từ tốn, chầm chậm, nhấm nháp từng chút một vì sợ hết, ăn xong còn mút lấy mút để ngón tay vẻ thèm thuồng… Khách vừa bước ra khỏi cửa, đột nhiên bị một cái tát như trời giáng: “Bố không mua được cho con một cây kem hay sao?” Ngỡ ngàng, không hiểu mình đã làm sai chuyện gì, ngẩn ngơ hồi lâu trước khi hai tay bưng mặt khóc, nước mắt chảy ràn rụa…
Những năm đại học làm đề tài nghiên cứu marketing, bắt đầu thấp thoáng bóng dáng câu chuyện thương hiệu chen lẫn vào que kem, từ kem Wall’s thành kem Kido’s, Cornetto rồi Cellano, nào là sát nhập rồi mua lại, nào là công thức bản quyền thị phần thương hiệu, nhưng vẫn không quên câu chuyện que kem thuở nào…
…
Những hàng kem tươi nối sát nhau ở đường Trần Quốc Toản chỉ vừa mới xuất hiện vào những năm cấp hai. Kem được bơm từ trong máy vào trong ly hoặc bánh xốp mềm mềm vị nhàn nhạt, không giòn và ngọt như bánh ốc quế ngày xưa, đầu tiên chỉ có sôcôla với vani với hai màu nâu trắng, bơm theo hình xoắn ốc vài vòng và kéo ra có được chóp nhọn, bên trên không bỏ thêm gì khác. Những năm sau này bắt đầu xuất hiện nhiều mùi vị khác, niềm vui mỗi khi đi ăn kem là thích thú nghe người phục vụ kêu í ới “Cho một môn – dâu bàn số ba ” hoặc “Ở đây hai riêng – sô nghen” (kem dâu-khoai môn và sôcôla-sầu riêng)…
Trên con đường đi săn lùng các quán kem vỉa hè, nó phát hiện ra cái quán nhỏ xíu ở đường Trương Hán Siêu gần chợ Đakao. Ở đó chỉ bán hai loại kem, kem nhãn và kem cà phê, rải đậu phộng muối còn nguyên vỏ nguyên hột. Kem cà phê đăng đắng nhân nhẫn là lạ. Kem nhãn thơm nồng mùi nhãn vừa chín, mỗi viên có nguyên trái nhãn tươi nguyên chất bên trong, ăn kem hòa quyện cùng phần thịt nhãn giòn sần sật, thỉnh thoảng đổi món bỏ vào trong cốc sữa đậu nành…
Thế giới kem
Vài năm gần đây những cửa hàng kem lần lượt nối nhau ra đời, ở trong quán cửa kính máy lạnh được trang trí đẹp mắt như quán cà phê: kem Bud’s, Pinky, Goody… mà nó thường gọi là kem viên. Nó ăn viên kem đầu tiên giá mười tám ngàn ở Goody đường Phạm Ngọc Thạch, nhiều hương vị khác nhau lần đầu tiên nó biết đến, nào là vị trà xanh, xoài chín, dâu tây, dâu tằm, trái mâm xôi, hạnh nhân, hạt điều, almond, raspberry, blueberry, chocolate chips, quế, bánh Oreo, kẹo sôcôla M&M, kẹo cứng đủ màu, sôcôla hạt… nhìn hoa cả mắt, có cả kem rượu Rhum, rượu Bailey với đủ thứ toppings… Cây kem của nó đơn thuần chỉ bỏ đậu phộng, sữa đặc và mứt đu đủ ngày nào bỗng trở nên lạc lõng quê mùa giữa cơ man những thứ lạ hoắc người ta có thể cho vào kem, đa dạng và phong phú, nhìn vào menu choáng ngợp không biết gọi món gì…
Món kem viên theo nó là ngon nhất sau khi đã thưởng thức kha khá qua tất cả các tiệm kem, đó là ở quán cà phê Cà Lạt (Cà phê Đà Lạt) núp trong một con hẻm nhỏ xíu ở Sài Gòn, không nhớ hiệu gì, kem dâu ngọt thanh, chua dịu, thơm lừng, có cả dâu tươi xắt nhỏ, kem dừa beo béo, lẫn vài sợi dừa bào nhuyễn trăng trắng ngon ngon, ở trong không gian yên tĩnh và tiếng nhạc êm đềm…
…
Giờ đây kem được làm thành đủ món khác nhau. Có món kem chiên hình tam giác bọc bên ngoài một lớp bột, không hiểu chiên sao mà vẫn giữ được kem bên trong không tan chảy, bên ngoài nóng giòn, bên trong lành lạnh, cầm nóng bỏng tay, đúng nghĩa vừa thổi vừa ăn. Các cửa hàng thức ăn nhanh còn bán món kem nổi (floating) trên ly nước ngọt có gas. Ở Jolibee có món kem vani bọc bên ngoài là lớp sôcôla mỏng tang rắc đậu phộng. Kem tươi whipping trắng muốt pha trong ly Irish coffee làm người ta sướng ngất ngây chếnh choáng vì vị kem béo hòa lẫn trong hương cà phê đậm đặc cùng chút rượu whiskey say túy lúy. Lại có lần nó được ăn món bánh sinh nhật mà kem lạnh được cho vào bên trong bánh kem thay cho mứt hoa quả, ăn kem lẫn trong lớp bánh bông lan mịn màng mềm thơm bông xốp…
Có lẽ cũng nên nhắc đến một món kem mà nó quyết định chỉ ăn một lần duy nhất trong đời, đó là món kem tuyết. Chỉ là cái tên gọi đầy hoa mỹ của món đá bào nhuyễn thêm vào trái cây tươi, rưới lên trên là sốt sữa hay sôcôla… Nhưng dù mùi vị nào cũng chỉ nhàn nhạt, thoáng qua chút xíu trong miệng rồi tan loãng đi trong nước đá, không còn chút gì đọng lại. Bởi vì thực tế bản chất nó chẳng phải là kem, kém hẳn món xi rô đá nhận ngày xưa bán ở trước cửa trường tiểu học, bỏ trong khuôn có hình chú mèo máy Doremon tái sử dụng lại từ hũ đựng cốm có nắp màu hồng bán trong các tiệm thuốc tây mà bọn con nít đứa nào cũng biết…
…
Thế giới kem không còn đơn thuần là mùi vị, đó còn là thiên đường của sự sáng tạo, của màu sắc, không gian, âm nhạc phục vụ cho sự thưởng thức. Hình thức trang trí của ly kem cũng cầu kỳ bắt mắt, thông thường nhất là cắm cây dù làm bằng giấy (mà mỗi lần ăn kem xong đợi người phục vụ quay đi mới lén lấy về) hoặc chiếc bánh quế giòn tan. Kem Bạch Đằng nổi tiếng với kem dừa được bỏ bên trong trái dừa, phục vụ kèm luôn ly nước dừa tươi trong vắt ngọt lịm. Đặc biệt khi đi ăn với người bạn nước ngoài đầu tiên, nó gọi món kem được dọn ra trong chiếc thuyền bằng chuối chở ba viên kem, bên trên gắn quả cherry đỏ chót, rắc cốm màu, sôcôla hạt và bột quế li ti. Một nhà hàng sang trọng khác làm món kem bạc hà xen kẽ sôcôla hình bầu dục, đặt trong đĩa lớn, rưới sốt sôcôla lỏng, the the ngòn ngọt đăng đắng, ăn bằng dao và nĩa…
Cà rem kem que…
Giữa cuộc sống hiện đại tất bật giờ đây người ta không còn thích kem nữa, thay vào đó là nhiều món quà vặt khác. Bây giờ chẳng còn thấy ai bán thứ kem đá ngày xưa. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp một xe kem leng keng ngoài ngõ. Nó thương cây kem quê mùa ngày nào lạc lõng giữa các quán kem Ý sang trọng. Bản thân nó, nếu tự nhiên muốn tìm thứ gì đó làm mát dịu những trưa hè nắng gắt, chỉ với chiếc tủ lạnh trong nhà cũng sẽ có được món kem đá làm tại nhà, đơn giản đến không ngờ. Nghe đâu người phát minh ra món kem que này chính là do để quên cốc nước chanh bên hiên nhà, ban đêm ở đó lạnh đến nỗi sáng hôm sau que kem đông cứng ngắc, ổng mút thấy thích quá nên khi lớn lên mang đi xin cấp bằng sáng chế!!!
Chỉ cần pha nước chanh nước cam, có thể cho vào mật ong nếu thích tăng thêm phần ngọt ngào, đổ vào khay đá vuông, cắm thêm que tăm tiệt trùng, cho vào ngăn đá tủ lạnh cho đông lại. Ba tiếng sau vặn ngược khuôn, nhấc bổng que tăm lên là đã có được món kem đá ngày nào, ăn vào nghe ký ức tuổi thơ tràn về trong que kem mát lạnh. Thỉnh thoảng để đổi món có thể pha cà phê sữa đá, yaourt, nước ép trái cây, trà sữa, chè đậu xanh đậu đen xay nhuyễn, thậm chí nước ngọt xá xị Chương Dương hay Coca Cola uống còn dư cũng có thể làm được que kem đá ngon lành, xua tan cái nóng bức của Sài Gòn thường nhật…
…
Nhiều người đọc đến đây hẳn sẽ bảo con nhỏ này mâu thuẫn, trời nắng trời mưa trời nóng trời lạnh gì cũng kiếm cớ để ăn kem hết. Hì hì, thèm cà rem rồi, tối nay ai đi ăn cà rem không?
01.01.2012
Từ khóa » Cà Rem ơi
-
Cà Rem Ơi - Home | Facebook
-
Cà Rem Ơi - Home - Facebook
-
Cà Rem Ơi - Kem Thủ Công - Bùi Đình Túy | ShopeeFood
-
Cà Rem Ơi - Food Delivery Menu | GrabFood VN
-
Cà Rem Ơi - Kem Thủ Công - Bùi Đình Túy
-
Cà Rem Ơi - Kem Thủ Công - Bùi Đình Túy - Foody
-
Ăn Cà Rem Cả Nhà ơi - YouTube
-
Lời Bài Hát Tình Như Cây Cà Rem (Việt Dzũng)
-
Ông Bán Cà Rem ơi.Bán Cho Con 4 Cây Cà Rem Nha #Rocky#funny
-
Lời Bài Hát Cô Bé (Huy Đức) [có Nhạc Nghe]
-
Nhạc Chuông Ngày Mai Anh Bán Cà Rem Nuôi Em – TikTok HOT
-
Anh Bán Cà Rem Nuôi Em - Khánh Duy Khương | Nhạc Chờ
-
Chị ơi, Người Bán Cà Rem Dạo Ngày ấy đâu Rồi - Lương Thúy Anh