Chị ơi, Người Bán Cà Rem Dạo Ngày ấy đâu Rồi - Lương Thúy Anh
Có thể bạn quan tâm
Dec 31, 2020 – Jan 4, 2021 (TM)
-Dạ chị Mai. Em gởi chị một số bài. Em có viết một số bài về mấy rạp ciné xưa của Huế, em sẽ gởi chị Mai sau. Ngày ni Việt Nam là ngày cuối của năm 2020. Có một điều mà khi hồi em vừa nghĩ, là em định sáng ni sẽ viết mail chúc chị Mai năm mới 2021 luôn an lành… thì chị Mai gọi điện về.
Em kính chúc chị năm mới luôn an vui và may mắn, chắc năm tới đây chị cũng chưa thể về Huế được, dịch bệnh vẫn còn lây lan quá… mới đó mà đã qua năm thứ hai. Em Thúy Anh – Huế, 31.12.2020
-Những bài Thúy Anh viết rất dễ thương mùi sông Hương núi Ngự. Trong đó có bài ông bán cà rem dạo làm chị nhớ hồi xưa ở Bến Ngự của chị có ông bán phở lóc cóc ở đường Trần Thúc Nhẫn và ông bán kẹo kéo rất ngon, ông kéo một dây kẹo mềm trắng muốt có ẩn mấy hạt đậu phụng rồi bẻ cái cụp xong là kẹo cứng lại ngay làm chị thích quá có khi kêu ông mua chỉ để xem ông bẻ kẹo. Tống Mai – Dec 31, 2020
-Cám ơn Thúy Anh đã gởi thêm những bài về những rạp ciné. Chị đăng nó ở cuối post. chị Tống Mai – Jan 4, 2021
Ngó về quê mẹ
NGƯỜI BÁN CÀ REM DẠO NGÀY ẤY ĐÂU RỒI
Những đêm trời Huế nóng nực như khoảng thời gian này, dòng kí ức trong tôi bỗng như khúc phim quay ngược thời gian trở về một thời xa lắm của tuổi ấu thơ.
Có những mùa hè, bóng đêm đã lên ngập tràn trong lòng phố Huế, nhưng khí nóng vẫn lan tõa khắp không gian. Người Huế thường có thói quen ra trước hiên nhà ngồi chơi cho đỡ nóng nực.
Và những đêm như thế, cả gia đình tôi quây quần trước thềm, đâu đó có tiếng rao của người bán kem dạo, thế là Ba Mạ hay người anh cả của tôi vẫy tay gọi vào.
Những người bán kem dạo ấy, tuổi hãy còn rất trẻ, anh tháo thùng kem đeo trên vai xuống, cẩn thận mở nắp, hơi lạnh từ trong tõa ra mờ trắng như sương đêm, những cây kem lần lượt được đưa ra khỏi thùng, trao đến tay từng người.
Cây kem ngày xưa không bọc giấy nhiều mẫu mã, đẹp mắt như bây giờ. Kem chỉ được bọc trong mảnh giấy trắng mờ có thể gọi là giấy nến, chất nến phủ mỏng có mục đích bảo vệ cho cây kem không bị thấm nước bên ngoài, giấy quấn kín quanh và vấn lại trên đầu cây kem, màu giấy gói mỏng nên vẫn có thể nhìn rõ màu sắc của cây kem. Màu xanh cho kem bạc hà, vàng là kem xoài, kem chuối, màu kem hồng thơm mùi dâu…Những cây kem nằm chúi đầu trong thùng, lộ lên trên những chiếc que được chẻ sơ sài, dũa tàm tạm bằng tre chứ không phải là que làm bằng gỗ ép hay bằng nhựa, vuông thành sắc cạnh và đẹp đều đặn như bây giờ. Đặc biệt ngày xa ấy, thường gọi là cà- rem (phiên âm từ tiếng Pháp: crème) chứ không gọi là kem cây như thời nay, để phân biệt với kem ly.
Người bán kem dạo, thường lê bộ trong đêm, vai mang một chiếc phích (bình thủy) đựng kem, thường là do chủ lò kem cung cấp, tựa như phích chứa nước nóng thời nay nhưng có dung tích lớn hơn, bên trong là thủy tinh có tráng lớp men trắng bạc, chính là để giữ cho kem lạnh được lâu. Phích được đóng kín bằng một nắp vặn tròn khá lớn, có tiện gai rất khít khao, sau lớp nắp ấy, dằn thêm một lớp nùi bên trong chặt kín, để cho hơi lạnh không có cơ hội bay ra lang thang được. Họ thường đi như thế trong đêm Huế nóng, cất tiếng rao lanh lảnh rằng là… “cà-rem đây…”.
Có người hơi ngịch ngợm một chút … “cà-rem… nóng hổi mới ra lò đây”….”.
Kem bán được bao nhiêu thì họ sẽ ăn lãi bấy nhiêu, đêm nào ế ẩm, họ trả về cho chủ lò kem, đêm mai lại tiếp tục …cứ như thế trọn những ngày Hè.
Cái cảm giác được chúi đầu nhìn vào thùng kem để chọn màu, khi thì kem dâu màu hồng, lúc khác lại là cây trắng trắng có vị dừa thơm phức, hay là xanh xanh thoáng chút mùi bạc hà…thật là thú vị, đâu dễ dàng quên được.
Thời gian thả dốc lao vun vút, những mùa hạ tuổi thơ cứ thế mà ra đi, tôi đã chia tay những mùa hè bé bỏng của đời mình như thế.
Những mùa hạ sau này, người bán kem như trước không còn nữa, chỉ có những thùng kem lạnh lớn đặt trong các cửa hàng, hoặc trong một vài xe kem loại có thùng lớn, xe đẩy đến đâu thì nhạc nổi lên đến đó, tiếng nhạc xập xình lúc trầm lúc bỗng, hay có khi là tiếng chuông kêu leng keng, như báo cho biết rằng… kem đây… kem đây, thay cho tiếng rao khô hơi ngày xưa. Trong những thùng đó, chứa các loại kem nhiều màu, nhiều vị, giấy bọc lòe lọet đủ sắc đủ hình, tất cả được sản xuất qua công nghiệp
Những người bán kem năm xửa năm xưa ấy, chẳng biết giờ nay họ có còn ở Huế hay không? . Thuở ấy, dù tuổi đời của họ hãy còn rất ít, nhưng trên những khuôn mặt đã hằn lên nét khắc khổ, bởi sự lao nhọc, đêm hè Huế nóng nực, họ mãi miết lê chân trong lòng phố Huế, suốt những ngày hè. Có thể khi mùa ra đi, họ sẽ đổi sang bán thức khác, vẫn cất tiếng rao, vẫn lê lết đôi chân mỏi mệt. Chẳng ai biết được giờ này họ có đổi thay được cuộc đời của họ như chính sự đổi thay của cây kem xưa và nay. Cũng đâu ai biết được rằng, có thể một vài người trong số họ đã buông đôi tay chai sần bởi bao lần nâng lên hạ xuống thùng cà-rem nặng trĩu. Họ đã đi vào thiên thu, quên đi, quên hết những ngày tháng nhọc nhằn, chẳng biết kiếp sau họ có còn nhớ những phích kem lạnh mát trong đêm hè bức bối của quê hương.
Chập chờn trong giấc khuya âm ĩ nóng nực cao điểm của mùa hạ, thứ âm thanh dễ thương của tuổi thơ vẫn day dứt trải dài trong tiềm thức, giăng kín mộng mị đêm hè:
“Cà-rem đây, ai cà-rem….”
Thấp thóang bóng hạ xa lắc xa lơ ẩn ẩn hiện hiện…mờ nhòa
“Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ…”
BƯU ĐIỆN HUẾ, NHỮNG LÁ THƯ ÚA MÀU
Chiều nay lật trang sách cũ, tình cờ một phong thư úa màu thời gian rơi xuống nền nhà.
Cúi nhặt cánh thư, bỗng dưng mà nghe như có tiếng người đưa thư gọi vọng lại từ ngoài cổng, gợi nhớ trong tôi thuở mà thư từ vẫn còn gởi, nhận qua bưu điện.
Ngày xửa ngày xưa, khi thư từ, tin tức truyền thông chỉ có thể nhờ vào những cánh chim bồ câu, rồi những con ngựa chạy đường dài, cho đến sau này, là những phương tiện đường bộ, đường thủy, đường xe lửa, rồi hiện đại hơn nhiều là nhờ vào máy bay, còn nhanh hơn nữa.
Nhưng khi cuộc sống ngày thêm hiện đại, xã hội phát triển, những lá thư viết tay gởi qua đường bưu điện dần dần biến mất.
Bây giờ, điện thoại, rồi email, facebook… là những phương tiện truyền thông quá nhanh và vô cùng tiện lợi, mọi tin tức chỉ cần trong vài phút giây là đã đến nơi, đến chốn.
Chỉ cần ngồi ở nhà thôi, gõ trên phím máy vi tính, hay điện thoại di động, thế là bức thư đầy đủ bao điều muốn nói đã có thể hình thành, rồi bấm send, thư đi, ngay sau đó đã có thể nhận ngày hồi đáp nếu nơi nhận cũng đang ngồi trước máy tính hay cầm trên tay điện thoại thời tân tiến này, ngay cả hình ảnh cũng sẽ nhanh chóng đến với người nhận, không cần thiết đi sang rửa, bỏ phong thư gởi đi nữa.
Nhưng trong tôi, hình ảnh những tờ thư xưa, vẫn luôn là một cảm xúc vô cùng khó tả mỗi lần được nhận qua người đưa thư của Bưu điện.
Và cả những tờ thư tự tay mình đi gởi cho bạn bè người thân, gởi rồi là chờ đợi, mong ngày có lại bức thư hồi âm, để thấy lòng vẫn xôn xao, nao nao như thuở nào màu thanh xuân chưa phai nắng.
Thư không chỉ là mang mỗi một niềm vui, mà đôi khi có đậm nét nỗi buồn, âu lo, lẫn đau khổ…
Và còn cả những bức điện tín, mà từ rất lâu, thường gọi là dây thép, đi đánh điện tín thì gọi là đánh dây thép. Tôi vẫn chưa hề quên những tờ điện tín của một thời chưa có phương tiện truyền thông nhạy bén như bây giờ.
Một buổi sáng sớm, nghe tiếng gọi ngoài cửa nhà… có ai không, ra nhận dây thép (điện tín) nì.
Cầm bức điện tín ấy trong tay, lòng hoang mang, xen lẫn hồi hộp, nửa mừng nửa lo…bởi vì điện tín hồi ấy là để gởi những điều cần được báo vội vàng…và điện tín có khả năng đôi khi là tin xấu, không vui.
Bức điện tín có thể làm cho người nhận hân hoan tươi cười rạng rỡ, nhưng ngược lại cũng có thể làm cho người nhận sụp đổ hoàn toàn khi vừa đi vừa đọc mà chưa kịp vào nhà trong…
Cho đến bây giờ tôi vẫn rất thích viết và giữ thói quen ghé qua bưu điện gởi những tờ thư, nhất vào dịp lễ, tết.
Cứ vào chặng sắp đến Tết âm lịch, tôi lại đi nhà sách, chọn mua mấy tấm thiệp chúc tết đậm đà màu quê hương, tôi thích tẩn mẩn ngồi viết những câu chúc tết trên mấy tấm thiệp xuân màu mè hoa lá, ghi tên người nhận, địa chỉ ngoài phong thư, rồi đến bưu điện Huế, mua tem, dán vào, thả vô thùng thư.
Chờ ngày có người báo tin qua điện thoại rằng là đã nhận, chỉ cần như rứa thôi, lòng cảm nhận một niềm vui nhẹ nhàng khó tả…và nhất là khi trong bạn bè ai đó bảo rằng… công phu và tình cảm quá đi.
Bưu điện Huế là nơi chốn rất quen thuộc với tôi vì thế, từ nơi này tôi gởi một chút niềm vui đến mọi nơi, và rồi từ chốn ấy, tôi đã nhiều lần nhận lại những tình cảm, những nhắn gởi thân thương từ của bao nhiêu người thân và bạn bè cũ, mới…
Ngược dòng thời gian, lắm khi tôi như vẫn cứ mơ mơ màng màng…văng vẳng giọng nói quen thuộc của anh đưa thư ngày cũ …ra nhận thư nì…
GA HUẾ – TIẾNG CÒI TÀU
Có những lúc, trong đêm khuya thanh vắng … Tiếng còi tàu lửa xa xa vọng lại nghe đến não nuột. Những chuyến tàu đến rồi đi, dù đến hay đi cũng vẫn luôn có những cái vẫy tay chia li giữa người và người. Tiếng còi tàu nghe xa xa, nhưng xa mà gần, gần vẫn xa.
Vẫn là những chuyến tàu năm xưa đó thôi, chuyến tàu vẫn đều đặn đến và rời sân ga Huế từng ngày từng ngày. Vẫn là những chuyến tàu đến đến, đi đi ngang qua những sớm những chiều, những năm những tháng.
Có khi nắng Xuân vẫn còn ngập tràn trong sân nhà người Huế, hoa Xuân vẫn nở rợp trời, mà sao lại đã phải lên tàu đi xa… đi rồi lại về, về lại đi nữa, chưa bao giờ có được những ngày Xuân sum họp và bình an thật sự cả.
Và quanh năm, những chuyến tàu ấy cứ rời sân ga, quay trở lại, chở theo tuổi thanh xuân của một đời người, hai đời người, những đời người… Để rồi sau mỗi lần như thế, tuổi xuân cứ rơi rụng dần trên lộ trình tàu ngang qua.
Còn lại gì khi chuyến tàu cuộc đời dừng lại trên sân ga chốn tạm, hai bàn tay trắng, bốn bàn tay trắng, những bàn tay trơ vơ, xót xa, nắm lấy nhau tiếp tục cuộc hành trình chưa biết nơi đâu là điểm dừng kế tiếp, con đường phía trước vẫn còn lắm hầm hố phủ phàng, bụi bặm chông gai hay không?
Đêm vẫn yên ả, tiếng còi tàu bỗng lại thét lên như muốn xé tan màn đêm tĩnh lặng, nghe lanh lảnh, nghe xót xa…
Tôi chẳng đang chia tay một ai cả, mà bỗng rưng rưng…
Bởi nhớ những mùa Xuân xưa, xa lắm, những mùa Xuân ấy vẫn luôn nằm im lìm trong kí ức không thể nhạt nhòa, để chờ một lúc nào đó, bất chợt có tiếng sét kỉ niệm đánh thức, rồi trở mình thức giấc trong tôi…
Làm sao mà không lao xao đến nao lòng…
“Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ’ Lòng của người đi réo kẻ về.” (Tế Hanh)
Có lẽ chỉ đến khi chuyến tàu dừng hẳn trong sân ga cuộc đời, e rằng lòng người mới có thể phẳng lặng, bình tâm được.
CÀ PHÊ TÔN – CHỈ CÒN TRONG KÍ ỨC
Cà phê Tôn không phải là một quán cà phê như bao quán khác, mà chỉ là một chiếc xe, trên xe đầy đủ các vật dụng cho một gian hàng cà phê, đương nhiên là phải có li tách, muỗng, cà phê và chắc chắn là không thể thiếu bàn ghế, những chiếc ghế rất đơn sơ, và là loại ghế có thể gấp xếp lại, để chủ nhân dễ dàng di chuyển hàng ngày.
Chiếc xe chuyên chở vật dùng này hàng ngày đến một góc nhỏ trên vỉa hè ở góc đường Đoàn thị Điểm-Hàn Thuyên, trước mặt cửa Hiển Nhơn, ngay gần bên khuôn viên của Tôn Nhơn Phủ, chủ nhân bày soạn các thứ ra để bắt đầu một ngày mưu sinh.
Cà phê của ông ngon, thơm, điều này đã được nhiều người Huế đã từng uống cà phê nơi đây công nhận như thế. Khi hỏi bí quyết để có được li cà phê thơm ngon như thế, ông rất vui và bật mí cho biết rằng là cà phê ông mua loại hảo hạng đã đành rồi, về nhà còn ngồi tẩn mẩn lựa và loại bỏ những hạt cà phê có khả năng “làm rầu nồi canh”, sau đó rang xay, khâu rang xay thì chỉ có mình ông biết mà thôi.
Cà phê của ông không chế trong chiếc li như các nơi khác, mà là mời khách bằng một chiếc chén sứ loại bình dân, những chiếc chén nhỏ này luôn được ông ngâm trong một thau nước nóng.
Khi có khách đến, ông dùng một chiếc kẹp dùng để gắp nước đá, gắp chén ra và chế cà phê cho khách, và cà phê của ông cũng được lọc bằng chiếc vợt lớn chứ không dùng phin, nhưng hương vị của chén cà phê ấy luôn đậm đà, thơm ngát.
Một thời gian sau hơn, chiếc xe của ông chuyển đến một vị trí khác, cũng gần đó thôi, là góc đường Đoàn thị Điểm- Đinh Công Tráng.
Xe của ông không hề có bảng tên cà phê, nhưng người Huế hay gọi là cà phê Tôn, cũng dễ hiểu, vì tên của ông là Tôn, ông là con cháu của hoàng phái, ngang hàng với tên đệm là Viễn. Cũng có ý kiến cho rằng do xe cà phê của ông đặt gần khuôn viên Tôn Nhơn Phủ, nên gọi là cà phê Tôn.
Sau này, ông có căn nhà mới ở đường Đinh Bộ Lĩnh, tức là Đinh Tiên Hoàng hiện nay, ông bỏ chiếc xe cà phê di động rồi mở quán bán cà phê tại nhà riêng này, vẫn hương vị cà phê ấy mang theo từ chiếc xe di động.
Rồi dần dần, có lẽ do tuổi cao, ông không bán nữa, sau này căn nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng ấy là một quán cháo bò của người con gái ông.
Cà Phê Tôn cũng như rất nhiều quán cà phê khác của Huế xưa, âm thầm lùi vào dĩ vãng xa xôi, chỉ để lại nỗi nhớ trong lòng người Huế cũ.
NHỚ QUÁN CHÈ SẦU – CHÈ BỘT LỌC BỌC THỊT QUAY
Mỗi lần nhắc đến quán chè SẦU, người Huế của một thời đã xa là luôn nhớ một món chè ở đây, ngon và đặc biệt, đó là chè bột lọc bọc thịt heo quay, vị ngọt thanh của đường lại quyện chung với mùi vị mặn mà của thịt heo quay xắt nhỏ xào lên thơm phức, bột lọc dai dai, dẻo dẻo.
Món chè này hiện nay không hiếm ở Huế, nhưng nhớ ngày xưa khi đi ăn chè ở quán Sầu này, thì lại cảm nhận rằng là phải chăng chè hồi nớ ngon hơn chừ, các anh chị là học sinh, sinh viên một thời xưa của Huế, đa số ai cũng đã đến đây, trước ăn chè, sau cùng đùa vui bên nhau, tuổi học trò, chẳng có chi âu lo, chưa hề vướng bận gì ngoài việc học hành, nên đi ăn chè, đi cà phê, là một trong những kỉ niệm thật vui của thời ấy, chắc hẳn đây chính là lý do tại sao ly chè xa xưa cảm thấy như ngon hơn chừ.
Không hiểu tại sao chủ nhân lại đặt tên cho quán là Sầu, mang ý nghĩa là buồn, mà thực sự khách đến đây đa số là sinh viên học sinh hồi nớ, là tuổi thanh xuân của một thuở, và đến đây ăn chè luôn mang theo niềm vui và rộn ràng tiếng cười, rôm rả chuyện trò chứ không hề SẦU.
Từ trong kí ức, tôi nhớ Chè Sầu là một quán nhỏ, nằm trên một con đường đất của con ngõ cũng nhỏ, trên đường Nguyễn Công Trứ(?), quanh quanh gần sân Vận Động Tự Do.
Các anh chị đến đây ăn chè vào những lúc nghỉ học bất chợt, hay cuối giờ rãnh rỗi chưa vội về nhà, ăn chè xong, ai ở khu vực tả ngạn sông Hương thì thay vì đi ngược lên cầu Trường Tiền để về nhà, các anh chị lại đi bộ một đoạn về Đập Đá, lên con đò sắt neo bến nơi đây đợi khách để sang ngang qua bên tê, cập bến ở chợ Đông Ba, như rứa là đỡ một đoạn đường và có khi lại cảm thấy vui hơn, ngay cả các anh chị đi xe đạp cũng muốn đi theo cách này để sang ngang, bằng cách đưa xe đạp lên đò luôn, qua bến sẽ đạp xe về nhà, vui thêm một chút với bạn bè, có thể có nhà sẽ bị xa đường hơn, nhưng vui là chính, ngại chi cách trở sơn khê…
Chè SẦU chừ đã đi vào dĩ vãng, bây giờ các anh chị ngày xưa ấy nếu có nhắc đến hay trở về tìm lại quán chè ngày xưa thì mới thật sự là SẦU…vì dĩ vãng ấy đã xa xôi…nhòa nhạt vào tháng ngày quay qua quay lại nhanh thoăn thoắt…
Huế xưa, chừ đã mất dấu hoàn toàn rất nhiều vị trí, những vị trí ấy tuy ở một thời đã xa rất xa, nhưng lại luôn gần thật gần trong kí ức của biết bao người Huế, dù đang ở Huế hay xa Huế ngàn dặm, lòng vẫn da diết nhớ mãi quê hương…
…quê hương với bao kỉ niệm êm đềm yêu dấu một thời.
“RÉT THÁNG 11 CON GÁI TỐT CŨNG HƯ”
Đã cuối tháng 10 âm lịch, sáng ni Huế của mình vẫn đang mưa dầm và lạnh.
Từ thuở còn rất nhỏ, tôi hay nghe mạ nói câu này, gồm hai câu đầy đủ là:
“Rét tháng ba bà già cũng tốt Rét tháng mười một con gái tốt cũng hư”
Và tháng 3, tháng 11 trong câu này là tháng của âm lịch.
Tháng 11 âm lịch, là tháng nằm giữa mùa đông Huế.
Do hồi nớ tôi còn nhỏ xíu, nghe mạ mình nói rứa thì cứ tưởng là chữ HƯ trong câu ni có nghĩa là hư đốn, nhác nhớm. Nhưng không phải, mạ tôi giải thích rằng HƯ ni là hư hao, có nghĩa là cái rét mướt lạnh lùng của Huế khó chịu đến nỗi con gái TỐT trong câu nói đó, tức là con gái khỏe mạnh, có sức khỏe cũng hư hao, xanh da khô thịt , tay chân tê cóng, môi khô nức nẻ, huống chi là bà già. Tất cả gom lại một ý là tháng 11 âm lịch của Huế là quá lạnh, ngay cả nam thanh nữ tú phơi phới tuổi xuân cũng không chịu đựng nổi, đừng nói chi là các ông bà già.
Tôi vẫn còn nhớ, thuở nớ dường như thời tiết Huế khắc nghiệt hơn chừ nhiều, mùa mưa lụt, lạnh lẽo, không chỉ là mưa tầm tã, mưa xối xả làm cho Huế của mình lụt lên lụt xuống nhiều đợt trong năm mỗi mùa, mà còn là sau mùa mưa lụt, lại đến trở lạnh, cái lạnh rất khó chịu, phải nói là rét mướt thì chính xác hơn, mang áo ấm mấy cũng cứ thấy lạnh run lập cập, nhất là khi ra đường hay ngang qua cầu Gia Hội, Trường Tiền…
Những năm tháng xa khá xa ấy, mỗi buổi sáng dậy đi học là cả một cực hình đối với tuổi thơ của chúng tôi, buổi sáng mùa đông, còn ngái ngủ, đang ấm áp “cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ” , lúc nớ mà phải tung chăn trở dậy ra khỏi giường, khỏi phòng thì, thú thật…chúng tôi cũng phải hư, hư ni là hư do lười biếng, nhác nhớm vì lạnh quá, mạ cứ phải nhắc tới nhắc lui… “ dậy, dậy đi học cho rồi mấy đứa, coi chừng trễ hí…”, hay có khi mạ phải tự tay tốc mền từng người một trong mấy anh chị em tôi. Mạ có làm như rứa, thì mỗi đứa con hư của mạ mới bắt đầu uể oải, trở qua trở về một chặp rồi mới chịu bước ra khỏi giường.
Cái thời Huế của mình mùa đông hay có những đợt lạnh buốt, hay nói cho đúng hơn là rét căm căm, có khi kèm theo mưa phùn lất phất, cái lạnh làm cho tay chân lóng cóng, áo quần mặc mấy cũng cứ thấy lạnh, hơi thở khi nói ra thì ai cũng cứ như người nhả khói thuốc. Quần áo mang trong người thì cứ bị dính vào người, có khi thay lại nghe tiếng nổ tách tách nhỏ nhỏ, giải thích điều này là do hiện tượng tĩnh điện xuất hiện khi thời tiết hanh khô vào mùa đông.
Những ngày này, tháng 11 âm lịch sắp đến, đang chuẩn bị “cuộn mình” trong lòng phố Huế, trời Huế những ngày tháng 11 này cũng thường trở khá lạnh, gợi trong tôi những năm tháng lạnh rét khắc nghiệt xưa cũ, nhất là cái lạnh của một thời xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chăn ấm nệm êm, thiếu cả điện đèn, củi than để sưởi ấm…Tôi cũng đã từng những buổi sáng đông lạnh, nhắc con mình thức dậy đi học, con tôi cũng nhắc, cũng hư như tôi ngày xưa, tôi cũng phải tự tay lôi mền của con, hối con dậy đi học cả trễ giờ…
Thỉnh thoảng, khi mùa đông trở về, trong đêm thanh vắng, tôi vẫn nghe như có tiếng của mạ mình…
“Dậy đi học, dậy cho rồi mấy O, trưa trờ trưa trật rồi, con gái con đứa chi mà nhác quá, hư quá …”
Và cả tiếng của mấy chị em tôi, giọng như vẫn còn mớ ngủ, còn thèm được ủ kín trong chăn ấm nệm êm ngày xưa ấy, thuở còn có mạ…
“Mạ ơi…rét tháng 11 con gái tốt cũng hư mà mạ…”
QUÁN CHÁO LÒNG HUẾ XƯA
Ngược thời gian, tìm về quá khứ, những tiệm cháo lòng của Huế xưa như ĐỒNG Ý, VĨNH PHÚ, cháo lòng BÀ ĐỒNG, cháo lòng MỤ CỘ, thì trong kí ức của rất nhiều người Huế cũ luôn là kỉ niệm khó phai mờ.
Những năm đã rất xa ấy, đường Ngả Giữa, nay là đường Phan Đăng Lưu, có tiệm cháo lòng ĐỒNG Ý, vị trí tiệm ở gần mặt sau của Hội Quảng tri, ngay đối diện với tiệm bánh Thuận Hưng và nhà hàng Quốc Tế.
Cháo lòng ĐỒNG Ý nổi tiếng ngon từ hồi ấy và cho đến chừ vẫn luôn được nhiều người Huế của Huế cũ nhắc nhở. Hiện nay cũng có con cháu nối nghiệp nhưng có thể nói hương vị ngày xưa vẫn luôn lấn át, phải chăng bởi màu kỉ niệm đã làm cho tô cháo mùa cũ như ngon hơn, ngọt hơn, thơm hơn?
Cũng trên con đường này, còn có tiệm VĨNH PHÚ, Vĩnh Phú là tiệm cháo lòng có vị trí gần cuối đường Ngả Giữa, đối diện vườn bông Ngả Giữa, sau năm 75, Vĩnh Phú vẫn còn mở bán thêm một thời gian.
Rồi sang ngang trên mấy nhịp cầu Trường Tiền, chạy một vòng qua bên hữu ngạn sông Hương, lên vượt dốc Nam Giao, trên con đường có tên cũ là Lam Sơn, chừ đổi tên mới là Điện Biên Phủ, chắc là sẽ có rất nhiều anh chị, các bạn chưa quên cháo lòng BÀ ĐỒNG.
Cháo lòng Bà Đồng phù hợp và thu hút giới sinh viên học sinh nhiều hơn, do vị trí tiệm ở khu vực hữu ngạn có nhiều trường học, và giá cả tô cháo cũng bình dân.
Sau khi vượt dốc Nam Giao, tô cháo lòng bà Đồng gợi nhớ trong tiềm thức vị ngon khó lòng cưỡng nổi, nhất là trong những ngày Huế của mình đang lạnh lạnh như hiện nay, mời các anh chị, các bạn quay về đường Nguyễn Thị Giang, sau năm 1976 đến nay đổi tên là đường Võ Thị Sáu để cùng nhớ lại tô cháo lòng khác, cũng ấm áp, thơm ngon không hề kém cạnh, là cháo lòng MỤ CỘ.
Cháo lòng Mụ Cộ thu hút khách là giới sinh viên học sinh cũng khá đông, nhất là các anh chị sinh viên ở nội trú ở cư xá ĐỘI CUNG, vì hai vị trí này khá gần nhau. Và có một lí do nữa là tiệm cháo này rất gần quán billard của ông chủ tên Có, nên một công đôi chuyện, đến chơi rồi đói bụng thì vô tiệm ăn cháo lòng, hay đi ăn cháo lòng xong rủ nhau chơi vài ván billard cho vui sau những giờ học căng thẳng.
Cách nấu cháo của người Huế rất khác các nơi, là hột gạo luộc nở mềm nhừ nhưng không nát , luộc gạo xong thì xả cho ráo nước, để khi cho vào chung tô cháo thì hoàn toàn không rền nước, nước cháo luôn trong veo trong vắt. Và cháo lòng Huế thì ăn nước nhiều hơn là ăn gạo, tô cháo thường lỏng bỏng nước cháo.
Tô cháo bưng ra nóng hổi, bốc hơi thơm hương của gạo nở mềm mại, quyện mùi của tim gan, phèo heo… xắt lát mỏng bày trên mặt tô, tỏa lên mùi thơm lựng của tiêu hành , tiêu phải rắc nhiều, thật cay, hành ngò cũng xanh đều cả trên mặt tô cháo thì mới đúng điệu cháo lòng Huế.
Tô cháo nóng hổi hổi, vừa thổi vừa ăn…nếu gặp lúc trời Huế đang lạnh như những ngày này nữa, thì…thiệt là khó để diễn tả.
CHÈ ÔNG THÂN, MỘT THỜI DỄ THƯƠNG MÃI NHỚ
Đối với người Huế, của những năm rất cũ, nhất là trong giới học sinh sinh viên hồi đó, thì cụm từ CHÈ ÔNG THÂN gần như ai cũng biết và rất quen thuộc, cũng như thuộc nằm lòng lối đi nơi đến.
Đó là tên gọi của quán chè nằm ngay góc của hai con đường là Nguyễn Du và Võ Tánh, là đường Nguyễn Chí Thanh bây giờ, đổ dốc cầu Đông Ba là đã thấy ngay đó rồi.
Thuở ấy học sinh các trường trong Thành Nội, chỉ việc ra cửa Đông Ba, qua cây cầu đen ấy là đến nơi. Các trường ở phía hữu ngạn sông Hương thì xa hơn một chút, qua cầu Trường Tiền hay cầu Mới, thẳng về cầu Gia Hội, nơi đây đổ dốc cầu này, chạy rẽ qua đường Bạch Đằng, đến ngang chân cầu Đông Ba có lối ngang qua đường Võ Tánh là đến quán chè. Học sinh trường Gia Hội thì đơn giản hơn nhiều, cứ việc thẳng tiến lên phía trước một đường thôi. Và với các anh chị trường Nguyễn Du thì lại càng nhanh và thuận tiện hơn nữa, chỉ cần trống tan học, ra khỏi cổng trường, rẽ bước một đoạn rất ngắn, ly chè ngon ngọt đã thấy ngay trước mặt.
Quán là nơi tụ họp của biết bao lứa tuổi học trò thời xa xưa ấy, không chỉ là vì chè ngon mà còn vừa túi tiền của các học sinh, sinh viên Huế, và cả ở ngoại tỉnh về Huế trọ học.
Quán nổi tiếng một thời ở Huế và mãi cho đến bây giờ, dư âm vẫn còn đâu đó, nên đôi khi quán là một dấu mốc mà người Huế hay dùng để chỉ vị trí hay định hướng.
Học sinh Huế thời ấy rất thích đến đây họp mặt, vui chơi sau những giò học miệt mài căng thăng, ăn li chè đậu đỏ, chè khoai tía có tím biếc, lao xao quậy ly chè với mấy mảng đá bào trắng xóa, mát rượi, li chè bột lọc bọc dừa có vài sợi gừng thơm phức… chuyện trò râm ran một lúc rồi chia tay.
Riêng có một số anh Huế, học sinh cũng có mà sinh viên cũng nhiều, và cả các anh trai tỉnh bạn về Huế trọ học nữa, các anh đến đây, giả vờ ăn chè, hay thực sự muốn thưởng thức chè ngon cũng có, nhưng mục đích rõ ràng hơn của các anh, là để ngắm, nghễ, cua chị thiếu nữ duyên dáng, dịu dàng, là ái nữ của Bác chủ quán.
Thật rất tiếc khi không còn hình ảnh gì về quán chè ngày xưa, chỉ còn chăng là vị trí góc đường này, đổ dốc cầu Đông Ba Đen ấy, căn nhà xưa ghi dấu nhiều kỉ niệm của bao lứa tuổi thanh xuân một thời của người Huế.
Cầu Đông Ba cũ chừ đã không còn cũ, căn nhà năm xưa vẫn còn đó, rất ít đổi thay, nằm im lìm dưới chân cây cầu cũ chừ đã hoàn toàn đổi mới, và cụm từ CHÈ ÔNG THÂN thì thật khó để phai trong lòng rất nhiều người Huế của một thời đã xa…
MƯA HUẾ : “NẮNG DOI MƯA LÒI CON MẮT”
Hôm nay, từ rất sớm, Huế đã đổ mưa, là cơn mưa dự báo một đợt gió mùa đông bắc, không khí lạnh sắp đến.
Nhưng trước khi đón gió lạnh về, Huế hay có những cơn mưa đổ xuống bất chợt, rất nhanh, rồi lại nắng lên, cũng rất bất chợt, và nắng cũng mong manh.
Kiểu mưa, nắng, rồi nắng, rồi lại mưa, cứ rứa liên tục, hoặc là có khi trong nắng vẫn có mưa, như sáng nay, như hiện tại, thì người Huế mình hay nói câu “NẮNG DOI MƯA LÒI CON MẮT”
Chẳng biết câu thành ngữ này xuất hiện từ bao giờ, nhưng đây chính là một kinh nghiệm đúc rút từ lâu đời của người xưa khi nói về mưa, cụ thể là mưa Huế.
Và đây cũng là một trong những cách mưa …rất Huế.
Chặng mùa vừa chuyển qua đông như thời gian này, và như sáng ni, Huế của mình hay có những lúc, buổi sáng, trời hé chút màu nắng mỏng tang, nhướng lên nhướng xuống, rồi mây xám từ đâu kéo đến giăng trời, một lúc sau thôi là mưa ùa về, cứ như rứa, rồi có khi tầm tã kéo dài trọn ngày, hay nhiều ngày.
“Nắng doi” trong câu này là nắng như thế, nhưng còn “mưa lòi con mắt”, có lẽ do mưa nhiều, mưa mãi nên người Huế cứ ngong ngóng bên trời một màu nắng xa xôi đến nỗi lòi cả mắt hay chăng?
Cứ khoảng sang tháng 10 Âm lịch này là rứa, đôi khi sáng sớm có mảnh nắng, rồi sụp lên sụp xuống cứ như mí mắt của người thiếu ngủ, sau đó lại là mưa trọn ngày, có thể sáng hôm sau lại nắng, nhưng lại mưa, và rồi cứ như ông trời lừa người Huế rứa, nắng nớ chỉ là nắng giả đò đó thôi, vì mùa này, Huế mưa là chính.
Buổi sáng, người Huế mình thấy nắng, rứa là vội gom áo quần ra sân phơi phóng, nhưng chỉ được một lúc thôi, lại phải nhanh tay nhanh chân, hối hả vơ áo quần vào cho kịp cơn mưa sắp xáng xuống trần, đâu đó có tiếng ai than thở…
“Thiệt là mệt cái ông trời quá, cứ nắng nắng, rồi lại mưa mưa…”
Hay: “ Răng mà cứ vừa mưa vừa nắng, “hai ôn mụ mắng nhau” …ngó bưa chưa”
Huế đã thay mùa, em biết không Mưa về bất chợt, nắng mơ màng Em nhớ về thăm Huế…mùa trở lạnh Thu đã lên thuyền rời bến… sang ngang.
“Chút nắng vàng giờ đây cũng vội” Mưa sẽ về, tầm tã, trắng trời….
CƠM GẠO RUỘNG, MẮM CÁ CHUỒN
Mùa đông đã trở về với Huế, trời Huế bắt đầu trở lạnh lạnh và có những cơn mưa, có khi bất chợt ào xuống rồi tạnh, cũng có khi cứ rả rích mưa ngày nối ngày, đêm liền đêm.
Tiết trời ni của Huế làm tôi nhớ…
…. nhớ thuở còn nhỏ, cứ mỗi mùa Huế sang đông lạnh, cũng là lúc mắm cá chuồn có bán ở khắp các chợ Huế, mạ tôi hay mua mắm cá về để dành, làm thức ăn trong nhà. Và cứ mỗi lần mạ chiên, kho một dĩa mắm cá chuồn, lúc dọn lên mâm cơm, mạ tôi lại nói:
“ Cơm gạo ruộng, Mắm cá chuồn, Tội chưa tề, ai đi mô thì lo mà về…”
Cơm gạo ruộng, mắm cá chuồn thì đã rõ ràng quá rồi, nhưng còn câu “tội chưa tề, ai đi mô thì lo mà về” mãi tận chừ tôi cũng không hiểu hết được ý nghĩa, và có cố gắng tìm cũng không có giải thích mô cả.
Mắm cá chuồn là món ăn rất quen thuộc của bao người Huế mỗi khi mùa Huế trở mưa, trở lạnh.
Tuy cá được muối làm mắm từ mùa trước, nhưng đến mùa chuyển sang đông chợ Huế mới bày ra bán, người bán giải thích rằng nếu chưa có người mua, thì con cá mắm chuồn này nếu đã giở khỏi lu, vại để bán sẽ bị trở thính làm cho con mắm trở màu, không còn đẹp và chắc chắn cũng bớt ngon khi chế biến. Mà mắm cá thì chỉ khi mùa mưa lạnh ăn mới ngon, nên mới có nhiều người mua.
Thuở nhỏ, tôi chỉ được mạ làm cho ăn, rồi chẳng chịu để ý học theo cách mạ làm. Đến khi đi lấy chồng, còn nhiều vụng về và cả dại dột, nên một hôm tôi cũng mua mắm chuồn về bày biện, tôi đã để nguyên con mắm rứa, không biết là cần phải rửa bỏ phần thính cá rất mặn bên ngoài rồi mới kho, chiên, đã rứa lại còn cho thêm nguyên một muỗng nước mắm, rồi luôn tay đảo qua đảo lại làm nát bét cả chảo cá, và khi dọn ra mâm cơm… thì ôi thôi, cả nhà hết hồn vì quá mặn, mấy con cá lại chẳng còn hình dáng chi nữa cả.
Mắm cá chuồn, trước tiên phải rửa sạch thính làm từ bắp xay và muối áo bên ngoài cá, rồi để ráo, sau đó cho dầu, tỏi thiệt là thơm, rồi đặt nhẹ mấy khúc cá vô chảo, chiên sơ cho vàng nhẹ cả hai mặt cá, sau đó cho thêm nước, một ít thôi, cùng với thịt ba chỉ, ớt bột, ớt tươi đập dập vô chung luôn.
Và mắm cá chuồn khi kho thì không nêm thêm bất cứ gia vị mặn mô nữa cả, chỉ thêm chút vị tinh, và tốn rất nhiều đường. Bởi vì mắm cá rất mặn, do cần độ mặn của muối mới thành mắm, và mới bảo quản được lâu.
Lúc kho, sau khi đã thêm nước và cho thật nhiều đường vô chảo rồi, thì kho trên lửa rất nhỏ, đề con mắm thấm đường, bớt mặn, đồng thời thịt ba chỉ kho chung lại thấm vị mặn của mắm thoát ra chung với đường, hòa thành một vị vừa phải, ngon hơn, cũng như các lát thịt ba chỉ sẽ khô săn lại, phần có mỡ thì dẻo mà phần thịt thì thấm tháp rất dễ ăn.
Trong tâm khảm, tôi luôn nhớ chảo mắm cá chuồn của mạ mình, lúc làm xong xuôi, múc cá ra dĩa, thì mạ đưa cho tôi cái chảo còn dính khá nhiều nước kho, tôi múc một vá cơm, cho vô chảo trộn lại, ăn ngay trong bếp, múc ăn luôn trong chảo, ngon vô cùng, vì vị nước cá lúc đó sệt lại cùng với đường, thịt, vừa mặn mà vị cá mắm quyện với đường, thịt, vừa cay cay vị ớt Huế nồng nồng, vừa ăn vừa hít hà vì cơm nóng, ớt cay.
Cơm của mạ tôi ngay xưa cũng hay nấu một món lạ lạ là rau muống luộc rồi trộn với ruốc.
Đâm một chén ớt tỏi, cho vô một muỗng ruốc, một chút dầu ăn, nêm tí vị tinh, rồi cắt khế chua đâm nhuyễn, xong vắt nước khế vô chén ruốc, trộn đều vô dĩa rau muống đã luộc, cắt thêm một vài sợi, lát khế trộn vô chung, để ăn kèm thêm với rau, tất cả sẽ hòa quyện thành một vị ngon rất riêng, ăn mãi mà không ngán. Nước luộc rau thì nêm gia vị, vắt thêm múi chanh để làm canh. Dưa leo cắt lát mỏng để ăn cùng với mắm cá chuồn.
Mâm cơm mùa đông lạnh lạnh của Huế, của mạ, ngày xưa đơn giản lắm, ăn từ nhỏ nhưng tôi cứ còn nhớ mãi, rồi làm theo cách của mạ, lúc đầu không thành công do vụng về, rồi ngày ni qua ngày khác, tôi tập tành cho đến tận chừ…
Đến chừ, tôi nấu ăn đã khá hơn, và trong một chừng mực mô đó cũng có thể gọi là …chuẩn cách nấu của người Huế.
Và chừ thì dĩa mắm cá chuồn của tôi làm ra đã khéo léo, không hề bị nát, và có vị mặn mà chơ không mặn chát như một thời.
Huế của mình chừ đang mưa, cơn mưa dai dẳng từ đêm qua…và thêm một chút se se lạnh.
Lương Thúy Anh Huế – 2020
* * * * * * * *
RẠP CINÉ TÂN TÂN, “NGÀY ẤY ĐÂU RỒI”
Vị trí của rạp nằm ngay trên con đường chính của Huế, đối diện với chợ Đông Ba, rạp xi nê Tân Tân là một hình ảnh luôn gợi nhớ trong lòng người Huế của một thời, rất nhiều kỉ niệm, vui cũng có, buồn cũng nhiều.
Ngày xưa, đi coi ciné rất thú vị, đến đây mua vé, vé của những chiếc ghế càng xa màn ảnh thì gía vé càng đắc tiền hơn, nhưng coi sẽ rõ hơn và không bị đau mắt. Nếu mua vé ngồi ngay hàng ghế sát cận màn ảnh, thường hồi đó hay nói đùa là vé BẮT TAY TÀI TỬ.
Ngày thường thì các rạp ciné chiếu vào chiều tối, riêng ngày chủ nhật chiếu thêm buổi sáng.
Vào cửa, có một nhân viên đứng ngay đó xé bỏ một phần của vé, phần vé còn lại, khách giữ để tìm số ghé, và để lỡ nhân viên kiểm tra sẽ không bị coi là đi “coi cọp”, nếu vào trong rạp lúc phim chưa chiếu thì khách coi có thể tự tìm số ghé in trên vé để ngồi, nhưng nếu vào lúc rạp đã bắt đầu chiếu thì trong rạp tắt đèn tối om, chỉ còn phản chiếu ánh sáng lúc nhạt lúc nhòa của hình ảnh đang chiếu dạo, hoặc đã vào phim chính, lúc này sẽ có nhân viên của rạp, cầm chiếc đèn pin, rọi vào vé của khách xem số ghé rồi rọi vào các hàng ghế để tìm chỗ ngồi giúp khách. Ghế thường xếp hai dãy song song, một bên mang số chẵn và bên ngược lại là dãy ghế có số lẻ, mỗi hàng ghế từ bên này qua bên kia, có tên của một mẫu tự in hoa, như A, B, C… , nếu bên này A 1, A 3, A 5, thì bên đối diện sẽ là A 2, A 4, A6….ngoài ra còn có các dãy ghế trên lầu.
Đi coi ciné, bên ngoài rạp thường hay có những thúng đậu phụng rang còn nguyên vỏ ngoài, người bán xếp trong một chiếc thúng lớn, bên trên đậy một chiếc bao bố sạch để giữ nóng cho đậu, đậu phụng rang được gói trong những tờ giấy báo hay giấy vở đã qua sử dụng, thành một hình tháp nhọn, xếp kín miệng lại cho đậu khỏi rơi ra, khách đi coi ciné mua vài gói rứa, vô trong rạp vừa coi vừa bóc vỏ nhai dòn rụm, béo béo bùi bùi. Có khi thì hạt dưa gói trong từng bao ni lông nhỏ, gắn kín lại, hay là các thẻ kẹo cao su, màu sắc vui mắt, hoặc ô mai, cà na ngào đường ngọt lịm bọc giấy bên ngoài, hay kẹo đậu phụng, kẹo gừng…
Trong trí nhớ mơ hồ, tôi mang máng nhớ bác trai, chủ rạp Tân Tân là người thuộc dòng dõi hoàng phái, và tôi vẫn còn hình dung được khuôn mặt của bác gái, vì bác là bạn học của Mạ tôi, nên tôi hay gặp mỗi khi bác đi ngang qua rồi ghé chơi.
Chừ mỗi lần ngang qua đường Trần Hưng Đạo, vẫn còn đó hình ảnh và vị trí cũ của rạp Tân Tân nhưng dường như khuôn mặt đã méo mó qua bao lần tô son điểm phấn của bàn tay con người, và cả của thời gian, cùng với một cái tên được khai sinh lại, hoàn toàn xa lạ với tên cũ của rạp.
Người Huế của một thời xa ấy, đôi khi chợt nhớ hay tình cờ ngang qua bóng dáng cũ xưa trên con đường chính của Huế, không khỏi chạnh lòng, vu vơ tiếc nuối…
“Còn gì nữa đâu …”
RẠP CINÉ CHÂU TINH
Châu Tinh là rạp ciné ở đường Chi Lăng, ngay dốc cầu Gia Hội đổ xuống, không xa, về phía bên tay phải.
Chủ nhân là chú Châu Kìm (quá cố), một người Việt gốc Hoa có nhà riêng trên đường Ngả Giữa.
Do rạp Châu tinh gần cầu Gia Hội, và ngay bên tay phải cầu có một khoảng đất trống khá rộng, hồi ấy có một trạm xá nhỏ ở đây, chừ khu vực này mở thành đường Trịnh Công Sơn, nên Châu Tinh đã thuê thêm nơi này để làm nơi giữ xe cho khách đến coi cine, từ chỗ để xe này đi bộ qua Châu Tinh chỉ một đoạn rất ngắn.
Người soát vé ở đây là Bác Hưu, gia đình bác ở đâu khu vực bờ sông dọc đường Gia Hội, là đường Trịnh Công Sơn hiện nay.
Bác đến làm công việc soát vé nơi này, và vợ bác mở thêm một hàng bánh kẹo, đủ các thứ, bày trước mặt rạp Châu Tinh, để bán cho khách đến coi, khi rạp không chiếu phim, vợ bác cũng bán cho người quanh khu vực này, khách của bác nhiều nhất là trẻ em, vì những món hàng của bác đa số là quà ăn vặt, từ những gói mứt trái cà na được gói vặn xéo theo hình từng trái, miếng kẹo cao su hồng hồng, những gói đậu phụng da cá nhỏ xíu, mùa gần Tết thì có một rổ đựng từng gói hột dưa gói trong từng bao ni lông nhỏ niêm kín miệng bao…cho đến mấy thẩu ô mai mặn, ô mai cam thảo, hay những gói mứt vỏ chanh, bánh kẹo…
Thời gian không còn chiếu phim nữa, rạp Châu Tinh trở thành trung tâm cho thuê dọn tiệc cưới hỏi, sinh nhật, hội họp… với cái tên là Gia Hội Quán.
Và hiện nay, vị trí của rạp trở thành Trung Tâm Văn Hóa Điện Ảnh
Từ đó một rạp ciné nổi tiếng, mang nhiều kỉ niệm của người Huế đã đi vào dĩ vãng.
Ngang qua đây, người Huế của ngày xa xưa… chỉ còn là tiếc nuối.
RẠP CINÉ LIDO, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Trước khi có tên Lido, rạp mang một cái tên gắn liền với con đường nơi đây, là ciné Gia Hội.
Rạp ciné Lido thay tên đổi họ thêm mấy lần nữa, cứ mỗi lần đổi chủ nhân, thì rạp ciné này lại phải làm giấy tờ khai sinh mang tên mới.
Đầu tiên là GIA HỘI, rồi rạp được một người chủ khác, người gốc Hoa mua lại, đổi thành là LIDO. Một thời gian sau, mang tên là Z 96, tiếp tục đổi tên là KHẢI HOÀN, cho đến sau cùng là HOÀN MỸ, và cái tên Hoàn Mỹ đã dừng lại rồi kết thúc luôn một thời vang bóng của rạp ciné này.
Để lí giải cho sự thay ngôi đổi chủ nhiều lần này của rạp, nhiều người Huế cho rằng tại vị trí của rạp có ma, và để giải thích tại sao nơi này có ma, thì vì ngày xưa, trước khi trở thành rạp ciné, khuôn đất này từng là một bệnh viện của người Pháp, mà đã là bệnh viện thì làm sao tránh khỏi chuyện có người tử vong vì bạo bệnh ngay trong bệnh viện. Thật ra tất cả chỉ là do công ăn việc làm có suông sẻ hay không của từng chủ nhân mà thôi.
Thời rạp còn hoạt động sôi nổi, người Huế rất quen thuộc với bác soát vé ở đây, là bác Cam.
Phim chiếu thường chia mỗi suất chừng hai tiếng, giữa hai lần chiếu, thường có một khoảng trống để chờ khách đến, lúc này, rạp hay mở những bản nhạc Pháp rất hay, như Main Dans La Main, Ma Man, Le Temps de l’amour … loa mở khá lớn nên khu vực quanh đó cũng được nghe ké.
Sau năm 1975, rạp còn hoạt động một thời gian, rạp chiếu những phim quen thuộc như Vua Lia, Chuyện Tử Tế…
Rồi một thời gian sau nữa, trong khuôn viên của rạp, ai đó bày dăm ba chiếc ghế bán cà phê.
Khoảng thời gian không còn hoạt động nữa, rạp ciné này gần như bỏ hoang, trước sân có khi người buôn bán hàng vặt đến bày biện, hay có lúc một vài xe gom rác đến đây tập trung lúc xe không làm việc.
Người Huế ngang qua đây, ai cũng thầm tiếc cho một rạp ciné nằm ngay trung tâm thành phố Huế, nổi tiếng qua bao năm hoạt động với nhiều tên gọi đổi thay, chừ đây chỉ còn là một cơ sở bỏ hoang, không chủ, ngày một tàn rụi theo năm tháng.
HOÀI NIỆM “TIẾNG XƯA”: ĐÀI PHÁT THANH HUẾ, VÀ THẦY GIÁO-NHẠC SĨ NGÔ GANH Có những buổi chiều, thả dốc cầu Trường Tiền, bên bờ hữu ngạn sông Hương, bỗng dưng từ đâu trong tiềm thức, tôi nghe như có tiếng đàn tranh nỉ non nhắc nhớ một giai điệu xưa, buồn da diết, vọng lại từ rất xa.Đó là tiếng đàn tranh đệm trong nhạc hiệu của Đài Phát Thanh Huế…
Quay ngược thời gian, cùng trở về một thời để nhớ, đổ dốc cầu Trường Tiền bên phía hữu ngạn sông Hương, ngay bên tay phải ( đối diện khách sạn Morin chừ) là Đài Phát Thanh của Huế một thời.Vào khoảng thập niên 60 (?), Giám Đốc của đài là Thầy Ngô Ganh, Thầy là một nhạc sĩ, chuyên về đàn Piano, và thầy cũng có sáng tác, một số tác phẩm của thầy như Con Chim Non, Trần Quốc Toản, Mưa Dầm, Hương Giang Dưới Trăng…
Thầy còn là giáo sư dạy nhạc các trường lớn như Quốc Học, Đồng Khánh… Những tháng năm mà tivi, hay các phương tiện truyền thông khác chưa phong phú đa dạng như hiện nay, thì chiếc Radio của gia đình chính là cầu nối để nhận thông tin, liên lạc các tin tức khắp nơi, hay là nghe nhạc giải trí. Đài Phát Thanh Huế chính là trung tâm truyền đi các tin tức các thông tin cần biết cho người Huế, nghe qua Radio.Chiều chiều, ngang 5 giờ , tiếng đàn tranh vừa nhẹ nhàng, cũng vừa réo rắc, cũng thật êm đềm phát lên nhạc hiệu của đài, vang vang giai điệu buồn não nuột bản nhạc Tiếng Xưa, của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước:
“Hoàng hôn lá reo bên thềm Hoàng hôn tơi bời lá thu Sương mờ ngậm ngùi xuân xanhBâng khuâng phím loan vương tình.”
Cũng chặng thời gian này có chương trình Ca Huế, với những bài ca quen thuộc như Tứ Đại Cảnh, điệu Lưu Thủy Hành Vân, Nam Ai Nam Bình,Chầu Văn, hay hò Giã gạo… Đài còn phát những chương trình rất quen thuộc và được ưa thích ngày đó như NHẠC THEO YÊU CẦU, các cô chú bác, các anh chị.. có còn nhớ giọng giới thiệu chương trình của phát thanh viên Phú Tính : “ …theo lời yêu cầu của các bạn…”, có khi kèm theo lời gởi tặng ai đó mà khán giả muốn tặng. Còn có chương trình nhạc NGOẠI QUỐC, EM GÁI HẬU PHƯƠNG, hay chương trình thi tuyển chọn ca sĩ mầm non…. Hay chương trình giới thiệu các nhạc sĩ, mà quen thuộc nhất là cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bản nhạc đầu tay Ướt Mi, do ca sĩ Thanh Thúy trình bày. Vào đầu một số giờ nhất định, ví dụ 12 giờ trưa, Đài luôn tiếp vận các bản tin của Đài Phát Thanh Sài Gòn, dễ nhớ nhất là các bản tin thời tiết….”tin bão rớt…” chẳng hạn. Vào ban đêm lúc đến giờ nghỉ thì phát thanh viên của đài luôn rất lịch sự…” Bây giờ là 20 giờ, xin quý vị mở âm thanh nghe nhỏ lại…” đại khái như vậy. Khuôn viên ấy, dấu xưa này cũng là nơi diễn ra thảm kịch một đêm Phật Đản , nhằm ngày 09 tháng 05 năm 1963, khởi đầu cho sự sụp đổ của một chế độ, và chính đêm ấy ghi dấu đau thương vì sự ra đi vĩnh viễn của 8 phật tử. Dấu tích còn lại là Đài Thánh Tử Đạo, được dựng lên để tưởng nhớ và thương tiếc…Và thật tiếc cho những ai cần viết về sự kiện đau thương này thì nay đã không còn dấu vết để minh họa.Cũng bởi, Đài Thánh Tử Đạo chừ vẫn còn đó nhưng Đài Phát Thanh thì đã hoàn toàn mất dấu, nay ngang qua đây, như một thói quen, bất giác đưa mắt nhìn vào, ai đó bỗng dưng chạnh lòng, tránh sao khỏi ngậm ngùi, hình ảnh quen thuộc ngày ấy đã hoàn toàn hóa thân cát bụi, chỉ còn đâu đây văng vẳng trong tiềm thức những nốt nhạc buồn tênh của giai điệu nhạc hiệu ngày nào…
“Hoàng hôn gió sương lạnh lùng Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung Thiết tha đàn rung tiếng tơ Vấn vương trôi theo mây mờ. …….Đâu bóng trăng xưa mơ khúc nghê thường…”
Lương Thúy Anh Huế – 2021
Like this:
Loading...Related
Từ khóa » Cà Rem ơi
-
Cà Rem Ơi - Home | Facebook
-
Cà Rem Ơi - Home - Facebook
-
Cà Rem Ơi - Kem Thủ Công - Bùi Đình Túy | ShopeeFood
-
Cà Rem Ơi - Food Delivery Menu | GrabFood VN
-
Cà Rem Ơi - Kem Thủ Công - Bùi Đình Túy
-
Cà Rem Ơi - Kem Thủ Công - Bùi Đình Túy - Foody
-
Cà Rem ơi Cà Rem…
-
Ăn Cà Rem Cả Nhà ơi - YouTube
-
Lời Bài Hát Tình Như Cây Cà Rem (Việt Dzũng)
-
Ông Bán Cà Rem ơi.Bán Cho Con 4 Cây Cà Rem Nha #Rocky#funny
-
Lời Bài Hát Cô Bé (Huy Đức) [có Nhạc Nghe]
-
Nhạc Chuông Ngày Mai Anh Bán Cà Rem Nuôi Em – TikTok HOT
-
Anh Bán Cà Rem Nuôi Em - Khánh Duy Khương | Nhạc Chờ