CÁC BẬC ĐỊA HÌNH CƠ BẢN THEO LỘ TRÌNH THỰC TẬP MÔI ...

Hà Quang Hải

Bài viết này trình bày khái lược các bậc địa hình cơ bản theo tuyến lộ trình mà trên đó phân bố những điểm khảo sát để các bạn sinh viên có thể nhìn nhận một cách trực quan sự biến đổi các hợp phần cảnh quan theo độ cao.

Ba vùng tự nhiên

Lộ trình được bố trí qua 3 tỉnh thuộc ba vùng tự nhiên: 1) Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai (vùng Nam Bộ), 2) Lâm Đồng (vùng Tây Nguyên) và 3) Khánh Hòa (vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ). Các hợp phần cấu tạo nên ba vùng tự nhiên (địa chất, địa mạo, thổ nhưỡng, sinh vật, khí hậu) và các yếu tố nhân sinh (con người, sử dụng đất, hoạt động kinh tế…) được phản ánh khá rõ theo tuyến lộ trình.

Bốn bậc địa hình cơ bản

Theo tuyến hành trình, có thể phân chia thành bốn bậc địa hình cơ bản

Mặt cắt cảnh quan tổng hợp theo tuyến lộ trình thực tập
Mặt cắt cảnh quan tổng hợp theo tuyến lộ trình thực tập

Bậc 1 – Đồng bằng – đồi núi thấp

Khu vực TP. HCM và tây nam tỉnh Đồng Nai phần lớn diện tích có độ cao dưới 100 m, bao gồm các bậc thềm tích tụ sông, tích tụ biển (còn được gọi là aluvi trẻ, aluvi cổ) cao 2-4 m, 10 – 15 m, 25 – 40 m, 55 – 60 m, 80 – 100m.

Phía đông Đồng Nai phân bố bề mặt phun trào bazan thuộc hệ tầng Xuân Lộc, địa hình cao 200 – 300 m với các miệng hoặc đỉnh núi lửa thể hiện rõ trên địa hình cao hơn 400 m như Sóc Lu (418 m), Cam Tiên (444 m). Bazan thuộc hệ tầng Xuân Lộc chỉ phong hóa ra đất đỏ.

Phía bắc Đồng Nai, từ cầu La Ngà tới Phương Lâm địa hình bóc mòn lộ các đá trầm tích Jura thuộc hệ tầng La Ngà và đá xâm nhập thuộc phức hệ Định quán đưới dạng các đồi thềm, các khối núi sót. Rải rác phủ trên địa hình bóc mòn là các đá bazan thuộc hệ tầng Xuân Lộc với các đỉnh và miệng núi lửa cao 200 – 250 m. Dọc thung lũng sông La Ngà và Đồng Nai (vùng Cát Tiên) còn phân bố đá bazan thuộc hệ tầng Cây Gáo tuổi Pleistocen muộn với bề mặt khá bằng phẳng, cao trung bình 100 m, chủ yếu là phong hóa cơ học.

Hồ thủy điện quan trọng nhất trên bậc địa hình này là Trị An.

Địa hình thềm sông và núi Hang Dơi - granit (bên trái) và núi Đông Bắc - núi lửa (bên phải) khu vực đông nam Định Quán
Địa hình thềm sông và núi Hang Dơi – granit (bên trái) và núi Đông Bắc – núi lửa (bên phải) khu vực đông nam Định Quán

Bậc 2 – Cao nguyên Bảo Lộc – Di Linh – Đức Trọng

Từ Phương Lâm, qua Ma đa gui – đèo Bảo Lộc địa hình cao dần từ 300 m đến 1000 m (đỉnh đèo Bảo Lộc). Đoạn địa hình chuyển tiếp này được xem là vách kiến tạo – ranh giới của đới nâng Đà Lạt và bồn trũng Cửu Long. Đèo Bảo Lộc lộ đá phun trào andezit, có thể quan sát rất rõ dọc theo vách đường giao thông (bên trái đường khi lên đèo).

Cao nguyên Bảo Lộc – Di Linh – Đức Trọng có độ cao 900 – 1000 m, bề mặt cao nguyên có dạng đồi, chủ yếu lộ vỏ phong hóa đá bazan thuộc hệ tầng Túc Trưng. Bazan phong hóa mạnh mẽ tạo quặng bauxite đã và đang được khai thác tại một số điểm (Bảo Lộc, Tân Giai). Trên bề mặt cao nguyên cũng xuất hiện rải rác bazan thuộc hệ tầng Xuân Lộc, điển hình là núi Chai (cách cầu Đại Ninh khoảng 7 km).

Trên bậc địa hình này có hai hồ thủy điện quan trọng là hồ Đơn Dương và hồ Đại Ninh.

Bề mặt cao nguyên bazan Bảo Lộc
Bề mặt cao nguyên bazan Bảo Lộc

Bậc 3 – Sơn nguyên Đà Lạt

Từ ngã ba Phi Nôm lên Đà Lạt, địa hình cao dần từ 1000 m đến 1500 m. Đoạn địa hình chuyển tiếp này được xem là vách kiến tạo giữa địa hình cao nguyên (bậc 2) và sơn nguyên (bậc 3). Dọc theo đường lên đèo (Prenn) lộ đá ryodaxit, ryolit thuộc hệ tầng Đơn Dương (bên phải đường khi lên đèo).

Sơn nguyên Đà Lạt là các đồi bóc mòn có đỉnh phân bố ở mức cao trung bình 1300 – 1500 m, phần lớn diện tích lộ trầm tích Jura thuộc hệ tầng La Ngà, phong hóa tạo đất có màu vàng, đỏ. Một số nơi lộ đá granodiorit thuộc phức hệ Định Quán (khu vực thác Cam Ly). Tại khu vực sân bay Đà Lạt (cũ) có một diện tích nhỏ là đá bazan thuộc hệ tầng Xuân Lộc.

Trên bậc địa hình này có nhiều hồ nước phục vụ cho sinh hoạt, thủy điện, nông nghiệp và giải trí như Đan kia – Suối Vàng,  Tuyền Lâm, Than Thở, Xuân Hương.

Bề mặt sơn nguyên Đà Lạt
Bề mặt sơn nguyên Đà Lạt

Bậc 4 – Địa hình núi

Địa hình núi cao phân bố gần như bao quanh Sơn nguyên Đà Lat. Ở phía bắc, cao nhất có núi Lang Bian (2167 m), Bi Doup (2287 m), phía tây có núi Quan Du (1812 m), phía đông có đỉnh 1836 m. Các khối núi cao cấu tạo bởi các đá phun trào thuộc hệ tầng Đơn Dương.

Núi Lang Bian phía bắc sơn nguyên Đà Lạt
Núi Lang Bian phía bắc sơn nguyên Đà Lạt

Đồng bằng ven biển Khánh Hòa (từ chân đèo Khánh Lê – Bi Doup đến Nha Trang) được xếp tương đương với bậc 1. Đèo Khánh Lê là đèo cheo leo hiểm trở bậc nhất Việt Nam do đường đèo nối kết từ bậc 4 xuống bậc 1.

Khi thực hiện các điểm khảo sát và di chuyển theo tuyến lộ trình, các bạn sinh viên cố gắng quan sát, mô tả, chụp ảnh ghi nhận sự biến đổi các hợp phần cảnh quan (nền đá, đất, thủy văn, khí hậu, sinh vật) và các hoạt động nhân sinh theo các bậc địa hình. Các bạn tìm hiểu, vận dụng các qui luật địa lý để chứng minh sự biến đổi các hợp phần cảnh quan theo lộ trình nhé.

Chia sẻ trên:

  • Facebook
  • Email
  • In
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Hệ Tầng Xuân Lộc