Các Bài Kệ Truyền Thừa Của Tông Lâm Tế Tại Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
CÁC BÀI KỆ TRUYỀN THỪA CỦA TÔNG LÂM TẾ TẠI VIỆT NAM
Trong quá trình hình thành và phát triển của Phật Giáo Đàng Trong trước đây và Phật Giáo Việt Nam sau này, dòng thiền Lâm Tế đóng một vai trò rất quan trọng. Miền Bắc Việt Nam phần lớn truyền thừa theo dòng Tào Động. Còn miền Trung vào đến miền Nam đều truyền theo tông Lâm Tế.
Người đầu tiên truyền tông Lâm Tế vào Việt Nam là ngài Nguyên Thiều – Thọ Tông, còn gọi là Siêu Bạch – Hoán Bích (1648–1728). Ngài được tôn xưng là Sơ Tổ của tông Lâm Tế tại Đàng Trong.
Sau Ngài một đời, các Thiền Sư có hàng chữ Minh, chữ Thiệt lần lượt khai tông lập phái tạo nên sự đa dạng trong sự truyền thừa của dòng Lâm Tế tại Việt Nam. Từ đó đến nay, tại Việt Nam có một số bài kệ truyền pháp của dòng Lâm Tế như sau:
1. BÀI KỆ CỦA TỔ TRÍ BẢN – ĐỘT KHÔNG
Bài kệ này được Ngài Trí Bản – Đột Không, đời 14 tông Lâm Tế khai sáng. Bài kệ bao gồm 48 chữ như sau:
智 慧 清 浄 Trí Huệ Thanh Tịnh 道 德 圓 明 Đạo Đức Viên Minh 真 如 性 海 Chân Như Tánh Hải 寂 照 普 通 Tịch Chiếu Phổ Thông 心 源 廣 續 Tâm Nguyên Quảng Tục 本 覺 昌 隆 Bổn Giác Xương Long 能 仁 聖 果 Năng Nhân Thánh Quả 常 演 寬 弘 Thường Diễn Khoan Hoằng 惟 傳 法 印 Duy Truyền Pháp Ấn 証 悟 會 容 Chánh Ngộ Hội Dung 堅 持 戒 定 Kiên Trì Giới Định 永 繼 祖 宗 Vĩnh Kế Tổ Tông.
Bài kệ này tại Quảng Nam trước có Thiền Sư Minh Châu – Hương Hải truyền thừa. Sau Ngài ra Bắc nên tại Quảng Nam thất truyền. Tại tỉnh Bình Thuận, chùa Linh Sơn Trường Thọ truyền thừa theo bài kệ này với Hòa Thượng Thông Ân – Hữu Đức (1812–1887), một vị danh tăng cuối thế kỷ XIX. Đồng thời, tại chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) cũng truyền theo bài kệ này. Sự truyền thừa của dòng kệ Ngài Trí Bản – Đột Không tương đối hạn hẹp, thưa thớt ở một vài ngôi chùa từ Bắc vào Nam.
2. BÀI KỆ CỦA TỔ VẠN PHONG – THỜI ỦY
Tông Lâm Tế truyền đến đời 21, có Ngài Vạn Phong – Thời Ủy (1303–1381) ở chùa Thiên Đồng (Trung Hoa) xuất kệ như sau:
祖 道 戒 定 宗 Tổ Đạo Giới Định Tông 方 廣 證 圓 通 Phương Quảng Chứng Viên Thông 行 超 明 實 際 Hành Siêu Minh Thiệt Tế 了 達 悟 真 空 Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.
Truyền đến đời 39, có Hòa Thượng Ngộ Thiệu – Minh Lý (1836–1889) trú trì chùa Thập Tháp (Bình Định) có bài tục kệ như sau:
如 日 光 常 照 Như Nhật Quang Thường Chiếu 普 周 利 益 同 Phổ Châu Lợi Ích Đồng 信 香 生 福 慧 Tín Hương Sanh Phước Huệ 相 繼 振 慈 風 Tương Kế Chấn Từ Phong.
Bài kệ này truyền thừa tại chùa Quốc Ân (Huế); chùa Thập Tháp (Bình Định); chùa Hải Đức (Nha Trang) và có các vị Thiền Sư lỗi lạc tại chùa Thập Tháp như: Minh Giác – Kỳ Phương (1682–1744); Thiệt Kiến – Liễu Triệt (1702–1764); Ngộ Thiệu – Minh Lý (1836–1889); Chơn Luận – Phước Huệ (1869–1945) v.v… Hòa Thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ (1875–1963) trú trì chùa Hải Đức (Nha Trang), khai sơn chùa Hải Đức (Huế); Hòa Thượng Như Đông – Đắc Ân (1873–1935) trú trì chùa Quốc Ân (Huế).
Dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ này truyền thừa cũng ở mức độ tương đối. Theo lịch sử Thiền Tông, dòng kệ này gọi là Lâm Tế Thiên Đồng Pháp Phái. Nhưng khi qua Việt Nam, Ngài Nguyên Thiều là vị Tổ đầu tiên truyền bài kệ này tại chùa Thập Tháp và Quốc Ân nên Phật sử Việt Nam gọi là dòng Lâm Tế Nguyên Thiều.
3. BÀI KỆ CỦA TỔ MỘC TRẦN – ĐẠO MÂN
Tổ Mộc Trần – Đạo Mân truyền pháp đời 31 tông Lâm Tế. Ngài đắc pháp với Tổ Mật Vân – Viên Ngộ nên có pháp danh Thông Thiên – Hoằng Giác, thuộc thế hệ thứ 10 pháp phái Thiên Đồng. Về sau, Ngài ra khai sơn chùa Thiên Khai và xuất kệ truyền thừa như sau:
道 本 源 成 佛 祖 先 Đạo Bổn Nguyên(1) Thành Phật Tổ Tiên 明 如 红 日 麗 中 天 Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên 靈 源 廣 潤 慈 風 普 Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ 照 世 真 燈 萬 古 傳 Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền.
Bài kệ này được truyền thừa sâu rộng tại miền Nam và các tỉnh miền Tây Nam Phần. Các ngôi chùa Giác Lâm, Giác Viên tại Sài Gòn; Đại Giác, Long Thiền ở Biên Hòa v.v… là những ngôi tổ đình chính của phái này. Các Thiền Sư tiêu biểu của dòng thiền này như Phật Ý – Linh Nhạc (?–1821) trú trì chùa Đại Giác (Biên Hòa); Tổ Ấn – Mật Hoằng (1753–1825) Tăng Cang chùa Linh Mụ (Huế); Ngài Tổ Tông – Viên Quang (1758–1827) trú trì chùa Giác Lâm; Tiên Giác – Hải Tịnh (1788–1875) Tăng Cang chùa Giác Hoàng; Như Hiển – Chí Thành (1861–1933) trú trì chùa Phi Lai (Châu Đốc); Như Trí – Khánh Hòa (1877–1947) trú trì chùa Tuyên Linh (Bến Tre) v.v… đều là những bậc thiền tăng lỗi lạc, góp phần rất lớn trong sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam. Dòng thiền này được thiền sử gọi là dòng Lâm Tế Gia Phổ.
4. BÀI KỆ CỦA TỔ THIỆT DIỆU – LIỄU QUÁN
Tổ Sư Thiệt Diệu – Liễu Quán (1667–1742) sau khi đắc pháp với Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung đã lập chùa Thiên Thai Thiền Tông Tự (tức là chùa Thiền Tôn ngày nay) và xuất kệ truyền pháp. Bài kệ của Tổ gồm 48 chữ như sau:
實 際 大 道 Thiệt Tế Đại Đạo 性 海 清 澄 Tánh Hải Thanh Trừng 心 源 廣 潤 Tâm Nguyên Quảng Nhuận 德 本 慈 風 Đức Bổn Từ Phong 戒 定 福 慧 Giới Định Phước Huệ 體 用 圓 通 Thể Dụng Viên Thông 永 超 智 果 Vĩnh Siêu Trí Quả 密 契 成 功 Mật Khế Thành Công 傳 持 妙 理 Truyền Trì Diệu Lý 演 昌 正 宗 Diễn Xương(1) Chánh Tông 行 解 相 應 Hành Giả Tương Ưng 達 悟 真 空 Đạt Ngộ Chân Không.
Tổ Liễu Quán là Thiền Sư người Việt đầu tiên khai tông lập giáo, xuất kệ truyền thừa. Chính vì lẽ đó mà dòng thiền này nhanh chóng lan rộng và phát triển khắp Đàng Trong thời bấy giờ. Các ngôi tổ đình chính như: Thiền Tôn, Báo Quốc, Từ Hiếu, Tây Thiên (Huế); Thiên Đức, Long Khánh (Bình Định); Bát Nhã, Hồ Sơn, Bảo Tịnh (Phú Yên) v.v… là những chốn tòng lâm đào tạo Tăng tài. Các vị danh tăng như Tế Hiệp – Hải Điện trú trì chùa Thiền Tôn; Đạo Minh – Phổ Tịnh (?–1816) trú trì chùa Báo Quốc; Tánh Thiên – Nhất Định (1784–1847) khai sơn chùa Từ Hiếu; Hải Thiệu – Cương Kỷ (1810–1899) trú trì chùa Từ Hiếu; Thanh Ninh – Tâm Tịnh (1868–1928) khai sơn chùa Tây Thiên; Thanh Thái – Phước Chỉ (1858–1926) trú trì chùa Tường Vân; Trừng Thông – Tịnh Khiết (1891–1973) trú trì chùa Tường Vân; Trừng Huệ – Giác Viên (?–1942) khai sơn chùa Hồng Khê; Trừng Thủy – Giác Nhiên (1878–1979) trú trì chùa Thiền Tôn; Trừng Nguyên – Đôn Hậu (1905–1992) trú trì chùa Linh Mụ; Tâm Như – Trí Thủ (1909–1984) khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn; Tâm Phật – Thiện Siêu (1921–2001) trú trì chùa Từ Đàm v.v… Các vị cao tăng này đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển của Phật Giáo xứ Huế. Không những vậy, tầm ảnh hưởng của các Ngài tỏa rộng khắp trong nước và hải ngọai. Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo được phát xuất tại Huế cũng từ các vị cao tăng này.
Tại các tỉnh thành, các vị cao tăng của dòng thiền này hoằng hóa như: Đạo Trung – Thiện Hiếu tục gọi là Hòa Thượng Đĩa (1743–1800) trú trì chùa Long Hưng, Bến Cát (Bình Dương); Tánh Thông – Giác Ngộ (?–?) khai sơn chùa Bát Nhã (Phú Yên); Hải Bình – Bảo Tạng (1818–1872) hành đạo từ Phú Yên đến Biên Hòa, Đồng Nai; Thanh Kế – Huệ Đăng (1873–1953) trú trì chùa Thiên Thai (Bà Rịa Vũng Tàu), Trừng Thành – Vạn Ân (1886–1967) khai sơn chùa Hương Tích (Phú Yên) v.v… đều là bậc long tượng chấn hưng Phật Pháp, phát triển tông môn.
Dòng thiền truyền thừa theo bài kệ do Tổ Sư Thiệt Diệu – Liễu Quán khai tông truyền bá rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước Việt Nam. Tầm ảnh hưởng của dòng thiền này rất lớn đối với sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Chính vì thế, sử sách gọi dòng thiền này là dòng Lâm Tế Liễu Quán.
5. BÀI KỆ CỦA TỔ MINH HÀNH – TẠI TẠI
Vào năm 1630, Thiền Sư Viên Văn – Chuyết Chuyết (1590–1644) từ Trung Hoa sang Việt Nam hoằng hóa. Ngài đến Đàng Ngoài được các chúa Trịnh đón tiếp và trợ duyên trong việc hành đạo. Thiền Sư Viên Văn – Chuyết Chuyết nối pháp đời 33 tông Lâm Tế nên khi sang Đàng Ngoài Ngài truyền xuống đời 34. Đệ tử của Ngài có hai vị nổi danh là Minh Hành – Tại Tại và Minh Lương. Ngài Minh Hành – Tại Tại (1596–1659) trú trì chùa Phật Tích biệt xuất kệ truyền pháp như sau:
明 眞 如 性 海 Minh Chân Như Tánh Hải 金 祥 普 照 通 Kim Tường Phổ Chiếu Thông 至 道 成 正 果 Chí Đạo Thành Chính Quả 覺 悟 証 眞 空 Giác Ngộ Chứng Chân Không.
Kế thừa Thiền Sư Minh Hành – Tại Tại, các vị đời thứ 2 của phái này như Chân Trú, trú trì chùa Hoa Yên núi Yên Tử; Diệu Tuệ, trú trì chùa Phật Tích; Chân Nguyên – Tuệ Tĩnh (ban đầu xuất gia với Ngài Chân Trú, sau cầu pháp với Ngài Minh Lương). Thế hệ thứ 3 có các Ngài Như Hiện, Như Trừng, Như Sơn, Như Trí v.v… đều là những bậc danh tăng, góp phần rất lớn cho sự phát triển tông Lâm Tế tại Đàng Ngoài./.
oOo
(1) Bài kệ này ban đầu là chữ Huyền chứ không phải chữ Nguyên. Sau vì kỵ tên húy của vua Khang Hy nên trại qua thành chữ Nguyên.
Nguồn: Thư Viện Điện Tử Kinh Sách Phật Giáo (VNBET)
———=oOo=———
Bổ sung của Thư Viện GĐPT:
Ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng, Thiền Sư Minh Hải – Pháp Bảo, người phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc; nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của Ngài Vạn Phong – Thời Ủy, khai sơn chùa Chúc Thánh (Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam), lập ra phái Chúc Thánh – sau này gọi là dòng Lâm Tế Chúc Thánh – đã biệt xuất bài kệ khác như sau:
明 寔 法 全 章 Minh Thật Pháp Toàn Chương 印 真 如 是 同 Ấn Chơn Như Thị Đồng 祝 聖 壽 天 久 Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu 祈 國 祚 地 長 Kỳ Quốc Tộ Địa Trường 得 正 律 為 宣 Đắc Chánh Luật Vi Tuyên 祖 導 行 解 通 Tổ Đạo Hạnh Giải Thông 覺 花 菩 提 樹 Giác Hoa Bồ Đề Thọ 充 滿 人 天 中 Sung Mãn Nhơn Thiên Trung.
Chú thích của Thư Viện GĐPT:
(1) Không chỉ riêng chữ này và chỉ bài kệ này, các bài kệ truyền thừa trong các tài liệu hiện hành còn vài điểm dị biệt, chúng tôi sẽ có những bài đăng tiếp theo về các tồn nghi này.
Bài tương tự:
- Một số tồn nghi về bài kệ truyền thừa Phật Giáo của dòng Lâm Tế – Đàng Ngoài
- Các bài kệ truyền thừa Phật Giáo tại Việt Nam
- Tiểu sử Tổ Minh Hải (Sơ Tổ Khai Phái Lâm Tế Chúc Thánh – Việt Nam)
- Phật Giáo Việt Nam: Truyền thừa phái Liễu Quán
- Tiểu sử Tổ Khương Tăng Hội (Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam)
Từ khóa » Tổ Lâm Tế
-
Lâm Tế Tông – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thiền Phái Lâm Tế | Giác Ngộ Online
-
Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền - Thiền Tổ Sư - THƯ VIỆN HOA SEN
-
Đặc Tính Tư Tưởng Của Thiền Phái Lâm Tế ở Việt Nam (ĐĐ. Thích ...
-
CÁI THẤY CỦA TỔ LÂM TẾ - Cùng Sống An Vui
-
Thiền Sư Lâm Tế
-
Tiểu Sử Tổ Lâm Tế – Nghĩa Huyền Thiền Sư (Khai Tổ Tông Lâm Tế
-
Tông Chỉ Phái Lâm Tế - Thiền Phật Giáo
-
Chương 22: Thiền Phái Lâm Tế Và Phật Giáo Đàng Trong - Làng Mai
-
Đặc Tính Tư Tưởng Của Thiền Phái Lâm Tế ở Việt Nam
-
Sơ Tổ Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo Của Dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh
-
Lâm Tế Ngữ Lục 01 - YouTube
-
Một Dòng Tu Của Thiền Tông Trung Quốc, Lấy Theo Tên Của Lâm Tế ...