Các Bệnh Lý Viêm Nhiễm Vùng Hậu Môn - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Có thể bạn quan tâm
Trên lâm sàng, viêm nhiễm vùng hậu môn gồm các thể bệnh: viêm ống hậu môn, viêm tấy tầng sinh môn, áp-xe cạnh hậu môn và rò hậu môn. Điều trị viêm nhiễm vùng hậu môn tùy thuộc vào thể loại bệnh bao gồm nội khoa và ngoại khoa, với kết quả mong muốn đạt kết quả tốt và tránh tái phát. Giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Xảy ra như thế nào?
Cần chú trọng việc vệ sinh thân thể tốt, tránh những thói quen không tốt như nín đi cầu, ít uống nước, không ăn rau và trái cây, lười vận động, thường ngồi lâu một chỗ.
Với chức năng chính của hậu môn là lỗ thoát của phân ra ngoài, tất cả các tác nhân từ thay đổi của hệ tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa hay các bệnh lý đường tiêu hóa đều tác động và ảnh hưởng đến cơ quan này là gây tình trạng sang chấn, bị nhiễm nhiều tác nhân khác như: nấm, ký sinh trùng, lao. Đặc biệt, khả năng viêm nhiễm tăng gặp ở những bệnh nhân có những thói quen không tốt như: nín đi cầu, táo bón thường xuyên, vệ sinh vùng hậu môn kém, hoặc ở những người có cơ địa dễ nhiễm trùng như suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, người già, dùng corticoid kéo dài…
Các thể lâm sàng thường gặp
Nứt hậu môn:
Những sang chấn tại chỗ gây căng giãn quá mức ống hậu môn như: đi cầu phân cứng khô đã tạo nên vết rách niêm mạc theo chiều dọc ở ống hậu môn. Ngoài ra, tiêu chảy nhiều lần hoặc các bệnh viêm vùng hậu môn trực tràng cũng có thể gây bệnh lý trên. Vết nứt cấp tính thường nông và mau lành nếu điều trị đúng. Vết nứt mạn tính (kéo dài hơn 1 tháng) gây loét sâu đến tận cơ thắt hậu môn, thường do tác nhân gây bệnh chưa được giải quyết.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, vùng nứt hậu môn có sự tưới máu kém và tăng trương lực co thắt của cơ vòng trong hậu môn.
Lối sống lành mạnh như chịu khó vận động, uống nhiều nước, ăn nhiều rau hoa quả góp phần phòng tránh viêm nhiễm vùng hậu môn
Hai điều trên làm cho sự thiếu máu nuôi trầm trọng hơn nữa và hậu quả là vết nứt khó lành. Biểu hiện đau nhiều mỗi khi đi cầu, đau kiểu thắt nhói kéo dài nhiều giờ, thường kèm theo chảy ít máu tươi.
Điều trị nứt hậu môn: loại bỏ những tác nhân gây bệnh và giúp tăng cường máu nuôi đến niêm mạc tổn thương. Chống táo bón hay làm mềm phân giúp loại bỏ được tác nhân gây bệnh. Bệnh nhân uống nhiều nước (hơn 2 lít/ ngày) vì nước làm phân mềm nhão nên không gây tổn thương hậu môn và cũng tránh tái phát và tăng cường các chất xơ trong bữa ăn: như rau cải, đậu, trái cây. Ngâm hậu môn nước ấm (400C) có pha thêm một ít muối (khoảng 1 muỗng cà phê muối ăn với 2 lít nước ấm), ngâm trong 10 - 20 phút, 3 - 4 lần ngày, giúp làm giãn cơ vòng, tăng tưới máu, giảm đau và làm bệnh nhân dễ chịu hơn. Có thể cho dùng thêm 1 số loại thuốc mỡ thoa tại chỗ thuộc nhóm Nitroglycerin hay ức chế can-xi giúp làm giãn cơ vòng trong và tăng tưới máu vùng nứt, liệu pháp này có thể giúp lành bệnh với tỉ lệ từ 65 -90%. Dùng thuốc toàn thân, giảm đau Diclophenac 50mg, Mobic 7,5mg, Kháng sinh Amoxicillin, Augmentin, Erythromycin, khi mà có triệu chứng nhiễm trùng đi kèm.
Điều trị ngoại khoa khi điều trị nội khoa không kết quả, đặc biệt nứt hậu môn mạn tính có kèm viêm loét lâu ngày. Phẫu thuật đơn giản là cắt 1 phần bên cơ vòng trong ống hậu môn (thực hiện dưới gây tê) giúp giảm đau, giãn cơ và lành vết mổ.
Viêm ống hậu môn:
Khởi đầu cảm giác đau rát vùng hậu môn hoặc đau cạnh hậu môn, diễn tiến đau càng nhiều hơn kèm sưng nề nóng quanh hậu môn hoặc ngay ống hậu môn. Toàn thân sốt, mệt mỏi. Vùng hậu môn nề nhẹ, đỏ đau, có thể có tổn thương rách phần da niêm mạc ống hậu môn.
Điều trị thuốc kháng sinh: Augmentin 625mg, Ciprofloxacin 200mg, Zinnat 500mg. Thuốc kháng viêm, giảm đau: Mobic 7,5mg, Paracetamol 500mg, Tatanol 500mg. Ngoài ra, kết hợp ngâm vùng hậu môn bằng nước muối ấm pha loãng nhằm giảm sưng nề, thuốc vitamin trợ sức, chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước giúp cho phân mềm dễ đi cầu.
Viêm tấy tầng sinh môn:
Biểu hiện toàn thân có tình trạng nhiễm trùng nặng, vùng tầng sinh môn phù nề đỏ đau, có thể lan rộng lên bẹn hoặc vùng mông. Có thể có hoại tử mô hay viêm mủ mô mềm vùng này. Bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, mạch nhanh, tổng trạng gầy.
Điều trị, trong trường hợp này bệnh nhân được nhập viện để điều trị: hồi sức, bù nước và điện giải, dùng thuốc kháng sinh liều cao, phối hợp từ 2 loại thuốc kháng sinh trở lên: Augmentin 1g Metrodiazol 0,5g, Cefuroxim 1g Metrodiazol 0,5g. Dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch, liều cao, dùng liên tục 7 - 10 ngày. Kết hợp thuốc giảm đau, kháng viêm bằng đường tiêm: Mobic 7,5mg, Efferalgan 1g. Phẫu thuật sau 48 giờ khi đã dùng thuốc kháng sinh, mổ rạch dẫn lưu, cắt lọc mô hoại tử nếu có.
Áp-xe cạnh hậu môn:
Áp-xe cạnh hậu môn là ổ mủ nhiễm trùng nằm cạnh hậu môn hay trực tràng. Nguyên nhân do các tuyến hậu môn nhỏ tiết nhày, khi bị tắc nghẽn nhiễm trùng bộc phát có thể tạo thành ổ mủ. Túi mủ này phát triển trong mô lỏng lẻo vùng mông và có thể phá ra ngoài da. Một số bệnh lý như viêm đại tràng hay viêm đường ruột có thể gây bệnh dễ dàng hơn.
Triệu chứng của áp-xe cạnh hậu môn đau dai dẳng vùng quanh hậu môn, đau cả không đi cầu và đi cầu. Từ hậu môn đau lan ra xa, đau tăng khi ho, bệnh nhân không dám đi nhanh, không dám ngồi mạnh, không thể ngồi yên trên xe vì đau, kích thích da vùng quanh hậu môn, chảy mủ ra ngoài (sau đó hết đau), sốt và cảm giác mệt mỏi toàn thân. Áp-xe được điều trị bằng dẫn lưu mủ từ ổ áp-xe ra ngoài, tạo lỗ mở bên cạnh hậu môn để giảm áp lực. Thường có thể thực hiện dưới gây tê tại chổ, trong những trường hợp có ổ áp-xe lớn và sâu hơn, hay nhiều ổ áp-xe có thể được dẫn lưu dưới gây tê vùng hay gây mê.
Thuốc dùng toàn thân, kháng sinh Augmetin, Ciprofloxacin, Unasyn. Thuốc giảm đau, kháng viêm: Diclophenac, Panadol, Paracetamol. Áp-xe cạnh hậu môn rất dễ dẫn đến các biến chứng: Rò hậu môn do vậy cần nhanh chóng chữa trị kịp thời, tránh kéo dài tình trạng bệnh.
Rò hậu môn:
Rò hậu môn là chỉ các ống sưng lên ở xung quanh hậu môn, do lỗ rò bên trong, đường rò, hoặc lỗ rò bên ngoài tạo thành. Lỗ rò bên trong thường ở dưới trực tràng hoặc ống hậu môn, thường là một lỗ. Lỗ rò bên ngoài thường ở trên da hậu môn, có thể 1 hoặc nhiều lỗ, là một trong số những bệnh hậu môn trực tràng thường gặp. Phần lớn rò hậu môn là do áp-xe quanh hậu môn phát triển lên.
Triệu chứng điển hình của bệnh rò hậu môn là ở lỗ rò có mủ hoặc mủ lẫn máu. Chảy mủ: cục bộ ít nhiều có liên quan đến thời kỳ viêm nhiễm, ở thời kỳ viêm nhiễm cấp tính mủ nhiều, có mùi hôi. Do đường rò quanh co, phân nhánh nhiều, không thông nên thường tích tụ mủ. Thời kỳ viêm nhiễm mạn tính mủ ít và loãng. Triệu chứng sưng nề, thấy cứng ở đường viền hậu môn là một trong những dấu hiệu chủ yếu mà người bệnh thường nói, khi đường rò không thông khối sưng sẽ to ra. Triệu chứng toàn thân: trong thời kỳ viêm nhiễm cấp tính bệnh nhân có sốt cao, lạnh run, có dấu hiệu nhiễm trùng. Qua thời gian dài sẽ có mủ và hình thành rò hậu môn phức tạp.
Điều trị: hai yêu cầu cần phải đạt, phá hủy đường rò và bảo vệ an toàn cơ thắt. Kỹ thuật mở đường rò, cắt trọn đường rò, cột cơ thắt, hạ niêm mạc trực tràng, cột đường rò gian cơ thắt, keo sinh học hoặc bấc sinh học. Kết hợp dùng thuốc kháng sinh toàn thân liều cao, phối hợp từ 2 loại kháng sinh trở lên, loại kháng sinh có tác dụng lên vi khuẩn gram âm, và vi khuẩn kỵ khí. Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, nâng đỡ thể trạng.
Cách phòng ngừa
Đây là thể loại bệnh thường gặp, nam nhiều hơn nữ. Hạn chế hoặc bỏ trà và cà phê, vì 2 loại này là yếu tố thuận lợi gây táo bón kinh niên.
Tăng cường vận động thân thể bằng những biện pháp: tập thể dục thường xuyên, tham gia các môn thể dục thể thao mang tính vận động toàn thân như: môn chạy bộ, bóng bàn, bóng đá, cầu lông hay bơi lặn. Có chế độ ăn uống hàng ngày nhiều rau xanh và chất xơ, các loại thức uống trái cây xay tươi.
Chế độ nghỉ ngơi và ngủ hợp lý, không thức khuya, tránh căng thẳng thần kinh. Điều trị tốt bệnh lý nội khoa đi kèm như bệnh đái tháo đường, đường huyết luôn luôn ổn định, tăng cường sức khỏe cơ thể, điều trị khỏi các bệnh lý nhiễm trùng hệ tiêu hóa. Khi có vấn đề hoặc nghi ngờ viêm nhiễm vùng hậu môn, cần điều trị triệt để và tuân thủ chặt chẽ chế độ chăm sóc của bác sĩ điều trị.
BS. NGUYỄN HUY THUẬN
Món ăn, bài thuốc phòng bệnh mày đay | Cháy tòa nhà nghìn tỷ ở Đà Nẵng: Xử lý thế nào? | Rối loạn tiền mãn kinh |
Từ khóa » Viêm Hậu Môn Là Gì
-
Bệnh Viêm Hậu Môn Là Gì? Triệu Chứng & Thuốc • Hello Bacsi
-
Viêm Hậu Môn: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Điểm Danh Các Bệnh Lý Viêm Nhiễm Vùng Hậu Môn
-
Các Bệnh Vùng Hậu Môn Thường Gặp Mà Bạn Nên Biết
-
Viêm Hậu Môn: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Đau Hậu Môn Và Nhiễm Trùng Hậu Môn - Tuổi Trẻ Online
-
Bệnh Rò Hậu Môn - Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Chẩn đoán
-
Rò Hậu Môn Có Nguy Hiểm Không, Triệu Chứng Cảnh Báo Bệnh Là Gì?
-
Đau Hậu Môn Là Bệnh Gì? Cách Nhận Biết, Điều Trị
-
Những Kiến Thức Về Rò Hậu Môn - BỆNH VIỆN BÌNH DÂN
-
Tìm Hiểu Về Tình Trạng Và Các Phương Pháp điều Trị Rò Hậu Môn Hiệu ...
-
Nứt Hậu Môn - Bệnh Viện FV
-
Rò Hậu Môn Là Bệnh Gì? Dấu Hiệu Và Triệu Chứng
-
Viêm Trực Tràng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng - Bệnh Viện Hồng Ngọc