Các Biện Pháp Kỹ Thuật Phòng Trừ Rầy Nâu, Rầy Lưng Trắng Hại Lúa

Từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2014, thời tiết tiếp tục nắng nóng, độ ẩm không khí cao, mưa nắng xen kẽ, rất thuận lợi cho rầy trưởng thành đẻ trứng và phát triển mạnh. Dự báo mật độ rầy lứa 3 cao, diện tích rộng (trên các trà lúa giai đoạn đòng - trỗ - chắc xanh đến chín); ảnh hưởng lớn đến năng suất nếu không phòng trừ kịp thời. Hiện cả tỉnh Lâm Đồng có hơn 7.350 ha lúa đang được gieo trồng; trong đó, diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh chiếm gần 2.282 ha, lúa ở giai đoạn đứng cái là 2.391 ha. Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, hiện trong diện tích này có đến gần 1.000 ha bị nhiễm rầy với mật độ từ 1.225 - 2.600 con/m2.

 Đặc điểm hình thái và vòng đời của rầy

- Rầy nâu trưởng thành có màu nâu; rầy lưng trắng có màu trắng xám. Rầy trưởng thành có 2 dạng hình: Cánh dài và cánh ngắn; vòng đời hai loại rầy này 24-30 ngày.

- Rầy đẻ trứng thành ổ trong bẹ và gân chính của lá lúa, hình quả chuối, mới đẻ màu trắng trong, trước khi nở có điểm mắt màu nâu đỏ. Rầy non có 5 tuổi, từ tuổi 1 đến tuổi 3 gọi là rầy cám, hết tuổi 5 lột xác sang trưởng thành. Vòng đời của rầy ngắn, từ 24-30 ngày nên khả năng tăng mật độ rất nhanh.

- Cả rầy non và rầy trưởng thành đều có tập tính bò ngang, dễ phát hiện, thường sống tập trung ở gốc và thân cây lúa, phần sát mặt nước để gây hại.

Triệu chứng gây hại và quy luật phát triển của rầy

- Rầy nâu, rầy l­ưng trắng là loại côn trùng chích hút, gây hại nguy hiểm cho cây lúa. Cả rầy non và trưởng thành dùng miệng chích vào cây lúa để hút nhựa, làm cho cây vàng, úa, còi cọc, chết khô (gọi là hiện tượng cháy rầy), lúc đầu là từng đám, sau cháy cả vạt, có thể lan rộng ra cả ruộng và cả cánh đồng nếu không phòng trừ kịp thời.

- Trong vụ Đông Xuân, rầy thường gây hại nặng trên các chân ruộng thấp trũng, giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ, chín; nhất là những ruộng lúa xanh tốt, thừa đạm, trên các giống nhiễm (DT10, Nếp, Q5, Khang dân 18, lúa lai,…) từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 dương lịch.

Biện pháp phòng trừ

Để hạn chế tác hại của rầy, cần phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ trong Quy trình quản lý dịch hại tổng hợp như sau:

- Sử dụng giống lúa kháng rầy hoặc ít nhiễm rầy.

- Xuống giống tập trung và áp dụng biện pháp né rầy.

- Không trồng lúa liên tục trong năm, bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất 20-30 ngày.

- Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, dọn sạch cỏ dại xung quanh bờ, đặc biệt là lúa chét. Không gieo sạ quá dày, bón cân đối NPK, tránh bón thừa phân đạm.

- Làm cỏ tỉa dặm kịp thời để ruộng thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của rầy.

- Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và xử lý rầy khi có mật số cao.

- Khi phát hiện rầy trên đồng ruộng thì phải phun thuốc trừ rầy. Khi phun thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

- Phòng trừ bằng cách sử dụng luân phiên một số loại thuốc hóa học sau: Bassa 50EC, Applaud 10WP, 25SC, Actara 20WG, Regent 800WG, Marshal 5G, 200SC, Butyl 10WP..

Chú ý: Trước khi phun thuốc, nhất thiết phải rẽ lúa thành các băng rộng để phun. Phun thuốc vào phần thân, gốc cây lúa và giữ mực nước ruộng 2-3cm. Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Lúa đang trỗ bông, chỉ phun thuốc vào chiều mát để không ảnh hưởng đến phơi màu của lúa./.

 

Văn Thọ

Từ khóa » Các Loại Rầy Nâu