Các Biện Pháp Và Thủ Tục Cưỡng Chế Thi Hành án Dân Sự

Với mong muốn giúp người dân tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro pháp lý trong quan hệ dân sự, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn pháp luật dân sự, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Tổng số người đã liên hệ hotline: 1.203

Thi hành án dân sự là quá trình thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của các đương sự đã được xác định trong bản án, quyết định được đưa ra thi hành.

Do vậy, việc tự nguyện thi hành án của các đương sự được coi là biện pháp quan trọng nhất trong hoạt động thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án nhưng vẫn không tự nguyện thi hành trong thời hạn cơ quan thi hành án ấn định, tìm cách trì hoãn, trốn tránh việc thi hành án.

Trong trường hợp này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.

Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ trình bày về biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự và các vấn đề liên quan đến cưỡng chế trong thi hành án.

Tổng quan về bài viết

Toggle
  • 1. Thi hành án dân sự là gì?
  • 2. Cưỡng chế thi hành án dân sự là gì?
  • 3. Đặc điểm của cưỡng chế trong thi hành án dân sự
  • 4. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
  • 5. Căn cứ để áp dụng biện pháp cưỡng chế
  • 6. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
  • 7. Căn cứ pháp lý

1. Thi hành án dân sự là gì?

Theo quy định tại Điều 1 và 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014), thi hành án dân sự là hoạt động của nhiều tổ chức và cá nhân, bao gồm cả cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và Trọng tài thương mại.

Các bản án, quyết định được thi hành án dân sự bao gồm:

  • Bản án, quyết định về dân sự;
  • Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản;
  • Án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự;
  • Phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành;
  • Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại hoặc những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành án ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị.

Hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của Luật thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Như vậy, thi hành án dân sự là hoạt động của nhiều tổ chức và cá nhân.

Hoạt động này được thực hiện theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và Trọng tài thương mại.

2. Cưỡng chế thi hành án dân sự là gì?

Cưỡng chế thi hành án dân sự là việc chủ thể có thẩm quyền dùng quyền lực nhà nước thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với tổ chức, cá nhân.

Việc cưỡng chế thi hành án nhằm bảo đảm thi hành trên thực tế quyền, nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.

Cưỡng chế thi hành án có thể được xem xét dưới góc độ là một quan hệ pháp luật, một chế định pháp luật hoặc một hoạt động áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

3. Đặc điểm của cưỡng chế trong thi hành án dân sự

Căn cứ theo quy định của pháp luật thì cưỡng chế thi hành án có những đặc điểm sau:

  • Cưỡng chế thi hành án dân sự thể hiện quyền lực Nhà nước.

Đặc điểm này được thể hiện ở chỗ chỉ có cá nhân thuộc cơ quan chức năng của Nhà nước hoặc người thuộc tổ chức được Nhà nước trao quyền mới có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế.

Quyền lực nhà nước được thể hiện thông qua việc chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế buộc cá nhân, tổ chức nhất định phải chấp hành để thi hành bản án, quyết định.

Nếu không chấp hành thì sẽ bị xử lý nghiêm bằng các phương thức như xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có

  • Cưỡng chế thi hành án dân sự là một biện pháp thi hành án dân sự.

Việc thi hành án dân sự được thực hiện trước hết bằng biện pháp tự nguyện thi hành án.

Biện pháp tự nguyện thi hành án luôn luôn được khuyến khích.

Theo đó, người phải thi hành án tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong thời hạn pháp luật quy định.

Hoặc người phải thi hành án thỏa thuận được với người được thi hành án phương thức thực hiện việc thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, trong trường hợp biện pháp tự nguyện thi hành án không thực hiện được thì phải có sự can thiệp mạnh của Nhà nước để buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án bằng việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án phù hợp.

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trong trường hợp nhất định, kể cả áp dụng đối với người thứ ba để thi hành án, chính là một biện pháp thi hành án dân sự.

  • Cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng thông qua thực hiện quyết định có hiệu lực bắt buộc thi hành.

Cưỡng chế thi hành án được thể hiện cụ thể bằng việc ban hành quyết định của người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Tùy từng trường hợp cụ thể, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

Với tính chất là một văn bản áp dụng pháp luật, quyết định cưỡng chế thi hành án có giá trị bắt buộc thi hành đối với người bị cưỡng chế.

Quyết định cưỡng chế được ban hành trên cơ sở bản án.

Quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự và nhằm thi hành bản án, quyết định đó.

Vì vậy, nếu quyết định cưỡng chế được ban hành mà không tổ chức thực hiện thì quyết định cưỡng chế thi hành án đó chưa được thực thi trên thực tế, chưa ban hành quyết định cưỡng chế thì cưỡng chế thi hành án chưa được áp dụng.

Tuy nhiên, bản chất của cưỡng chế thi hành án là dùng quyền lực nhà nước.

Do vậy, thông qua thực hiện quyết định có hiệu lực thi hành, cưỡng chế thi hành án là biện pháp hạn chế quyền tự chủ, định đoạt của chủ sở hữu, sử dụng tài sản nhằm đảm bảo khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án theo bản án, quyết định có hiệu lực thi hành.

4. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

Cưỡng chế thi hành án liên quan đến các quyền tài sản của cá nhân, tổ chức.

Do vậy, pháp luật quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế tạo cơ sở cho chấp hành viên lựa chọn áp dụng cũng như việc giám sát thực hiện cưỡng chế thi hành án từ xã hội.

Theo quy định tại điều 71 Luật thi hành án dân sự 2009 sửa đổi, bổ sung năm 2014 có 06 biện pháp cưỡng chế thi hành án. Cụ thể là:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định

5. Căn cứ để áp dụng biện pháp cưỡng chế

Về căn cứ cưỡng chế thi hành án dân sự:

Việc cưỡng chế thi hành án phải căn cứ vào Bản án, quyết định có hiệu lực thi hành; Quyết định thi hành án; Quyết định cưỡng chế thi hành án.

Về điều kiện cưỡng chế: Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần có các điều kiện cơ bản như:

  • Người thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc phải thực hiện hành vi theo bản án, quyết định có hiệu lực thi hành;
  • Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án và người phải thi hành án không tự nguyện thi hành.

Về nguyên tắc cưỡng chế:

  • Chủ thể có thẩm quyền chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế pháp luật quy định, không được áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thời gian và trường hợp pháp luật cấm;
  • Việc cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết khác.

Thời gian được thực hiện thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014:

“Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định”.

6. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

Để đảm bảo hiệu quả cưỡng chế thi hành án, pháp luật quy định các trình tự, thủ tục cơ bản để tiến hành cưỡng chế thi hành án là:

  • Ra quyết định cưỡng chế và thông báo về việc cưỡng chế:
  • Xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự:
  • Lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự:
  • Thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự:
  • Giao bảo quản tài sản đã cưỡng chế:
  • Giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình cưỡng chế thi hành án:
  • Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi cưỡng chế thi hành án:

Thực tế biện pháp cưỡng chế thường được áp dụng nhiều là “kê biên,xử lý tài sản của người phải thi hành án”.

Cho nên, ngoài những trình tự, thủ tục trong cưỡng chế thi hành án nêu trên, pháp luật còn quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án đối với một số tài sản đặc thù như:

  • Kê biên tài sản là quyền sở hữu trí tuệ;
  • Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm;
  • Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp;
  • Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ;
  • Kê biên vốn góp;
  • Kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói;
  • Kê biên tài sản gắn liền với đất;
  • Kê biên tài sản là nhà ở;
  • Kê biên tài sản là phương tiện giao thông;
  • Kê biên tài sản là hoa lợi.

7. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)
  • Nghị định số: 62/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thi hành án dân sự

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn về cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nếu có thắc mắc cần được giải đáp hoặc mong muốn trợ giúp thêm về cưỡng chế thi hành án bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật dân sự qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (3 bình chọn)

Từ khóa » Cưỡng Chế Trong Thi Hành án Dân Sự