Các Chuyên Gia Hiến Kế Cần Thơ Phòng, Chống Dịch COVID-19

Sáng 23-9, các đồng chí: Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy; Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố và Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã có cuộc họp để lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học hiến kế cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố. Nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực đã được đề xuất đến lãnh đạo thành phố.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: H.HOA

Sống chung với dịch

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học hiến kế giải quyết những vấn đề cấp thiết: hiện nay 3 tầng điều trị còn dàn trải, nên tập trung cho tầng nào, cách thức điều trị F0, cách ly F1 hiệu quả và đỡ tốn kém; khắc phục lây nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly; giảm bệnh nặng, giảm tử vong; việc mở cửa khi chưa có đầy đủ vaccine để tiêm cho người dân vẫn có thể gây ra nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Tại cuộc họp, đa số chuyên gia nghiêng về quan điểm sống chung với COVID-19. PGS.TS Lại Văn Nông, Giám đốc Bệnh viện (BV) Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: Virus chủng Delta lây nhanh, nhập viện nặng nhiều hơn. Qua thực tế, nhiều nước chủ trương "Zero COVID" (chiến lược đưa số ca mắc COVID-19 về 0 - PV) nhưng hiện nay, muốn Zero thì cả thế giới phải đạt miễn dịch cộng đồng. Ngay cả các nước có hệ thống y tế tốt, dân trí và nhận thức của người dân cao, cũng không thể "Zero COVID" mà phải chuyển cách thức chống dịch. Theo PGS.TS Lại Văn Nông, hiện nay áp dụng đánh giá nguy cơ theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ban hành từ tháng 5-2021, phân vùng nguy cơ cấp xã, phường, thị trấn. Gần đây, Bộ Y tế khuyến cáo đánh giá nguy cơ theo cấp nhỏ nhất có thể, đến tận tổ, để tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm. Vì vậy, PGS.TS Lại Văn Nông cho rằng chấp nhận sống chung với dịch, hạ dần giãn cách xã hội theo lộ trình; đánh giá mức độ nguy cơ cấp khu vực, ấp; qui định cụ thể, rõ vấn đề tập trung đông người để người dân dễ thực hiện.

Cùng quan điểm sống chung với dịch, ông Phan Thanh Tòng, Chủ tịch Hội Y học TP Cần Thơ, cho rằng: Cần thay đổi quan điểm “thần tốc” sang “trường kỳ” chống dịch. Căn cứ vào số lượng bệnh nhân mới xuất hiện để điều chỉnh biện pháp giãn cách xã hội tương ứng. Chấp nhận một lưu lượng bệnh nhân nhất định trong khả năng bảo đảm của ngành Y tế. Ông Tòng đề nghị tích cực tuyên truyền, vận động và chế tài thực hiện 5K cho mỗi người dân. Bóc tách F0 ở cấp độ tổ dân phố và phong tỏa ở cấp độ “hộ gia đình”. Bác sĩ Đặng Văn Hải, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Đa khoa TP Cần Thơ kiêm Phó Giám đốc BV dã chiến Bình Thủy, cũng đề nghị nên xem những người đã dược tiêm vaccine từ 1 mũi trở lên đủ thời gian tạo miễn dịch hơn 2 tuần và những người khỏi bệnh về nhà sau 2 tuần như là đối tượng đạt "thẻ xanh". Từ đó, có những giải pháp phù hợp đối với nguồn lực này.

Xác định cần sống chung với dịch, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ Nguyễn Hữu Dự nhìn nhận khi nới lỏng giãn cách xã hội, lượng người khám bệnh thông thường sẽ tăng, các BV tiếp tục đối đầu với F0 xâm nhập. BV có xuất hiện F0 là bình thường, chỉ khi không hoạt động mới không có F0. Vì vậy, khi phát hiện F0, phong tỏa cục bộ và tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh thông thường cho người dân.

Về xét nghiệm, các chuyên gia đề xuất chỉ xét nghiệm người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm đường hô hấp…, các đối tượng di chuyển nhiều, nghề nghiệp nguy cơ rất cao như tiểu thương, tài xế… và người có tiếp xúc với F0. Khi phát hiện có F0 thì tiến hành xét nghiệm cộng đồng nhỏ (các hộ xung quanh nhà F0). Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, xét nghiệm cộng đồng, tỷ lệ F0 chỉ chiếm 0,05%. Thời gian tới, nên tập trung lấy mẫu khu vực và đối tượng nguy cơ rất cao như khu phong tỏa, cách ly... Ngoài ra, lấy mẫu trọng điểm 1-2 tuần/lần ở chợ, siêu thị, bến xe. Về nguồn lực chống dịch, theo bác sĩ Nghĩa, nên theo hướng cái gì dân có thể tự làm thì hướng dẫn để dân làm. Một bộ phận người dân có thể tự mua test và tự xét nghiệm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền kịp thời cho người dân, nhất là làm đúng những việc “nho nhỏ” như sử dụng khẩu trang đúng cách, khử khuẩn...

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề nghị thành phố tăng cường công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó tập trung nghiên cứu về đặc điểm tuổi, giới tính, nghề nghiệp, mức độ bệnh... của hơn 5.300 ca F0 của thành phố. Những dữ liệu đó sẽ là cơ sở cho định hướng, biện pháp phòng, chống dịch của thành phố và cũng từ những dữ liệu đó, ngành chức năng đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho người dân.

Ưu tiên phủ mũi 1; xem xét điều trị, cách ly tại nhà, tự test

Hầu hết các chuyên gia đều đề nghị trong tình thế thiếu vaccine hiện nay, cần tập trung tiêm đúng đối tượng, hướng đến mục tiêu giảm bệnh nặng, giảm tử vong.

Theo bác sĩ Đặng Văn Hải, tử vong luôn nằm ở đối tượng nguy cơ cao là: người cao tuổi, người có bệnh nền, người béo phì, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine. Trong số bệnh nhân tử vong, không tìm thấy đối tượng được tiêm vaccine, dù 1 mũi. Và một điều nữa là khi bệnh nhân cần đến can thiệp thở máy xâm nhập thì tỷ lệ tử vong luôn trên 80%. Điều này nói lên hiệu quả của 1 mũi vaccine cao hơn rất nhiều lần so với điều trị tích cực để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Các đại biểu đề nghị ưu tiên vaccine cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người bệnh nền để giảm số ca tử vong. Ảnh: H.HOA

Với vai trò quan trọng của vaccine trong phòng, chống dịch, PGS.TS Lê Thành Tài, Phó trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho rằng: Trong tình hình thiếu vaccine, người dân nên san sẻ cho nhau. Thay vì 1 người tiêm 2 mũi thì để 2 người được tiêm. Như vậy, sẽ giúp cộng đồng giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm bệnh nặng và tử vong, góp phần giảm gánh nặng cho BV.

Về cách thức điều trị, từ thực tế điều trị các ca COVID-19, bác sĩ Đặng Văn Hải đề nghị: Đối với các F0 là trẻ em, người trẻ không bệnh nền, người có tiêm vaccine 1 hoặc 2 mũi không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (chiếm 80% bệnh nhân), đa số chỉ cần hỗ trợ vitamin, chờ đến ngày làm các xét nghiệm lại để xác định khỏi bệnh. Vì vậy, thành phố nghiên cứu cho điều trị tại nhà và giao cho tổ, trạm y tế lưu động quản lý. Từ đó, các bệnh viện tập trung nhân lực, vật lực chăm sóc, điều trị cho 20% bệnh nhân có mức độ bệnh từ trung bình trở lên.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa đề xuất: Để giảm tử vong, ưu tiên đầu tư cho thầy thuốc chuyên điều trị hồi sức. Hiện nay, Cần Thơ chưa quá tải trong điều trị COVID-19, nên tận dụng thời gian này mời thầy giỏi, nhiều kinh nghiệm thực tế để đào tạo về hồi sức tích cực cho thầy thuốc ở TP Cần Thơ.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ Nguyễn Hữu Dự cũng cho rằng công tác phòng, chống dịch nhắm vào 3 mục tiêu: giảm nhập viện, giảm bệnh nặng và giảm tử vong. Trong đó, cách ly F0, F1 tại nhà, tham khảo mô hình ở TP Hồ Chí Minh. Huy động tổ, khu vực cùng trạm y tế vào cuộc quản lý F0, F1 tại nhà. Tập trung nguồn lực đầu tư điều trị tầng 2, 3, nhất là đội ngũ hồi sức tích cực.

Về điều trị và xét nghiệm, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng thống nhất khuyến khích và hướng dẫn người dân tự kiểm tra bằng test nhanh. Khi có nghi ngờ, sẽ báo cơ quan y tế kiểm tra và khi được khẳng định là dương tính, cho phép người dân có thể được phép điều trị tại nhà nếu đánh giá tình trạng bệnh và không gian nhà đủ điều kiện, ngành Y tế sẽ hỗ trợ về chuyên môn.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh trân trọng cảm ơn ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp thu các ý kiến này và thảo luận, bàn bạc để vận dụng vào hoạt động phòng, chống dịch của thành phố trong thời gian tới.

Theo Bí thư Thành ủy, thành phố là trung tâm của vùng ĐBSCL, có nguồn lực, nhân lực y tế rất lớn, nhưng cách huy động, tổ chức chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, cần tính toán để huy động tốt hơn các nguồn lực. Thành phố mong nhận được ý kiến góp ý thường xuyên hơn từ các chuyên gia, nhà khoa học. Các chuyên gia, nhà khoa học có thể góp ý cho thành phố qua các kênh: thư, tin nhắn, Zalo...

Bài, ảnh: H.HOA

Từ khóa » Hiến Kế Chống Dịch