2466340Sức khỏe/suc-khoe/suc-khoenullBáo Quảng Bình 17966059
Hiến kế kịch bản thích ứng với dịch bệnh trong giai đoạn mới
08:38 | Chủ Nhật, 26/09/2021
Những vấn đề chính được các chuyên gia “hiến kế” gồm tiêm phủ vaccine phòng COVID-19; đảm bảo năng lực xét nghiệm; năng lực điều trị (thuốc, trang thiết bị y tế và nhân lực); ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch...
Diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch chuyển sang giai đoạn mới với những yêu cầu nhiệm vụ mới, khi nhiều địa phương đã và đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xác định, cùng với kiên định thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam đã và đang thực hiện, cần có biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” trong thời gian tới. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 23-9 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, dựa trên 6 nguyên tắc: “Y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu, khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.” 4 vấn đề mấu chốt Từ góc độ y tế, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, tiếp cận cách điều chỉnh các giải pháp mấu chốt, chiến lược phòng, chống dịch, tiến tới phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện có dịch. Những vấn đề chính được các chuyên gia “hiến kế” gồm tiêm phủ vaccine phòng COVID-19; đảm bảo năng lực xét nghiệm; năng lực điều trị (thuốc, trang thiết bị y tế và nhân lực); ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, việc ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch tễ học và khả năng đáp ứng của toàn xã hội, trong đó y tế đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Thời gian qua, chủng Delta khiến nhiều người tử vong do hệ thống y tế của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng bị “một cơn sóng thần ào qua,” không kịp ứng phó. Phát hiện hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 mỗi ngày, Việt Nam đã đúc rút kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, phân loại ca mắc, nỗ lực giảm số ca tử vong. “Để xử lý được tình huống dịch bệnh, quan trọng nhất là hệ thống y tế đáp ứng tình hình dịch, trong đó phải tăng cường hệ thống truyền nhiễm. Đây là mấu chốt của vấn đề ứng phó dịch bệnh lây qua đường hô hấp,” giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Kính cho biết; đồng thời đề xuất phải có bệnh viện truyền nhiễm cấp tỉnh, “chân rết” xuống cấp huyện để xử lý tình huống trên tinh thần “dịch xuất hiện đến đâu, làm gọn đến đấy.” Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Kính, trong bối cảnh hiện nay có 4 vấn đề mấu chốt: Vaccine phòng COVID-19; xét nghiệm trọng điểm; điều trị trong hệ thống truyền nhiễm; tăng cường năng lực hệ thống y tế. Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam giải thích, tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là chiến lược toàn cầu. Việc tiêm vaccine không ngăn chặn tuyệt đối dịch bệnh, nhưng giảm tỷ lệ tử vong, giảm diễn biến nặng cũng như thời gian điều trị trong cơ sở y tế. “Chiến lược tiêm vaccine phải được triển khai như “chống cháy rừng”, không chỉ tiêm cho vùng có dịch mà cần tiêm bao phủ các vùng xanh an toàn”, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Kính nêu. Về xét nghiệm, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đề xuất, những chủng mới có nồng độ cao, cần sớm chủ động xét nghiệm nhanh và người dân có thể tự thực hiện, chỉ đến cơ sở y tế khi cần khẳng định. Song song đó, các địa phương đã kiểm soát được dịch cần giám sát, xét nghiệm trọng tâm, xét nghiệm mẫu gộp hợp lý, tiết kiệm chi phí. Liên quan đến công tác điều trị, chuyên gia Nguyễn Văn Kính cho rằng, tiếp tục duy trì phương châm phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị; kết hợp đông tây y trong điều trị; tăng cường hệ thống điều trị truyền nhiễm nói riêng, nâng cao năng lực hệ thống y tế nói chung. Đồng quan điểm, Trung tướng, giáo sư, tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, đề nghị khi xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong giai đoạn mới, nên tham khảo Nghị định của Chính phủ về khu vực phòng thủ - là những khu vực chia ra từ cấp tỉnh, cấp huyện có các mô hình dân sự để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh… trong thời bình. Với dịch bệnh liên tục xuất hiện biến thể mới theo quy luật phát triển của virus Corona, ngành Y tế đóng vai trò chủ lực nhưng phải huy động lực lượng từ cấp xã để xây dựng mạng lưới ứng phó với các tình huống có thể xảy ra ở bất cứ đâu, dựa trên kịch bản đã xây dựng trước đó. “Trên tinh thần “người dân là chiến sỹ, chiến sỹ phải tự phát hiện tổn thương rồi báo cáo với chỉ huy tiểu đội, trung đội, đại đội…”, thực hiện phân cấp cơ sở theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” giáo sư, tiến sỹ Đỗ Quyết nêu rõ; đồng thời đề xuất bán test nhanh kháng nguyên để người dân tự thực hiện tại nhà; giảm tải công việc cho lực lượng y tế lấy mẫu. Đối với công tác điều trị, chuyên gia Đỗ Tất Cường đề xuất phải đẩy mạnh y học dự phòng để điều trị cho toàn dân, kết hợp với y học điều trị để ứng phó với các dịch bệnh, đặc biệt dịch lây nhiễm nguy hiểm nhóm A như COVID-19. “Phải phát huy mạng lưới y tế địa phương, tập trung điều trị tầng 1, 2, 3, hạn chế nhảy tầng cao hơn, điều trị ngay từ cấp cơ sở càng nhiều, càng nhanh bao nhiêu, càng hạn chế tốn kém, tử vong bấy nhiêu,” ông Đỗ Tất Cường nhấn mạnh; đồng thời đề xuất tăng cường năng lực chẩn đoán nhanh, sản xuất test kit, sản xuất vaccine để phát hiện sớm, đưa ra phương thức dự phòng. Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư, tiến sỹ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K, phổ cập tiêm vaccine phòng COVID-19, kết hợp thuốc đông y hoặc tây y để điều trị, cần đẩy mạnh các giải pháp công nghệ: Công nghệ quản lý người bệnh, người đã tiêm vaccine hoặc đã có miễn dịch sau khi khỏi bệnh; công nghệ quản lý nhân lực y tế; công nghệ chẩn đoán mới… để thích nghi với các diễn biến dịch trong thời gian tới. 5 chỉ số và 6 phương pháp tiếp cận lộ trình thích ứng Hiện chưa có quốc gia thành công trong việc loại trừ COVID-19 nên các chuyên gia cho rằng, công cụ kiểm soát dịch tốt nhất hiện nay là vaccine phòng bệnh. “Tương tự như vi khuẩn lao, vaccine phòng lao BCG cũng chỉ làm giảm tỷ lệ mắc lao nặng ở trẻ em. Vaccine không ngăn được mắc COVID-19 nhưng làm giảm biểu hiện lâm sàng và tỷ lệ tử vong. Để loại trừ hoàn toàn COVID-19 như bại liệt, đậu mùa, về mặt lý thuyết, đến nay chưa có tính khả thi,” Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương giải thích.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết, về cơ sở khoa học, các ca tử vong chủ yếu ở nhóm người cao tuổi và bệnh nền, tuổi càng cao và càng nhiều bệnh nền, nguy cơ chuyển nặng và tử vong càng cao. Về cơ sở thực tiễn, số ca tử vong trên cả nước lại rất khác nhau, ở từng địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh gần 4%; Bình Dương, Đồng Nai, Long An khoảng 0,8%; Tiền Giang 2,5%…). Như vậy, tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào tổng số ca mắc và tốc độ lây nhiễm; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế điều trị chuẩn theo mức độ từ nhẹ đến nặng, từ chăm sóc điều trị sớm đến ICU; trung tâm điều phối, phân loại (đa số đang yếu); năng lực can thiệp dự phòng (năng lực xét nghiệm, xác định ổ dịch và khoanh vùng chính xác với các biện pháp cách ly phù hợp). Đề xuất các tiêu chí để xây dựng lộ trình thích ứng với trạng thái “bình thường mới,” Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh 5 chỉ số: Tỷ lệ người dân thực hiện 5K; tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19; tỷ lệ bao phủ vaccine (bao gồm tỷ lệ ưu tiên hàng đầu nhóm dễ tổn thương - “chìa khóa” giảm tử vong và giảm tải hệ thống y tế, bao gồm người có thai, người có bệnh nền, trên 60 tuổi, tỷ lệ bao phủ vaccine từ 18-59 tuổi và tỷ lệ bao phủ vaccine ở trẻ em); số ổ dịch mới bùng phát; số ca mắc trên 100 nghìn dân. Ngoài ra, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung đề xuất một số tiêu chí đánh giá năng lực như số giường ICU; số địa phương có đủ năng lực xét nghiệm, xác định ổ dịch, truy vết…; năng lực điều trị từng tầng và khả năng điều phối. Với các tiêu chí nêu trên, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung đưa ra 6 phương pháp tiếp cận, trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu đánh giá tình hình dịch về đặc điểm bệnh lý và biến chủng (bao gồm giải trình tự); việc xét nghiệm thực hiện có trọng điểm, khoanh vùng hẹp, cách ly tại cộng đồng, hạn chế tối đa tập trung; giám sát trọng điểm, thường xuyên định kỳ, sử dụng test nhanh và xã hội hóa đến người dân (tự lấy mẫu và thực hiện test nhanh). “Chỉ thực hiện xét nghiệm diện rộng khi mất kiểm soát để xác định các ca chỉ tiểm, tâm ổ dịch, sau đó khoanh vùng kịp thời, can thiệp tích cực,” phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo. Trên cơ sở giám sát, việc cách ly tại cộng đồng được coi là biện pháp can thiệp chủ đạo; đồng thời cần nghiên cứu giá trị xét nghiệm kháng thể về định tính và định lượng cũng như thời điểm sử dụng. Bên cạnh đó, các can thiệp hành chính dập tắt ổ dịch phải trúng và đúng, dựa trên các cơ sở khoa học. Việc “đóng-mở” phải dựa trên tiêu chí, phân loại nguy cơ theo mức độ hẹp nhất, không theo chỉ địa giới hành chính. Về điều trị dựa trên hướng dẫn thực hành chuẩn trên toàn quốc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, việc phát hiện và điều trị sớm theo phác đồ thích hợp (có túi thuốc cho cộng đồng chữa COVID-19) theo 3 cấp độ của hình tháp (nhẹ không triệu chứng-trung bình-nặng, nguy kịch). Ở tầng 1 và tầng 2, phác đồ điều trị tương tự như bệnh lao với 4 cấu phần quan trọng (tâm lý ổn định, tập luyện, chế độ dinh dưỡng, thuốc) và khuyến khích F0 khỏi bệnh (đủ tiêu chuẩn) tham gia chăm sóc điều trị. Cuối cùng, về vấn đề điều phối nguồn lực hiệu quả, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện; đề xuất hệ thống y tế cơ sở phụ trách tầng 1, tầng 2 của tháp điều trị, trong đó phải giao quyền cho người dân xét nghiệm sàng lọc, kết nối chặt chẽ với cơ sở y tế. Theo đó, điều kiện tiên quyết để thực hiện là hệ thống chính trị của một địa phương phải “rất mạnh mẽ và thống nhất”; đồng thời phải phủ kín vaccine nhóm dễ tổn thương (trên 50 tuổi, có bệnh nền…), sau đó phủ kín cộng đồng. “Vấn đề chủ yếu hiện nay là nguồn vaccine, cần xã hội hóa cả đầu vào và đầu ra sao cho đạt đích nhiều, nhanh và giá cả phù hợp. Chúng ta cần có một hệ thống y tế cơ sở mạnh, đây sẽ là cơ hội củng cố trạm y tế cấp xã, tăng cường hệ thống giám sát dịch tại tuyến cơ sở để thích ứng tình hình,” chuyên gia Nguyễn Viết Nhung nêu./. Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+) Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.) Họ và tên: Email: Ý kiến phản hồi 5 Ý kiến/trang 10 Ý kiến/trang 20 Ý kiến/trang Mới nhất trước Cũ nhất trước .
tin liên quan
Bảo đảm khám, chữa bệnh an toàn trong mùa dịch
(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đáp ứng "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa khám, chữa bệnh (KCB), các đơn vị y tế đã chủ động chuẩn bị kỹ về nhân lực, trang thiết bị; đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm công tác KCB an toàn.
Quảng Bình tiếp tục triển khai tiêm gần 93.000 liều vắc xin phòng Covid-19
(QBĐT) - Ngày 24-9, bác sỹ Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế cho biết, chiều qua (23-9) ngay khi tiếp nhận nguồn vắc xin từ Bộ Y tế cung cấp, Sở Y tế đã có quyết định phân bổ 92.840 liều vắc xin AstraZeneca và Pfizer (Comirnaty) cho tất cả các điểm tiêm trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai tiêm phòng chống dịch Covid-19.
Thanh tra, giám sát giá dịch vụ chẩn đoán nhanh, xét nghiệm RT-PCR
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương và các đơn vị thuộc Bộ kiểm tra, giám sát khắc phục ngay những tồn tại liên quan đến công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine.
Bổ sung các đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 lưu động cho công nhân Xí nghiệp may Hà Quảng
Khi F0 khỏi bệnh trở về
Bảo đảm hiệu quả, an toàn việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19
Tăng cường giám sát, quản lý quy trình tiêm vắc xin phòng Covid-19
Bộ Y tế trả lời về khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca