Các Hệ Sinh Thái Rừng - Chi Tiết Tin - Quảng Trị - Cổng Thông Tin

Thực đơn
  • Truy cập nội dung luôn
Chi tiết tin - Quảng Trị Tin tức - Sự kiện
  • Tin tức nổi bật

  • Tin doanh nghiệp

  • Tin khắp nơi trong tỉnh

  • Tin địa phương

  • Tin tổ chức đoàn thể

  1. Trang chủ
  2. Hiện trạng đa dạng sinh học

Các hệ sinh thái rừng

9:23, Thứ Ba, 1-12-2020

In bài Gửi Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh trên đất phi địa đới hình thành từ san hô vụn và bazan bọt trên đảo Cồn Cỏ

Trạng thái thảm thực vật thuộc về thảm thực vật rừng thứ sinh gồm tầng thấp là tầng cây thảo cao 0,2 - 0,3m che phủ kín mặt đất. Tầng này chủ yếu là các loài cỏ thấp trong họ Cỏ lúa Poaceae tạo thành một tầng tương đối liên tục gồm các loài như Cỏ Cờ Bothriochloa, Cỏ Chỉ Tím Digitaria adscendens, Xuân Thảo Đỏ Eragrostis unioloides, Kê Núi Panicum Montanum, Cỏ Đắng Paspalum Scrobiculatum, Cỏ Gà Cynodon Dactylon, Cỏ Chân Vịt Dactylotenium Aegyptium, Cỏ Mần Trầu Eleusine Indica, Cỏ Mía Rottboellia Cochinchinensis ...

Hệ sinh thái rừng trên cát ven biển (Rú)

Hệ sinh thái rú trên cát ven biển ở Quảng Trị sinh trưởng trong điều kiện ẩm tương đối thuận lợi hơn hẳn các khu vực cát ven biển khác: Số ngày mưa lớn, địa hình khá bằng, nhiệt độ không cao. Tuy cấu trúc quần thể thực vật ở các loại cát trên không còn nguyên vẹn nhưng có thể thấy sự khác biệt về thành phần loài.

Hệ sinh thái rừng đầm lầy trên than bùn

Khu vực ngập nước xung quanh Trằm Trà Lộc có lớp than bùn ở dưới với diện tích khoảng 40 ha. Trong quá trình biến đổi địa hình, vùng hồ này dần tách xa biển, trở thành khu vực chứa nước ngọt. Sự nâng cao địa hình hay quá trình biển rút làm rừng ngập mặn lui dần về phía Đông, thay thế rừng ngập mặn là rừng Tràm. Tiếp đó sự di động của cát đã tạo thành khu vực nước ngọt độc lập trong vùng cát như hiện nay.

Ven hồ Trà Lộc có một diện tích nhỏ rừng Tràm trên than bùn, ngập định kỳ. Một viền hẹp rừng cây lá rộng ngập nước định kỳ nơi giáp với cánh đồng lúa. Ven hồ nơi ngập nông có trảng cỏ chịu ngập thứ sinh. Nơi nước ngập sâu hơn có các quần xã thủy sinh.

Hệ sinh thái rừng kín cây lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên đất thấp được hình thành trên đất bazan (Khu rừng Rú Lịnh)

Rú Lịnh cách sông Bến Hải khoảng 3 km theo đường chim bay và cách biển cũng khoảng 3 km. Đây là hệ sinh thái rừng kín cây lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên đất thấp được hình thành trên đất bazan rất điển hình và độc đáo ở vùng gò đồi Bắc Trung Bộ. Hình thái ngoài của rừng gần giống như rừng nguyên sinh, nhưng thực chất là rừng tự nhiên thứ sinh được phục hồi sau khai thác. Tầng ưu thế sinh thái không chỉ một vài loài mà là tập hợp của nhiều loài như Huỷnh Tarietia javanica+ Gõ Sindora siamensis + Dẻ Lithocarpus concentricus + Hoàng linhPeltophorum dasyrrachis.

Hệ sinh thái rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới mưa ẩm núi thấp

Hệ sinh thái này gặp nhiều ở KBTTN Đakrông, Bắc Hướng Hoá và một số nơi khác trong tỉnh Quảng Trị. Các HTS rừng kiểu này thường ít bị tác động, về căn bản vẫn còn giữ được tính nguyên sinh, được thể hiện qua tổ thành thực vật và cấu trúc tầng tán của thảm thực vật rừng. Thành phần thực vật chủ yếu là các họ thực vật nhiệt đới ở Việt Nam. Tuy nhiên có sự ưu thế của các loài và các ưu hợp thực vật rất khó xác định. Các họ chiếm ưu thế trong tổ thành thực vật là họ Đậu (Fabaceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) họ Long não (Lauraceae), họ Cam (Rutaceae), họ Hoa hồng (Rosaceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Dâu tằm (Moraceae)... Ở đây có mặt cả đại diện của họ Bàng (Combretaceae) và một số loài rụng lá như Săng lẻ (Lagerstroemia to mentosa) thuộc họ Tử vi (Lythraceae), Thung (Tetrameles nudiflora) thuộc họ Thung (Datiscaceae).

Hệ sinh thái Rừng kín cây lá rộng xen cây lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp

Các HST rừng kiểu này gặp chủ yếu ở KBTTN Bắc Hướng Hoá và KBTTN Đakrông. Độ tàn che trong các hệ sinh thái rừng khá lớn, dao động từ 0,7 - 0,8 có nơi đạt tới 1,0. Tổ thành thực vật chủ yếu là các cây lá rộng thuộc các họ Dẻ Fagaceae, họ Long não Lauraceae, họ Thầu dầu Euphorbiaceae, họ Mộc Lan Magnoliaceae, họ Đậu Fabaceae, họ Hồng xiêm. Các cây gỗ của kiểu rừng này thường có đường kính tương đối lớn, đường kính trung bình có thể đạt tới 25 - 30cm, chiều cao trung bình 25 - 30m. Trữ lượng gỗ cùng tương đối lớn, có thể tới 200 - 300m3/ha.

Hệ sinh thái rừng cây lá kim á nhiệt đới núi thấp

Ở tỉnh Quảng Trị, từ độ cao 600 - 700 m trở lên đã thấy xuất hiện các loài cây lá kim tham gia vào tổ thành thực vật trong các hệ sinh thái rừng, tuy nhiên chỉ từ độ cao 1.200m trở lên mới xuất hiện hệ sinh thái mà trong đó cây lá kim là thành phần chủ đạo trong tổ thành thực vật của hệ sinh thái. Các loài cây lá kim phân bố ở tỉnh Quảng Trị không có hình thái lá giống như hình kim dạng tròn của các loài Thông hai lá, Thông ba lá. Các loài Thông tre Podocarpus nerriifolius, Du sam Keteleria evelyniana đều có dạng dẹt, hơi rộng và dày; Loài Thông nàng Dacrycarpus imbricatus có lá kim dẹt, mỏng và ngắn. Riêng loài Dacrydium elatum có hai dạng lá: Cành non có lá kim bé như sợi lông, còn các cành già có lá dạng vảy. Các cây hạt trần ở Quảng Trị đều phân bố ở các khu vực lạnh và ẩm chứ không phải ở các vùng lạnh khô như đối với Thông ba lá.

Đa dạng hệ thực vật rừng

Khu hệ thực vật bậc cao ở Quảng Trị có khoảng 226 họ, 991 chi, 2.152 loài thuộc 6 ngành thực vật.

Bảng 6.1.1. Sự đa dạng của khu hệ thực vật tỉnh Quảng Trị

Ngành Thực Vật

Số họ

Số chi

Số loài

I. PSILOTOPHYTA - Ngành Lá thông

1

1

1

II. LYCOPODIOPHYTA - Ngành Thông đất

2

4

8

III. EQUISETOPHYTA - Ngành Thân đốt

1

1

1

IV. POLYPODIOPHYTA - Ngành Dương xỉ

26

61

121

V. PINOPHYTA - Ngành Thông

7

12

19

VI. MAGNOLIOPHYTA - Ngành Ngọc lan

189

912

2002

A. Magnoliopsida - Lớp Ngọc lan

153

714

1605

B. Liliopsida - Lớp Hành

36

198

397

Tổng số

226

991

2152

Nguồn: [30].

Hệ thực vật Quảng Trị có 141 loài đặc hữu, chiếm 7,5% số loài tự nhiên của hệ thực vật, trong đó có 72 loài đặc hữu Trung Bộ loài, 69 đặc hữu Việt Nam. So với hệ thực vật Việt Nam yếu tố đặc hữu chiếm 21,6%.

Hệ thực vật Quảng Trị có 46 loài quý hiếm trong số 337 loài thực vật quý hiếm của Việt Nam. Trong số này, các loài trong ngành Hạt trần như Đỉnh tùng Mann Cephalotaxus mannii, Du sam núi đất Keteleeria evelyniana, Hoàng đàn giả Dacrydium elatum, Kim giao núi đất Nageia wallichiana thường mọc tập trung thành rừng ở độ cao trên 1200 m, tại Pa Thiên, Voi Mẹp. Cây Du sam núi đất có kích thước khổng lồ (đường kính >1,5 m, cao trên 35 m) cùng với các hệ sinh thái rừng trên có thể sử dụng với mục đích du lịch sinh thái. Các loài Gụ mật Sindora siamensis, Trầm hương Aquilaria crassna đã được bảo tồn tốt và có thể gây trồng trên đất bazan đỏ ở Rú Lịnh. Các loài cây có giá trị kinh tế cao như Cẩm lai Dalbergia olivieri, Thiết đinh Markhamia stipulata, Đinh vàng Pauldopia ghorta, Giáng hương Pterocarpus macrocarpus, Tung Tetrameles nudiflora, Xoay Dialium cochinchinesis, Gụ lau Sindora tonkinensis, Gù hương Cinnamomum balansae, Vù hương C. parthenoxylon… cần thiết có những biện pháp bảo vệ, gây trồng và tạo lợi ích kinh tế từ chất lượng quý giá của chúng.

- Đa dạng hệ động vật rừng

+ Động vật có xương sống trên cạn:

Khu hệ động vật có xương sống trên cạn ở Quảng Trị có 379 loài thuộc 99 họ, 28 bộ. Trong đó thú có 98 loài thuộc 29 họ, 10 bộ; Chim có 198 loài thuộc 48 họ, 15 bộ; Bò sát có 57 loài thuộc 15 họ, 1 bộ; ếch nhái có 26 loài thuộc 7 họ, 1 bộ. Nếu so sánh thành phần động vật có xương sống trên cạn trong toàn quốc thì về Thú chiếm 30,4%; Chim chiếm 23,6%; Bò sát chiếm 20,5%; Ếch nhái chiếm 14,5%.

Bảng 6.1.2. Thành phần loài động vật tỉnh Quảng Trị

Lớp

Số bộ

Số họ

Số loài

Thú - Mammalia

10

29

98

Chim - Aves

15

48

198

Bò sát - Reptilia

2

15

57

Ếch nhái - Amphibia

1

7

26

Cộng

28

99

379

Nguồn: [30].

+ Động vật không xương sống trên cạn:

Khu hệ giun đất

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xác định được 30 loài giun đất. Mật độ cao nhất của giun đất thường gặp ở đất trồng cây lâu năm (103,33 con/m2), giảm ở đất rừng thứ sinh (83,2 con/m2), đất ven suối (79,2 con/m2), đất hoang (74,86 con/m2) và thấp nhất ở đất trồng cây ngắn ngày (38,8 con/m2).

Khu hệ côn trùng

Kết quả nghiên cứu côn trùng ở Quảng Trị đến nay đã xác định được 1422 loài côn trùng thuộc 133 họ, 15 Bộ, trong đó có 5 Bộ có số loài trên 100. Bộ Cánh Cứng - Coleoptera có số lượng loài nhiều nhất (585 loài/1422 loài tổng số), tiếp đến số loài nhiều thứ 2 thuộc Bộ Hai Cánh - Diptera (206 loài), số loài nhiều thứ 3 thuộc Bộ Cánh Vảy- Lepidoptera (187 loài), Bộ Cánh Khác - Heteroptera có 135 loài và Bộ Cánh Giống- Homoptera có 109 loài. Số loài còn lại thuộc 10 Bộ, trong đó có 03 Bộ chỉ có 01 loài như Bộ Gián - Blattodea, Bộ Cánh Gân - Neuroptera, Bộ Cánh Da - Dermaptera. Trong nhóm côn trùng ở Quảng Trị có 8 loài có giá trị bảo tồn, trong đó có 2 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2000; 7 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam năm 2007; 3 loài có trong danh mục của Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Share twitter Quay lại trang trước Các tin khác
  • Rừng ngập mặn (01/12/2020)
  • Đất ngập nước (01/12/2020)
  • Các hệ sinh thái khác (01/12/2020)
  • Rạn san hô và thảm cỏ biển (01/12/2020)
  • Loài và nguồn gen (01/12/2020)
Lên đầu trang

Từ khóa » Hệ Sinh Thái Rừng Là Gì