Các Loại Hình Doanh Nghiệp Hợp Pháp ở Việt Nam Hiện Nay

Các loại hình doanh nghiệp hiện nay đang là vấn đề quan tâm hàng đầu với những cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, có nhiều loại hình doanh nghiệp với đặc điểm, tính chất hoạt động khác nhau. Việc nắm rõ những đặc điểm này sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn loại hình phù hợp để hoạt động trong tương lai.

Khái niệm Loại hình doanh nghiệp

Doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi, giao dịch,… với các chủ thể khác. Một doanh nghiệp cần có tên riêng, trụ sở hoạt động, tài sản công ty và đặc biệt cần xác định rõ loại hình doanh nghiệp để đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

Loại hình doanh nghiệp có thể được hiểu là hình thức, cơ cấu doanh nghiệp được ghi nhận bởi Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn khác. Lựa chọn loại hình công ty là một trong những bước quan trọng cần thực hiện khi thành lập doanh nghiệp mới hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Các loại hình doanh nghiệp hiện nay?

cac loai hinh doanh nghiep 1 - Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay [Cập nhật 2024]
Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Theo Luật Doanh nghiệp, hiện nay có 5 loại hình doanh nghiệp khác nhau. Cụ thể bao gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (công ty TNHH 1 thành viên)
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (công ty TNHH hai thành viên trở lên)
  • Công ty hợp danh
  • Công ty cổ phần
  • Doanh nghiệp tư nhân

Để tìm hiểu rõ hơn về từng loại hình công ty, phần dưới đây sẽ đi vào giới thiệu chi tiết về đặc tính pháp lý, cơ cấu tổ chức cũng như những ưu, nhược điểm của từng loại hình.

Doanh nghiệp tư nhân

cac loai hinh doanh nghiep 2 - Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay [Cập nhật 2024]
Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Doanh nghiệp tư nhân là tổ chức kinh doanh do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo Pháp luật của doanh nghiệp, có các quyền và nghĩa vụ sau:

  • Có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Pháp luật;
  • Có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp, thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

✒️Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân

  • Do chỉ có một chủ sở hữu duy nhất nên doanh nghiệp hoàn toàn chủ động quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh.
  • Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn do đó dễ tạo được sự tin tưởng cho các đối tác, khách hàng.
  • Doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.

✒️Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân

  • Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro cao, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Công ty hợp danh

cac loai hinh doanh nghiep 3 - Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay [Cập nhật 2024]
Đặc điểm của loại hình Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp trong đó:

  • Phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng hoạt động kinh doanh dưới 1 tên chung (thành viên hợp danh);
  • Ngoài các thành viên hợp danh có thể có các thành viên góp vốn;
  • Thành viên hợp danh bắt buộc phải là cá nhân, có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
  • Thành viên góp vốn là cá nhân, tổ chức chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty ở phạm vi số vốn đã góp vào công ty;
  • Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty; tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty; cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty;
  • Thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ được quy định tại Điều lệ công ty; không được tham gia quản lý công ty và hoạt động kinh doanh nhân danh công ty;
  • Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.

✒️Ưu điểm của công ty hợp danh

  • Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân cho nên có sự phân biệt giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của các thành viên trong công ty;
  • Kết hợp được uy tín của nhiều cá nhân nên dễ tạo dựng sự tin cậy đối với các đối tác, khách hàng kinh doanh.
  • Không giới hạn số lượng thành viên nên có thể kêu gọi vốn bằng hình thức bổ sung thêm thành viên vào công ty;
  • Số lượng thành viên hợp danh ít, do đó mô hình tổ chức đơn giản, việc điều hành không quá phức tạp.

✒️Nhược điểm của công ty hợp danh

  • Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh rất cao.
  • Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, do đó hạn chế khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn;
  • Chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật hơn so với doanh nghiệp tư nhân.

Công ty TNHH 1 thành viên

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (viết tắt Công ty TNHH 1 thành viên) là doanh nghiệp do một cá nhân hoặc tổ chức làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
  • Vốn điều lệ công ty:
    • Vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
    • Trong vòng 90 ngày, chủ sở hữu cần phải thực hiện hoàn tất việc góp vốn. Nếu chủ sở hữu không thể góp đủ số vốn như đã cam kết theo Điều lệ công ty thì phải có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi số vốn điều lệ trong công ty.
  • Công ty TNHH 1 thành viên có tư cách pháp nhân khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

✒️Ưu điểm của công ty TNHH 1 thành viên

  • Các thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp do đó sẽ ít rủi ro hơn.
  • Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp đơn giản, chủ sở hữu toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty.
  • Công ty TNHH 1 thành viên được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.

✒️Nhược điểm của công ty TNHH 1 thành viên

  • Khả năng huy động vốn bị giới hạn do công ty TNHH 1 thành viên không được phát hành cổ phiếu.
  • Lương của chủ sở hữu không được tính vào chi phí của doanh nghiệp.
  • So với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH 1 thành viên chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật.

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Công ty TNHH 2 thành viên trở lên) là loại hình công ty trong đó:

  • Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên tối thiểu 2 và không vượt quá 50 người.
  • Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
  • Vốn điều lệ công ty:
    • Vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
    • Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.
    • Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

✒️Ưu điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên

  • Công ty có tư cách pháp nhân nên các thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào doanh nghiệp, ít gây rủi ro cho người góp vốn.
  • Số lượng thành viên không quá nhiều nên việc tổ chức, quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp;
  • Việc chuyển nhượng vốn được kiểm soát chặt chẽ nên công ty dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên.
  • Công ty được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.

✒️Nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên

  • So với doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh, Công ty TNHH chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật hơn.
  • Việc huy động vốn bị hạn chế do công ty TNHH không có quyền phát hành cổ phiếu.

Công ty cổ phần

cac loai hinh doanh nghiep 4 - Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay [Cập nhật 2024]
Đặc điểm của công ty cổ phần

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp phổ biến chỉ sau công ty TNHH, trong đó:

  • Cần có ít nhất 3 thành viên trở lên và không hạn chế số lượng thành viên tối đa;
  • Các thành viên góp vốn vào công ty cổ phần gọi là cổ đông. Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  • Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  • Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết;
  • Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
  • Công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
  • Vốn điều lệ của công ty cổ phần:
    • Vốn điều lệ công ty tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
    • Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn)
    • Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
  • Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:
    • Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
    • Công ty mua lại cổ phần đã phát hành;
    • Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn;

✒️Ưu điểm của công ty cổ phần

  • Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro không cao;
  • Cơ cấu vốn của công ty cổ phần khá linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty;
  • Khả năng huy động vốn rất cao thông qua việc phát hành cổ phần hoặc cổ phiếu ra công chúng;
  • Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, không cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông với Sở Kế hoạch đầu tư
  • Đối tượng được tham gia công ty cổ phần rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.

✒️Nhược điểm của công ty cổ phần

  • Với số lượng cổ đông rất lớn, việc quản lý và điều hành công ty sẽ rất phức tạp. Đặc biệt là tình trạng phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích;
  • Các cổ đông sáng lập có thể mất quyền kiểm soát công ty.
  • Đây là loại hình doanh nghiệp bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật;
  • Các cổ đông góp vốn chuyển nhượng cho nhau không phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Đối với công ty cổ phần khi chuyển nhượng cổ đông bị áp thuế thu nhập cá nhân 0,1% (dù công ty không có lãi vẫn bị áp mức thuế thu nhập cá nhân này).

So sánh đặc điểm các loại hình doanh nghiệp

TIM SEN đã tổng hợp bảng so sánh các loại hình doanh nghiệp hiện nay theo các tiêu chí chung để dễ dàng thấy được sự khác nhau cơ bản giữa chúng:

Tiêu chí so sánh Doanh nghiệp tư nhân Công ty TNHH Công ty hợp danh Công ty cổ phần
Bản chất Doanh nghiệp 1 chủ Công ty đối nhân Công ty đối nhân Công ty đối vốn
Thành viên Cá nhân Có thể là cá nhân hoặc tổ chức Cá nhân, tổ chức Cá nhân, tổ chức
Số lượng thành viên 01 Tối đa 50 Tối thiểu 02 và không giới hạn Tối thiểu 03 và không bị giới hạn
Tư cách pháp nhân Không
Trách nhiệm Vô hạn Hữu hạn Thành viên hợp danh: vô hạn, thành viên góp vốn: hữu hạn Hữu hạn
Cơ cấu tổ chức Đơn giản Không quá phức tạp Không quá phức tạp Phức tạp
Quyền phát hành chứng khoán Không Không Không
Khả năng bị thâu tóm Không thể Khó Rất khó Có thể

Một số câu hỏi liên quan về các hình thức doanh nghiệp hiện nay

Nên lựa chọn loại hình nào khi thành lập doanh nghiệp?

Việc lựa chọn 1 trong 5 loại hình doanh nghiệp như trên sẽ tùy thuộc và nhu cầu của chủ sở hữu. Trong thực tế, đối với hầu hết các ngành nghề kinh doanh, chủ doanh nghiệp thường sẽ lựa chọn 1 trong 3 hình thức phổ biến nhất, đó là: Công ty cổ phần, Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

Loại hình doanh nghiệp nào được phát hành cổ phiếu?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ có công ty cổ phần mới được quyền phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn. Đây cũng là loại hình công ty duy nhất được quyền tham gia thị trường chứng khoán.

Công ty TNHH có được phát hành trái phiếu để huy động vốn hay không?

Căn cứ theo Điều 46, 47 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH (1 thành viên và 2 thành viên trở lên) đều được quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Các loại hình doanh nghiệp nào phù hợp với các mô hình kinh doanh khác nhau?

Nếu bạn muốn kinh doanh với sự hợp tác giữa những người quen có cùng chí hướng, những người mà bạn biết rõ họ phù hợp với định hướng phát triển của công ty thì hãy ưu tiên lựa chọn loại hình công ty TNHH. Đây là một trong các hình thức doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh mục đích kinh doanh, bạn có mục tiêu phát triển công ty trở thành 1 công ty đại chúng, dễ dàng thu hút vốn đầu tư từ rất nhiều người ở khắp mọi nơi thì bạn có thể ưu tiên lựa chọn hình thức công ty cổ phần.

Hiện nay loại hình doanh nghiệp tư nhân thường ít được lựa chọn vì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động kinh doanh của công ty.

Các loại hình doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi về thuế tại Việt Nam?

Hiện nay có 2 đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế, bao gồm:

+ Ưu đãi theo ngành nghề doanh nghiệp (thường là các sản phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm hàng ngày; nhu cầu khám chữa bệnh; các hàng hóa hoặc dịch vụ khuyến khích phát triển như công nghệ; …)

+ Ưu đãi theo địa bàn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn

>> Xem thêm: Quy trình thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Từ khóa » Các Loại Hình Công Ty Cổ Phần Hiện Nay