Các Nhóm Chỉ Tiêu Thể Hiện Khả Năng Thanh Toán - Học Viện Tài Chính

  1. 1. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát
  2. 2. Hệ số khả năng thanh toán hiện hành
  3. 3. Hệ số khả năng thanh toán nhanh
  4. 4. Hệ số thanh toán nợ dài hạn
  5. 5. Hệ số khoản phải thu trên khoản phải trả
  6. 6. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay

Nhóm chỉ tiêu này thể hiện được năng lực thanh toán của doanh nghiệp. Đây là nhóm chỉ tiêu được nhiều người quan tâm như: các nhà đầu tư, người cho vay, người cung cấp nguyên vật liệu…. họ luôn đặt ra câu hỏi là liệu doanh nghiệp có đủ khả năng trả các món nợ tới hạn không.

1. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát

Hệ số khả năng thanh toán tổng quát phản ánh khả năng quan hệ giữa tài sản mà doanh nghiệp hiện đang quản lý sử dụng với tổng số nợ phải trả. Nó cho biết cứ trong một đồng nợ phải trả có bao nhiêu đồng tài sản đảm bảo. Hệ số thanh toán tổng quát (H1) được khái quát hóa bằng công thức:

(H1) =  Tổng tài sản/Tổng nợ phải trả

  • Nếu H1>1: Chứng tỏ khả năng thanh toán của doanh nghiệp là tốt
  • Nếu H1<1 quá nhiều thì chưa tốt vì điều đó chứng tỏ doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội chiếm dụng vốn.
  • Nếu H1<1 và tiến đến 0 báo hiệu sự phá sản của doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm và mất dần, tổng tài sản hiện có của doanh nghiệp không đủ trả nợ mà doanh nghiệp phải thanh toán.

2. Hệ số khả năng thanh toán hiện hành

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành phản ánh mối quan hệ giữa tài sản ngắn hạn và các khoản nợ ngắn hạn. Hệ số thanh toán hiện hành thể hiện mức độ đảm bảo của tài sản lưu động với nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là các khoản nợ phải thanh toán trong kỳ, do đó doanh nghiệp phải dùng tài sản thực có của mình để thanh toán bằng cách chuyển đổi một bộ phận thành tiền. Do đó hệ số thanh toán hiện hành (H2) được xác định bởi công thức:

(H2) = Tổng tài sản ngắn hạn/Tổng nợ ngắn hạn

  • H2 = 2 là hợp lý nhất, vì như thế doanh nghiệp sẽ duy trì được khả năng thanh toán ngắn hạn đồng thời duy trì được khả năng kinh doanh.
  • H2 > 2 thể hiện khả năng thanh toán hiện hành của doanh nghiệp dư thừa. H2 > 2 quá nhiều chứng tỏ vốn lưu động của doanh nghiệp bị ứ đọng, trong khi đó hiệu quả kinh doanh chưa tốt.
  • H2 < 2 cho thấy khả năng thanh toán hiện hành chưa cao. H2 < 2 quá nhiều thì doanh nghiệp không thể thanh toán được hết các khoản nợ ngắn hạn đến hạn trả, đồng thời uy tín đối với các chủ nợ giảm, tài sản để dự trữ kinh doanh không đủ.

Như vậy, hệ số này duy trì ở mức độ cao hay thấp là phụ thuộc vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp và kỳ hạn thanh toán của các khoản nợ phải thu, phải trả trong kỳ.

3. Hệ số khả năng thanh toán nhanh

Hệ số khả năng thanh toán nhanh cho biết công ty có bao nhiêu đồng vốn bằng tiền và các khoản tương đương tiền (trừ hàng tồn kho) để thanh toán ngay cho một đồng nợ ngắn hạn. Hệ số thanh toán nhanh  (H3) được thể hiện bằng  công thức:

(H3) = (Tổng tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Tổng nợ ngắn hạn

  • H3 = 1 được coi là hợp lý nhất vì như vậy doanh nghiệp vừa duy trì được khả năng thanh toán nhanh vừa không bị mất cơ hội do khả năng thanh toán nợ mang lại.
  • H3 < 1 cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ.
  • H3 > 1 phản ánh tình hình thanh toán nợ không tốt vì tiền và các khoản tương đương tiền bị ứ đọng, vòng quay vốn chậm làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Tuy nhiên, cũng như hệ số thanh toán nợ ngắn hạn, độ lớn của hệ số này cũng phụ thuộc vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp và kỳ hạn thanh toán của các khoản nợ phải thu, phải trả trong kỳ.

4. Hệ số thanh toán nợ dài hạn

Nợ dài hạn là những khoản nợ có thời gian đáo hạn trên 1 năm, doanh nghiệp đi vay dài hạn để đầu tư vào tài sản cố định. Nguồn để trả nợ dài hạn chính là tổng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành từ vốn vay chưa được thu hồi. Vì vậy, người ta thường so sánh giá trị còn lại của tài sản cố định hình thành từ vốn vay với số dư dài hạn để xác định khả năng thanh toán nợ dài hạn. Hệ số thanh toán nợ dài hạn (H4) = Giá trị còn lại của tài sản cố định được hình thành từ nguồn vốn vay hoặc nợ dài hạn/Tổng nợ dài hạn.

  • H4 < 1 hoặc = 1 được coi là tốt vì khi đó khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp luôn được đảm bảo bằng tài sản cố định.
  • H 4 > 1 phản ánh tình trạng không tốt về khả năng thanh toán nợ dài hạn của doanh nghiệp.

5. Hệ số khoản phải thu trên khoản phải trả

Bất cứ một doanh nghiêp nào cũng có khoản vốn bị khách hàng chiếm dụng và lại phải đi chiếm dụng các doanh nghiệp khác. So sánh phần đi chiếm dụng và phần bị chiếm dụng sẽ cho biết thêm về tình hình công nợ của doanh nghiệp. Tỷ số khoản phải thu so với khoản phải trả = Các khoản phải thu/Các khoản phải trả.

Nếu các khoản phải thu lớn hơn các khoản phải trả thì có nghĩa là doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn và ngược lại doanh nghiệp chiếm dụng vốn của doanh nghiệp khác.

Bị chiếm dụng và đi chiếm dụng trong kinh doanh là bình thường. Nhưng ta phải xem xét trong trường hợp nào là hợp lý, khoản nào là phù hợp.

6. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay

Khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Lãi vay phải trả

Lãi vay phải trả là một khoản chi phí cố định, nguồn để trả lãi vay là lợi nhuận gộp sau khi đã trừ đi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. So sánh giữa nguồn để trả lãi vay và lãi vay phải trả sẽ cho chúng ta biết doanh nghiệp đã sẵn sàng trả lãi vay tới mức độ nào. Hệ số này đo lường mức độ lợi nhuận có được do sử dụng vốn để đảm bảo trả lãi vay cho chủ nợ. Nói cách khác, hệ số thanh toán lãi vay cho chúng ta biết được số vốn đi vay đã được sử dụng tốt tới mức nào và đem lại khoản lợi nhuận là bao nhiêu, có đủ bù đắp lãi vây phải trả hay không.

Khả năng thanh toán của doanh nghiệp là năng lực về tài chính mà doanh nghiệp có được để đáp ứng nhu cầu thanh toán các khoản nợ cho các cá nhân, tổ chức có quan hệ cho doanh nghiệp vay hoặc nợ. Xác định được vấn đề này là một bước quan trọng để doanh nghiệp đưa ra những quyết định tài chính phù hợp.

– Chương trình đào tạo: Thạc sĩ Tài chính doanh nghiệp và kiểm soát quản trị khóa 15. Khai giảng Tháng 01/2021. Đăng ký ngay!

Có thể bạn quan tâm: Tạp chí nhịp cầu kinh tế

Từ khóa » Hệ Số Thanh Toán Nợ Tổng Quát