Cách đọc đơn Kính Thuốc Của Bạn - All About Vision

Trang chủKính mắtTròng kính đeo Cách đọc đơn kính thuốc của bạn

Bởi Gary Heiting, OD

Ví dụ về cách đọc Đơn thuốc cho kính

Bạn vừa mới khám mắt và chuyên gia chăm sóc mắt đã kê đơn kính thuốc cho bạn.

Chuyên gia này có thể đã nói với bạn rằng bạn bị cận thị, viễn thị, hoặc có thể bạn bị loạn thị. (Nếu không thuộc trường hợp này, và bạn vẫn cần khám mắt, hãy tìm một chuyên gia chăm sóc mắt hoặc cửa hàng kính gần chỗ bạn ở.

Nhưng tất cả những con số trên đơn kính thuốc của bạn có ý nghĩa gì? Còn tất cả những thuật ngữ viết tắt, chẳng hạn OD, OS, SPH và CYL thì sao?

Bài viết này sẽ giúp bạn giải mã tất cả các phần của đơn thuốc và trao đổi một cách có hiểu biết với chuyên gia chăm sóc mắt khi bạn chuẩn bị mua kính mắt.

OD và OS nghĩa là gì

Bước đầu tiên khi tìm hiểu đơn kính thuốc là biết "OD" và OS" nghĩa là gì. Chúng là các từ viết tắt của oculus dexter và oculus sinister, đây là các thuật ngữ Latin có nghĩa lần lượt là mắt phải và mắt trái.

Đơn kính thuốc của bạn cũng có thể có một cột gắn nhãn "OU." Đây là từ viết tắt của thuật ngữ Latin oculus uterque, có nghĩa là "cả hai mắt."

Mặc dù việc sử dụng các thuật ngữ Latin viết tắt này mang tính truyền thống đối với các đơn thuốc kê cho kính mắt, kính áp tròng và các loại thuốc mắt, nhưng hầu hết các chuyên gia chăm sóc mắt đều hiện đại hóa đơn thuốc của mình và dùng RE (right eye - mắt phải) và LE (left eye - mắt trái) thay cho OD và OS.

Các chi tiết khác của đơn kính thuốc

Đơn kính thuốc của bạn cũng có các thuật ngữ và các từ viết tắt khác. Những thuật ngữ và từ viết tắt này bao gồm:

Độ cầu (Sphere, (SPH). Thuật ngữ này cho biết độ hội tụ của thấu kính, được đo bằng đi-ốp (kí hiệu là D), được kê để điều chỉnh cận thị hoặc viễn thị. Nếu số đo bên dưới thuật ngữ này là dấu trừ (–), bạn bị cận thị; nếu số đo là dấu cộng (+) hoặc đằng trước không có dấu cộng hay dấu trừ, bạn bị viễn thị.

Thuật ngữ "sphere (độ cầu)" nghĩa là điều chỉnh cận thị hoặc viễn thị là "dạng cầu", hay tất cả các kinh tuyến của mắt tương đương nhau.

Độ trụ (Cylinder, (CYL). Số đo này cho biết độ hội tụ của thấu kính để điều chỉnh loạn thị. Nếu trên cột này không ghi gì, bạn hoặc không bị loạn thị hoặc tình trạng loạn thị của bạn nhẹ đến mức thực sự không cần điều chỉnh bằng tròng kính mắt.

Thuật ngữ "cylinder (độ trụ)" nghĩa là độ hội tụ của thấu kính này được thêm vào để điều chỉnh loạn thị không phải dạng cầu, nhưng thay vào đó được tạo hình sao cho một kinh tuyến không có thêm độ cong, và kinh tuyến vuông góc với kinh tuyến "không được thêm độ hội tụ" này chứa độ cong thấu kính và độ hội tụ tối đa để điều chỉnh loạn thị.

Trước số đo trên cột độ trụ này có thể là dấu trừ (thể hiện độ loạn cận thị) hoặc dấu cộng (để thể hiện độ loạn viễn thị). Trong đơn kính thuốc, độ trụ luôn đứng sau độ cầu.

Độ trục loạn (Axis). Số đo này thể hiện kinh tuyến của tròng kính không chứa độ trụ để điều chỉnh loạn thị. Độ trục loạn được xác định bằng con số từ 1 đến 180. Số 90 tương ứng với kinh tuyến dọc của mắt, và số 180 tương ứng với kinh tuyến ngang của mắt.

Nếu đơn kính thuốc có độ trụ, nó cũng phải có một giá trị độ trục loạn, giá trị này đứng sau độ trụ và có "x" ở đằng trước khi được viết tay.

Độ trục loạn là kinh tuyến tròng kính cách kinh tuyến chứa độ trục 90 độ.

Độ tăng thêm (Add). Đây là độ phóng to tăng thêm dùng cho phần dưới của tròng kính hai tròng nhằm điều chỉnh lão thị. Số đo trong phần đơn thuốc này luôn là độ "cộng", ngay cả khi phía trước không có dấu cộng. Nhìn chung, độ tăng thêm này sẽ dao động từ +0.75 đến +3.00 D và hai bên mắt sẽ có số độ bằng nhau.

Độ lăng kính (Prism). Đây là số độ lăng kính, được đo bằng đơn vị đi-ốp lăng kính ("p.d." hay tam giác thuận khi được viết bằng tay), được kê đơn để bù đắp cho các vấn đề căn chỉnh của mắt. Chỉ một tỷ lệ phần trăm nhỏ số đơn kính thuốc có độ lăng kính.

Khi có độ lăng kính, số độ lăng kính được thể hiện bằng đơn vị theo hệ mét hoặc phân số (ví dụ: 0,5 hoặc ½), và hướng lăng kính được thể hiện bằng cách ghi vị trí tương đối của "đáy" hay mép dày nhất. Bốn từ viết tắt được sử dụng cho hướng lăng kính: BU = đáy trên; BD = đáy dưới; BI = đáy trong (hướng về phía mũi người đeo); BO = đáy ngoài (hướng ra tai người đeo).

Độ cầu, độ trụ và độ tăng thêm luôn được thể hiện bằng đơn vị đi-ốp. Chúng ở dạng thập phân và thường được viết với gia số 1/4-đi ốp (0,25 D). Giá trị độ trục loạn là các số nguyên từ 1 đến 180 và chỉ thể hiện vị trí kinh tuyến, không phải độ. Khi số đi-ốp lăng kính được thể hiện dưới dạng thập phân, thường thì sau dấu thập phân chỉ có một chữ số (ví dụ: 0,5).

Thông tin thêm. Chuyên gia chăm sóc mắt của bạn cũng có thể ghi ra những khuyến nghị cụ thể về tròng kính trên đơn kính thuốc của bạn — chẳng hạn lớp phủ chống lóa, tròng kính đổi màu và/hoặc tròng kính đa tròng — để giúp bạn có được sự điều chỉnh về thị lực thoải mái nhất có thể.

Ví dụ về đơn kính thuốc

Bạn cảm thấy mơ hồ? Hãy cùng lấy ví dụ để làm rõ. (Kiểu chơi chữ.)

Dưới đây là một ví dụ về đơn kính thuốc:

RE -2.00 SPH +2.00 add 0.5 p.d. BD

LE -1.00 -0.50 x 180 +2.00 add 0.5 p.d. BU

Trong ví dụ này, chuyên gia chăm sóc mắt đã kê độ cầu -2.00 D để điều chỉnh cận thị ở mắt phải (RE, hay OD). Không có điều chỉnh loạn thị cho mắt này, do đó không ghi độ trụ hoặc độ trục loạn. Chuyên gia chăm sóc mắt này đã chọn thêm "SPH," để khẳng định mắt phải đang được kê duy nhất độ cầu. (Một số bác sĩ sẽ thêm "DS" để thể hiện "độ cầu tính bằng đi-ốp;" số khác sẽ để trống phần này.)

Mắt trái (LE, hay OS) đang được kê độ cầu -1.00 D để điều chỉnh cận thị cộng với độ trụ -0.50 D để điều chỉnh loạn thị. Độ trụ có độ trục loạn ở kinh tuyến 180, nghĩa là kinh tuyến ngang (180 độ) của mắt không có độ tăng thêm để điều chỉnh loạn thị và kinh tuyến dọc (90 độ) có độ tăng thêm là -0.50 D.

Cả hai mắt đều đang được kê "độ tăng thêm" là +2,00 D để điều chỉnh lão thị, và đơn kính thuốc này có điều chỉnh lăng kính là 0,5 đi-ốp lăng kính ở mỗi mắt. Ở mắt phải, lăng kính có đáy dưới (BD); ở mắt trái, lăng kính có đáy trên (BU).

Đơn kính thuốc không phải đơn kính áp tròng.

Đơn kính thuốc và đơn kính áp tròng không phải là một. Đơn kính thuốc chỉ dùng để mua kính đeo. Trên đơn kính thuốc này không có một số thông tin mà bắt buộc phải có trên đơn kính áp tròng. và bạn chỉ có thể có được đơn này trong lúc đo và tư vấn kính áp tròng.

Ngoài thông tin như trên đơn kính thuốc, đơn kính áp tròng phải chỉ rõ độ cong đáy (trung tâm) của bề mặt sau của kính áp tròng, đường kính của kính áp tròng, và nhà sản xuất cụ thể cũng như tên nhãn hiệu của kính.

Ngoài ra, số độ trên đơn kính thuốc thường xuyên được sửa đổi trong khi độ kính áp tròng phù hợp nhất lại được khẳng định. Một lý do là tròng kính đeo được đeo ở một số khoảng cách (thường là khoảng 12 mm) so với bề mặt của mắt, trong khi kính áp tròng lại nằm ngay trên giác mạc của mắt.

Đơn kính áp tròng chính xác chỉ được kê sau khi đã thực hiện đo kính áp tròng và chuyên gia chăm sóc mắt kê đơn đã đánh giá độ phản hồi của mắt với tròng kính và với kính áp tròng nói chung.

Đơn kính thuốc là của bạn và bạn phải lưu giữ

Cơ Quan Giải Quyết Khiếu Nại Của Khách Hàng Về Kính (Optical Consumer Complaints Service, OCCS) chỉ rõ rằng "chuyên gia chăm sóc mắt phải cung cấp cho bạn đơn thuốc sau khi khám mắt xong. Sau đó, bạn có thể mang đơn thuốc này tới một nơi hành nghề khác. 

"Theo luật, đơn thuốc phải cung cấp các kết quả khám mắt cơ bản.

"Tuy nhiên, có những số đo hoặc kết quả khác cần để phân phối kính nhưng chúng sẽ cần được thực hiện bởi 'nơi hành nghề phân phối' (nơi hành nghề mà bạn mua kính). Việc này đôi khi có thể gây khó khăn khi mua trực tuyến nhưng luật không yêu cầu kỹ thuật viên đo thị lực đưa vào những thông tin chi tiết này vì chúng có thể thay đổi tùy theo loại gọng và tròng kính được chọn."

Quy định này nhằm để bảo vệ "tính dễ mang theo" của đơn kính thuốc, cho phép bạn dùng nó để mua kính từ chuyên gia chăm sóc mắt mà bạn lựa chọn.

Trang được xuất bản trong Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Từ khóa » Trục Của Mắt