Cách Giảm đau, Căng Cứng Sau Tạo Hình Thành Bụng - Suckhoe123

Đau và căng cứng sau tạo hình thành bụng như thế nào

Tạo hình thành bụng là thủ thuật cắt bỏ da và mỡ thừa, thắt chặt cơ bụng, kéo căng lại da bụng để thu nhỏ và làm phẳng thành bụng. Nó có những thao tác như khâu thắt hai khối cơ thẳng bụng, kéo da từ vùng bụng trên xuống vùng bụng dưới, cắt bỏ và rạch mổ những chỗ cần thiết để tạo ra vùng bụng phẳng mịn. Vì bản chất xâm lấn của ca mổ, nên chắc chắn nó sẽ gây đau và căng cứng trong giai đoạn ngay sau phẫu thuật.

Cơn đau sau tạo hinh thành bụng nhìn chung thường được mô tả là cảm giác căng tức đáng kể khắp vùng bụng, trong trường hợp bạn làm tạo hình thành bụng toàn phần. Với các phiên bản tạo hình bụng khác, cơn đau có thể hạn chế ở vùng bụng dưới (tạo hình thành bụng mini), hoặc lan rộng ra những vùng khác ngoài bụng (tạo hình bụng mở rộng). Nếu bạn không thắt cơ bụng thì bạn sẽ hồi phục nhẹ nhàng hơn so với khi làm tạo hình thành bụng tiêu chuẩn có thắt cơ. Chưa kể mỗi bệnh nhân có một ngưỡng chịu đau khác nhau, có người sẽ thấy đau khủng khiếp, nhưng một số khác lại hồi phục khá nhanh và không thấy cơn đau đáng ngại cho lắm.

Trái với tưởng tượng của nhiều người, cơn đau và cảm giác căng cứng sau tạo hình bụng không tập trung chủ yếu tại vị trí vết mổ. Thực ra, nó thường xuất hiện ở vùng bụng trên nhiều hơn, còn phạm vi quanh vết mổ và vết mổ lại không có cảm giác gì nhiều do các dây thần kinh đã bị cắt đứt và do tác dụng của thuốc tê.

Bác sĩ sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể để giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn hoặc không cảm nhận được cơn đau sau phẫu thuật, nhằm giúp bệnh nhân thích nghi sau ca mổ và hồi phục nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn.

Đau và căng cứng kéo dài trong bao lâu?

Ngay sau phẫu thuật, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu, là thời điểm cơn đau ở mức kinh khủng nhất, theo lời kể của nhiều bệnh nhân và bác sĩ.

Nhiều bệnh nhân không thể di chuyển trong ngày đầu tiên, hoặc thậm chí là 2-3 ngày sau đó. Một phần nguyên nhân là do cơn đau, một phần là do vùng bụng căng cứng không thể giãn mềm được và bệnh nhân chưa kịp quen với các tư thế đứng dậy, đi lại khi không sử dụng cơ bụng. Tình trạng này có thể kéo dài trong một tuần đầu sau phẫu thuật.

Sau giai đoạn đầu, cơn đau giảm dần đến mức chịu được, thường trong vòng khoảng 2-4 tuần, rồi dần dần biến mất sau khi cơ thể đã hồi phục. Bụng cũng sẽ mềm dần ra theo thời gian.

Các tài liệu về không đưa ra thời gian kéo dài cụ thể của cơn đau hậu phẫu nói chung, nhưng chắc chắn cơn đau sẽ giảm theo tiến độ hồi phục của cơ thể. Cả quá trình hồi phục thường không mất quá 6 tháng, tất nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Nếu là đau do dây thần kinh thì thời gian có thể kéo dài lâu hơn, có thể mất từ 6-12 tháng.

Nguyên nhân đau và căng cứng sau tạo hình thành bụng

Đau do thắt cơ

Thắt cơ tức là trực tiếp luồn chỉ phẫu thuật qua lớp mạc cơ và cơ, rồi kéo hai khối cơ thẳng ở bụng lại gần với nhau. Thao tác này gây đau và căng cứng sau phẫu thuật, đặc biệt bạn không thể di chuyển và co giãn cơ bụng mà không gây đau. Những hành động khiến cơ bụng phải di chuyển mạnh trong những ngày đầu như hắt xì hơi, ho, hít thở sâu, duỗi người, mang vác vật nặng... là những điều cần tránh. Nếu hắt hơi, ho... thì bạn nên ôm chặt bụng.

Do hít thở sâu cũng gây đau nên nhiều bệnh nhân thường chuyển qua hít thở ngắn, bệnh nhân nên tập hít thở sâu vài lần mỗi 2-3 tiếng. Các này sẽ giúp giãn nở phổi và đảm bảo bạn không gặp vấn đề về hô hấp sau phẫu thuật.

Đau do bóc tách và cắt bỏ da

Trong quy trình phẫu thuật, da sẽ được bóc tách khỏi cơ, cắt bỏ phần thừa và kéo căng xuống. Quá trình này cắt đứt dây thần kinh cảm giác mọc nối từ cơ tới da. Hành động kéo vạt da cũng sẽ làm thay đổi vị trí của các dây thần kinh. Chính vì thế, khi dây thần kinh bắt đầu mọc trở lại, nó sẽ khiến bệnh nhân có những cảm giác kỳ lạ, ví dụ như râm ran, châm chích, đau bỏng rát, đau khi chạm vào... Dây thần kinh càng mọc trở lại thì bạn sẽ càng cảm nhận được những dấu hiệu trên.

Có những trường hợp bị đau dai dẳng hoặc mất cảm giác ở da sau phẫu thuật, có thể là do có dây thần kinh bị chèn ép hoặc u dây thần kinh, cần làm phẫu thuật để xử lý.

Dấu hiệu đau bất thường sau phẫu thuật

Như đã mô tả ở trên, cơn đau sau phẫu thuật bình thường sẽ là cơn đau căng tức, lan khắp vùng đã làm phẫu thuật và xuất hiện ngay sau phẫu thuật. Hãy liên lạc ngay với bác sĩ nếu bạn gặp những trường hợp đau như:

  • Xuất hiện vùng đau mới chưa có trước đó.
  • Đau kèm hiện tượng ban đỏ, nóng, viêm, sưng.
  • Đau trầm trọng, đau đột ngột trong ổ bụng: có thể là biến chứng thủng ruột nguy hiểm.
  • Đau nhức và sưng chân: đây có thể là biểu hiện của huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Đau ở các vùng ngoài vùng làm phẫu thuật.

Căn cứ vào mức độ và kiểu đau mà chính bạn trải nghiệm sau phẫu thuật, nếu thấy có gì khác biệt, bạn cần đặt nghi vấn và liên lạc với bác sĩ, phòng khám để được tư vấn kịp thời.

Các biện pháp giảm đau

Thuốc giảm đau và các biện pháp vô cảm

  • Thuốc giảm đau: Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được kê thuốc giảm đau (và một số loại thuốc khác) trong 3-4 ngày đầu, có bệnh nhân không cần uống đủ cữ thuốc, nhưng cũng có những người cần được kê thêm. Đừng ngại liên lạc với bác sĩ nếu bạn vẫn đau nhiều mà đã uống hết đơn thuốc được kê. Thêm vào đó, để hạn chế tối đa cơn đau do thắt cơ, các bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê tại chỗ trực tiếp vào cơ trong lúc phẫu thuật, loại thuốc tê thường được sử dụng là loại có tác dụng lâu, giúp bệnh nhân tê dại trong vài ngày liên tiếp sau phẫu thuật. Phương pháp này cho phép loại bỏ việc phải dùng bơm giảm đau hậu phẫu.
  • Băng ép, gen nịt: Ôm ép vừa phải không chỉ giúp cố định vùng đã làm phẫu thuật, hạn chế đau mà nó còn hỗ trợ tinh thần bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn khi được ôm chặt bởi gen nịt bụng.
  • Chườm lạnh: Một số bác sĩ có cho phép bệnh nhân chườm lạnh để giảm bớt cảm giác khó chịu, nhưng mức độ hiệu quả chưa được chứng minh và đây thường là biện pháp tinh thần thay vì có tác dụng thực sự. Rất nhiều bác sĩ cấm bệnh nhân sử dụng các biện pháp chườm lạnh, chườm nóng lên vùng làm phẫu thuật vì sợ bệnh nhân tự gây tổn thương (bỏng nhiệt, bỏng lạnh) do không cảm nhận được nhiệt độ để điều chỉnh thích hợp. Tốt nhất nên hỏi qua bác sĩ của bạn trước khi thực hiện.

Tư thế và thói quen sau phẫu thuật

  • Nằm & đi lại: Bạn nên áp dụng tư thế co người như em bé khi nằm, nghỉ ngơi. Đi lại thì đi lom khom, ngồi thì nên nửa nằm nửa ngồi có tựa lưng. Tư thế khom người như thế sẽ hạn chế tối đa việc làm giãn cơ bụng. Bạn sẽ không bị đau do vận động cơ, mà cơ cũng sẽ có thời gian thích nghi và phục hồi. Khi cơ bụng dần hồi phục và thả lỏng, bạn sẽ dần quay lại tư thế duỗi thẳng người tự nhiên. Không cần phải ép bản thân tập đứng, nằm thẳng, mà nên để quá trình này diễn ra tự nhiên. Lưu ý là mặc dù tư thế không thoải mái, nhưng bạn nhất định phải đứng lên đi lại thường xuyên và nhẹ nhàng sau phẫu thuật, càng sớm càng tốt và duy trì thường xuyên sau đó. Trong 24 giờ đầu, bạn có thể nhờ y tá hoặc người thân dìu để di chuyển.
  • Mang vác đồ: Tránh mang vác, xách đồ nặng hơn 5 kg. Đây cũng là hoạt động gây áp lực lên cơ bụng đang trong giai đoạn nhạy cảm của bạn.
  • Cử động đột ngột: Cúi xuống nhặt đồ theo thói quen, xoay vặn mình bất ngờ khi được gọi tên... là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra trong vô thức. Vì điều này, bạn nên hạn chế ra ngoài, thậm chí có những người ở hẳn trong phòng ngủ để hạn chế tối đa các tình huống khiến họ vô ý cử động mạnh. Đặc biệt là khi cơn đau có thể giảm đến mức mà họ không ý thức được, mặc dù cơ bụng chưa lành hoàn toàn.
  • Ăn uống: Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chú trọng protein. Ăn ít muối, uống nhiều nước, tránh đồ ăn nhanh, ăn đồ dễ tiêu.

Tóm tắt

Sưng nề, đau căng cứng sau phẫu thuật tạo hình thành bụng có thể là trải nghiệm không thoải mái, bạn nên tiên lượng trước điều đó và sẵn sàng tâm thế để trải qua nó. Dẫu vậy, đây là phẫu thuật đáng giá, sau khoảng 6 tháng bạn sẽ thấy được kết quả vòng 2 thon gọn và phẳng mịn của mình.

Từ khóa » đau Cơ Thành Bụng Sau Sinh