Cách Giúp Người Bệnh Thận Tự Lọc Máu Tại Nhà để ăn ... - Phunuonline

Khi phát hiện bị suy thận mãn, bà H.T.H.V. (63 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) rất chán nản vì mỗi tuần phải đến bệnh viện lọc máu 3 ngày. Bà sợ hãi mỗi sáng phải thức dậy sớm nấu cơm, ôm lỉnh khỉnh đồ đạc, ngồi xe nhiều giờ đồng hồ lên TP.HCM khi người sưng phù, huyết áp lên xuống thất thường.

Cach giup nguoi benh than tu loc mau tai nha de an tet ben nguoi than
Lọc thận nhân tạo tại bệnh viện tốn nhiều thời gian, chi phí điều trị, di chuyển khiến bệnh nhân khá mệt mỏi

“Tới bệnh viện, chưa kịp nghỉ ngơi tôi phải hớt hải làm các thủ tục để kịp giờ chạy thận, rồi lại cuống cuồng dọn dẹp đồ đạc cho kịp chuyến xe về. Người nhà lúc nào cũng phải đi chung để phòng biến chứng từ bệnh tiểu đường, huyết áp. Mình bệnh thì chịu nhưng cứ phiền con cái phải bỏ công ăn việc làm đi theo. 

Người bệnh muốn dù lọc máu tại nhà cũng phải do bác sĩ chỉ định.

Được bác sĩ tư vấn lọc máu tại nhà cho người suy thận, tôi mừng lắm! Ở nhà điều trị thoải mái hơn nhiều, tôi chủ động được thời gian, ăn uống ít kiêng cử, đỡ tốn tiền đi lại, không còn mệt mỏi, lo lắng sau mỗi lần chạy thận nhân.

Từ khi lọc thận tại nhà đến nay đã nhiều năm, tôi chưa từng bị biến chứng hay nhiễm trùng. Tôi còn đi du lịch tận Nha Trang mà không thấy mệt mỏi”, bà V. phấn khởi.

Cach giup nguoi benh than tu loc mau tai nha de an tet ben nguoi than
Với phương pháp lọc màng bụng, bà V. hoặc người nhà có thể tự thực hiện thủ công tại nhà

Bác sĩ Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận & Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM - phân tích: suy thận mãn là tình trạng thận bị suy giảm từ từ và không hồi phục chức năng. Nếu bệnh ở giai đoạn 1-4, người bệnh chỉ cần uống thuốc, nhưng đến giai đoạn cuối thì phải sử dụng các phương pháp điều trị thay thế cho thận như: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận.

Hiện nay, nguồn hiến tạng rất hiếm nên người suy thận mãn chủ yếu là chạy thận nhân tạo tại bệnh viện hoặc lọc màng bụng (gọi nôm na là lọc máu tại nhà).

Nếu chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được lọc máu từ 2-4 lần/tuần, mỗi lần mất từ 4-6 giờ. 

Với phương pháp lọc màng bụng, người bệnh có thể lọc tự động bằng máy hoặc thực hiện bằng tay. Người bệnh chỉ cần truyền dịch vào trong màng bụng thông qua một ống thông mềm và nhỏ. Sau quá trình lọc rửa, nước thừa và các chất cặn bã có trong máu sẽ thải ra ngoài. Mỗi tháng, người bệnh đến bệnh viện khám và nhận dịch truyền.

Cach giup nguoi benh than tu loc mau tai nha de an tet ben nguoi than
Những bệnh nhân tại khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Quận 2 chia sẻ nhau cách lọc máu tại nhà

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lệ - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM - cho biết: “So với hai phương pháp ghép thận và lọc thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí điều trị, hạn chế các biến chứng trong khi lọc máu như huyết áp, suy tim, rối loạn máu…"

Bệnh nhân được lọc máu tại nhà phải đến bệnh viện tái khám mỗi tháng.

Thay vì mỗi tuần phải ra vào bệnh viện chạy thận 3 lần, sử dụng lọc máu màng bụng, người bệnh chỉ cần khám định kỳ mỗi tháng 1 lần. Bệnh nhân chủ động trong công việc, cuộc sống chứ không gắn liền cuộc sống của mình với bệnh viện.

Theo bác sĩ Lệ, sau khi hưởng bảo hiểm y tế, chi phí thực hiện tiểu phẫu đặt ống dẫn lưu chỉ từ 3-5 triệu đồng. Mỗi tháng người bệnh chỉ cần vào bệnh viện thăm khám một lần, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe, dịch lọc, chức năng tạng,… mua dịch lọc khoảng 3 triệu đồng, tiết kiệm hơn rất nhiều so với chạy thận nhân tạo 5 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Cach giup nguoi benh than tu loc mau tai nha de an tet ben nguoi than
Lọc màng bụng bằng máy tại nhà thuận tiện hơn nhiều khi chỉ lọc vào buổi tối

Tuy nhiên, lọc màng bụng thủ công sẽ có khuyết điểm là thay dịch lọc 4 lần mỗi ngày, đặt dẫn lưu ổ bụng thường xuyên dễ nhiễm trùng nếu không đảm bảo vệ sinh, nhất là với trẻ em, người già. 

Ngoài lọc thận thủ công tại nhà, người bệnh còn có thể sử dụng lọc thận bằng máy. Với máy lọc, ban ngày bệnh nhân tự do sinh hoạt thoải mái như người bình thường, thậm chí có thể sắp xếp thời gian đi du lịch với gia đình, vì máy được cài đặt tự động lọc về đêm trong 9-10 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên người bệnh phải tự mua máy với giá 165 triệu đồng, chi phí lọc mỗi tháng gần 7 triệu đồng.

Bác sĩ Lệ khuyến cáo, khi sử dụng phương pháp lọc máu tại nhà, bệnh nhân và người nhà phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ khi thực hiện lọc tại nhà để tránh nhiễm trùng, biến chứng cho người bệnh. Trong trường hợp sự cố xảy ra, ngay lập tức phải thông báo cho bác sĩ điều trị để được xử lý kịp thời, tránh gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được lọc máu tại nhà hay ở bệnh viện đều do bác sĩ chỉ định và hướng dẫn. Hiện nay, các bệnh viện có nhiều ca suy thận mãn được hướng dẫn lọc máu tại nhà như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM...

Phạm An

Từ khóa » Giá Máy Lọc Máu