Cách Lựa Chọn Phông Chữ Cho Thiết Kế LOGO - Tempe

Phông chữ trong thiết kế logo là một yếu tố quan trọng không kém phần hình ảnh và đồ họa. Để thiết kế một logo ấn tượng và mang đậm dấu ấn cá nhân cần phải nghiên cứu kỹ từ hình ảnh đến phông chữ lựa chọn.

Ai học thiết kế đồ họa cũng đều từng tìm hiểu hoặc học về Typography. Việc dành riêng một môn học và nghiên cứu về chữ cái cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của chúng trong việc thiết kế và đặc biệt là thiết kế logo.

Khi nhắc đến logo ta thường nghĩ tới hình ảnh, đồ họa được sử dụng để tạo nên logo đó. Việc chắt lọc và thể hiện cái gout, sự tinh tế và thông điệp của một thương hiệu qua hình ảnh logo là một quá trình phức tạp. Việc lựa chọn phông chữ cho logo cũng như vậy, bởi nó giúp truyền đạt thông tin quan trọng và thể hiện rõ ràng lĩnh vực mà bạn đang làm.

Tại sao cần phải chọn phông chữ phù hợp cho logo?

Trong các ấn phẩm quảng cáo, hay các chiến dịch marketing, các thiết kế có thể sử dụng rất nhiều phông chữ khác nhau cho email, tài liệu, website, banner, danh thiếp,… Tuy nhiên phông chữ mà thương hiệu lựa chọn cho thiết kế logo là yếu tố sẽ liên kết với công chúng nhiều nhất. Là những gì mà khách hàng của bạn ghi nhớ và ấn tượng khi nhìn vào.

Các loại phông chữ cơ bản cho thiết kế logo

Những font chữ khác nhau truyền tải những đặc tính khác nhau và mỗi kiểu chữ lại có cá tính riêng. Những khách hàng tương lai của bạn sẽ có những ấn tượng ban đầu và suy nghĩ về doanh nghiệp của bạn chỉ thông qua font chữ xuất hiện trên logo của bạn. Điều này diễn ra trong tiềm thức và thậm chí họ không nhận ra điều đó đang xảy ra! Đó là lý do vì sao – với logo chứ không phải bất cứ thành phần nào khác của thiết kế thương hiệu – điều quan trọng đối với font chữ logo bạn chọn là nó cần cộng hưởng với thương hiệu của bạn.

Mỗi loại phông chữ lại thể hiện và truyền tải một thông điệp riêng

Kiểu chữ Serif

Serif hay còn được biết đến là kiểu chữ có chân là kiểu chữ đã xuất hiện từ rất lâu đời đến ngày nay vẫn được ưa chuộng. Đặc trưng của phông Serif là độ tương phản giữa các nét thanh và đậm thấp. Phông serif luôn tạo nên cảm giác cổ điển, tinh tế, trang nhã.

Chính vì thế với những thương hiệu cao cấp hoặc hướng về truyền thống thì phông serif rất phù hợp cho thiết kế logo của bạn.

Kiểu chữ Sans serif

Đối ngược với Serif, sans serif là kiểu chữ không chân, được cấu tạo bởi đường định hướng và ổn định cấu tạo chữ. Vì ra đời sau nên sans serif thể hiện sự hiện đại, sạch sẽ và đơn giản có thiết kế chắc chắn phù hợp với các headline hoặc biển quảng cáo.

Kiểu chữ Slab serifs

Slab serifs là kiểu chữ có chân tuy nhiên có nét dày và đậm hơn. Độ dày của serif biến đổi đa dạng giữa các mặt chữ từ hình thái dày dặn đồng đều cho tới lúc nặng, lúc thanh. Slab serifs mang lại sự hoài cổ, mộc mạc chính vì thế thường được dùng để trang trí hoặc là tiêu đề trong thiết kế logo.

Kiểu chữ Script

Script là loại phông chữ ký tự có hình dạng dựa theo các kiểu chữ viết tay sử dụng bút hoặc cọ mềm. Các chữ cái thường có nhiều nết hoa mỹ, được kết nối lại với nhau. Script mang lại cho thiết kế cảm giác tinh tế, nữ tính, sự công phu và sang trọng.

Handwriting

Đúng như tên gọi, handwrititing là phông chữ bắt chước các loại chữ viết tay. Loại phông chữ này thường được áp dụng cho các thương hiệu mỹ phẩm, thời trang mang lại sự hứng thú cho người xem. Handwriting mang lại cảm giác gần gũi, dễ tiếp cận nhưng vẫn tạo nên nét độc đáo riêng.

Trọng lượng và kiểu phông chữ

Sau khi xác định dạng phông chữ phù hợp cho logo thương hiệu, hãy bắt đầu thu hẹp và nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm phông chữ mà mình lựa chọn. Hầu hết các phông chữ đều có nhiều dạng khác nhau từ thanh – mỏng đến nét dày, khoảng cách từ chật đến rộng. Phông chữ nét đậm có thể có thể phù hợp với một cái tên ngắn nhưng lại dễ trở nên cồng kềnh cho một cái tên dài hơn.

Một font với nét chữ mảnh có thể trông tuyệt vời trên một tấm bảng quảng cáo nhưng cũng có thể khá nhạt nhòa trên một thiết kế danh thiếp ở kích thước chữ nhỏ. Những kiểu chữ mảnh sẽ luôn gây cảm giác tinh tế và phù hợp hơn cho một logo được gọt dũa, trong khi những kiểu chữ đậm hơn có cảm giác quyết đoán hơn. Mỗi phông chữ đều có những yếu tố giúp thiết kế trở nên mới mẻ và khác biệt.

Phù hợp với lĩnh vực ngành nghề

Một trong những điều cần lưu ý khi lựa chọn phông chữ cho logo là việc không chỉ là nó đẹp ra sao, hợp với bạn thế nào mà còn là việc đem lại cảm giác gì cho người nhìn. Logo của bạn có cần phải có một ý nghĩa lịch sử hoặc một tinh thần khéo léo và hiện đại không? Điều này chủ yếu đến từ ngành mà doanh nghiệp của bạn đang hoạt động.Việc tìm một kiểu chữ thích hợp với ngành kinh doanh nhất định thực ra là biểu hiện của việc làm hài lòng những kì vọng của khách hàng.

Tuy nhiên hãy cũng đừng quá chạy theo trend và nghiên cứu xem đối thủ của bạn đã sử dụng phông chữ gì. Có một thời điểm các những font slab serif hoài cổ quá phổ biến với những nhà sản xuất bia tới mức nó không thể nổi bật với những đối thủ cùng ngành. Điều tương tự diễn ra với những font dạng sans-serif thông thường cho những công ty công nghệ. Khi quá giống nhau về một kiểu, khách hàng sẽ không nhận dạng và ghi nhớ được bạn là ai.

Kết hợp các phông chữ trong logo

Một trong những điều tối kỵ khi thiết kế logo là không sử dụng nhiều hơn hai đến ba phông chữ cùng một lúc. Một logo đẹp phải duy trì thứ bậc về hình ảnh để mắt người nhìn phân định được tầm quan trọng của các dữ liệu trông thấy.

Tên của thương hiệu nên được viết bằng một phông và phần nội dung hỗ trợ hay slogan nên được viết bằng một font khác. Nếu bạn muốn bổ sung phần thông tin khác nữa – năm thành lập chẳng hạn – hãy giữ nó nhỏ và gọn gàng. Hãy xem xét sử dụng những nét đậm nhạt khác nhau của những font khác nhau để giữ mọi thành phần hài hòa nhau.

Hãy tập trung vào tìm kiếm những kiểu chữ với những tính chất tương tự nhau – một thứ gì đó trong cấu trúc hoặc thành phần của chúng khiến chúng xích lại gần nhau hơn. Cho dù chúng có đến từ những họ font khác nhau, những đặc tính chung cơ bản sẽ khiến logo có cảm giác gắn kết hơn.

Tên nhãn hàng là nơi có thể sử dụng những font chữ có cá tính nhất, như những font dạng script hoặc dạng viết tay. Phần nội dung hỗ trợ nên được hiển thị rõ ràng nhất: hãy gắn với những font sans serif hoặc serif có độ dễ đọc cao. Điều này sẽ đảm bảo khách hàng tiềm năng sẽ bị thu hút bởi tên nhãn hàng độc đáo của bạn nhưng phần thông tin hỗ trợ sẽ truyền tải nhanh chóng và gọn gàng điều bạn làm. Không bao giờ kết hợp những font dạng sript với nhau – chúng có quá nhiều đường nét cá tính và cho dù chúng khác biệt, bố cục tổng thể sẽ trở nên khó nhìn.

Nếu bạn có một chi tiết đồ họa, cân nhắc xem font bạn chọn có thể bổ sung với nó như thế nào. Hãy nhìn vào độ đậm nhạt của logo và đảm bảo rằng nó phù hợp với độ đậm nhạt nét chữ font bạn chọn. Nếu chi tiết đồ họa của bạn mềm mại và nữ tính, nó có thể ghép cặp tốt với những những nét chữ của dạng kiểu chữ script. Nếu nó là chi tiết đồ họa chi tiết, siêu thực, nó sẽ phù hợp hơn với những font chữ dạng sans-serif. Trong logo của cả Lifepath và Torchlight Studios, độ đậm của font phù hợp với tác phẩm line art của logo một cách hoàn hảo. Rõ ràng chúng được sinh ra để cùng ràng buộc trong cùng một thiết kế.

Bạn cũng có thể từ bỏ các chi tiết đồ họa một cách hoàn toàn và tạo ra những logo dạng chữ. Đôi khi đây là lựa chọn tốt hơn cho những doanh nghiệp nhỏ tập trung xây dựng khả năng nhận dạng thương hiệu. Hãy nghĩ về nó: bạn ưu tiên việc người dùng nhìn thấy logo của bạn và nhớ về thương hiệu và tên công ty thay vì quan tâm chi tiết đồ họa đó ngầu như thế nào.

Điều này cho thấy, điều quan trọng là cần đưa ra quyết định về việc loại logo nào – logo dạng thông thường hay logo dạng chữ – là loại bạn chủ ý sử dụng. Nếu bạn có kế hoạch sử dụng logo dạng thông thường, phần chữ có thể rất đơn giản, gọn gàng và thực hiện nhiệm vụ chỉ là hỗ trợ. Nếu font chữ sẽ luôn được sử dụng kèm với logo, đó là một lý do thuyết phục hơn để hợp nhất phần chữ với càng nhiều cá tính của thương hiệu càng tốt

Để đảm bảo phần chữ luôn dễ đọc – đặc biệt từ một khoảng cách – hãy xem xét sử dụng một kiểu chữ có thể dãn khoảng cách giữa các chữ cái với nhau.

Nếu logo của bạn sẽ được sử dụng chủ yếu trong không gian số, hãy chọn một kiểu chữ tối ưu cho web và những kích thước logo nhỏ. Điều này có nghĩa logo sẽ trông tuyệt ngang nhau khi hiển thị trên màn hình lớn và màn hình nhỏ hơn. Tìm hiểu sâu hơn vào miêu tả của kiểu chữ hoặc hãng thiết kế kiểu chữ thường cho bạn câu trả lời về vấn đề này.

Bạn cũng nên thử nghiệm logo của bạn trông như nào khi đặt trên những màu nền khác nhau. Bạn có thể thiết kế một logo với màu đậm và sau đó cần sử dụng nó trong một thiết kế tờ rơi với nền chuyển sắc gradient. Một số kiểu chữ mất kí tự và sự dễ đọc khi chúng bị đổi màu tất cả sang trắng hoặc thang đen xám. Sẽ tốt hơn nhiều nếu phát hiện và giải quyết rắc rối này ở giai đoạn thiết kế hơn là bị mắt kẹt với sản phẩm cuối cùng của mình.

Nếu bạn tải về một kiểu chữ, luôn đảm bảo rằng bạn đã có được giấy phép phù hợp để sử dụng logo của mình trên những thiết kế ấn bản và tư liệu số khác nhau mà bạn cuối cùng sẽ muốn tạo ra. Một số kiểu chữ chỉ được cấp phép cho mục đích sử dụng cá nhân. Hãy đảm bảo bạn không xâm phạm bản quyền của bất cứ ai.

Tạm kết

Lựa chọn font chữ luôn luôn là một cân nhắc quan trọng cho bất kì dự án hay tài sản thiết kế nào. Nhưng khi nhắc tới việc thiết kế thương hiệu và nhận diện, nó là cực kì quan trọng. Trong khi bạn muốn lựa chọn một font chữ bạn thích và nghĩ là có vẻ đẹp thẩm mỹ cao, điều quan trọng cần nhớ là cảm nhận và sự liên quan nó gợi lên đối với khách hàng và người dùng tương lai.

Từ khóa » Chọn Font Chữ Cho Logo