Cách Nấu Cà Ri Gà Miền Nam Béo Ngậy, Vị Ngon đậm đà Khó Cưỡng

Cách nấu cà ri gà miền Nam không khó. Cà ri có nguồn gốc từ Ấn Độ. Sau khi được du nhập về Việt Nam, món ăn rất được ưa chuộng và có nhiều biến tấu như cà ri bò , cà ri kiểu Thái , cà ri gà ,... Công thức sẽ được điều chỉnh khác nhau tùy theo vùng miền cũng như khẩu vị của mọi người. Nhưng món cà ri gà miền Nam sẽ rất khó lẫn với bất kỳ món nào bởi vị béo ngậy của nước cốt dừa, màu vàng đặc trưng của cà ri, khoai dẻo bùi. Đặc biệt là sự đa dạng của các “topping” kèm theo như khoai lang, khoai môn, cà rốt. Chúng ta hãy cùng xắn tay vào bếp thực hiện món ngon này chiêu đãi cả nhà một bữa thật ngon miệng nhé! 

1. Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món cà ri gà miền Nam

Như đã nói, món cà ri gà miền Nam rất phong phú các loại củ nấu kèm, vì vậy bạn nên chuẩn bị đầy đủ để nấu ra đúng vị nhé. 

  • Gà ta: 1 con (khoảng 1.5kg)
  • Khoai môn: 1 củ
  • Khoai lang: 1 củ
  • Cà ri dầu: 1 hũ
  • Bột cà ri: 1 gói
  • Sữa tươi loại không đường: 100ml
  • Hành tây: 1 củ
  • Sả: 5 - 6 cây
  • Nước cốt dừa loãng: 1l 
  • Nước cốt dừa đặc: 200 - 300ml
  • Hành tím băm: 1 thìa
  • Tỏi băm: 1 thìa
  • Rau thơm: húng quế, rau mùi
  • Gia vị: dầu ăn, tiêu, muối, đường, hạt nêm, nước mắm,... 
Gà ta
Chọn gà ta để nấu cà ri sẽ ngon hơn. Ảnh Internet 

2. Cách nấu cà ri gà miền Nam

2.1. Sơ chế thịt gà

  • Thịt gà sau khi mua về, bạn cần làm sạch thật kỹ để khử mùi hôi. Một mẹo nhỏ là dùng muối hoặc chanh chà xát lên ngoài và trong thịt gà. Sau đó rửa lại thật sạch với nước.
  • Chặt thịt gà thành miếng vừa ăn. Vớt thịt gà ra rổ cho ráo nước.
  • Cho thịt ra một cái thau hoặc nồi nhỏ để ướp. Nguyên liệu ướp gồm bột cà ri + 100ml sữa tươi + 1/2 thìa tỏi băm +2 thìa tiêu xay + 1 thìa đường. Ướp trong 30 phút. 

Lưu ý khi chọn gà

Với món cà ri gà, bạn nên chọn loại gà ta hơi già (khoảng 1.5kg trở lên). Gà già có thịt dai nên khi nấu sẽ không bị bở. Khi ăn, thịt chắc và ngon hơn.  

Sơ chế thịt gà
Thịt gà sau khi chặt khúc, bạn ướp gia vị và để ngấm trong 30 phút trước khi chế biến. Ảnh: Internet 

2.2. Sơ chế rau củ

  • Khoai lang sau khi gọt vỏ, rửa sạch, bạn đem ngâm với nước muối pha loãng + một ít nước cốt chanh. Cách này vừa để loại bỏ mủ khoai vừa để tránh khoai bị thâm, mất màu trước khi chế biến.
  • Khoai môn làm sạch đất, gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành khúc vừa ăn. Bạn có thể tỉa khoai, cà rốt thành hình hoa, lá cho đẹp mắt tùy theo sở thích nhé.
  • Cà rốt sau khi gọt vỏ và rửa sạch, bạn hãy thái khoanh vừa ăn.
  • Sả rửa sạch. Một phần cắt khúc đập dập, một phần băm nhỏ. Hành tây sau khi lột vỏ và rửa sạch, bạn thái múi cau. Rau mùi, húng quế rửa sạch, thái khúc.

Lưu ý khi chọn khoai

  • Khoai môn : chọn những củ có phần trũng (mắt khoai) nhiều. Càng nhiều trũng, chứng tỏ khoai càng ngon. Không nên chọn khoai môn có lớp vỏ mịn, ít trũng. Hãy chọn những củ nhẹ vì những củ này ít nước nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại cao. Những củ to thường chứ nhiều nước nên khi nấu sẽ có vị nhạt và thường rất dễ bị sượng.
  • Khoai lang : nên chọn mua khoai lang có vỏ lành, không bị sứt mẻ, bị sùng. Khi cầm cảm thấy nặng tay. Nên chọn khoai lang có kích cỡ vừa, tránh chọn khoai quá to. Với những củ khoai bị rỗ hoặc xuất hiện màu đen, bạn không nên mua vì đó là dấu hiệu của khoai đã hư. 
Sơ chế nguyên liệu nấu cà ri miền Nam
Khoai lang, khoai môn và cà rốt cắt miếng vừa ăn. Ảnh: Internet 

2.3. Xào thịt gà và nấu ca ri gà kiểu miền Nam

  • Bắc chảo lên bếp. Cho 4 thìa dầu cà ri vào chảo. Đun ở lửa vừa. Đến khi dầu nóng thì cho hành tím, tỏi băm, sả băm và sả cắt khúc vào phi thơm.
  • Đến khi hành, tỏi vàng thì cho thịt gà đã ướp vào xào cùng. Xào ở lửa vừa đến khi thịt gà săn lại thì cho nước cốt dừa loãng vào nồi và đun thêm khoảng 20 phút. 
Xào thịt gà
Xào đến khi thịt gà săn lại thì cho nước cốt dừa loãng vào. Ảnh: Internet 
  • Tiếp đến bạn cho cà rốt vào nấu cùng. Vì khoai rất nhanh chín nên đừng vội cho vào cùng. Hãy đợi sau khoảng 3 phút, bạn thả khoai lang và khoai môn.
  • Cho hành tây vào nồi. Tiến hành nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
  • Đun ở lửa vừa để thịt được chín và ngấm đều gia vị. Đun thêm khoảng 10 - 15 phút, nếu thấy thịt gà đã chín thì cho nước cốt dừa đặc vào nồi. Đảo đều, đun cho nồi cà ri gà sôi bùng lên thì tắt bếp.

Lưu ý : Tùy theo sở thích ăn béo ít hay nhiều, bạn có thể tăng hoặc giảm lượng nước cốt dừa. Tuy nhiên để nấu ra đúng vị cà ri gà miền Nam thì phần nước cốt phải đủ độ béo bạn nhé. 

2.4. Thành phẩm và thưởng thức

Sau các bước trên, bạn đã hoàn thành món cà ri gà miền Nam rồi đó. Giờ thì múc ra tô, cho thêm ít húng quế hoặc rau mùi và thưởng thức. Với món cà ri gà miền Nam, bạn có thể ăn kèm với bún tươi hoặc bánh mì đều ngon.  

banner ads
Cà ri gà miền Nam
Món cà ri gà sau khi thành phẩm. Bạn ăn cùng bánh mì hoặc bún đều ngon. Ảnh: Internet 

Yêu cầu thành phẩm : Món cà ri gà đúng hương vị miền Nam thơm lừng mùi nước cốt dừa, hấp dẫn bởi màu vàng đặc trưng của bột cà ri. Khoai lang, khoai môn dẻo, bùi, không bị nát. Thịt gà mềm, không dai, quyện với nước cốt dừa sánh mịn. 

Vậy là Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn vừa chia sẻ đến bạn cách nấu cà ri gà miền Nam hương vị thơm ngon khó cưỡng. Công thức dễ làm, không phức tạp nhưng thành phẩm hứa hẹn cả nhà ai ăn cũng khen. Nếu đã quá ngán các món ăn quen thuộc, đừng quên món cà ri gà để đổi vị cho gia đình vào những dịp cuối tuần. Món ăn này cũng có thể dùng trong những bực tiệc như đám cưới, sinh nhật,...

Thủy Nguyễn

Từ khóa » Cà Ri đậm đà