Cách Nhận Biết Một Người đang Có Dấu Hiệu Của Bạo Lực

Cách nhận biết một người đang có dấu hiệu của bạo lực

Chào bác sĩ, tôi là Thanh. Tôi được biết hiện nay có nhiều người đang có khuynh hướng trở nên bạo lực. Có nguyên nhân nào cho việc trở nên bạo lực của họ không và phải làm sao để nhận biết một người có tính bạo lực. Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi, cảm ơn bác sĩ.

Trả lời:

Chào bạn Thanh, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Câu hỏi của bạn rất thú vị và có lẽ đây cũng là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Một số thông tin mà chúng tôi cung cấp dưới đây hy vọng sẽ trả lời được cho những thắc mắc của bạn.

1. Bạo lực là gì

2. Các biểu hiện của bạo lực

  • Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bạo lực ở người khác ở một người
  • Bạn có thể làm gì nếu ai đó bạn biết có các dấu hiệu cảnh báo bạo lực

3. Lý do trở nên bạo lực

4. Bạn có nguy cơ hành vi bạo lực không?

5. Đối phó với cơn tức giận

6. Kiểm soát rủi ro đối với hành vi bạo lực

===

Bác sĩ tham vấn thông tin và hỗ trợ khám bệnh:

✍ Sài Gòn: Các bác sĩ Bv Tâm Thần HCM, Đại Học Y Dược, Đại học Phạm Ngọc Thạch

✍ Hà Nội: Viện Tâm Thần Bạch Mai- Đại Học Quốc Gia (khoa Y) - Đại Học Y Hà Nội.

✍ Đà Nẵng: Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng.

Gọi điện tư vấn miễn phí và hẹn khám Bác sĩ: 19001246

CHAT FACEBOOK

Tư vấn qua CHAT ZALO

===

1. Bạo lực là gì?

Bạo lực là hành động làm tổn thương người khác. Ngày nay, đây là một vấn đề đáng quan tâm mà những người trẻ phải đối mặt.

Hiện nay, số lượng thanh thiếu niên có hành vi bạo lực và là nạn nhân của bạo lực ngày càng gia tăng. Có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến hành vi bạo lực. Càng có nhiều yếu tố trong cuộc sống, bạn càng có nhiều khả năng thực hiện hành vi bạo lực.

2. Các biểu hiện của bạo lực

Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bạo lực ở người khác ở một người

Thường thì một người có hành động bạo lực bởi vì họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Có thể họ đã bị tổn thương bởi những người khác. Một số người nghĩ rằng khiến cho mọi người sợ họ bằng bạo lực hoặc những mối đe dọa từ bạo lực có thể giải quyết được vấn đề hoặc họ sẽ nhận được sự tôn trọng từ mọi người. Điều này thật sự không đúng. Một số kiểu bạo lực khác lại xảy ra như là phản ứng lại những tổn thương, chấn thương, bắt nạt hoặc hành hạ kéo dài mà họ đã chịu đựng. Hoặc họ có thể dùng bạo lực để chiếm đoạt thứ gì đó, trong khi những người khác có hành vi bạo lực để tự bảo vệ bản thân hoặc quá tuyệt vọng.

Những người hành xử bạo lực đánh mất sự tôn trọng từ mọi người. Cuối cùng họ bị cô lập hoặc không được yêu mến nên họ vẫn cảm thấy tức giận và thất vọng.

Sự tức giận không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cho thấy bạo lực sắp xảy ra. Sự tức giận là một dấu hiệu cảnh báo về bạo lực và phải được xem xét trong hoàn cảnh xảy ra. Thực tế, nếu nghĩ rằng sự tức giận hoặc tăng lạm dụng chất gây nghiện sẽ luôn dẫn đến bạo lực thì nhiều người không có hành vi bạo lực mà ngược lại cần được giúp đỡ lại bị gán ghép một cách bất công là có tính cách bạo lực. Điều quan trọng nhất để đánh giá là có "dấu hiệu" mới và thay đổi đáng kể trong hành vi.

Sự hiện diện của một số dấu hiệu hoặc các yếu tố có thể cảnh báo chúng ta về khả năng người nào đó có thể có nguy cơ bạo lực. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự hiện diện của một hoặc nhiều dấu hiệu không có nghĩa là người đó chắc chắn sẽ có hành động bạo lực.

Một số dấu hiệu có khả năng dẫn đến bạo lực có thể là các yếu tố tiền sử hoặc yếu tố bền vững (không thể thay đổi) như:

  • Từng có hành vi bạo lực hoặc thích gây hấn
  • Xô xát bạo lực lần đầu tiên xảy ra khi còn nhỏ
  • Là nạn nhân của việc bắt nạt
  • Từng có các vấn đề về kỷ luật hoặc xung đột thường xuyên với người có thẩm quyền
  • Bạo hành hoặc bị bỏ bê từ khi còn rất nhỏ
  • Chứng kiến bạo lực gia đình
  • Gia đình hoặc cha mẹ cho phép sử dụng bạo lực
  • Từng đối sử tàn bạo với động vật
  • Có bệnh tâm thần nghiêm trọng
  • Nhẫn tâm hoặc không đồng cảm với người khác
  • Từng phá hoại hoặc gây thiệt hại về tài sản

Các dấu hiệu khác về khả năng dẫn đến bạo lực có thể xuất hiện theo thời gian và có thể tăng dần hoặc góp phần vào nguy cơ bạo lực cho sự kiện hoặc hoạt động nhất định. Những thứ này có thể bao gồm

  • Nghiện ma túy hoặc nghiện rượu
  • Thành viên của băng nhóm hoặc khát khao mạnh mẽ để được tham gia vào băng nhóm
  • Tiếp cận hoặc bị thu hút bởi vũ khí, đặc biệt là súng
  • Rắc rối khi cố gắng kiểm chế cảm xúc như giận dữ
  • Xa lánh bạn bè và lẩn tránh các hoạt động thường ngày
  • Thường xuyên cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn một mình
  • Luôn cảm thấy không được tôn trọng

Một số dấu hiệu của bạo lực có thể là dấu hiệu mới hoặc đang hoạt động. Chúng có thể giống như sau:

  • Tăng sự bốc phát giận dữ
  • Thường xuyên ẩu đả
  • Tăng lạm dụng rượu hoặc ma túy
  • Tăng hành vi nguy cơ
  • Học hành sa sút
  • Đợt cấp của những bệnh tâm thần nghiêm trọng
  • Lập kế hoạch hành động bạo lực
  • Đe dọa hoặc lên kế hoạch gây tổn thương cho người khác
  • Thu thập hoặc mang vũ khí

Có những nghiên cứu chỉ ra rằng các dấu hiệu mới hoặc đang hoạt động có thể tiên đoán nguy cơ bạo lực sẽ xảy ra trong thời gian ngắn hơn các yếu tố tiền sử.

Bạn có thể làm gì nếu ai đó bạn biết có các dấu hiệu cảnh báo bạo lực

Khi bạn nhận ra các dấu hiệu cảnh báo về bạo lực ở người khác, có những điều bạn có thể làm. Hy vọng rằng người đó sẽ đương đầu với tình huống là cách thức dễ dàng nhất để thoát ra khỏi hành vi bạo lực.

Trên hết, hãy giữ bản thân được an toàn. Không dành thời gian một mình với những người có dấu hiệu cảnh báo bạo lực. Nếu có thể không đặt mình vào tình huống nguy hiểm, hãy giúp đỡ người đó thoát ra khỏi tình huống đang giải quyết.

Nói với ai đó mà bạn tin tưởng và kính trọng về điều bạn đang lo lắng và yêu cầu sự giúp đỡ. Họ có thể là một thành viên trong gia đình, cố vấn hướng dẫn, giáo viên, nhà tâm lý học, huấn luyện viên, giáo sĩ, ban giám hiệu nhà trường hay bạn bè.

Nếu bạn lo lắng về việc trở thành nạn nhân của bạo lực, hãy nhờ người có thẩm quyền bảo vệ bạn. Không sử dụng bạo lực hoặc vũ khí để bảo vệ bản thân.

Chìa khóa để ngăn ngừa hiệu quả hành vi bạo lực là yêu cầu một chuyên gia giàu kinh nghiệm giúp đỡ. Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là không tự hành động một mình và cân nhắc bất kỳ dấu hiệu hoặc mối đe dọa một cách nghiêm trọng.

Hãy tạo khoảng cách an toàn đối với người đang chuẩn bị có hành vi bạo lực

3. Nguyên nhân trở nên bạo lực

Lý do gì khiến một người đột nhiên đấm, đá, đâm hoặc bắn súng vào người khác hoặc thậm chí chính bản thân họ?

Không bao giờ có một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này. Nhưng người ta thường có hành vi bạo lực vì một hoặc nhiều điều sau đây:

  • Bộc phát cảm xúc: Một số người sử dụng bạo lực để giải phóng cảm giác tức giận hoặc thất vọng. Họ nghĩ rằng không thể giải quyết được các vấn đề nên chuyển sang bạo lực để thể hiện những cảm xúc vượt quá tầm kiểm soát của họ.
  • Sở hữu: Bạo lực được sử dụng như là một cách để kiểm soát người khác hoặc để đạt được những gì họ muốn.
  • Trả thù: Bạo lực được sử dụng để trả thù những người gây ra sự tổn thương cho họ hoặc người mà họ quan tâm.
  • Bạo lực là một hành vi qua học tập: Cũng giống như tất cả các hành vi qua học tập, chúng đều có thể được thay đổi. Tuy nhiên điều này thật sự không dễ dàng. Vì không có một nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến bạo lực nên không chỉ có một giải pháp đơn giản là có thể giải quyết được vấn đề bạo lực. Việc tốt nhất bạn nên làm là học cách nhận biết những dấu hiệu cảnh báo của bạo lực và có thể yêu cầu sự trợ giúp khi bạn nhận thấy những dấu hiệu đó trong bạn bè hoặc chính bản thân bạn.

4. Bạn có nguy cơ hành vi bạo lực không?

Nếu bạn nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào của hành vi bạo lực trong chính bản thân mình, hãy nói chuyện với ai đó có thể giúp đỡ, như bạn bè, nhưng tốt nhất nên là người lớn mà bạn tin tưởng.

Bạn không cần phải sống trong tội lỗi, buồn rầu và sự thất vọng vì đã làm tổn thương người khác.

Việc thừa nhận mối lo lắng của bạn về việc làm tổn thương người khác là bước đầu tiên cần làm. Thứ hai là trò chuyện với người lớn đáng tin cậy như cố vấn viên trường học hay nhà tâm lý học, giáo viên, thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc giáo sĩ. Họ có thể giúp bạn liên lạc với chuyên gia chăm sóc sức khoẻ tâm thần người mà có thể chăm sóc và giúp đỡ bạn.

5. Đối phó với cơn tức giận

Việc cảm thấy tức giận hoặc thất vọng thường xảy ra khi bạn bị bỏ rơi hoặc bị phản bội. Nhưng sự tức giận và thất vọng không biện minh cho hành động bạo lực. Tức giận là một cảm xúc mãnh liệt có thể khó kiểm soát, nhưng cách phản ứng đúng là luôn giữ sự bình tĩnh.

Các cách sau đây có thể sử dụng để đối phó với sự tức giận mà không cần đến bạo lực:

  • Học cách nói ra những cảm xúc của bạn: nếu bạn sợ trò chuyện hoặc không thể tìm được từ để diễn tả những gì bạn đang trải qua, hãy tìm người bạn mà bạn tin tưởng hoặc người lớn để trực tiếp một đối một giúp đỡ bạn.
  • Thể hiện cảm xúc một cách điềm tĩnh: thể hiện sự chỉ trích, thất vọng, tức giận hoặc không hài lòng mà không mất kiểm soát hoặc ẩu đả. Hãy tự hỏi mình rằng phản ứng của bạn có an toàn và hợp lý hay không.
  • Lắng nghe người khác : lắng nghe cẩn thận và phản ứng lại một cách vui vẻ khi ai đó đưa ra phản hồi tiêu cực cho bạn. Hãy tự hỏi mình có thực sự hiểu được quan điểm của người kia không.
  • Thương lượng: giải quyết các vấn đề của bạn với người khác bằng cách xem xét các giải pháp thay thế và thỏa hiệp.
  • Hãy cho bản thân một khoảng thời gian và bình tĩnh lại trước khi phản ứng lại tình huống hoặc người mà đang kích động sự tức giận của bạn.

Tức giận là một phần của cuộc sống, nhưng bạn có thể thoát khỏi vòng xoáy bạo lực bằng cách học cách nói ra cảm xúc của mình. Hãy mạnh mẽ. Hãy an toàn. Hãy bình tĩnh.

Hãy thật bình tĩnh và dừng lại các hành vi bạo lực

6. Kiểm soát rủi ro đối với hành vi bạo lực

Mọi người đều cảm thấy tức giận theo cách riêng của họ. Bắt đầu quản lý sự tức giận bằng cách nhận ra sự giận dữ của bạn như thế nào.

Khi bạn tức giận, bạn có thể cảm thấy:

  • Căng cơ
  • Tăng nhịp tim
  • Cảm thấy lo lắng, bồn chồn, “cồn cào ruột gan”
  • Thay đổi nhịp thở
  • Run rẩy
  • Nổi da gà
  • Đỏ bừng mặt

Bạn có thể làm những cách sau để giảm bớt lượng adrenaline khiến tim đập nhanh hơn, giọng nói lớn hơn và siết chặt nắm đấm, đó là:

  • Hít thở thật sâu và chậm và tập trung vào nhịp thở.
  • Hãy tưởng tượng mình đang ở bãi biển, bên bờ hồ hoặc bất cứ nơi nào khiến bạn cảm thấy bình yên và tĩnh lặng.
  • Hãy thử nghĩ hoặc hành động khác đi về nhũng điều đã giúp bạn thư giãn trong quá khứ.

Hãy tự nói với bản thân:

  • "Bình tĩnh."
  • "Tôi không cần phải chứng minh bản thân mình."
  • "Tôi sẽ không để anh ấy/cô ta ảnh hưởng đến tôi."

Dừng lại, suy nghĩ đến các hậu quả, nghĩ trước khi hành động. Hãy cố gắng tìm những lời giải thích tích cực hoặc trung lập cho những những hành động người đó làm kích động bạn. Đừng tranh cãi trước mặt những người khác. Đặt ra mục tiêu là đánh bại các vấn đề chứ không phải là người khác. Học cách nhận biết những gì gây tức giận cho bạn và bạn cảm thấy tức giận như thế nào. Học cách để suy nghĩ về các lợi ích của việc kiểm soát sự tức giận và hậu quả khi mất kiểm soát. Trên hết, giữ bình tĩnh và suy nghĩ. Chỉ có bạn mới có khả năng kiểm soát hành vi bạo lực của chính mình. Đừng để sự giận dữ kiểm soát bạn.

Bạo hành chính bản thân

Một số người gặp rắc rối khi đương đầu với những cảm xúc của họ mà không phản ứng bằng cách trút giận lên người khác. Thay vào đó, họ lại bạo hành chính bản thân mình. Biểu hiện sau cùng và nguy hiểm nhất của loại bạo lực này là tự sát. Giống như những người có hành vi bạo lực với người khác, những nạn nhân có khả năng tự tử thường hành xử theo những cách có thể nhận biết trước khi họ cố gắng chấm dứt cuộc đời. Tự sát, giống như các hình thức bạo lực khác, đều có thể ngăn chặn được. Hai bước quan trọng nhất trong phòng ngừa là nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và nhận sự trợ giúp. Dấu hiệu cảnh báo về bạo hành chính bản thân có thể bao gồm:

  • Từng cố gắng tự tử trước đây
  • Sử dụng rượu hoặc ma túy đáng kể
  • Hăm dọa hoặc thể hiện những suy nghĩ về tự vẫn, tử vong, hấp hối hoặc cuộc đời sau khi chết
  • Sự tăng đột ngột trong về sự buồn phiền, lẩn tránh hay cô lập
  • Thay đổi đáng kể trong thói quen ăn uống hoặc giấc ngủ
  • Cảm thấy vô vọng, tội lỗi hoặc vô dụng
  • Kiểm soát hành vi kém
  • Hành vi bốc đồng, hung hăng, thích gây hấn
  • Học hành sa sút hoặc không hứng thú học tập
  • Vướng vào các rắc rối với những người có thẩm quyền
  • Thuyết hoàn hảo
  • Cho tặng những tài sản giá trị
  • Ám chỉ sẽ không tiếp tục sống trong tương lai hoặc nói những lời tạm biệt
  • Cảm giác như một gánh nặng cho người khác

Những dấu hiệu cảnh báo này đặc biệt đáng chú ý trong ngữ cảnh:

  • Cái chết gần đây hoặc sự tự tử của một người bạn hoặc một người thân trong gia đình
  • Gần đây, chia tay với bạn trai hoặc bạn gái hoặc xung đột với cha mẹ
  • Các tin tức về những vụ tự tử khác nhau của những nhóm bạn trẻ trong cùng một trường học hoặc cùng một cộng đồng

Thông thường, suy nghĩ tự sát xuất phát từ mong muốn kết thúc nỗi đau tâm lý sâu sắc. Nhưng hãy nhớ rằng cơn đau luôn giảm đi và cảm xúc sẽ thay đổi. Hầu như luôn có những lựa chọn khác thay vì kết thúc bằng sự tự tử. Đôi khi chúng ta chỉ cần một số trợ giúp để nhận ra chúng.

Nếu một người bạn đề cập đến tự sát, hãy nghiêm túc nghĩ về chúng. Lắng nghe cẩn thận và sau đó tìm sự giúp đỡ ngay lập tức. Đừng bao giờ giữ chuyện tự tử như là một cách bí mật, ngay cả khi họ yêu cầu bạn. Hãy nhớ rằng, bạn có nguy cơ mất người đó mãi mãi.

Khi bạn nhận ra các dấu hiệu cảnh báo cho hành vi tự tử, hãy hành động. Nói với người lớn đáng tin cậy về những gì bạn đã thấy hoặc nghe. Nhận trợ giúp từ chuyên gia chăm sóc sức khoẻ tâm thần đã được chứng nhận càng sớm càng tốt. Họ có thể giúp giải quyết các vấn đề dường như không thể giải quyết được. Hãy đứng lên và chống lại bạo lực.

Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp sẽ hữu ích cho bạn Thanh và cả những người khác. Bạo lực không bao giờ là cách giải quyết tốt. Chính vì vậy chúng ta nên học cách tiết chế cảm xúc của mình và giải tỏa cơn giận của mình để nó không bộc phát. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy gọi cho Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại 1900 1246.

Cảm ơn bạn đã quan tâm!

Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.

Từ khóa » Tự Bạo Hành