Hội Chứng Tự Hủy Hoại Bản Thân - Tuổi Trẻ Online

Nếu cha mẹ thấy con có biểu hiện tự làm đau bản thân thì hãy gần gũi con để điều trị tâm lý cho cháu
Nếu cha mẹ thấy con có biểu hiện tự làm đau bản thân thì hãy gần gũi con để điều trị tâm lý cho cháu

Dấu hiệu cảnh báo một người nào đó có thể tự làm tổn thương bản thân như: thường xuyên có các vết thương mà không rõ nguyên nhân, giảm lòng tự trọng, dễ căng thẳng, cô đơn, có mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè và người thân, khả năng lao động và học tập kém.

Chú ý tuổi dậy thì

Dấu hiệu của hội chứng này xuất hiện từ tuổi dậy thì và tồn tại dai dẳng. Sau khi tự làm đau bản thân, người bệnh vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương tiếp theo.

Những người tự làm hại có thể cố gắng che giấu các vết thương của họ, chẳng hạn họ luôn mặc quần áo dài tay dù trời nóng. Nếu bị phát hiện, người tự làm bị thương thường có thể bịa ra một lý do nào đó như “tôi bị té xe” hoặc “tôi bị mèo quào”.

Một số nghiên cứu tại Hoa Kỳ chỉ ra rằng hành vi tự gây thương tích có tỉ lệ khoảng 4% người lớn, tỉ lệ này ở thanh niên là 15%, còn ở sinh viên lên đến 17-35%. Tự hủy hoại cơ thể được tìm thấy trong khoảng 30% người nghiện rượu và 10% người nghiện ma túy đường tiêm tĩnh.

Nghiện làm đau do cảm xúc không ổn

Theo một số nghiên cứu, thói quen tự hành xác bản thân sẽ khiến phát sinh các chất gây tê tự nhiên trong cơ thể, có khả năng tự mình xoa dịu những nỗi đau về mặt tinh thần, tìm thấy sự dễ chịu về cảm xúc. Do đó, việc này có thể gây nghiện, dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào việc tự hành hạ bản thân.

Những người tự hủy hoại bản thân thường cho biết họ cảm thấy trống rỗng bên trong, căng thẳng quá mức, không thể bày tỏ cảm xúc của mình, cô đơn, không hiểu người khác, sợ hãi đối mặt các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Tự hành hạ bản thân sẽ giúp họ cảm nhận rõ hơn về trạng thái cảm xúc đang trải qua của bản thân. Một số trường hợp, họ tự hành xác bản thân để tự trấn an những khủng hoảng tinh thần.

Sau khi tự gây thương tích cho bản thân, người bệnh cố gắng đạt các mục đích như mong có được sự quan tâm, giúp đỡ của người khác, giải quyết các bất đồng, làm giảm sự nhàm chán trong quan hệ với mọi người...

Phải chữa từ gốc

Với những người bệnh này, người nhà cần tìm ra nguyên nhân tự gây tổn thương để điều trị triệt để, không để tái diễn hành vi tự hủy hoại, tạo ra mối liên kết giữa cảm xúc và hành vi. Cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ có thể khiến người bệnh có biểu hiện rối loạn hành vi, gây hại cho bản thân.

Khi phát hiện một người tự thương, chúng ta cần đưa ngay họ đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần.

Gần gũi chia sẻ giúp con trị bệnh

BS Dương Minh Tâm - trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: "Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều người mắc hội chứng tự làm đau bản thân, các cháu nữ mới lớn mắc nhiều hơn nam.

Bệnh bắt đầu từ những đòi hỏi, bức xúc của các cháu không được đáp ứng hoặc giải quyết. Các cháu "xả" bằng cách tự cấu mình đau hoặc lấy dao, vật sắc nhọn rạch vào người, các cháu nói khi rạch thì thấy bức xúc ấy nhẹ đi.

Hiện tại viện đang điều trị một nữ sinh viên năm nhất mắc chứng tự làm đau bản thân. Thiếu nữ này có rất nhiều vết rạch trên người và đây là người bệnh điển hình của chứng bệnh này."

Theo BS Tâm, điều trị chứng tự làm đau bản thân không quá khó, nhưng cũng cần kiên trì. Cha mẹ hãy gần gũi các cháu và luôn chia sẻ với con.

L.ANH

Tự hủy hoại bản thân là gì?

Đó là những người tự làm tổn thương bản thân bằng cách cố ý gây hại cho bản thân về mặt thể chất (cắt, đập đầu vào một thứ gì đó, tự đốt bản thân, đấm vào tường), tham gia vào hành động nguy hiểm (bài bạc, quan hệ tình dục không an toàn, lạm dụng chất kích thích), sở hữu mối quan hệ tình cảm lệch lạc, bỏ bê sức khỏe của bản thân.

Tuy nhiên, họ là những người không muốn chết.

Từ khóa » Tự Bạo Hành