Cách Tính Trợ Cấp Thai Sản - Báo điện Tử Chính Phủ

Ảnh minh hoạ
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời bà Thu như sau:

Chế độ khi sinh con

Điều 157 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định, lao động nữ đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH thì được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng.

Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con; mức hưởng chế độ thai sản; chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi sinh quy định tại Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH như sau:

- Lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

- Người lao động hưởng chế độ thai sản khi sinh con với mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

- Trường hợp lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung; phải nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung mức hưởng một ngày bằng 40% mức lương tối thiểu chung.

Trợ cấp được tính theo mức lương tối thiểu chung

Khoản 1 Điều 35 Luật BHXH, được hướng dẫn tại Điều 16 Nghị định 152/2006/NĐ-CP quy định, mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Khoản 1 Điều 94 Luật BHXH quy định, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.

Theo hướng dẫn tại Mục 3, Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008, bổ sung khoản 8, khoản 9 vào Mục II chế độ thai sản, Phần B, Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/1/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì:

- Trợ cấp một lần khi sinh con theo quy định tại Điều 34 Luật BHXH được tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng người lao động sinh con.

- Tiền lương tháng đóng BHXH để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 16 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, được tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng hưởng chế độ.

Theo Điều 3 Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác từ ngày 1/7/2013 là 1.150.000 đồng/tháng.

Trường hợp bà Trần Thị Thu, do bà không nêu bà có được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo không, có được hưởng phụ cấp chức vụ không? Bởi, hệ số phụ cấp thâm niên nhà giáo và hệ số phụ cấp chức vụ được cộng với hệ số lương để tính đóng BHXH và làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản, do thiếu dữ liệu này nên không thể tính chính xác mức hưởng khi bà nghỉ việc sinh con.

Bà Thu có nêu bà được hưởng phụ cấp khu vực và phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Nhưng theo khoản 1 Điều 94 Luật BHXH, hai khoản phụ cấp này không dùng để tính đóng BHXH, nên không được dùng làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản.

Căn cứ tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm bà Thu sinh con và hưởng chế độ là 1.150.000 đồng/tháng.

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, nếu bà Thu đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thì bà được BHXH thanh toán chế độ thai sản bao gồm:

- Trợ cấp một lần khi sinh con: 1.150.000 đồng x 2 tháng = 2.300.000 đồng.

- Mức hưởng 6 tháng nghỉ việc sinh con = ( 2,72 hệ số phụ cấp chức vụ, nếu có hệ số phụ cấp thâm niên nhà giáo, nếu có) x 1.150.000 đồng x 6 tháng nghỉ sinh con.

Nếu sau thời gian 6 tháng hưởng chế độ thai sản mà sức khoẻ còn yếu thì bà Thu được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm. Mức hưởng phục hồi sức khoẻ tại gia đình một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung; mức hưởng nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung một ngày bằng 40% mức lương tối thiểu chung.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Từ khóa » Cách Tính Bảo Hiểm Thai Sản 2021 Cho Giáo Viên