Cách Trồng Sả Tại Nhà ''cực Kì đơn Giản'' Và Hiệu Quả

Sả là một gia vị phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, sả còn có tác dụng đuổi muỗi, nấu nước xông giải cảm,… Cách trồng sả lại vô cùng đơn giản. Sau đây nuoitrong.vn chia sẻ với các bạn cách trồng sả cũng như kỹ thuật chăm sóc tại nhà.

Nội dung

Đặc điểm cây sả

Chúng mọc thành cụm, có nhiều nhánh mọc ra từ cùng một gốc. Một khóm sả phát triển tốt có chiều cao lên đến 1,5 m.

Lá sả dài, mỏng và nhỏ giống với lá lúa. Trên lá có lông và hai mép lá rất sắc. Phần sát gốc các bẹ lá ôm chặt với nhau, đây là phần được sử dụng làm gia vị. Gốc sả màu trắng hoặc hơi tía, có nhiều đốt ngắn. Sả là cây sống lâu năm với bộ rễ chắc khỏe có thể dài đến 30cm.

Mùi hương đặc trưng của sả gần giống với cam quýt là do citral, một trong những hợp chất dầu dễ bay hơi bao gồm monoterpenes và sesquiterpenes.

Cây sả phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 22-27 độ C. Nếu nhiệt độ trên 30 độ C kéo dài kết hợp với độ ẩm thấp thì cây sẽ bị cháy lá.

Cây sả phát triển cần đủ ánh sáng, có nắng chiếu tối thiểu 6 giờ/ngày. Cây sả trồng dưới bóng râm có màu nhợt nhạt, thân mảnh và mất mùi đặc trưng.

cach trong sa

Chuẩn bị đất trồng

Cây sả khá dễ sống nên có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên không vì thế mà không cải tạo đất trước khi trồng. Chọn loại đất có nhiều mùn, thoát nước tốt, pH khoảng từ 6 – 7.

Bạn có thể trộn thêm vào đất một số chất cải tạo khác nhau như phân trộn , phân chuồng ủ hoai mục, phân trùn quế. Đảm bảo đất trồng có đủ dinh dưỡng thì sả sẽ phát triển tốt nhất.

Nếu trồng sả ở vườn nhà, bạn cần đào hố sâu 20 cm rồi bón lót phân chuồng.

Sả trồng ở trong chậu cần chuẩn bị các chậu hoặc thùng xốp đảm bảo thoát nước tốt.

Các bước tiến hành cách trồng sả

Bước 1: Xử lý giống

Sả có thể được trồng từ hạt mua tại các cửa hàng hạt giống, trồng từ nhánh sả trưởng thành hoặc trồng từ nhánh con được tách từ khóm sả hoặc mua ngoài chợ. Nhánh con phải có các cây con, còn đầy đủ gốc và rễ.

Cách 1: Trồng sả từ hạt

Với cách trồng sả bằng phương pháp gieo hạt, sẽ mất khoảng 21 ngày để nảy mầm. Gieo hạt sâu 5cm và cách nhau 50cm, giữ đủ ẩm.

Sau khi cây con phát triển cao 6 – 7 cm thì có thể đánh ra đem trồng ở vị trí khác. Cách trồng sả bằng hạt ít được áp dụng vì thời gian chờ cây nảy mầm lâu.

Cách 2: Trồng sả bằng nhánh

Hom sả giống là các nhánh sả trưởng thành được cắt từ khóm sả hoặc các nhánh sả các bạn vẫn thường mua ngoài chợ hàng ngày.

Xem thêm Cách trồng CỦ NÉN siêu dễ cho năng suất cực cao

Cắt bớt phần ngọn của nhánh sả, chừa lại sao cho hom sả dài còn từ 15 – 20 cm. không cắt bỏ bất kỳ phần dưới gốc của nhánh sả. Nếu cắt ở dưới gốc có thể không hình thành rễ.

Hom sả vừa cắt đem ngâm vào trong cốc nước sao cho nước ngập phần gốc. Để ở nơi thoáng mát có ánh sáng mặt trời để rễ hom sả ra rễ. Thay nước hàng ngày.

Sau khoảng 2 ngày, hom sả bắt đầu ra rễ và sau khoảng 1 tuần lá sả sẽ bắt đầu chồi ra. Tiếp tục cho đến khi nhánh sả mọc đủ rễ và đủ lá, lúc này cây sả đã sẵn sàng để đem đi trồng. Làm theo cách này sẽ mất khoảng 2 tuần để có cây sả đem trồng.

cach trong sa

Cách 3: Trồng sả bằng nhánh con

Nhánh sả con có thể được chọn lựa và tách ra từ khóm sả hoặc mua ngoài chợ. Nhánh sả con đủ điều kiện đem đi trồng phải có đủ rễ, khỏe mạnh. Khi đem trồng cắt bớt các lá còn dài khoảng một gang tay là được.

Sau khoảng 2 tuần các nhánh sả con bắt đầu ra rễ mới và mọc lá non.

Bước 2: Cách trồng sả

Sau khi giống sả đã được chuẩn bị và đất trồng đã sẵn sàng, ta tiến hành đem trồng.

Đặt nhánh sả hơi nghiêng vào các hố trồng sao cho phần thân sả nằm dưới đất khoảng 5 – 6 cm, lấp đất kín gốc rồi nén chặt bằng tay. Sau đó tưới nước vừa đủ ẩm.

Với cách trồng sả trong chậu, cho đất trồng đã chuẩn bị vào 2/3 chậu, đặt nhánh sả hơi nghiêng sâu khoảng 5 – 6 cm (giống với cách trồng sả trên mặt đất), sau đó nén chặt đất xung quanh gốc, tưới đẫm nước.

Đặt chậu sả mới trồng ở nơi thoáng mát tránh nắng gắt. Khoảng sau 2 tuần khi sả ra rễ mới và chồi lá non mới chuyển chậu sả ra nơi có đầy đủ ánh sáng. Tưới nước hàng ngày trong tuần đầu tiên sau khi trồng.

cach trong sa

Chăm sóc cây sả

Tưới nước cho sả

Là loài bản địa ở Đông Nam Á, sả ưa thời tiết nóng ẩm. Sả phát triển được ở nhiều loại đất. Trong mùa sinh trưởng, điều quan trọng là phải giữ nước thường xuyên cho cây. Vậy thì nên tưới sả bao lâu một lần?

Tưới nước cho cây sả là một trong những khâu quan trọng nhất để cây phát triển khỏe mạnh. Sả có thể phát triển nhanh trong thời tiết nóng ẩm và đương nhiên sự phát triển nhanh cần nước.

Yêu cầu về nước cho sả sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại đất trồng. Đất cát, tơi xốp sẽ cần tưới nước thường xuyên hơn, nhưng những loại đất mùn bùn có thể giữ ẩm tốt hơn và không cần tưới thường xuyên.

Ngoài ra, việc sử dụng một lớp mùn hữu cơ phủ ở quanh gốc sả có thể tăng cường khả năng giữ nước của đất đồng thời bổ sung chất dinh dưỡng từ từ vào đất.

Xem thêm Kỹ thuật trồng dưa lê "siêu ngọt" và "sai quả"

Tưới sả vào thời điểm nào?

Thời điểm tốt nhất để tưới sả là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Có thể kiểm tra bằng cách ấn ngón tay vào đất xung quanh gốc. Nếu đất khô, đã đến lúc phải tưới nước.

Cách tưới nước khi trồng sả trong chậu (thùng).

Yêu cầu về nước cho sả trong chậu hơi khác một chút. Các chậu phải có lỗ thoát nước để tránh đất bị sũng nước. Có thể cần phải tưới nước hàng ngày để duy trì độ ẩm, vì sẽ xảy ra hiện tượng bốc hơi từ các thành bên chậu. Sử dụng mùn hữu cơ phủ trên lớp đất sẽ giúp duy trì độ ẩm.

Bón phân

Bón lót bằng phân hữu chuồng ủ hoai mục và phân lân, tỷ lệ cứ 5 kg phân chuồng thì trộn cùng 100 gam phân lân. Rải phân bón lót dày khoảng 8 – 10 cm xuống hố trồng.

Sau khoảng 3 tuần trồng sả, cây bắt đầu sinh trưởng mạnh, lúc này bón thúc bằng phân đạm kết hợp với xới đất và vun gốc.

Cứ mỗi tháng lại tiến hành bón thúc và vun gốc như vậy. Cần thường xuyên làm cỏ quanh gốc sả để không bị cạnh tranh chất dinh dưỡng.

lemongrass

Cách cắt tỉa cây sả

Nếu được cung cấp đủ ánh sáng, nước và phân bón, cây sả có thể phát triển cao tới 1,5 m. Cắt tỉa cây sả để giữ cho cây có kích thước như ý và để cây đẻ ra nhiều nhánh mới.

Các loại cây trồng cùng với sả

Sả là một loại gia thường được dùng trong nấu ăn của người châu Á. Đây là một loại cây ưa nắng, nên các cây trồng cùng sả phải chịu được nhiệt và ánh sáng. Sả cần đất tơi xốp, thoát nước tốt và nhiều độ ẩm để phát triển mạnh.

Một số loại rau thơm có thể trồng cùng sả là ngò, húng quế, rau bạc hà,… Ở những khu vực trồng cây ăn quả, như cam quýt, sả làm lớp phủ mặt đất hấp dẫn, giảm cỏ dại và giữ độ ẩm cho đất. Sả cũng thích hợp khi trồng cùng với ớt và cà chua.

Sả được trồng cùng với các cây khác cũng bởi vì nó có khả năng xua đuổi một số loài sâu bệnh.

Tham khảo thêm:

  • Kỹ thuật trồng hành lá trong chậu
  • Cách trồng gừng tại nhà

Trồng lại sả trong chậu

Sả có thể được coi là cây lâu năm tuy nhiên chúng có thể phát triển rất nhanh và chiếm hết bề mặt chậu trồng.

Do vậy đến một thời điểm nào đó ta phải tiến hành trồng lại. Thời gian tốt nhất để trồng lại là vào mùa thu. Vào thời điểm này, cây đã hoàn thành việc phát triển trong năm.

Thu hoạch sả

Sả trồng để ăn thu hoạch được khoảng 3 – 4 tháng sau khi trồng. Chọn các nhánh sả to, mập. Cầm sát gốc sả và xoay tròn để tách nhánh sả ra khỏi bụi. Hoặc dùng kéo cắt ở sát phần gốc. Làm như vậy để không ảnh hưởng đến việc đẻ nhánh con của gốc sả.

Xem thêm Kĩ thuật trồng hành lá đơn giản và hiệu quả

Sả trồng để lấy tinh dầu nên thu hoạch sau khoảng 10 đến 12 tháng kể từ khi trồng. Thời điểm này cây sả đã già và chứa lượng tinh dầu cao.

lemongrass

Sâu bệnh hại cây sả

Sả là một trong những loại cây dễ trồng nhất và ít bị sâu bệnh. Sâu bọ hiếm khi tấn công sả vì tinh dầu của nó được coi là một hợp chất xua đuổi sâu bệnh tự nhiên.

Cây sả có thể bị một loại nấm gây bệnh gỉ sắt sả. Triệu chứng bao gồm các vệt màu nâu, đỏ và vàng trên lá. Bệnh thường xuất hiện trong điều kiện ẩm ướt quá mức.

Nếu bạn phát hiện thấy bệnh gỉ sắt hãy cắt tỉa những chỗ bị nhiễm bệnh. Đồng thời để phòng bệnh cần tỉa thường xuyên để đảm bảo gốc sả thông thoáng.

Một loại sâu hại cho sả khá hiếm gặp có tên là rệp vàng mía có màu vàng, dài khoảng 2 mm. Chúng hút nhựa tạo ra các đốm màu vàng hoặc nâu. Có thể sử dụng dầu neem hoặc xà phòng diệt côn trùng để phun.

Lá cây sả chuyển từ màu xanh sang vàng hay trắng là triệu chứng thiếu sắt; ban đầu xuất hiện ở các lá non, sau đó đến lá già. Thường xuất hiện trong mùa mưa, cần bổ sung sắt dưới dạng dung dịch sắt sunphat.

Công dụng của sả

Sả được sử dụng trên khắp thế giới cho cả mục đích ẩm thực và y học. Chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, nó cũng rất giàu các hợp chất phytochemical như saponin, flavonoid, phenol và alkaloid.

cay sa

Mọi người thường tiêu thụ tinh dầu sả vì các đặc tính kháng khuẩn của nó. Theo nghiên cứu đã được công bố, tinh dầu sả có thể giúp giảm đau họng, thấp khớp và các vấn đề về tiêu hóa.

Trà làm từ lá hoặc thân cây cũng được cho là có tác dụng chữa các vấn đề về đường tiêu hóa, căng thẳng và bàng quang.

Sả cũng là một nguyên liệu trong công thức nấu nước xông để giải cảm của Việt Nam.

Tinh dầu sả là một loại dầu thực vật có đặc tính xua đuổi sâu bệnh, đặc biệt là muỗi. Có thể dùng tinh dầu sả để xông phòng.

Trong nhà bếp, sả thường được sử dụng nhiều nhất trong các món ăn Đông Nam Á như đồ ăn Thái, Lào và Việt Nam, mang lại mùi vị đặc trưng.

Vậy là nuoitrong.vn vừa hướng dẫn các bạn cách trồng sả tại nhà. Nắm vững những kỹ thuật trên sẽ giúp bạn có một khóm sả phát triển tốt. Chúc các bạn thành công!

Theo: Thủy Tiên

5/5 - (5 bình chọn)

Từ khóa » Trồng Sả Bằng Gốc