Cách Viết đúng Chính Tả Sao Cho Chuẩn Nhất - Gia Sư Hà Nội

Cách viết đúng chính tả

Viết chính tả sao cho đúng, sao cho chuẩn với từ ngữ được quy định là điều mà ai cũng muốn. Bài viết này sẽ hướng dẫn cho các bạn viết chuẩn chính tả.

1. Bảng chữ cái tiếng Việt gồm 29 chữ cái xếp theo thứ tự: A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, G, H, I, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X, Y.

2. Các từ tiếng Việt viết theo quy tắc chính tả hiện hành (tham khảo các từ điển chính tả), chú ý phân biệt: c/k: ca, co, cô, cơ; ke, kê, ki.

d/gi: da, dô, dơ; gia, gio, giơ, giô.

g/gh: ga, go, gô, gơ; ghe, ghê, ghi.

Viết rời các âm tiết, không dùng dấu gạch nối.

3. Dùng i thay cho y ở cuối âm tiết mở. Ví dụ: hi sinh, hi vọng, biệt li.

Trừ trong các âm tiết uy và các trường hợp sau qu hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết. Ví dụ: ý nghĩa, ý chí, yêu mến.

Một số từ có i làm thành tố thì vẫn viết theo thói quen: ỉ eo, ầm ĩ; hoặc i đứng đầu một số âm tiết: in, im, inh, ít ỏi, ụt ịt, ỉu xìu.

Ngoại lệ: trong cách viết tên riêng (tên người, tên đất), tên các triều đại thì vẫn viết theo truyền thống. Ví dụ: triều Lý, Lý Bôn, Lý Thường Kiệt, xã Lý Nhân, Nguyễn Thị Lý, vv…

4. Viết hoa.

4.1. Viết hoa tên người: – Tên người Việt Nam (đọc theo âm Hán – Việt) bao gồm tên thật, tên tự, tên hiệu, …đều viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết và không dùng gạch nối. Ví dụ: Trần Quốc Tuấn; Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên. – Một số tên gọi vua chúa, quan lại, trí thức Việt Nam thời phong kiến được cấu tạo theo kiểu danh từ chung (đế vương, hoàng hậu, tông, tổ, hầu, tử, phu tử, vv.) kết hợp với danh từ riêng thì viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết, ví dụ: Mai Hắc Đế, Đinh Tiên Hoàng, Hùng Vương, Lạc Long Quân, Bố Cái Đại Vương, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Phù Đổng Thiên Vương, Khổng Tử, La Sơn Phu Tử, vv.

– Một số tên người Việt Nam cấu tạo bằng cách kết hợp một danh từ chung (ví dụ: ông, bà, thánh, cả hoặc từ chỉ học vị, chức tước, vv.) với một danh từ riêng dùng để gọi, làm biệt hiệu, … thì danh từ chung đó cũng viết hoa. Ví dụ: Bà Trưng, Ông Gióng, Cả Trọng, Đề Thám, Lãnh Cồ, Cử Trị, Nghè Tân, Trạng Lường, Đồ Chiểu, Tú Xương, Đội Cấn, vv. (Cử, Nghè, Trạng, Đồ, Tú, Đội…là các từ chung chỉ học vị, chức tước)

– Tên người trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết và không dùng gạch nối, Ví dụ: Lò Văn Bường, Giàng A Páo, Y Niêm, A Ma Pui, vv…

4.2. Viết hoa tên địa lý: – Tên địa lý Việt Nam và tên địa lý đọc theo âm Hán – Việt viết hoa các chữ đầu của âm tiết và không dùng gạch nối, ví dụ: Hà Nội, Phong Nha…

– Tên địa lý thế giới phiên gián tiếp qua tiếng Hán và đọc theo âm Hán – Việt cũng viết hoa tất cả các chữ cái đầu của âm tiết và không dùng gạch nối, ví dụ: Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Ai Cập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, vv.

– Từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng hoặc một từ chung đơn tiết nào đó dùng để chỉ một vùng, một miền, một khu vực nhất định thì viết hoa tất cả các thành phần của nó.

Ví dụ: Tây Bắc Kỳ, Đông Nam Kỳ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Hà, Nam Hà, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đông Nam Bộ, Trường Sơn Tây, Bắc Bán Cầu, Nam Bán Cầu, Bắc Cực, Trung Phi, Cận Đông, khu Đông Bắc, vùng Tây Nam, quan hệ Đông – Tây, đối thoại Bắc – Nam, các nước phương Đông, văn học phương Tây, vv.

– Địa danh Việt Nam cấu tạo bằng cách kết hợp danh từ chung (biển, cửa, bến, vũng, lạch, vàm, buôn, bản, vv.) với danh từ riêng (thường chỉ có một âm tiết thì viết hoa tất cả các chữ đầu tạo nên địa danh đó.

Ví dụ: Cửa Lò, Bến Nghé, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Vàm Láng, Buôn Hồ, Bản Keo, Sóc Trăng, vv.

4.3. Tên các tổ chức:

– Tên các tổ chức được viết hoa chữ đầu của thành tố đầu và các từ, cụm từ cấu tạo đặc trưng (nét khu biệt) của tổ chức và tên riêng nếu có.

Ví dụ: Chính phủ Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nhà Xuất bản Từ điển bách khoa, Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, nước Cộng hoà Hồi giáo Pakixtan, vv.

4.4. Viết hoa các trường hợp khác:

– Tên các năm âm lịch: viết hoa cả hai âm tiết. Ví dụ: năm Kỉ Tỵ, Cách mạng Tân Hợi, Cuộc chính biến Mậu Tuất, Tết Mậu Thân, vv.

– Tên các ngày tiết và ngày tết: viết hoa âm tiết thứ nhất. Ví dụ: tiết Lập xuân, tiết Đại hàn, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, tết Nguyên đán.

– Từ chỉ số trong những đơn vị là tên gọi các sự kiện lịch sử: không viết bằng con số mà viết bằng chữ hoa. Ví dụ: Cách mạng tháng Tám, Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười.

– Tên gọi một số thời kỳ lịch sử, sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng: viết hoa âm tiết đầu. Ví dụ: thời kỳ Phục hưng, Chiến tranh thế giới I, phong trào Cần vương.

– Viết hoa tên các ngành, lớp, bộ, họ, giống (chi) trong phân loại sinh vật. Ví dụ: họ Kim giao; bộ Mười chân, lớp Thân mềm; chi Tôm he; lớp Nhện; cây họ Đậu; họ Dâu tằm, vv…

– Tên các niên đại địa chất: viết hoa chữ đầu của âm tiết thứ nhất. Ví dụ: đại Cổ sinh, kỷ Cacbon, kỷ Đệ tứ

– Tên gọi các huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự,… viết như sau: huân chương Độc lập, Sao vàng, Cờ đỏ, Lênin, Hồ Chí Minh; huân chương Quân công, Chiến công, Kháng chiến, Chiến sĩ vẻ vang; Kỉ niệm chương; Tổ quốc ghi công; Bảng vàng danh dự; giải thưởng Nhà nước; danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động, vv.

– Tên gọi các tôn giáo, giáo phái viết bằng tiếng Việt hoặc Hán – Việt: viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết, ví dụ: Tin Lành, Cơ Đốc, Thiên Chúa, Hoà Hảo, Cao Đài, Bà La Môn, Tiểu Thừa, Đại Thừa, Mật Tông, Thiền Tông, vv. Chú ý: Nho giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Hồi, Hồi giáo.

– Tên các tác phẩm, sách báo, văn kiện,… để trong ngoặc kép và viết hoa như sau:

+ Nếu tên người, tên địa lý, tên triều đại,… dùng làm tên tác phẩm thì viết hoa tên người, tên địa lý, tên triều đại đó, ví dụ: “Thạch Sanh”, “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Nghệ An” , “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt sử lược”, “Hậu Hán thư”, “Tam Quốc chí”, vv…

+ Ngoài các trường hợp trên, chỉ viết hoa âm tiết thứ nhất, viết hoa khi chấm xuống dòng, viết hoa sau khi chấm hết câu, sau dấu chấm hỏi…

Ví dụ: “Làm gì”, báo “Nhân dân”, tạp chí “Khảo cổ học”, “Dư địa chí”, “Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước”.

– Tên chức vụ, học vị chung không viết hoa, ví dụ: tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư, đại sứ, thái thú, tổng đốc, tiến sĩ, cử nhân, viện sĩ… trừ một số trường hợp đặc biệt.

5. Trật tự các dấu thanh điệu: không dấu, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng. Đánh dấu các dấu thanh điệu trên âm chính: hòa, thúy, quả, khoẻ, ngoằn ngoèo.

Một số từ dễ viết sai chính tả:

dựng nên, dang tay, dấu ấn, ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo, khuya khoắt, khúc khuỷu, nghiên bút, ghé thăm, ghi nhớ, nghiêng ngả, giấu giếm, hờn dỗi, rỗi việc, rảnh rỗi, nỗ lực, làm nên, lên đường, neo đậu, lồng ngực, trân trọng, chân thành, sắp xếp, xếp hàng, sếp (cấp trên), rời rạc, dời đô, Giời ơi, rấm (rấm hoa quả cho chóng chín)…

CÁCH DÙNG DẤU CÂU

Dấu câu là một trong những phương tiện ngữ pháp (thay cho ngữ điệu khi nói). Nó có tác dụng làm cho nội dung của câu văn mạch lạc, khúc chiết; ngăn cách các thành phần trong cấu tạo câu.

Dùng dấu câu không chuẩn xác hoặc dùng dấu câu không phù hợp trong văn bản sẽ làm cho câu sai hoặc có nội dung mơ hồ.

Trong tiếng Việt có các dấu câu sau đây:

1. Dấu chấm

Dấu chấm dùng để kết thúc câu tường thuật (câu kể) trên văn bản.

VD: Anh ấy nói rằng: “Sẽ tới một ngày ta đòi nợ non sông!”.

2. Dấu chấm hỏi

Dấu chấm hỏi dùng trong câu nghi vấn (câu hỏi) nhất là trong trường hợp đối thoại. VD: – Bạn có biết gì về tình hình Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay? – Tôi không biết. Còn bạn?

Cần chú ý: a/ Dấu chấm hỏi có thể dùng trong câu tường thuật, đặt trong dấu ngoặc đơn để biểu thị sự nghi ngờ. VD: – Chúng ta đã mất Trường Sa (?) – Chúng ta vẫn còn giữ được một số đảo!

b/ Không dùng dấu chấm hỏi trong trường hợp có từ nghi vấn trong cấu tạo của câu ghép với nghĩa nêu lên một tiền đề cho ý kiến tiếp theo. VD: Trung Quốc là nước như thế nào, ai cũng biết.

c/ Nếu muốn tỏ thái độ khinh bỉ, mỉa mai, đồng thời hoài nghi thì dùng dấu chấm than và dấu hỏi trong một ngoặc đơn. VD: Người ta đồn rằng hắn là kẻ lừa đảo (!?).

3. Dấu chấm than

Dấu chấm than thường được đặt cuối câu cảm thán, câu cầu khiến, khuyên ngăn, mệnh lệnh. VD:

– Câu cảm thán: Trời! Biển đảo Tổ quốc ta đẹp quá!

– Câu cầu khiến, khuyên ngăn, mệnh lệnh: Việt Nam ơi xin nắm chặt tay!

Dấu chấm than còn có thể đặt trong dấu ngoặc đơn để biểu thị thái độ mỉa mai hay dùng cùng với dấu chấm hỏi trong ngoặc đơn để vừa biểu thị thái độ mỉa mai, vừa hoài nghi.

VD: Hắn tự hào vì người ta không tìm được hắn (!)

4. Dấu chấm lửng

Khi nói, dấu chấm lửng được thay thế bằng từ vân vân. Khi viết cũng có thể dùng từ này (viết tắt “v.v…”) hoặc dùng 3 dấu chấm (…). Dấu chấm lửng dùng để:

a. Đặt cuối câu khi người nói không muốn nói hết ý mình. VD: Sự thể là vậy nhưng hắn nào có muốn…

b. Đặt cuối đoạn liệt kê khi người nói không muốn liệt kê hết sự vật, hiện tượng,… trong một chủ đề. VD: Câu trên cũng là 1 ví dụ.

VD khác: Năm nay, các loại rau cỏ như: rau muống, mồng tơi, su hào, bắp cải,… đều lên giá.

c. Đặt sau từ, ngữ biểu thị lời nói đứt quãng. VD: Tôi… không… còn… đủ… sức… nữa!

d. Đặt sau từ tượng thanh để biểu thị sự kéo dài âm thanh. VD: Phù… Thế là xong!

e. Đặt sau đoạn biểu thị sự châm biếm, hài hước. VD: Đẹp trai không bằng… chai mặt. 5. Dấu hai chấm

Dấu hai chấm dùng để:

a/ Liệt kê thành phần vị ngữ của câu đơn có động từ là hoặc trong thành phần vị ngữ có các từ biểu thị sự liệt kê ở sau các từ: sau đây, như sau, để,…

VD: Một số yêu cầu khi viết bài trên diễn đàn là: – Viết đúng chính tả; – Trình bày dễ nhìn; – Không sử dụng các ngôn từ thiếu văn hóa.

b/ Đánh dấu (báo trước) phần giải thích, thuyết minh cho một phần trước đó

VD: Cầu vồng có bảy màu cơ bản: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

c/ Đánh dấu (báo trước) lời dẫn trực tiếp (dùng với dấu ngoặc kép) hay với lời đối thoại (dùng với dấu gạch ngang) VD:

Bạn tôi hỏi:

– Cậu rảnh hay sao mà lại tham gia vô mấy cái rắc rối đó?

Tôi đáp:

– Tôi không rảnh lắm nhưng tranh thủ chút thời gian vì tôi thấy mình cần phải làm một cái gì đó cho Hoàng Sa Trường Sa, cho đất nước.

6. Dấu gạch ngang

Dấu gạch ngang dùng để:

a/ Chỉ ranh giới của thành phần chú thích

VD: Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã – một người đã giành cả đời để nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa – sắp tới sẽ phát hành một cuốn sách mới

b/ Đặt trước những lời đối thoại

VD: – Anh đi đâu thế? – Tôi đi loanh quanh đây thôi.

c/ Đặt ở đầu những thành phần liệt kê

VD:Thi đua yêu nước để: – Diệt giặc đói; – Diệt giặc dốt; – Diệt giặc ngoại xâm.

d/ Đặt giữa hai, ba, bốn tên riêng, hay ở giữa hai con số ghép lại để chị một diên danh, một liên số

VD: Cầu truyền hình Hà Nội – Huế – TP. HCM đã sẵn sàng. Văn học Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945 có nhiều tác phẩm đáng để đọc.

e/ Dùng trong trường hợp phiên âm tiếng nước ngoài

VD: Lê-nin, pô-li-me,…

7. Dấu ngoặc đơn

a. Dùng để ngăn cách thành phần chú thích với từ ngữ trong thành phần chính của câu.

VD: Tôi quen anh (rất tình cờ) qua một người bạn thân.

b. Sự khác nhau giữa dấu gạch ngang và dấu ngoặc đơn có khi không được rõ. Theo thói quen, người dùng dấu này, người dùng dấu kia đối với thành phần chú thích. Tuy vây, cũng có thể nhận thấy giữa hai loại dấu này có sự khác nhau như sau:

– Khi thành phần chú thích có quan hệ rõ với một từ, một ngữ ở trước nó, thì thường dùng dấu ngang; nếu quan hệ đó không rõ thì thường dùng dấu ngoặc đơn.

– Dấu ngoặc đơn sử dụng khi mà thành phần chú thích dài, dùng chữ in nghiêng

VD: Chồng chị – anh Nguyễn Văn Dậu – tuy mới hai mươi sáu tuổi nhưng đã học nghề làm ruộng đến mười bảy năm. (Ngô Tất Tố)

– Một trường hợp đáng chú ý là dấu ngoặc đơn có thể dùng để giải nghĩa cho một từ hoặc một yếu tố ngôn ngữ không thông dụng.

VD: – Italia (Ý), Hàn Quốc (Nam Triều Tiên)

– Tiếng trống của phìa (lý trưởng) thúc gọi nộp thuế vẫn rền rĩ. (Tô Hoài)

8. Dấu ngoặc kép

a/ Dùng để chỉ ranh giới của một lời nói được thuật lại trực tiếp. Trước dấu ngoặc kép, trong trường hợp này, thường dùng dấu hai chấm.

VD: Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. b/ Dùng để trích dẫn một danh ngôn, một khẩu hiệu. Trong trường hợp này không dùng dấu hai chấm trước đó. Chữ cái đầu âm tiết của từ trong danh ngôn, tục ngữ, lời dẫn… cần được viết hoa.

VD: Câu “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” là có ý khuyên người ta cẩn trọng trong ăn ở, đừng để tiếng xấu ở đời.

c/ Dùng để biểu thị thái độ mỉa mai, chế diễu của người viết hoặc trích dẫn từ, ngữ của người khác hoặc đánh dấu một từ được dùng với nghĩa đặc biệt, khác với nghĩa thông thường..

VD: Xem chừng các anh chị ở đây đều theo chiều hướng “trăm năm cô đơn” hết cả rồi! Khoảng cách sau các dấu câu bao giờ cũng là một (1) khoảng trắng, sau đó bắt đầu đến ký tự đầu tiên của câu (vế) tiếp theo. Sau dấu chấm câu thì viết ký tự in hoa. Sau dấu phẩy ( , ), dấu chấm phẩy ( ; ) ngăn cách các vế của một câu thì không viết hoa.

Đầu mối câu viết hoa ký tự đầu tiên. Tên riêng thì viết in hoa ký tự đầu.

Các dấu bỏ ngay sau ký tự cuối cùng của câu (vế) mà không có khoảng cách.

Tuy nhiên, hiện nay, trong các văn bản được in ấn thì có khác một chút, người ta vẫn để khoảng trắng trước các dấu sau đây:

– Dấu chấm hỏi; – Dấu chấm than; – Dấu hai chấm; – Dấu gạch ngang; – Dấu chấm phẩy.

Tin tức - Tags: chính tả
  • 6 quy tắc chính trong việc giáo dục con cha mẹ nên biết

  • Chuyên đề: Chia hết – Toán nâng cao tiểu học

  • Phiếu ôn tập môn tiếng Việt lớp 3 nghỉ dịch Corona cuối tháng 3

  • Phương pháp dùng sơ đồ đoạn thẳng giải Toán lớp 4, lớp 5

  • Top 5 website học tiếng Anh online miễn phí hay nhất hiện nay!

  • Lịch học và Hướng dẫn cách học trên Truyền hình Hà Nội

  • 46 đề trắc nghiệm môn Tiếng Việt lớp 4 có đáp án

Từ khóa » Cách Viết Vv Trong Tiếng Việt