Cách Xác định Tỷ Lệ Thương Tật Là Bao Nhiêu Phần Trăm (%)?

Hiện nay có rất nhiều câu hỏi thắc mắc về vấn đề tỷ lệ thương tích khi sức khỏe bị xâm phạm chúng tôi nhận được hàng ngày như: Tôi bị đánh gãy sống mũi, gãy tay thì tỷ lệ thương tích bao nhiêu? Vấn đề hỏi này nhằm xác định tội danh cho người gây thương tích.

Thương tật là những dị tật đã được cơ quan có thẩm quyền xác định sau khi vết thương đã được khắc phục điều trị. Tránh việc nhầm lẫn giữa thương tật và thương tích khi thương tích là tình trạng vết thương trên cơ thể do bị tổn thương vì tai nạn, bom đạn hay do các hành vi phạm tội gây nên.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần (có hiệu lực từ ngày 01/11/2019). Cụ thể các tổn thương bao gồm:

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương xương sọ và hệ thần kinh

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ tim mạch

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ hô hấp

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ tiêu hóa

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ tiết niệu – sinh dục – sản khoa

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương hệ nội tiết

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương cơ – xương khớp

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương phần mềm

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương bỏng

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương cơ quan thị giác

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương răng – hàm – mặt

+ Tổn thương cơ thể do tổn thương tai – mũi – họng

Mục lục bài viết

  • 1 1. Nguyên tắc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể:
  • 2 2. Nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể:
  • 3 3. Phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể:
  • 4 4. Giám định tỷ lệ thương tật bao nhiêu % khi đánh nhau:
  • 5 5. Thời hạn yêu cầu giám định thương tật trong tố tụng hình sự:
  • 6 6. Xác định thương tật đối với tội cố ý gây thương tích:
  • 7 7. Giám định tỷ lệ thương tật khi bị người khác chém đứt gân tay:

1. Nguyên tắc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể:

– Thực hiện việc giám định thương tích thương tật để xác định được mức % phải thực hiện trên người cần giám định.

– Thực hiện việc giám định được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Khi giám định trên hồ sơ, tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % tổn thương cơ thể.

– Mức độ % tổn thương cơ thể được xác định tại thời điểm giám định.

2. Nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể:

Tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể của người bị tổn thương cơ thể phải nhỏ hơn 100%

– Mỗi bộ phận cơ thể bị tổn thương chỉ được tính tỷ lệ % tổn thương cơ thể một lần. Trường hợp bộ phận này bị tổn thương nhưng gây biến chứng, di chứng sang bộ phận thứ hai đã được xác định thì tính thêm tỷ lệ % tổn thương cơ thể do biến chứng, di chứng tổn thương ở bộ phận thứ hai.

– Nếu nhiều thương tật cơ thể là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được ghi trong các Bảng tỷ lệ % thương tật cơ thể thì tỷ lệ % thương tật cơ thể được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.

– Khi tính tỷ lệ % thương tật cơ thể chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì làm tròn để có tổng tỷ lệ % thương tật cơ thể là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị).

– Khi tính tỷ lệ % thương tật cơ thể của một bộ phận cơ thể có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng mà một bên bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định, thì tính cả tỷ lệ % thương tật cơ thể đối với bộ phận bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đó.

– Khi giám định, căn cứ tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỷ lệ % thương tật cơ thể trong khung tỷ lệ tương ứng với Bảng tỷ lệ % thương tật cơ thể.

– Đối với các bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng, nay bị tổn thương thì tỷ lệ % thương tật cơ thể được tính bằng 30% tỷ lệ % thương tật cơ thể của bộ phận đó.

– Trường hợp trên cùng một người cần giám định mà vừa phải giám định pháp y lại vừa phải giám định pháp y tâm thần (theo quyết định trưng cầu/yêu cầu), thì tổ chức giám định thực hiện giám định sau tổng hợp (cộng) tỷ lệ % thương tật cơ thể của người cần giám định theo phương pháp xác định tỷ lệ % thương tật cơ thể quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT.

3. Phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể:

Tỷ lệ thương tật xác định theo % được quy định cụ thể và chi tiết tại Phụ lục số 01 Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, cụ thể như một số tổn thương:

Liệt: Liệt tứ chi mức độ nhẹ (61-63%); Liệt hoàn toàn nửa người (85%); Liệt hoàn toàn một tay hoặc một chân (61%)

Tổn thương ruột non: Tổn thương gây thủng (Thủng một hoặc hai lỗ đã xử trí 26-30%; Thủng từ ba lỗ trở lên đã xử trí 31-35%); Tổn thương phải cắt đoạn ruột non dưới một mét (Cắt đoạn thuộc hỗng tràng 36-40%; Cắt đoạn buộc hồi tràng 46-51%); Tổn thương phải cắt bỏ ruột non dài trên một mét, có rối loạn tiêu hóa (Cắt đoạn thuộc hỗng tràng 46-51%; Cắt đoạn thuộc hồi tràng 55-60%; Tổn thương phải cắt bỏ gần hết ruột non có rối loạn tiêu hóa trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến dinh dưỡng 81-85%

Thận: Cắt bỏ một thận, thận còn lại bình thường 41-45%; Cắt bỏ một phần thận, thận còn lại bình thường thường 21-25%.

Các tổn thương khác của hệ tiêu hóa: Phẫu thuật xử trí tổn thương ở mạc nối, mạc treo (Thủng mạc treo, mạc nối nhưng không tổn thương mạch 3 – 5%; Khâu cầm máu đơn thuần 21-25%; Khâu cầm máu và cắt một phần mạc nối 31%)

Việc xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể (thương tật cơ thể) căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT được tính theo phương pháp cộng dưới đây:

Tổng tỷ lệ % thương tật cơ thể = T1 + T2 + T3 +…+ Tn

Trong đó:

T1: Tỷ lệ % thương tật cơ thể của tổn thương thứ nhất: T1 được xác định là tỷ lệ % tổn thương nằm trong khung tỷ lệ các thương tật cơ thể;

T2: Tỷ lệ % thương tật cơ thể của tổn thương thứ hai: T2 = (100 – T1) x tỷ lệ % thương tật cơ thể thứ 2/100;

T3: Tỷ lệ % thương tật cơ thể của tổn thương thứ ba: T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % thương tật cơ thể thứ 3/100;

Tn: Tỷ lệ % thương tật cơ thể của tổn thương thứ n: Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x tỷ lệ % thương tật cơ thể thứ n/100.

Việc xác định tỷ lệ thương tật được thực hiện theo các quy định của Luật giám định tư pháp 2012. Trong rất nhiều trường hợp, đây là yếu tố quan trọng xác định một người phạm tội hay không phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự.

TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:

Tóm tắt câu hỏi:

Xin Luật sư có thể tư vấn giúp tôi vấn đề này được không ạ? Tôi bị 1 tên đâm vào bụng – trong giấy y chứng ghi: vết thương thấu bụng dưới rốn (=3cm) có lòi ruột non (thủng 2 lỗ ruột non + 3 lổ mạc treo + vết thương dài 4cm dưới cằm. Căn cứ vào cách tính cơ bản của thông tin qui định tỉ lệ tổn thương cơ thể theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT và bảng tính tỉ lệ TT đính kèm (Chương 4: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tổn thương hệ tiêu hóa – phần III: Tổn thương ruột non: Thủng 1 hoặc 2 lổ đã xử trí: 26-30% và phần X: Các tổn thương khác của hệ tiêu hóa: Phẫu thuật xử trí tổn thương ở mạc nối, mạc treo: Khâu cầm máu đơn thuần 21 – 25%. Vậy nên có thể tính: T1 = 30%, T2= (100 – 30) x 25% = 17.5%. Tổng tỉ lệ thương tật T = T1 + T2 = 47,5% Vậy xin tư vấn cho tôi cách tính tổng này có đúng hay không? Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Tỷ lệ thương tật là một trong những yếu tố quan trọng để xác định mức độ nguy hiểm của tội phạm, theo đó có thể bị truy tố theo Điều 134, 135, 136, 137, 138, 139 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cố ý, vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT Quy  định về phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT công thức tính tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của bạn khi sức khỏe bị xâm phạm như sau:

Tổng tỷ lệ % thương tật cơ thể = T1 + T2 + T3 +…+ Tn

Theo thông tin bạn bị đâm vào bụng, trong giấy y chứng ghi: vết thương thấu bụng dưới rốn (=3cm) có lòi ruột non (thủng 2 lỗ ruột non) + 3 lỗ mạc treo + vết thương dài 4cm dưới cằm

Thứ nhất là tổn thương ruột non (thủng một hoặc hai lỗ đã xử trí), mức phần trăm tổn thương từ 26 – 30% theo Thông tư 22/2019/TT-BYT . Như vậy T1 có thể là 26%, 27%, 28%, 29% hoặc 30% tùy theo giám định viên đánh giá. Giả sử ở đây T1 = 30%

Thứ hai là tổn thương 3 lỗ mạc treo và vết thương dài 4cm dưới cằm căn cứ theo Thông tư 22/2019/TT-BYT tổn thương này đưa vào phần các tổn thương khác của hệ tiêu hóa: Phẫu thuật xử trí tổn thương ở mạc nối, mạc treo: khâu cầm máu đơn thuần mức phần trăm tổn thương từ 21 – 25%. Như vậy % tổn thương cơ thể thứ 2 ở đây có thể là 21%, 22%, 23%, 24%, 25% tùy theo giám định viên đánh giá. Giả sử ở đây là 25%

=> T2 = (100 – T1) x tỷ lệ % thương tật cơ thể thứ 2/100 = (100 – 30) x 25% = 17,5%

=> Tổng tỷ lệ thương tật của bạn là thương tật cơ thể = 30% + 17,5% = 47,5%

Như vậy cách tính và căn cứ của bạn như trên là đúng, nhưng cần phải căn cứ theo những quy định pháp luật mới, ngoài ra còn phụ thuộc vào bên giám định y khoa họ kiểm tra phần thương tích và đưa ra từng mức tổn thương cụ thể dựa trên Luật giám định tư pháp 2012 và Thông tư 22/2019/TT-BYT. Khi có được tổng mức tỷ lệ tổn thương cơ thể, bạn có thể căn cứ theo những quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Từ những thông tin trên bạn có thể xác định được mức phạt trong bộ luật hình sự khi người ta cố ý gây thương tích cho bạn như vậy sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù hoặc bị áp dụng khoản phạt bao nhiêu.

4. Giám định tỷ lệ thương tật bao nhiêu % khi đánh nhau:

Tóm tắt câu hỏi:

Em trai tôi bị một thanh niên trong xóm đánh và phải nhập viện. Tôi muốn hỏi giờ tôi phải làm thế nào để giám định tỷ lệ thương tật của em trai tôi để có thể yêu cầu khởi tố cậu thanh niên kia về tội cố ý gây thương tích. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi.

Luật sư tư vấn:

Trước hết, theo Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về bắt buộc phải trưng cầu giám định. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 quy định:

“Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng”

Như vậy, đối với trường hợp của em trai bạn, Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát,… sẽ có quyền ra quyết định trưng cầu giám định về tỷ lệ thương tật chứ em trai bạn không thể tự đi giám định thương tật được. Theo đó, em trai bạn cần làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích đối với hành vi của người thanh niên trong xóm kia rồi trình lên cơ quan công an cấp huyện. Sau đó, cơ quan công an sẽ tiến hành các bước tố tụng và trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật của em trai bạn.

Nếu tỷ lệ thương tật của em trai bạn từ “11% trở lên, hoặc có thể dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k của Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015…” thì có đủ căn cứ để cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án đối với tội cố ý gây thương tích.

Ngoài ra, nếu không đủ căn cứ khởi tố hình sự, em trai bạn có quyền khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm về sức khỏe, tính mạng. Các khoản được bồi thường được quy định tại Điều 590, Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.

5. Thời hạn yêu cầu giám định thương tật trong tố tụng hình sự:

Tóm tắt câu hỏi:

Có quy định nào của pháp luật quy định cụ thể về thời hạn, hiệu lực trong trưng cầu giám định thương tật do bị đánh không thưa Luật sư?

Luật sư tư vấn:

Hiện tại, liên quan đến các quy định về trưng cầu giám định thương tật bạn cần lưu ý các văn bản pháp lý như sau:

+ Luật giám định tư pháp 2012

+ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/07/2013 của Chính phủ

Nếu như quy định cụ thể về thời hạn và hiệu lực trong trưng cầu giám định thương tật do bị đánh thì bạn lưu ý các quy định theo Điều 21, Điều 22 Luật giám định tư pháp 2012.

=> Thời hạn và thời hiệu sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của người có yêu cầu giám định.

6. Xác định thương tật đối với tội cố ý gây thương tích:

Tóm tắt câu hỏi:

Em có 2 người bạn, bị 1 người làm cùng công trường xây dựng đánh & họ đã phản kháng. Bên bị bạn em đánh đã ra công an trình báo và vào bệnh viện làm giấy chứng nhận thương tích: rách 3cm ở vành tai, gãy cung sau 3 xương sườn, rạn xương gò má nhưng không ghi tỷ lệ thương tật là bao nhiêu %. Sau khi người này ra viện thì 2 bên đã tiến hành hoà giải tại công trường & bồi thường tiền. Giờ bên bị đánh có làm đơn bãi nại ra công an thì phía công an yêu cầu phải có giấy chứng nhận thương tích. Em muốn hỏi là với tình trạng thương tật như vậy, bên bị đánh bãi nại thì bạn em có bị khởi kiện theo luật hình sự không ạ? Em xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn của bạn có hành vi gây thương thích cho người khác. Căn cứ Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì nếu người nào cố ý gây thương tích cho người khác với tủ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các điểm a đến k khoản 1 Điều 134 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội cố ý gây thương tích.

Vì bạn của bạn chưa giám định tỷ lệ thương tật nên chưa có căn cứ để xem xét bạn của bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

Căn cứ Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại.

Bên bị hại đã làm đơn bãi nại cho bạn của bạn, tuy nhiên không phải tất cả các hành vi phạm tội nếu được bãi nại là không bị xử lý hình sự. Căn cứ quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nếu người bị hại có đơn bãi nại thì cơ quan pháp luật sẽ không xử lý đối với 11 tội danh trong đó có quy định: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1, Điều 134  Bộ luật Hình sự 2015).

Như vậy phải xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị đánh thì mới biết bạn của bạn phạm tội theo khoản mấy của Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 để công an có cơ sở giải quyết. Theo đó:

– Nếu sau khi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể mà bạn của bạn bị khởi tố vụ án hình sự về tội theo Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, bên phía người bị hại có làm đơn đơn bãi, thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án và bạn của bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa

– Nếu sau khi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể mà bạn bị khởi tố vụ án hình sự về tội theo khoản 2, 3, 4, 5 hoặc 6 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, thì cho dù có đơn bãi nại của người bị hại bạn của bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng việc người bị hại làm đơn bãi nại có thể là căn cứ để Tòa án giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bạn của bạn.

7. Giám định tỷ lệ thương tật khi bị người khác chém đứt gân tay:

Tóm tắt câu hỏi:

Xin hỏi Luật sư: Bị chém đứt gân tay đi viện nối lại thì giám định thương tật được tính bao nhiêu %. Cơ quan nào đủ điều kiện giám định? Người bị chém cầm dao xông vào nhà chém người, bị bắt dao chém lại đứt gân tay, gia đình đã khắc phục hậu quả là đưa đi viện thanh toán viện phí, người bị chém không kiện cáo gì và có đơn hòa giải. Đây là 2 anh em con chú con bác xin hỏi Luật sư có bị truy tố không? 

Luật sư tư vấn:

Bạn nêu người bị hại bị chém đứt gân tay đi viện nối lại. Trong trường hợp này chúng tôi không thể đưa ra được con số chính xác về tỷ lệ thương tật của người bị chém. Tuy nhiên, gia đình bạn có thể tham khảo các quy định dưới đây:

Theo khoản 2, khoản 3, Điều 2, Luật giám định tư pháp 2012 thì người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Căn cứ theo Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về trưng cầu giám định.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người bị chém có quyền yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định thương tích do bị chém để xác định được tỷ lệ thương tật. Nếu như thấy việc giám định là cần thiết thì có quan điều tra sẽ tiến hành thủ tục trưng cầu giám định. 

Căn cứ theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật hình sự 2015.

Và khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

– Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

– Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

– Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

– Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

– Có tổ chức;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

– Có tính chất côn đồ;

– Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Như vậy, để xem xét về vấn đề người chém có bị khởi tố hay không thì phải phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật của người bị chém cũng như là hành vi của người chém khi thực hiện tội phạm như thế nào? Vì bạn cung cấp thông tin chưa đầy đủ, nên chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề của bạn theo các trường hợp như sau:

– Do hành vi của người của người chém là dùng dao – hung khí nguy hiểm gây ra thương tích cho người khác và nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% thì hành vi của người thân của bạn sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Vì vậy, khi người yêu cầu khởi tố tự nguyện rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ theo quy định của Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. 

– Nếu người chém gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên và kèm theo hành vi dùng hung khí nguy hiểm thì trong trường hợp này người chém có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Và việc khởi tố vụ án hình sự sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của người bị hại mà bất cứ khi nào cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện được dấu hiệu của tội phạm thì người thân của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi của mình gây ra. Do đó, nếu việc người bị hại hay gia đình người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố ở đây thì người có hành vi vi phạm vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc rút đơn của người bị hại chỉ được Tòa án là các tình tiết giảm nhẹ tội cho người chém để xem xét mức hình phạt.

Từ khóa » Bảng Giám định Tỷ Lệ Thương Tật Trong Hình Sự