Cái Neo Của Linh Hồn - Hội Thánh Tin Lành Tân Phú

HTTLVN.ORG – Các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều văn bia, hay hình ảnh mỏ neo đục khắc trong các hầm mộ, có niên đại từ cuối thế kỷ thứ nhất, nơi mà người tin Chúa phải sống chui lủi cả trăm năm để tránh bị giết hại và bảo vệ niềm tin của mình. Chiếc neo đã thành một trong những biểu tượng văn hóa thế giới rất phổ biến từ thời đế quốc La Mã bách hại đạo Chúa. Cộng đồng con dân Chúa lúc bấy giờ dùng biểu tượng chiếc neo, thập tự giá, con cá hay những chữ mà người ngoại đạo không thể hiểu được dùng ra dấu, truyền tin cho người đồng đạo, để họ có thể nhận diện lẫn nhau và hiểu được những lời khích lệ an ủi trong cảnh sống còn.

Cộng đồng con dân Chúa ngày xưa thường dùng biểu tượng chiếc neo, thập tự giá, con cá hay những chữ để khích lệ an ủi nhau trong cảnh hoạn nạn.

Câu Kinh Thánh về chiếc mỏ neo cũng đã xuất hiện cùng thời với Hội Thánh đầu tiên, dù chưa thể xác định ai là người gửi bức thư này, nhưng nội dung đã đem đến niềm tin, hy vọng và thương yêu làm cho người đọc xưa nay thêm năng lực vươn lên trong những cảnh đời ngang trái, bệnh tật và sinh tử: “Chúng ta giữ điều trông cậy nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng bền chặt, thấu vào phía trong màn, trong nơi thánh mà Đức Chúa Giê-xu đã vào…” (Hê-bơ-rơ 6:19-20).

Chiếc neo linh hồn

Biểu tượng mỏ neo hay chiếc neo không phải chỉ dành cho thủy thủ hay cho những ngư phủ đi biển, nhưng hình ảnh phổ biến này còn mang nhiều ý nghĩa khác. Công dụng mỏ neo chỉ là đặt sâu xuống đáy biển để giữ cho con tàu đứng yên, nhưng cái neo còn mang ý nghĩa của sự vững vàng, chắc chắn, yên tĩnh và trung kiên. Như thế, biểu tượng mỏ neo định hình thành một vế rõ ràng có thể nhìn thấy được, gắn liền với vế khác không nắm bắt được.[1]

Hình ảnh mỏ neo phổ biến còn mang nhiều ý nghĩa

Tất cả các chiếc thuyền có hình dáng nhỏ nhất cho đến những tàu chiến tối tân, hàng không mẫu hạm, đều phải có mỏ neo. Trong sức mạnh chuyển động của lực lượng thiên nhiên, cuồng phong của biển cả, cái neo giữ cho con thuyền cố định, là vật cản kìm hãm, kết hợp giữa năng lực và sự bình ổn trong cuộc sống con người. Hoàn cảnh nghiêm trọng khắc nghiệt cần phải xảy ra để thử nghiệm con người khả năng trí tuệ, tinh thần đạo đức và nhận thức về chính mình ngay trong những cơn bão mạnh nhất.

Đất nước chúng ta trong những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát lây lan đến các tỉnh thành, gây lo âu căng thẳng, ít nhiều làm đảo lộn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia. Khi viết về chiếc neo, các nhà nghiên cứu Biểu tượng Văn hóa Thế giới cũng trích dẫn câu Kinh Thánh cốt lõi ở trên đã làm cho mỏ neo trở thành ý nghĩa phổ biến khắp nơi của niềm hy vọng, luôn cả phương pháp để con người đối phó với nghịch cảnh.

Trong phương diện khác, mỏ neo còn biểu hiện cho cả phần tâm linh trong con người chúng ta, dù ta không nhìn thấy được. “Chúng ta giữ điều trông cậy nầy như cái neo của linh hồn…” Sự trông cậy hay niềm hy vọng là chiếc neo linh hồn của mỗi người, như là vật bảo vệ hộ thân của người đi biển, tàu thuyền lớn nhỏ đều phải có mỏ neo. Niềm hy vọng trong đức tin sẽ giúp chúng ta giữ được khôn ngoan tĩnh lặng trước tác động của hoàn cảnh bão tố, đối mặt với cảm xúc sợ hãi và sự bế tắc của cuộc sống. Nếu thiếu mỏ neo tâm linh, cuộc sống của một người sẽ bị chao đảo xô giạt, có khi bị quật ngã, vỡ tan thuyền đắm.

Nhà khoa học Barbara Fredrickson lập luận rằng “hy vọng sẽ xuất hiện khi khủng hoảng xảy ra”, khi đó con người sẽ phản ứng tự tin và thường tự nhủ rằng “tôi nghĩ tôi có thể vượt qua được, tôi nghĩ tôi có thể làm được”. Vì hy vọng chỉ là sự mong chờ “những điều mình mong muốn sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng những điều này thường không nằm trong giới hạn khả năng của bản thân mà phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh”.[2] Chính vì vậy con người có thêm kinh nghiệm của những từ đối lập của hy vọng là thất vọng và tuyệt vọng.

Chuyện ngày xưa kể lại, Ban Chứng Đạo của Hội Thánh Đà Nẵng xuống đò đi qua sông Hàn. Khi đò ra đến giữa dòng ghe bị chòng chành ai nấy lo âu, có người hoảng sợ rời bỏ chỗ ngồi tìm cách thoát thân, làm đò chao đảo nguy cơ bị chìm. Một trưởng lão của Hội Thánh đứng ra lên tiếng, xin mọi người bình tĩnh ngồi yên. Sau đó, ông bắt nhịp để những người tin Chúa trong đò cùng hát bản Thơ Thánh “Chúa dìu dắt tôi” (sau này đã dịch lại thành bài Thánh ca 271).[3] Những người đi đò thấy có người bình thản hát hò trong lúc lâm nguy, họ lặng yên ngồi xuống lắng nghe được nội dung bài hát:

Khúc sông êm lặng, nơi biển gầm sóng Có tay Giê-xu dìu dắt trọn đời.

Bài hát chấm dứt thì đò đã đưa mọi người đến bến an toàn. Một bài Thánh ca được hát bởi những người có đức tin, nói lên niềm hy vọng trong tình yêu dẫn dắt của Chúa thực sự đã cứu giúp nhiều người ngày ấy thoát cảnh chìm đò mất mạng. Sau này có ít nhất 3 Hội Thánh đã được hình thành ở bên kia sông Hàn, thành phố Đà Nẵng.

Theo quan điểm thần học, đối phó với nghịch cảnh người tin Chúa cần có cả đức tin, hy vọng và tình yêu (I Cô-rinh-tô 13:13, Tít 1:2; Rô-ma 8:25) sẽ mở ra cho chúng ta ý tưởng mới trong đức tin để đối phó với nghịch cảnh, hy vọng là sự bình an để cân bằng ổn định là trong tâm hồn, cũng như sự yêu thương can đảm (I Giăng 4:18) để chờ đợi phần thưởng trong tương lai. W. Martin & Daniel Tower đã trải nghiệm thực tiễn trong cuộc sống của chính họ trong cơn bão tố cuộc đời làm nên bài Thánh ca 265, để lại cho người tin Chúa thế hệ sau khắp thế giới. Chúng ta hãy cùng hát bài hát này trong cơn đại dịch Covid-19, nhất là tại các tỉnh thành đang bùng phát lan tràn, chiếc neo của chúng ta cần có đủ cả ba yếu tố đức tin, hy vọng và yêu thương:

Neo tôi chắc, rất chắc, chắc lắm. Bao giông tố khó thể đánh đắm, Tuy thân bách nhỏ bé mong manh. Không trôi trác, lắc chao chong chành. Neo tôi chắc, chắc, chắc, chắc chắn an lành.[4]

Vững vàng bền chặt

Sự xung đột thường xuyên xảy ra của thế giới vật chất ở giữa trần gian, giữa cái rắn và cái lỏng, giữa đất và nước, giữa thiện và ác; nó có sức mạnh tàn phá khủng khiếp, cố làm ngừng vận động của sự sống. Khi sự xung đột ấy lên đỉnh điểm nó sẽ gieo rắc thảm họa, đau khổ và chết chóc khắp nơi trong thế giới con người. Điều này bắt nguồn từ Satan và được những kẻ ác tiếp tay, Satan dầu mắt thường không nhìn thấy được nhưng chúng ta vẫn biết nó là ai, Kinh Thánh cho biết từ khởi nguyên nó “vốn là kẻ giết người,…vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44-45). Làm sao ta có thể nhận diện được kẻ ác tiếp tay tạo ra sự xung đột này? Kẻ ác sống giữa chúng ta rất dễ nhận diện, chúng ta chứng kiến hằng ngày, giống như Sa-tan: hãm hại người lành và nói lời dối trá. Hai yếu tố quan trọng này dù gặp dưới bất cứ hình thức nào, được diễn xuất dưới bất cứ gương mặt nào, người tin Chúa cũng phải cẩn trọng nhận diện và tránh xa.

Sự xung đột trên cần được giải quyết, triết học phương Đông gọi đời là bể khổ, biển rộng mênh mông trong cảnh mờ mịt, ranh giới thiện ác mỏng manh. Thật nhiều triết gia đã đưa ra những lý luận, nhưng trong thực tiễn khi áp dụng thực hành, không đem lại hạnh phúc chỉ thấy thảm họa. Con người cần có cái neo “vững vàng bền chặt” như là vật bảo vệ bản thân và tài sản cuối cùng của người đi biển trong cơn bão tố, là hy vọng, nâng đỡ con người trong những hoàn cảnh gian nan nhất của cuộc đời mình là sinh, lão, bệnh, tử.

Có một họa sĩ đã vẽ biểu tượng cái neo thể hiện sự “vững vàng bền chặt” của đức tin, hy vọng và tình yêu, qua hình ảnh thanh ngang phía trên của chiếc neo khớp với thanh ngang của thập tự giá, hình ảnh Chúa chịu đóng đinh, liên kết với bánh lái tàu thủy, để nói lên niềm hy vọng vĩnh cửu, đức tin kiên định, bình an điềm tĩnh nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị vũ trụ và thế giới loài người.

Biểu tượng cái neo là sự “vững vàng bền chặt” của đức tin, hy vọng và tình yêu

Lời của sách Hê-bơ-rơ truyền dạy về chiếc neo, cuối sách có giải luận rằng “Đức Chúa Giê-xu Christ, hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (13:8). Điều này nghe có cái gì đó tương đồng với cái neo của tàu biển. Trong khi hình dáng các con tàu đã có rất nhiều thay đổi kể từ thời xưa cho đến nay, thì mỏ neo được sử dụng ngày nay vẫn không thay đổi bao nhiêu khi so sánh cùng loại ở thời cổ đại. Sức người không thể đọ với Sa-tan, trí tuệ không thể làm gì giữa trận cuồng phong, nên người tin Chúa cần hướng đến cái thiện, chọn Đấng thiện lành làm nơi ẩn náu che mình vì “ấy chính neo giữ thân, hồn tôi”.

Dù vậy, đức tin của người mạnh yếu có khác nhau, giữa cảnh bão biển, các sứ đồ và môn đồ chuyên nghiệp nghề biển mà còn phải thốt lên câu rất thật trong cơn hoảng sợ: “Thầy ơi, thầy không lo chúng ta chết sao?” (Mác 4:33b). Vì yếu lòng, tin tức thật giả đọc được hằng ngày trong cơn đại dịch Covid-19, đừng suy nghĩ cuộc sống bế tắc chắc mình chẳng thể sống nổi, đạo Chúa sẽ bị người đời có cớ gièm pha tấn công.

Cuộc sống và thế giới quanh ta thay đổi từng ngày, nhưng Chúa Giê-xu vẫn y nguyên: “Hãy yên lòng, ta đây, đừng sợ chi” (Mác 6:50). Bản dịch có chút âm hưởng giọng Quảng Nam chất phát, làm tôi rất yên lòng, vì chưa hề có ai hứa với tôi như vậy khi đời tôi đã có vài lần bước đi trong cơn bão tố khủng khiếp. Chúng ta có thể gắn kết đức tin chặt chẽ vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, giống như có cái neo giữ cho chiếc bách lênh đênh đứng vững trước trận cuồng phong.

Biểu tượng chiếc neo được khắc họa trên văn bia của người theo Chúa trong ba thế kỷ đầu tiên tượng trưng cho niềm hy vọng mà họ có trong Đấng Christ. Tuy nhiên nếu nhìn gần, chúng ta có thể nhận diện một phần lớn của mỏ neo là hình ảnh ẩn hiện của thập tự giá.

Phần lớn của mỏ neo là hình ảnh ẩn hiện của cây thập tự giá

Xuyên thấu nơi thánh

Chúng ta đã có hai phần bài học quí báu rồi chỉ còn phần thứ ba trong câu Kinh Thánh nói về chiếc neo là xuyên vào nơi thánh: “Chúng ta giữ điều trông cậy nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng bền chặt, thấu vào phía trong màn, trong nơi thánh mà Đức Chúa Giê-xu đã vào…”

Mỏ neo chỉ hữu dụng khi được quăng qua mạn tàu và cắm sâu xuống đất cát ở trong lòng biển để bình ổn con tàu. Thuyền thì chúng ta có thể nhìn thấy, dây neo có thể thấy phần nào, nhưng neo thì không còn nhìn thấy.

Mỏ neo cắm sâu xuống đất cát ở trong lòng biển để bình ổn con tàu

Mỏ neo tâm linh không bám vào đất cát, vật chất dịch chuyển, cõi phàm tạm bợ, nhưng nó xuyên thấu vào nơi thánh là nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đi vào, là nơi Đức Chúa Trời đang hiện hữu ngự trị, cầm quyền tể trị vũ trụ. Điều này có nghĩa chiếc neo niềm hy vọng của người tin Chúa vượt qua cuộc sống đời người ngắn ngủi, xuyên qua màn đêm trần gian, hướng đến ánh sáng vĩnh cữu ở cõi thiên thượng. Cái neo giờ này còn là biểu tượng của niềm hy vọng vào ơn cứu rỗi và sự sống vĩnh phúc. Người đời không nhận biết được thường đánh giá chúng ta là những “người mộng ảo, tên điên cuồng”.[5]

Chiếc neo cũng được ghi nhận trong thời kỳ đầu các giáo phụ, Clement là một trong ba vị lãnh đạo chính cùng với Polycarp và Ignatius. Clement bị bắt và giam cầm dưới thời hoàng đế Trajan; dù ở trong ngục ông tiếp tục mục vụ của mình giữa các bạn tù. Sau đó, ông bị hành quyết bằng cách buộc vào cổ một chiếc neo và ném xuống Biển Đen (Black Sea) vào năm 99 SC.[6] Trong thư của Phao-lô có nhắc đến Clement và gọi ông là bạn đồng lao, cho biết danh tánh Clement đã được “biên vào sách sự sống rồi” (Phi-líp 4:3). Qua cuộc đời tử đạo của Clement, chiếc neo không làm người ta ghê sợ, nhưng thêm một ý niệm mới là sự trung kiên trong đức tin.

Dù là công cụ giết người nhưng thập tự giá hay chiếc mỏ neo được người Cơ Đốc thời kỳ đầu tiên dùng làm biểu tượng ẩn giấu, nhà cầm quyền và quân lính Rô-ma sẽ không để ý, thấy cũng không thể hiểu, càng không thể nhận thức ý nghĩa thiên thượng. Chúa từng giữ gìn con dân Chúa, bảo vệ Hội Thánh vượt qua những sắc lệnh đẫm máu của các hoàng đế La Mã. Năm 312, sau khi chiến thắng lên ngôi hoàng đế La Mã Constantine ban hành pháp lệnh “Edict of Milan” trả lại tự do cho Cơ Đốc giáo, sóng biển dịu đi và bầu trời quang đãng, chẳng bao lâu Hội Thánh lan tràn trên khắp đế quốc La Mã.

Kết luận

Tóm lại, cái neo biểu tượng của sự vững vàng, chắc chắc, bình an và trung kiên. Ai cũng có một chiếc neo sẵn trong tâm trí, nó sẽ cố định suy nghĩ và cảm xúc bạn vào một nơi mà bạn cho là an toàn. Nếu cuồng phong xãy ra, bạn mau chóng phát hiện ra nó không thật sự bình an vững chãi, vì cái neo kia bám vào vật chất tạm bợ, cuộc sống ngắn ngủi, sức người có hạn bạn sẽ nhanh chóng suy sụp tinh thần, bế tắc tuyệt vọng. Sự xung đột trong cõi thiên nhiên, vật chất và con người không thể giải quyết hết được trong thế gian này: chiến tranh, dịch lệ, đói khát, bất công, tội ác, giả dối… tiếp diễn (Ma-thi-ơ 2:3-14). Thế giới đã trải qua nhiều lần dịch bệnh khủng khiếp, sử sách người xưa trải nghiệm truyền lại cho con cháu rằng chỉ có thể tránh được tai họa nếu thực sự biết nhìn lên trời cao mà tôn kính Đấng Tối cao là Đức Chúa Trời, từ vua quan cho đến thứ dân đều phải tự soi mình sẽ tìm ra căn nguyên. Nếu biết quay đầu, tai họa cũng sẽ chấm dứt bất ngờ như lúc dịch bệnh xuất hiện.

Người Cơ Đốc neo chắc đời mình vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, phương pháp duy nhất để tránh bị đắm chìm linh hồn. Chiếc mỏ neo là biểu tượng của hy vọng được bước vào sự cuộc sống vĩnh phúc, chính Chúa đón ta ở cuối đường đời, vì mỏ neo là biểu tượng của sự an toàn từ thời cổ đại. Đối với tín hữu, được Thần Chúa ngự trị trong tâm hãy ra tay cứu giúp mọi người ngay trong đại dịch. Ước nguyện tín hữu Tin Lành cầu xin Chúa thứ tha tội lỗi, biến đổi tấm lòng mọi người trở nên công chính, hoàn thiện theo chuẩn mực Lời Chúa trong đức tin-hy vọng-yêu thương. Martin Luther, nhà Cải chánh giáo hội trong thời gian bùng phát Cái chết Đen ở châu Âu (1633), đã phát biểu “bệnh dịch đến như một sự trừng phạt, và là sự thử nghiệm đối với các tín đồ Cơ Đốc. Chúa muốn nhìn thấy lòng tin của các tín đồ Cơ đốc và biểu hiện đức tin thông qua sự đối xử với những người xung quanh bằng tình yêu thương.”

Phúc Thanh

Chú thích:

[1] Jean Chevalier & Alain Gheerbrant (2002) Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới, Nxb. Đà Nẵng. Tr. 624, XXIV. [2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Hy_v%E1%BB%8Dng [3] Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) (2011) Thánh ca. Nxb. Đồng Nai. Tr. 250. [4] Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) (2011) Thánh ca. Nxb. Đồng Nai. Tr. 244. [5] Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) (2011) Thánh ca. Nxb. Đồng Nai. Tr. 331 [6] https://en.wikipedia.org/wiki/Pope_Clement_I

The post Cái Neo Của Linh Hồn appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Print Friendly, PDF & Email

Từ khóa » Cái Neo La Gi