Cẩm Nang Tu Đạo - Chùa Hoằng Pháp

HẠNH XUẤT GIA

 

1. Xuất gia để làm gì?

•         Đã xuất gia rồi, bạn phải hiểu ý nghĩa của việc đi tu. Bạn phải tự chủ, chớ để kẻ khác xỏ mũi lôi đi. Việc cần nghe thì nghe, việc chẳng đáng nghe, đừng nghe, mỉm cười là đủ.

•         Hãy thường nhìn thủng tấm áo nâu sòng, tự sờ đầu trọc mà cảnh giác chính mình: “Ta là tăng sĩ!”. Nếu không làm vậy, đôi khi bạn quên phắt, bất giác để tâm chạy rong, không còn là tâm của kẻ xuất gia nữa.

•         Sáng vừa thức dậy, bạn hãy lập tức sờ đầu mình, tự hỏi: “Vì sao tôi đi tu?”. Vì liễu sinh thoát tử, vì chấm dứt luân hồi!

•         Tu cho có đức hạnh là điều quan trọng nhất.

•         Ở chùa để làm gì? Chính là để tu đức hạnh, tu cái bản lai diện mục.

•         Bạn cứ xem xét những thứ xung quanh Sư phụ thì sẽ hiểu ngay. Nghe xong việc gì, bạn cũng phải cố thể hội, chớ để thoáng qua tai.

•         Những tăng, ni trẻ tuổi thì tình cảm còn nặng nề lắm. Song, thân đi tu thì đầu óc cũng phải đi tu. Ba nghiệp thân, miệng, ý của người xuất gia thì hoàn toàn khác hẳn của kẻ tại gia. Bạn phải biết làm sao để liễu sinh thoát tử. Mục đích mình tu, điều mà mình đeo đuổi, chính là thoát khỏi vòng sinh tử!

2. Con đường siêu thoát của người tu

a. Trước và sau khi thọ giới

•         Chưa hiểu thông Phật pháp mà đã thọ giới thì rất dễ sinh tâm cống cao, ngã mạn.

•         Bạn chớ mù mù mờ mờ xuất gia, rồi mù mù mờ mờ thọ giới. Thọ giới là vì cầu sám hối, không phải là lết cái thây đi, lết cái thây về.

•         Khi ở giới đàn, bạn hãy ít nói, ít cùng người khác trao đổi (hay phan duyên). Hễ có thời giờ thì hãy lạy Phật, niệm Phật.

•         Ở giới đàn, người cầu thọ giới tới từ mọi nơi, nên luôn luôn đông nghẹt. Phải nhớ rằng, mình đến đây không phải thi đua với họ xem ai mặc đẹp hơn, ở tốt hơn, hay ăn ngon hơn!

•         Khi đi thọ giới, nếu bạn chịu khó nhẫn nại thì sẽ nhập đạo được.

•         Phàm chuyện gì (ở giới đàn), cũng rất đơn giản. Bạn chớ cùng kẻ khác so sánh xem ai ăn ngon, ngủ tốt, hoặc chuyện này ra sao, chuyện nọ thế nào... thọ giới là lúc học oai nghi, quy củ, chớ không phải là lúc bàn luận, nói chuyện thị phi, tạo khẩu nghiệp.

•         Sau khi đã thọ giới, bạn phải hoàn toàn khác biệt so với lúc chưa thọ giới. Lấy giới làm thầy, làm thêm nhiều khổ hạnh, quét sạch, sửa đổi hết mọi thói hư tật xấu, dứt tuyệt mọi ý nghĩ xấu ác.

•         Bạn phải luôn thường tụng giới, như vậy mới không có những thứ ái tình yêu đương lăng nhăng.

•         Có giới luật câu thúc, kiềm giữ thì bạn mới không dễ làm điều sai, chuyện quấy.

•         Thọ giới là thọ sự nhẫn nhục. Khi tai bạn nghe người ta chửi rủa hay khiêu khích, chọc tức mình mà bạn chẳng để tâm vào đó thì chính là giới.

•         Giới là giới nội (tự răn chế mình) chứ không phải là giới ngoại (kiềm chế kẻ khác).

•         Ngay lúc lòng bạn vừa dấy lên một ý niệm xấu ác, bạn hãy dùng giới luật để ngăn chặn nó lại. Đó gọi là lấy giới làm thầy.

•         Cần phải học thuộc Tỳ-ni Nhật Dụng và ứng dụng hằng ngày.

b. Vất bỏ danh lợi

•         Khi chưa thọ giới, vì không biết quy củ, giới luật nên bạn có phạm giới, đó là không cố ý. Nay đã thọ giới, hiểu giới mà phạm giới, thì đó là cố ý. Tội này nặng lắm. Thọ giới rồi thì phải giữ giới, phải y theo giới luật mà tu hành.

•         Thọ giới không phải là thọ mấy cái giới ba (cái dấu đốt trên đầu). Giới là ở tâm. Do đó, khi biết mình làm điều sai quấy, hãy lập tức sám hối. Khi bạn trì giới đàng hoàng thì sẽ không còn tướng (hay quan niệm về) nam nữ nữa.

•         Thọ giới rồi thì phải đem giới ra thực hành, Không phải thọ giới xong là lên chức Đại đức, Đại pháp sư. Giữa người tu với nhau không hề có sự phân chia cao thấp.

•         Không có kẻ đi thọ giới lại học thêm được lòng tham lam. Đến khi về chùa thì trở nên ham hưởng thụ, thích ăn ngon, mặc đẹp, ở chỗ tốt, không còn biết gì về dũng mãnh, tinh tấn nữa.

Trong giới luật có dạy rõ quy củ của mọi việc, đến cả việc của thầy chấp sự. Bạn phải học, đọc cho thấu đáo thì mới không dễ phạm sai lầm, và sau này nếu có ra làm chấp sự, bạn mới làm việc tốt được.

•         Giới là để răn chính mình, do đó, cầu sám hối cũng là giới.

•         Giữ giới, nhưng đừng đi tới chỗ cực đoan, chấp trước. Nếu không, tuy mình có ý giữ giới mà kết quả lại bị giới đẩy văng đi. Bởi vì giữ giới thì không sinh phiền não (làm cho mình hoặc người khác phiền não, đau khổ) và không xung đột với kẻ khác.

•         Khi bạn có tướng mình, tướng người (phân biệt ranh giới giữa tôi và anh, của tôi và của anh), chắc chắn bạn sẽ dễ gặp tranh chấp. Tới chùa xuất gia không phải là để đấu tranh, cãi vã. Xuất gia thì phải “thống lý đại chúng”, hòa hợp với mọi người, được vậy thì ai cũng tốt.

•         Tới chùa xuất gia, không phải là để tranh chấp coi ai đúng ai sai. Thái độ đó rặt là thế tục, lúc nào cũng chia ra mình và người.

•         Đã xuất gia tu hành thì không cạnh tranh, ganh đua, cũng không cãi vã hơn thua, ít nhiều, đúng sai... mấy thứ đó toàn là “mùi” danh lợi.

Khi Hòa thượng nói:

- Người xuất gia không được ham danh lợi. Vì hễ

có lợi tất sẽ có hại, do đó, không được nuôi dưỡng lòng ham muốn danh lợi.

Thì có người hỏi:

- Vậy như hiện nay, danh tiếng của sư phụ vang lừng bốn biển thì sao?

Hòa thượng trả lời:

- Ta cũng không hề hay biết gì tới nó, vì chúng đều là huyễn hóa. Không ai biết gì về mình là hay nhất!

Người hỏi gật gù:

Đó mới chính là công phu chân thật!

c. Điều cái tâm này

•         Bây giờ, các bạn tuy đã xuất gia, song các bạn giống như ở tại biển cả mênh mông, tìm không ra lối thoát vậy.

•         Người xuất gia cần phải vô sở cầu (không có mong cầu gì cả) và vô sở trụ (không để cho tâm vướng vào bất kỳ chuyện gì, hay quan niệm, tâm trạng, tình cảm gì).

•         Bạn phải tu tánh, tức là sửa đổi tánh nết, thói quen xấu, cũng là tu phật tánh. Mỗi người, ai cũng có Phật tánh thanh tịnh. Phật tánh này chính là đạo.

•         Bạn nên tùy thuận tánh tình của kẻ khác (chớ sinh xung đột), hòa hợp với mọi người.

•         Xuất gia là để trị cái tâm lăng xăng như khỉ, sửa cái ý chạy rong như ngựa.

•         Xuất gia thì phải dụng công làm việc trong mọi lúc, phải niệm Phật để điều phục cái tâm.

•         Người xuất gia nên niệm Phật cho nhiều, không nhất định là cứ phải ngồi thiền, bởi vì khi công phu thiền chưa chín muồi, bạn dễ bị dính ma sự.

•         Người xuất gia cần phải xả thân, ai chửi rủa, nhục mạ, chê bai, dằn vặt... bạn phải dửng dưng như không. Phải quét sạch sành sanh mọi quan hệ về tự ngã (“cái tôi”, “của tôi”) thì mới tu hành nổi.

•         Đã xuất gia rồi, bạn phải dẹp sạch lòng tham lam ăn uống, ngủ nghỉ, ở sướng, như vậy thì bạn mới tu được phước, huệ. Đừng như kẻ tại gia đầy thứ tham luyến. Tăng là một trong ba viên ngọc (Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng). Do vậy, là tăng (ni), bạn phải tu cho giỏi cho tốt, mà duy chỉ có đạm bạc, đơn sơ thì mới có thể tu hành Giới, Định và Huệ.

•         Chùa là đạo tràng công cộng, những tăng, ni từ các chùa khác lại, nếu họ giữ được quy luật thì đều có thể ở lại chùa để tu.

•         Công hạnh của người xuất gia là tu ở sắc, thọ, tưởng, hành, thức, năm ấm, tu để khiến chúng đều “không”. Do đó, hãy mặc áo vải thô, ăn cơm đạm bạc. Điều này không có nghĩa là bạn tuyệt thực, mà nghĩa là ăn đủ no, mặc đủ ấm là tốt rồi, không được tham lam, đua đòi.

•         Về chuyện ăn uống, đối với người xuất gia thì ai cho gì, nấu gì thì ăn nấy. Không được chấp trước, kén chọn, không được tham ăn, thích ngon. Đồ ăn ít một tí, hư thiu một chút cũng vẫn ăn. Nếu cứ ham ăn, thích ngon thì nghiệp của bạn không dễ tiêu trừ đâu. Nếu bạn còn khởi lòng tham ăn thì luân hồi thoát không lọt! Thật ra, thức ăn gì nếu đem thử nghiệm thì cũng có thể tìm ra độc tố. Khi đại chúng ăn thức gì thì bạn ăn thức nấy là đủ rồi, đừng sinh bực dọc, khó chịu, quái ngại đủ chuyện.

•         Người xuất gia đừng bao giờ sợ chết. Chết thì về Tây Phương, càng tốt chứ sao!

•         Người tu cần phải có sức mạnh biến vạn sự thành vô sự mới được!

•         Khoác trên mình tấm ca-sa rồi, bạn phải tu đến chỗ không còn bị việc gì làm quái ngại, bận tâm. Không quái ngại, bận tâm về chuyện thế sự, không vướng lòng vào việc nhân tình... Hết thảy mọi sự, hễ quái ngại là thừa.

3. Tự độ

a. Chùa thập phương

•         Chùa thì ai cũng có thể tới ở để tu được. Kẻ tới trú phải giữ nội quy do chùa đặt ra. Bạn không được coi mặt người tốt, xấu rồi tùy tiện làm theo ý mình, muốn cho ai trú thì trú.

•         Khi có người tới trú ở chùa, bạn không được có tâm phân biệt, so sánh, chuyên môn kể lể chuyện xấu, lỗi lầm của người ấy. Làm vậy, bạn sẽ khiến người tu khó tu. Chỉ cần y tôn trọng, tuân theo nội quy của chùa là đủ rồi. Đừng nên so sánh, phân biệt vị này là đệ tử của ai, vị kia là đệ tử của ai. Hễ người nào tuân giữ giới luật, quy củ thì đều giống nhau hết. Ai ai cũng đều là đệ tử của Phật. Nếu bạn cứ chia ra rành mạch rằng: “Thầy là kẻ ở ngoài tới, tôi là đệ tử của Sư phụ ở chùa này...”. Thì bạn chẳng phải là thầy tu!

•         Là người xuất gia, bạn chỉ cần tu hành cho đúng với giới luật. Hễ bạn tu đàng hoàng thì đi tới đâu cũng được mọi người cung kính, đến cả Thiên, Long, Bát Bộ cũng ủng hộ, bảo vệ bạn, và chùa ở nơi nào cũng đều là nhà của bạn!

b. Chỗ lầm lẫn

•         Khi bạn tu hành, nhất định bạn phải tu ở chùa

lớn (đại tùng lâm). Tu ở những nơi có đại chúng đông đúc thì mới có thể rèn luyện thành bậc nhân tài.

•         Khi tu, cần phải tu ở chùa lớn, đông chúng. Bởi vì chỉ ở chốn nhiều người bạn mới biết và học được kinh nghiệm từ những điểm xấu. Những kẻ xấu ác trong chùa đều là những kẻ chỉ đường để bạn biết mà tu tiến bộ hơn. Đa số các Tổ sư đều xuất thân từ chỗ làm bếp, trồng rau, chẻ củi... trong chùa. Chính những chỗ không ai thèm chú ý tới, không ai giành làm, mới là nơi để bạn tu hành!

•         Khi bạn tu ở chùa lớn, hãy chịu kham khổ về chuyện ăn, ở, mặc. Mắt bạn hãy làm như chẳng thấy gì, tai bạn làm như không nghe gì, giống hệt tên khờ. Cứ vậy mà tu thì đức Hộ Pháp Vi-đà chắc chắn sẽ bảo vệ bạn. Sau này khi bạn đi đến đâu, ai thấy cũng kính trọng bạn như Phật vậy. Bấy giờ, bạn muốn xây chùa thì lập tức sẽ có kẻ ủng hộ ngay.

•         Ngày nay chúng ta đã có một ngôi chùa tốt, một đạo tràng lý tưởng để tu hành, bạn chớ có vọng tưởng, tính toán coi ở chỗ nào còn có chùa tốt hơn.

•         Khi lòng bạn không an định thì không cách gì bạn có thể tu hành được!

•         Hỏi:

- Tôi muốn rời chùa này tới chùa khác tu, thì nay

có ba chỗ. Không biết ý Hòa thượng thì chỗ nào có nhân duyên với tôi?

Đáp:

- Bạn ra đi là vì tâm bạn không an ổn hay là vì chùa không an ổn? Nếu tâm bạn không an thì dù bạn có chạy tới Tây Phương, bạn vẫn không an tâm. Khi tâm bạn lăng xăng, bứt rứt, chạy rong, mà bạn chuyển nó ngay tức thời thì tâm sẽ an định. Do đó, giữ giới luật là việc cực kỳ quan trọng. Hễ bạn giữ giới thanh tịnh thì tâm sẽ thanh tịnh. Khi tâm bạn không an ổn, nhìn việc gì bạn cũng có cái ngã (chấp chặt và quan niệm về mình và của mình). Do đó, bạn phải nhìn mỗi một sự việc đều không phải là ta, và cũng không phải là của ta.

•         Muốn tới Tây Phương, bạn phải tu tới chỗ tâm không còn loạn, tức là vọng tưởng không ùn ùn nổi lên nữa. Khi đối diện với bất kỳ chuyện gì, lòng bạn cũng chỉ có một niệm thanh tịnh, thì đó chính là Tây Phương.

•         Tâm không an thì vọng tưởng cứ lăng xăng mãi. Do vậy, bạn phải lấy tâm để an tâm, nếu không vậy thì làm sao “an”? Khi tâm bạn muốn chạy rong, hãy tự hỏi nó muốn chạy đi đâu?

c. Thăm viếng học hỏi

•         Ở Đài Loan, không có chỗ nào để thăm viếng học hỏi, nên bạn hãy tự mình nghiên cứu chính mình là đủ.

•         Đừng nên bồn chồn, bứt rứt, nóng nảy.

•         Thiện tri thức ở đâu? Ở lòng mình!

•         Khi lúa chín, đầu bông lúa nặng trĩu nên cong oằn xuống; khi lúa chưa chín thì đầu ngọn đứng thẳng vút. (Kẻ hiểu đạo, tu hành thành thục thì hạ thấp mình xuống; còn kẻ mới tu đạo thì lúc nào cũng tự cao, không biết uốn mình). Đối với người tu không tốt, bạn cũng phải tham phỏng học hỏi; bởi kẻ tu xuất sắc thì hiếm khi tìm thấy, mà e rằng bạn cũng nhìn không thấu chỗ xuất sắc của người ta là ở đâu. Do đó, đi thăm viếng học hỏi kẻ xấu cũng đúng, bởi vì thấy được điểm xấu, điều lỗi lầm của họ, bạn hãy dùng nó để tự cảnh giác, thức tỉnh chính mình; Tự hỏi mình có lỗi lầm tương tự hay chăng, và tránh phạm lỗi ấy.

•         Tham phỏng học hỏi là phải nghiên cứu điểm xấu, điểm hư của người ta. Họ phạm lỗi ấy ư? Mình phải tu sau để đừng phạm nó! Họ không tu đúng giới pháp, mình phải tu sao cho đúng giới pháp!

•         Bạn xuất gia vì mục đích tu hành, do đó, đừng nên ra ngoài học thêm pháp thế gian. Những điều ở

trường Phật Học Viện dạy chưa chắc hoàn toàn là Phật pháp, Phật học, vì luôn bị xen tạp bởi những môn như xã hội học, kinh tế học v.v... Nếu bạn cứ ở gần những ngôi trường như vậy, lâu dần thì tâm bạn sẽ không cách gì thoát ly nổi thế tục.

•         Khi các bạn đến với đạo Phật, cạo đầu đi tu, hãy xem bạn có thể liễu sinh thoát tử hay không, đó là điều bạn chẳng thể không hiểu. Như đã đi tu lại còn muốn đi học kiếm bằng cấp, thêm kiến thức, thử hỏi ở trường học có ai dạy bạn mặc áo thô, ăn cơm đạm, buông xả để tu hành chăng?

•         Nhiều tăng sĩ đã xuất gia rồi, lại đi học ở Phật Học Viện. Sau khi tốt nghiệp, có người chỉ tăng trưởng lòng ngã mạn, tự cao tự đại, cứ muốn làm trụ trì. Song, họ nhờ vào đâu để “thống lý đại chúng”, khiến mọi người hòa hợp, vui vẻ tu hành? Họ không làm sao có năng lực để cảm hóa tha nhân cũng không ai chịu nổi họ! Do đó, bậc tăng sĩ phải thiết thực tu hành khổ hạnh, niệm Phật cho nhiều, phước huệ song tu.

d. Quan hệ giữa kẻ đồng tu

•         Làm thân đồ đệ, nếu bạn biết thầy của mình có lỗi lầm gì, dù lớn đến đâu, bạn cũng chớ nói với kẻ khác. Bởi nếu bạn làm như vậy, thì đó cũng là một hành động lỗi lầm!

•         Sau khi nghe kẻ khác nói về lỗi lầm của vị thầy của y, bạn đem những điều đã nghe ấy kể lể với mọi người, thì bao nhiêu tội của y đều quy vào thân bạn. Bởi vì, đó là phạm lỗi nói điều xấu của các vị đồng tu.

•         Đối với các huynh đệ đồng tu trong chùa, bạn không có gì phải sợ sệt cả. Hãy tôn trọng, cung kính lẫn nhau.

•         Khi muốn nhờ ai làm việc gì, bạn đừng dùng thái độ ra lệnh (như lớn tiếng, ra oai, nói cộc lốc), sai khiến họ giống như cha sai con, chủ sai tớ, bởi đó là thái độ của kẻ thế tục.

•         Mình là người tu đạo, thì phải lấy Phật pháp làm mô phạm (tức là dùng lời nói nhỏ nhẹ, từ tốn, cung kính yêu cầu họ làm việc).

•         Khi anh em huynh đệ ngồi với nhau, các bạn nên đàm luận về Phật pháp. Đừng bàn tới mọi đề tài khác để tránh loạn tâm. Đừng nên tham gia tán gẫu, nói những chuyện vô nghĩa, phí thời giờ.

•         Khi trong huynh đệ có người nói chuyện về Phật pháp, thì đừng nên xen chuyện thế tục vào. Nếu không, càng nói càng lạc đề xa lắc. Hơn nữa, khi đã nói chuyện thế tục, thế nào bạn cũng đề cập tới chuyện ăn uống, thức này ngon, thức kia dở v.v...

•         Hai chúng tăng và ni phải phân ra ranh giới cho rõ ràng. Các vị sống tới trăm tuổi cũng phải phân rành mạch như vậy. Trừ khi bạn đã khai ngộ, chứng quả, có được định lực sâu dày; bằng không, bạn sẽ rất dễ phạm lỗi lầm, gây ra đủ vấn đề phức tạp.

•         Khi tăng và ni nói chuyện với nhau, các vị không được mặt đối mặt, mắt ngó mắt. Khi tăng và ni cần trao đổi, đưa vật gì, thì hai bên cũng không được chạm tay nhau.

•         Sư phụ tu có định lực, bằng không, ta cũng không thể để mấy cô tới gần trong tầm một trăm bước nữa. Các vị bây giờ chưa có một phần mười chánh niệm, do đó, các vị vẫn còn ở trong vòng rất nguy hiểm, nên cần phải chú ý cho kỹ.

e. Nhẫn nhục

•         Thọ giới tức là nhẫn nhục. Nếu bạn có thể nhẫn nhục chịu đựng hết mọi sự thì bạn sẽ khó mà phạm giới. Bạn phải tu nhẫn nhịn vì nhẫn là gốc của việc tu. Nếu không biết nhịn nhục thì chỉ uổng cho bộ áo nhà tu đang khoác trên mình. Bạn chớ luôn cho rằng hễ việc gì mình làm là đúng (kẻ khác là sai), thái độ ấy sẽ làm cho bạn khó tu tâm.

•         Dựa theo lòng nhẫn nại mà tu hành thì mới là tu căn bản. Kết quả là đi tới đâu bạn cũng có năng lực cảm hóa người khác. Do đó, tu hạnh nhẫn nhục mới có đức hạnh, ai thấy bạn họ cũng sẽ sinh lòng hoan hỷ, và bạn có thể hóa độ họ.

•         Sau khi đã xuất gia, bạn phải xem hạnh nhẫn nhục là cao nhất, là số một. Những kẻ nói xấu, chửi bới, chê bai, phê bình bạn, đều là những kẻ chỉ đường cho bạn. Không có họ, bạn chẳng thể tiến bộ, chẳng thể thành tựu. Đừng cho rằng những nghịch duyên đó làm khổ bạn rồi sinh lòng ghét họ, chán họ, coi cái gì cũng không vừa lòng mình, thấy cái gì cũng gai mắt, rồi bạn nghĩ: “Thôi cuốn gói đi quách! Về nhà cho rồi!”. Song, biết đi đâu cho tốt? Cũng không thể đi cưới vợ, vì bạn biết làm vậy còn khổ hơn kia mà, nào khác gì sống ở địa ngục đâu?

•         Khi bị ai công kích, phê bình, bạn nên nhẫn chịu. Dù có bị oan cũng ráng nhịn. Bạn còn phải cảm ơn người ta vì may mắn lắm mình mới được (phê bình) như vậy.

•         Khi ai đem việc xấu ác, lỗi lầm mà đổ thừa, vu oan cho bạn, bạn cần phải nhẫn nại. Dù bạn có đúng lý mà kẻ khác vu khống, nói càn rằng bạn sai, bạn lỗi, thì bạn vẫn nên sám hối, xin lỗi kẻ ấy (đừng tranh biện), bởi vì tu hành chính là tu ở chỗ này.

•         Phải quán sát như thế nào? Bạn phải quán những lời lẽ ấy như tiền bạc, và khi người kia phun lời xấu ác thì cũng giống như y đang vun tiền cho bạn vậy. Nếu khi những cảnh giới ấy tới mà bạn không nhẫn, không biết làm sao tu nhẫn nhục, thì chỉ sinh ra đủ thứ phiền não, bực bội mà thôi!

•         Kẻ đả kích, bài bác, chửi rủa bạn, bạn cho rằng y xấu. Song, theo quan điểm tu đạo, y quả là người giúp bạn, bạn phải cảm ơn y. Y đem tiền ở cõi Cực Lạc tới tặng bạn, bạn không chịu nhận, lại chạy trốn, khóc lóc om sòm!

•         Khi chuyện gì xảy đến với bạn, bạn cũng nhẫn nhịn được thì tu mới tiến bộ. Dù bạn có đúng lý cũng đừng cãi cọ tranh biện, cứ sám hối, xin lỗi người ta là đủ. Đó là bạn đang tích tập công đức cho chính bạn vậy.

•         Nhẫn nhục Ba-la-mật là hạnh mà khi bạn nhẫn nhục, bạn không cảm thấy và không cho rằng mình đang làm hạnh nhẫn nhục, không rêu rao là mình nhẫn nhục, và cũng không đè nén, dồn ép nội tâm (không để lộ sự giận dữ bên trong), vì đó toàn là có tướng trạng.

•         Khi nhẫn nhục mà lòng bạn không hề có cảm giác gì, không thấy chuyện gì xảy ra, như khi có ai chửi rủa bạn, bạn không biết là họ chửi mình thì mới đúng là hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật.

f. Một niệm cách biệt

•         Nếu bạn không chịu thể hội đạo thì tuy là thầy tu, tâm bạn vẫn còn vất vưởng ở ngoại cảnh, xoay chuyển theo cảnh giới và sự việc bên ngoài, như thế vẫn còn rất nguy hiểm.

•         Trong chùa cũng đầy dẫy chuyện thị phi, trắng đen, đẹp xấu. Kẻ có trình độ thì nghĩ rằng: “Chờ tôi tu kha khá, tôi sẽ lại độ các vị”. Kẻ không hiểu biết thì sẽ làm những việc hư, kết oán thù thêm. (Ý là xem bạn có thể chuyển biến ngoại cảnh hay không).

•         Nếu có ai muốn hại bạn, bạn nên suy nghĩ: “Có lẽ là hồi xưa mình có làm hại hắn ta, bây giờ mình không nên gây thêm oán cừu, mà phải độ hắn”.

•         Chuyện gì cũng có nhân quả, dù là việc nhỏ như một cây kim, một sợi chỉ, một lời nói tất cả đều có nhân quả.

•         Đừng bao giờ tập thói cố chấp.

•         Có người hỏi:

- Cái bát của tôi bị bể. Phải chăng cái bát của tôi cũng mất luôn? (Ý nói là bát bể, thì phải chăng cũng hết tu).

Hòa thượng đáp:

- Đừng nên chấp trước. Nếu cái bát của cô bị người

ta làm bể, rồi nhân việc đó mà oán hận, muốn trả thù kẻ kia, thì rõ ràng chỉ vì cái bát mà cô tạo oán cừu, gây hận thù với người khác vậy!

•         Khi nghiệp chướng ập tới, vô minh, phiền não dấy khởi, nếu bạn không có chánh niệm thì tà niệm sẽ nổi lên. Khi ấy, thấy ai bạn cũng gai mắt, bực dọc, thấy việc gì bạn cũng không hài lòng. Bạn chỉ muốn cuốn gói đi ở chùa khác hoặc bạn cảm thấy đời tu vô vị, không có ý nghĩa gì, chỉ muốn hoàn tục cho xong chuyện.

•         Bạn biết chăng: chỉ cần bạn nổi một niệm phiền não lên là bạn đã sai rồi, không cần phải bàn tới việc bạn có đúng lý hay không!

•         Đừng tìm coi người ta có lỗi lầm hay không. Bạn phải tự thắp sáng cõi lòng, chiếu rọi tâm mình, hồi quang phản chiếu, xem xét mình đã làm tốt chưa.

•         Tu là sửa đổi chính mình dựa theo chân lý, chứ không phải dựa vào người khác. Do đó, bạn phải cung kính, tôn trọng Tam Bảo (hiện thân của chân lý).

•         Hễ là chúng sinh thì ai cũng có lỗi lầm hư xấu. Song, hễ ngày nào biết sám hối, biết ăn năn sửa đổi, thì tốt liền. Dù là loài nở ra từ trứng hoặc sinh từ bào thai, từ chỗ ẩm thấp hay từ sự biến hóa, tất cả đều có Phật tánh. Nhiều thứ súc sinh tánh rất linh thông, hơn cả con người nữa. Song, chỉ tội là chúng không biết nói để chúng ta hiểu mà thôi.

•         Bạn nhận thức được điều xấu của mình, đó là một việc rất tốt.

•         Là người, ai ai cũng đầy một bụng phiền não, nếu không tự biết lỗi thì làm sao tu? Do đó, tu chính là từ đây, từ sự nhận thức này mà trừ khử phiền não. Nếu không như vậy, mỗi ngày bạn cứ như cũ, chẳng thay đổi gì, cứ ăn, ngủ, làm việc, không tu để ngộ đạo thì tới già bạn vẫn hệt như bây giờ, mà đầu óc đầy nhóc phiền não!

•         Bạn cả ngày chỉ đầy dẫy niệm xấu, không có một chút chánh niệm. Bạn không nghĩ về sắc (thứ có hình tướng như sắc đẹp, áo quần, tiền bạc, chùa chiền, cơm canh...) thì cũng nghĩ tới thứ vô sắc (có tên mà không có hình thể như danh, lợi, sung sướng, hưởng thụ, ý niệm, tư tưởng...).

•         Hễ bạn có tranh chấp, đấu tranh, cãi vã, tính toán hơn thua thì tâm bạn không sao được yên. Đừng cho rằng người khác sai, mình đúng. Họ không sai, không lỗi đâu mà chính bạn không biết tu hành. Chỉ vì lòng bạn có phiền não, bực tức, khó chịu, oán hờn nên tâm mới không yên ổn. Cứ để sự việc trôi qua thì nó sẽ tan biến và bạn mới có được chánh niệm.

•         Người ta chê bạn xấu, bạn hư, bạn chớ nổi nóng, bực dọc, khó chịu. Họ khen bạn hay, bạn tốt, bạn đừng vui sướng, cao hứng. Trong cái dở luôn có cái hay, trong cái tốt luôn xen lẫn cái xấu.

•         Kẻ nào khen ngợi, ve vuốt, tâng bốc bạn, kẻ đó không phải là vị thầy tốt, không phải là bậc minh sư. Những ai nguyền rủa bạn, mắng chửi bạn bất kể bạn đúng hay sai, họ mới chính là những bậc minh sư. Lúc họ xử tệ với bạn chính là lúc họ giúp bạn thành tựu.

•         Nếu khi bị chèn ép, xử tệ, mà bạn nghĩ rằng: “Các Ngài khinh thường tôi như vậy, song tôi vẫn cứ tu để các Ngài “hiểu” thì bạn là người có chí khí; và như vậy, ắt có ngày bạn sẽ thành công!

•         Bạn đúng lý mà y sai, cứ để cho y làm gì thì làm, coi như bạn là sai lầm vậy (vì bạn có giải thích, có tranh cãi tới đâu, y cũng không thèm nghe; vậy cãi có ích gì?). Đó chính là bạn biết làm chủ chính mình, không bị người ngoài hay sự việc làm lay chuyển.

•         Những cảnh giới mà bạn tiếp xúc bây giờ đều là do những hạt giống bạn trồng xưa kia, bây giờ chúng hiện ra thôi.

•         Thấy người tại gia mặc áo quần đẹp đẽ (tức là một thứ cảnh giới), thì có kẻ tự nghĩ: “Mình đi tu sao mà khổ thế này? Cái gì cũng không có, chỉ được mặc ba cái áo nâu sòng thô sơ này...”. Có kẻ lại nghĩ khác: “Ôi! Trong cõi Ta-bà khổ não này, chỉ có ăn mặc đẹp đẽ đến thế mà thôi, có gì là hay, lạ đâu?”.

•         Nhiều nữ tín đồ khi chưa xuất gia thì nhồi phấn, thoa son, kẻ mắt, vẽ mày... bây giờ mấy cô làm ni cô ở đây, chẳng ai còn vậy, coi tốt hơn!

•         Hai người, một cô xấu xí, một cô đẹp tuyệt. Cô xấu xí thì biết mình xấu nên đánh phấn, đánh son, trang điểm tươm tất lắm. Song, càng trang điểm bao nhiêu, càng xấu bấy nhiêu, không bằng để tự nhiên!

•         Tu hành cần có năng lực chịu đựng, chịu khổ, chịu ăn cơm đạm, chịu mặc áo thô.

•         Đời này, thế giới vật chất phong phú, muốn gì có nấy rất dễ dàng. Nhiều thứ, do kỹ thuật tiến bộ nên không còn cần dùng tới tay chân nữa, nên vô cùng tiện nghi.

•         Là kẻ xuất gia tu hành, các bạn phải quan sát, suy tư về tấm gương tu hành của chư Tổ hồi xưa. Theo bước chân các Ngài mà tu thì mới chấm dứt được sinh tử.

•         Tôi (Hòa thượng) xuất gia tu hành không phải vì mục đích hưởng thụ, tôi muốn tu sao cho việc ăn uống, ngủ nghỉ, áo quần thật đơn giản. Tôi thà là bị xã hội coi thường, cho rằng tất cả mọi thứ ở đây không thể bì được với người đời còn hơn! Khi được xã hội trọng vọng, thì giữa họ và mình sẽ sinh ra mối dây tình cảm, yêu mến, và rồi sẽ đưa tới nỗi khổ phải xa cách nhau, kết quả là tạo thành vòng luân hồi luẩn quẩn! Khi bạn bị xã hội khinh rẻ, coi thường thì bạn sẽ bớt lòng phan duyên (thích lấy cái này, sở hữu cái kia, giao kết với người này người nọ để trục lợi), bớt tâm vọng tưởng (cứ nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, không hết chuyện này đến chuyện khác, không dứt), và dễ chuyên tâm dụng công hơn!

4. Độ người

a. Biết điều tốt của thí chủ

•         Khi thí chủ quý trọng bạn, họ mới cúng dường. Vì thế, bạn nên có lòng tri ân, cảm kích mà tu hành cho đàng hoàng.

•         Như các bạn ăn mặc đơn sơ, đạm bạc, lại dám xả thân làm việc công quả cho chùa, người ngoài nhìn bạn họ sẽ nhận thấy rằng: “Các vị tu sĩ này thật làm tôi cảm động. Họ biết xả thân vì đạo, vì chùa...” và tự nhiên họ muốn cúng dường bạn. Như thế, vô hình trung, bạn đã độ họ, khiến họ trồng căn lành trong ruộng phước đức. Đây chính là hoằng pháp, lợi sinh vậy!

•         Người tu phải chịu cực khổ, không được chấp trước vào quan niệm về “tôi” và cái “của tôi”, rồi sinh ra tật thích chải chuốt cho đẹp đẽ, ăn uống cho ngon lành và muốn mọi sự phải cho tiện nghi, sung túc. Thân mặc áo nâu sòng cho sạch sẽ, chỉnh tề là đủ, bởi kẻ xuất gia mà sống quá sướng, quá hưởng thụ thì không người tại gia nào muốn cúng dường cả! Người tu mà biết chịu cực, sống kham khổ thì thí chủ mới khâm phục, mới muốn cúng dường. Đời sống chỉ cần có cơm ăn no, có áo mặc ấm là đủ lắm rồi.

•         Người xuất gia: chân đạp đất của tín thí, đầu đội trời của tín thí, thân mặc áo thí chủ cho, miệng ăn cơm thí chủ cúng, ngủ ở phòng thí chủ xây. Cứ tính là mỗi ngày bạn tu được một trăm đồng tiền công đức. Hễ bạn khởi tâm động niệm khiến thân, miệng, ý không thanh tịnh thì khấu trừ đi ba mươi đồng. Thêm vào là tiền ăn uống đáng giá ba mươi đồng, tiền trú ngụ là hai mươi đồng, tiền ăn mặc đáng năm mươi đồng, tổng cộng là một trăm ba mươi đồng tiền công đức. Đấy, công đức tu hành bạn làm ra trong ngày không đủ để trả những phí tổn trên, vậy thì bạn còn có công đức gì nữa? Tín chủ cúng dường khó tiêu lắm!

•         Muốn tăng đoàn trang nghiêm, bản thân mình phải trang nghiêm. Bất cứ ở chỗ nào, lúc nào, mình cũng phải trang nghiêm. Thí dụ khi tụng kinh, nếu

người ta thấy chư tăng, ni vô cùng trang nghiêm thì tự nhiên họ sẽ sinh lòng tín ngưỡng đối với đạo, và không coi Phật giáo là thứ tiêu cực nữa.

b. Tiếp đãi tín đồ

•         Bồ-tát là kẻ độ chúng sinh, do đó mình phải rộng kết duyên lành với chúng sinh. Hiện tại tôi còn sống, khi người ta tới bái kiến tôi thì các bạn phải ráng kết thiện duyên với họ. Thấy tín đồ nào bạn cũng nên tiếp đón, chào hỏi, song không được phan duyên (dùng thủ đoạn tình cảm để kiếm lợi lộc riêng tư), không được cống cao ngã mạn, rằng “tôi là người xuất gia, các vị chỉ là kẻ tại gia!”. Bạn phải hiểu rằng tất cả mọi phí tổn cho sinh hoạt hàng ngày như ăn, ở, mặc của tôi đều là do thí chủ cúng dường mà ra!

•         Khi có người kết duyên xấu với thí chủ, các bạn chớ có bị người ấy ảnh hưởng, khiến mình cũng kết duyên xấu với thí chủ. Bạn phải có năng lực nhận định phải trái, phải tự làm chủ chính mình, bởi chúng ta cần rộng kết duyên lành. Cho nên nói: “Vị thành Phật, tiên kết nhân duyên”, nghĩa là khi chưa thành Phật, trước hết phải kết duyên lành với mọi người.

•         Khi có tín đồ lại chùa, bạn hãy khéo dùng lời lành tiếp đãi họ, mời họ lạy Phật, ăn cơm, đi dạo coi chùa. Đó chính là kết duyên lành và cũng là cách tu hành. Điều cốt yếu nhất là đừng bày đặt ra vẻ thanh

cao “ta đây là thầy”. Cái đó không phải là tu hành gì cả. Tín đồ là kẻ đang tu học, bạn là người tu thì phải hành đạo Bồ-tát. Không nên tu thứ hành vi xấu, phải tập cử chỉ tốt. Khi có kẻ bất lương đến chùa, bạn đừng để ý tới y là xong. Đừng nên cằn nhằn, cũng đừng chửi rủa người khác hoài. Tu hành thì phải tu cho tới lúc có trí tuệ, bấy giờ, hễ đụng chuyện gì, bạn cũng thấu suốt được ngay. Khi đó, nói chuyện gì bạn cũng có thể nói một cách viên dung. Khi mình đã đứng vững rồi, kẻ khác sẽ do đó mà sinh lòng hoan hỷ tiếp nhận lời bạn, mà bạn cũng không tạo nghiệp.

•         Tín đồ mang vật phẩm đến cúng dường, đó là vì họ muốn cầu phước. Vì vậy, dù vật nhỏ như một ngọn cỏ, bạn cũng phải vui vẻ tiếp nhận. Nếu khi thấy họ đem những thứ tốt đẹp lại cúng dường, rồi bạn sinh ra tham lam, thì bạn không thể ngộ đạo được. Khi có người mang thức ăn dở đến, bạn đem nấu lại cho ngon lành, thì đó là bạn tu cả phước lẫn huệ! Nếu bạn không biết xử lý một cách thích đáng, ngược lại, cứ trách móc thí chủ đã cúng thức ăn hư thối thì đó là tự bạn nổi phiền não và tự bạn tạo khẩu nghiệp mà thôi!

•         Dù là người trong gia đình hay bà con của mình tới chùa ăn cơm, mình cũng nên khuyên họ cúng dường tiền cơm cho chùa để họ có quan niệm đúng đắn(về nhân quả, nghiệp báo).

•         Bạn nên lân mẫn, thương hết mọi chúng sinh, hãy nghĩ rằng họ và mình chỉ là một. Thí chủ lại tu, lại trồng thiện căn, mình phải lấy tâm Bồ-đề, tâm từ bi đối với họ mới đúng.

•         Khi ai đang nói, bạn chớ ngắt lời hoặc nói xen vào. Chờ họ nói xong, mình hãy nói, đó gọi là lễ phép. Khi ứng tiếp, nói chuyện với thí chủ, bạn chỉ nên nói chuyện về Phật pháp. Khi họ muốn nói chuyện thế tục, bạn hãy xin lỗi mà nói rằng: “Tôi không có thì giờ, xin mời bạn lên lễ Phật hay tản bộ dạo chơi”. Khi gặp kẻ xấu, bạn chớ để ý tới y là tốt nhất, bởi vì hai đồng tiền mà đập vào nhau thì chắc chắn phải kêu lẻng kẻng!

•         Quan hệ với người đời: bất quá họ chỉ xã giao mà thôi. Vì vậy, khi bạn ứng tiếp họ, tâm bạn phải biết tự chủ, luôn có Phật pháp (soi sáng). Không nên cùng người thế tục đàm luận chuyện đời. Hãy đem Phật pháp lại so sánh.

•         Nói những chuyện khôi hài song đầy ý vị Phật pháp sẽ làm người nghe đỡ phiền não.

•         Kẻ tu hành mà không nói Phật pháp, lại đi đàm luận thế sự, đó nào phải là bổn phận của người xuất gia? Khi người tu mà còn nói chuyện trần tục của người đời, tức là y chưa đoạn được tục khí (thói quen trần tục); thế thì làm sao y đủ tư cách bàn tới hai chữ “tu hành”?

c. Sự nghiệp của Bồ-tát

•         Mỗi vị thầy đều có một phương pháp độ sinh khác nhau, do vậy, bạn chớ tùy tiện chê bai, phê bình. Bởi nếu làm vậy, bạn sẽ tạo ảnh hưởng không tốt đối với lòng tin Phật pháp của kẻ khác. Việc này có nhân quả đấy!

•         Vì muốn độ chúng sinh nên mình phải hằng thuận, phải chiều theo chúng sinh, cũng giống như mình đánh lừa đứa nhỏ (vì muốn cứu mạng nó) vậy, mà phần lớn là để chúng sinh trồng căn lành trong ruộng phước.

•         Tôi không đòi hỏi gì cả. Chúng sinh thấy tôi thì sinh lòng hoan hỷ; song, bản thân tôi, tôi không hề biết đến.

•         Làm việc gì mình cũng phải rõ suốt chân lý của việc ấy thì mới lãnh đạo, dẫn dắt được người ta. Nếu mình không thông suốt chân lý, làm sao dẫn dắt kẻ khác? Hiện tại, người tu cần dùng Phật pháp và sự thật để chỉ đạo, giáo hóa chúng sinh. Không vậy thì mọi việc đều biến thành thế tục: chẳng những mình không thể tùy thuận ai được mà lại còn mất đi lòng độ lượng nữa!

•         Hoằng pháp lợi sinh, đây không phải là việc nói suông. Chỉ cần bạn tu trì cho tốt thì tự nhiên khi nhìn

bạn, ai cũng sinh lòng hoan hỷ, cung kính. (Ví như Hòa thượng Quảng Khâm: Ngài không hề xuống núi song kẻ ngưỡng mộ và quy y Ngài thì nhiều không xiết).

•         Hoằng pháp lợi sinh tức là cần mình hy sinh thân xác này.

•         Bạn phải làm một vị Bồ-tát. Không thể cho mình tốt là đủ, rồi mặc kệ kẻ khác. Phải coi kẻ khác là trọng yếu, còn mình thì sao cũng được. Phải làm lợi ích tha nhân. Khi bạn chỉ làm lợi ích cho riêng mình thì vô minh, phiền não của bạn sẽ đầy dẫy.

•         Người xuất gia lấy lòng nhân từ làm gốc, lấy phương tiện làm dụng, lấy lòng đại bi làm thể. Tất cả (mọi căn lành, mọi pháp môn...) đều từ lòng từ bi mà phát sinh.

•         “Gia” ví như tập khí, thói quen, vô minh, phiền não, những chủng tử xấu của mình; “Quốc” ví như đại chúng. Mình phải trị gia trước rồi mới trị quốc sau. Nghĩa là trước hết bạn hãy trừ sạch mọi thói hư tật xấu, vô minh phiền não của mình, rồi sau đó đem đức hạnh ra cảm hóa kẻ khác, “thống lý đại chúng”.

5. Điểm tốt của việc tu

•         Xuất gia là việc đại hiếu. Bạn cần phải báo đáp bốn ân lớn (ân cha mẹ, ân thí chủ, ân chư Phật, ân thầy) và cứu độ ba đường khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc

sinh). Bạn sẽ độ thoát cha mẹ mình trong muôn vàn kiếp, không phải chỉ có cha mẹ đời này mà thôi.

•         Bộ áo người tu không phải ai ai cũng mặc được, chỉ có kẻ phước khí mới mặc được.

•         Một kẻ xuất gia, dù y không tu hành gì lắm, chỉ biết ăn chay trường, không sát sinh, không có tội lỗi lớn thì kiếp sau y có thể đầu thai làm người lại và tu hành tiếp. Y sẽ không bị rớt vào ba đường khổ hay bốn loại sinh (sinh ra từ trứng, từ thai, từ nơi ẩm ướt hay từ sự biến hóa).

•         Hỏi:

- Khi một kẻ xuất gia phá giới, phạm tội ác vô biên, bị rớt vào địa ngục, phải chăng y còn tệ hơn kẻ tại gia? Như vậy, chỉ bằng tu tại gia tốt hơn?

Đáp:

- Xuất gia tu vẫn tốt hơn! Tuy y (kẻ xuất gia) bị đọa lạc, song khi y chịu hết quả báo, y có thể trở lại tu hành. Chắc chắn rồi y cũng xuất gia, bởi y đã trồng ít nhiều căn lành rồi. (Một kẻ ngoại đạo, nếu đem so sánh, còn kém hơn một người xuất gia phá giới).

•         Kẻ có căn cơ thì sau khi đi tu, y hiểu rõ mọi chuyện, thể hội được điểm tốt cũng như điểm xấu giữa người xuất gia và người tại gia. Có kẻ chẳng bao giờ thể hội được điều ấy.

•         Sở dĩ bạn không thể nhìn thấy, không thể biết được điểm tốt của việc xuất gia là vì bạn còn nghiệp chướng. Nếu nghiệp chướng ấy không tiêu trừ thì khi bạn lâm chung, chúng sẽ hiện ra.

•         Nhìn hời hợt thì kẻ xuất gia chỉ biết ăn ngày ba bữa, làm vài chuyện này nọ. Thật ra, xuất gia là vì muốn trừ khử lòng tham lam, sân giận, si mê và tiêu trừ nghiệp chướng.

•         Có người nói:

- Mấy thầy ăn chay nên nói luận điệu của kẻ ăn chay. Nếu ai cũng tu thì xã hội sẽ ra sao?

Hòa thượng đáp:

- Ai ai cũng đi tu thì chúng ta cùng nhau vãng sinh thế giới Cực Lạc ở Tây Phương, như thế không phải là càng tốt hay sao?

6. Đạo cao một tấc, ma cao một thước

•         Nghiệp ác mình tạo ra từ nhiều kiếp thì cao ngất như núi. Đời này, khi mình đi tu, những ác nghiệp ấy có thể xuất hiện. Do đó, có lúc mình cảm thấy cái nghiệp sau khi xuất gia lại nhiều hơn lúc còn tại gia. Bấy giờ, mình cần có sức lực mạnh mẽ để vượt qua. Nếu mình không hàng phục được phiền não, lại khởi tâm động niệm, thì sẽ tạo thêm nghiệp mới!

•         Xuất gia tu hành là việc không tầm thường.

•         Việc xuất gia thì nhiều lắm. Khi những kẻ oán thân, chủ nợ (ở kiếp trước) đến đòi nợ, thì mình sinh bệnh hoặc gặp đủ thứ chuyện rắc rối kéo tới. Nếu mình chẳng vượt qua được thì không cách gì an lòng tu đạo được. Do đó, khi bạn bệnh khổ, hãy tự khuyến khích, sách tấn chính mình. Lạy Phật, niệm Phật nhiều hơn thì nghiệp chướng sẽ tiêu tan.

•         Kẻ tại gia nhìn (sinh hoạt người tu) nhưng không hiểu, nên cho là người tu khổ sở lắm. Đối với kẻ có đạo tâm không kiên cố thì y coi đời tu là cuộc sống ở địa ngục trần gian. Y luôn cảm thấy việc gì cũng không tốt và không tự tại, lại sinh phiền não nhiều. Có nhiều vị tuy đạo tâm kiên cố hơn, song do hạt giống xấu gieo trồng từ nhiều kiếp trước, nên tuy nghe Sư phụ giảng dạy mà không để vào lòng gì cả. Ảnh hưởng của trần gian thế tục đối với họ thì còn nặng nề, sâu đậm lắm.

•         Ở Chùa mình, các bạn còn thấy người tới từ mọi nơi: nào là tướng mạo thế này, hình sắc thế kia... đủ cả. Những tăng, ni trẻ tuổi thì ý niệm về tình cảm yêu đương còn nặng nề lắm. Khi thấy những cặp trai gái đến, nếu các vị bị cảnh tưởng ấy làm tâm dao động, rồi sinh lòng ước muốn, ưa thích thì các vị sẽ dứt mất đạo tâm (tâm tu hành). Nếu các vị nhận định tâm trạng ưa thích của mình là tội lỗi, thì mới có đạo tâm.

•         Kẻ xuất gia trẻ tuổi thời nay thật rất nguy hiểm. Họ rất dễ bị ngoại cảnh làm thay đổi chí hướng. Những kẻ nửa đời xuất gia (tức là đã kết hôn rồi) thì đã nếm hết mùi đời, nên đối với ngoại cảnh họ có phần nào tự chủ hơn. Song, nếu người trẻ tuổi xuất gia mà chịu tu hành đàng hoàng thì trí tuệ sẽ khai mở, rất dễ thành tựu.

7. Ni chúng

•         Người nữ thiếu tu hành 500 đời. Nếu biết tu, các cô có thể ngay thân này, đời này được giải thoát. Song các cô đừng quá coi trọng tấm thân: ăn no là tốt rồi, mặc ấm là đủ thôi, không cần ngủ thì chớ ngủ. Không làm như vậy thì chỉ có tham lam, tán loạn, mất đạo tâm mà thôi!

•         Sinh làm thân người nữ, song được xuất gia, được gặp bậc đại thiện tri thức, lại được ở nơi đạo tràng mà yên ổn tu hành, các cô phải cảm nhận là mình vạn phần may mắn! Các cô nên mau mau tu trì, sửa đổi bản tánh nóng nảy, trừ bỏ ý nghĩ xấu ác, thay đổi quan niệm sai lầm xưa kia.

•         Đài Loan vẫn còn tốt là vì các cô còn có thể xuất gia. Nếu không, e rằng người nữ trong xã hội chỉ đọa lạc mà thôi. Nay các cô xuất gia rồi, nếu còn không chịu tu, thì biết kiếp sau các cô có còn được thân người để tu hành nữa không?

•         Đừng cho rằng các cô tu như vậy là cực khổ lắm, rồi sinh lòng ghét cái này, bực cái kia, thấy việc gì cũng sai cũng trật; lại nghĩ: “Thôi, đi phứt cho rồi!”. Song, các cô đi, mà biết đi đâu? Cũng không thể đi lấy chồng, bởi như vậy, rốt cuộc chỉ thêm đau khổ như sống ở địa ngục mà thôi!

•         Nhiều cô đã mắc phải căn bệnh trầm trọng: bệnh nhiều tình cảm. Các cô không được tái phạm cái trò tình cảm dây dưa ấy, như là thích ngủ chung với nhau (nếu cô này không chịu ngủ chung với cô kia thì bị cô kia nói cô này không tốt với cô). Các cô phải ngủ riêng, tách rời một chút. Nếu các cô cứ cố chấp hoài thì chính là tà đó!

•         Người nữ mà xuất gia được đã là chuyện khó rồi. Sao các cô đòi hỏi đi đây đi đó để tham phỏng, học hỏi này nọ? Chỉ cần các cô học hỏi chính mình (lúc khởi tâm động niệm, lúc có tham, sân, si, ngạo mạn, tà kiến). Các thầy thì mới nên đi tham phỏng học hỏi.

•         Các cô phải hết sức tránh nói chuyện với người nam giới, với các thầy. 

Từ khóa » Hạnh Người Xuất Gia