Nói Với Người Xuất Gia Trẻ - Làng Mai

Tâm thương yêu

Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày mồng 2 tháng 5 năm 1996, chúng ta đang ở tại Xóm Thượng. Cách đây hơn một năm, tôi có hứa sẽ viết một cuốn sách nhỏ cho người xuất gia trẻ, nhưng trong suốt năm qua tôi đã không viết được. Mới ngày hôm kia đây, sư cô Đoan Nghiêm nói: ‘‘Tại sao Thầy không nói những điều Thầy muốn viết vào một bài giảng? Chúng con có thể đánh máy ra và chúng ta sẽ có một cuốn sách, rất mau.’’ Vì vậy hôm nay đề tài của bài pháp thoại là Nói Chuyện Với Người Xuất Gia Trẻ. Nói là trẻ, nhưng có những người bảy mươi tuổi như tôi cũng cảm thấy có liên hệ. Tôi thấy có những thầy tuổi chưa tới ba mươi mà đã có dáng dấp một ông cụ non, hai mắt lim dim như đang muốn đóng vai trò của một bậc hòa thượng đạo cao đức trọng. Tôi không nghĩ những người như thế là những người trẻ. Những người trẻ, theo tôi, là những sư chú và sư cô ăn mặc giản dị, sạch sẽ, mắt sáng, miệng sẵn sàng mỉm cười, có khả năng lắng nghe và học hỏi. Người nghe tôi có thể là một sư chú hay một sư cô đang hành trì giới Sa di, hoặc vừa mới thọ giới lớn, hoặc tuy thọ giới lớn đã lâu nhưng vẫn còn khao khát học hỏi và sẵn sàng thay đổi để đi tới. Khi một người đi xuất gia, ta biết rằng có một động lực nào đó đã thúc đẩy người ấy đi xuất gia. Động lực ấy trong đạo Bụt gọi là Bồ Đề Tâm, bodhicitta. Bồ Đề Tâm là một thứ năng lượng rất mạnh – chính nó đã đẩy chúng ta đi xuất gia. Không xuất gia thì ta chịu không nổi. Nó mạnh đến mức đó. Bồ Đề Tâm là một ước vọng. Và khi ước vọng đó quá lớn thì chúng ta không thể nào chịu đựng nó được và ta phải xuất gia. Trong suốt thời gian sống đời sống của người xuất gia, năng lượng ấy tiếp tục giúp chúng ta có sự tinh tấn, có sự cần mẫn. Nó là một thứ năng lượng giúp chúng ta có đủ nghị lực để vượt thắng được tất cả mọi khó khăn và giúp cho chúng ta có hạnh phúc. Vì vậy nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm là một công trình thực tập rất quan trọng. Nếu Bồ Đề Tâm bị tiếp tục soi mòn bởi đời sống hàng ngày thì chúng ta sẽ chết – chết với tư cách của một người xuất gia. Cái ước muốn lớn của chúng ta, như thế, là không được thành tựu.

 

Chúng ta đã biết là trong đạo Bụt hiểu biết với thương yêu là một. Nếu không hiểu được người kia thì chúng ta không thể thương được người kia. Bi là thương, trí là biết. Bi và trí đi đôi với nhau. Không hiểu mà thương thì mình có thể làm cho người đau khổ. Tâm Bồ Đề là tâm hiểu biết mà cũng là tâm thương yêu. Vì vậy Bồ Đề Tâm có thể được dịch là tâm hiểu biết hay tâm thương yêu. Vì muốn thương yêu cho nên ta đã đi xuất gia. Ta đã thấy được những khổ đau trong cuộc đời. Chứng kiến những khổ đau đó, ta thấy trong tâm phát sinh tình thương. Ta muốn làm một cái gì, muốn sống như thế nào để có thể cứu độ được những người đang đau khổ quanh ta, cho nên ta đã đi xuất gia. Động lực xuất gia, như vậy, là tâm thương yêu. Tâm thương yêu buổi ban đầu rất hùng tráng, và vì thế chúng ta có cái cảm giác rõ ràng là nếu không đi tu thì chúng ta chịu không nổi. Tại vì cái năng lượng gọi là Bồ Đề Tâm đó hùng hậu vô cùng. Năng lượng ấy muốn chúng ta sống cuộc đời ta như thế nào để ta có thì giờ và khả năng làm vơi bớt những nỗi khổ quanh ta. Vì vậy cho nên Tâm Bồ Đề là một ước muốn lớn. Ước muốn đó cần được nuôi dưỡng. Còn nếu chỉ vì muốn trốn tránh những đau khổ trong cuộc đời mà đi tu thì động lực thúc đẩy ta đi tu không phải là nguồn năng lượng của Bồ Đề Tâm, vì tuy đã xuất gia, đã mặc áo người tu, nhưng ta không có cái năng lượng cần có của một người xuất gia.

Bồ Đề Tâm phải được nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày. Nếu không, nó sẽ bị soi mòn. Vì vậy sống đời xuất gia trong một môi trường không thuận lợi có thể là một nguy hiểm lớn. Nếu không có môi trường thuận tiện, không có tăng thân giỏi, không có thầy hay, không có pháp môn thực tập hữu hiệu, hoặc có vấn đề với thầy, giận sư anh, giận sư chi, giận sư em, ngày nào cũng khổ đau, cũng khóc, thì chỉ trong một thời gian nào đó thôi, ta sẽ thấy Bồ Đề Tâm của ta bị soi mòn và ta sẽ ra đời. Do đó cho nên vấn đề môi trường tu học là vấn đề rất quan trọng. Ta phải tìm ra được một môi trường trong đó Bồ Đề Tâm của ta được nuôi dưỡng hàng ngày. Trong suốt 54 năm qua, từ ngày tôi xuất gia, Bồ Đề Tâm của tôi chưa bao giờ bị lung lay cả. Vì vậy cho nên tôi tự cho là một ông thầy tu có hạnh phúc. Hạnh phúc căn bản nằm ở chỗ Tâm Bồ Đề chưa bao giờ bị lay chuyển. Tâm Bồ Đề của tôi chưa bao giờ bị lay chuyển, điều đó không có nghĩa là trên con đường học đạo và hành đạo, tôi chưa bao giờ gặp những khó khăn hoặc những sự kiện có thể làm cho mình nản chí, bi quan mà mất đức tin. Nhờ tôi biết cách nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm mà tất cả những trở ngại và tiêu cực ấy đã không đủ sức làm cho Tâm Bồ Đề của tôi lay chuyển. Khi Tâm Bồ Đề đã bị soi mòn hay lay chuyển rồi thì những dục lạc của cuộc đời bắt đầu có thể làm lung lay chí nguyện tu học của ta, và ta có thể bỏ tu ra đời. Chúng ta đã chứng kiến việc những người xuất gia ra đời, trong nước cũng như ngoài nước. Nếu quán sát kỹ lưỡng, ta sẽ thấy rằng sở dĩ họ ra đời là tại vì họ đã không được sống trong một môi trường thích hợp cho sự tiến tu. Trong số các thầy trẻ đi qua Hoa Kỳ, sống tại tiểu bang California để đi học, số lượng những vị bị rơi rụng rất nhiều. Chúng ta đổ lỗi cho ai? Chúng ta chỉ có thể nói rằng vì hoàn cảnh không thuận lợi. Một ông thầy còn trẻ không sống với tăng thân, chỉ muốn đi học ngoài đời với mục đích là kiếm một cái bằng cấp, mỗi ngày không có vị thân giáo sư nhắc nhở, mỗi ngày phải tiếp xúc với những hiện tượng tiêu thụ và hành lạc trong cuộc đời, môi trường đó quả thật là một môi trường rất xấu. Ở trong nước cũng có những thầy và những sư cô trẻ cứ nghĩ rằng phải có một cái bằng cấp nào đó thì khi nói, khi làm người ta mới nghe, người ta mới tin. Nghĩ như vậy cho nên họ mới đổ dồn năng lượng vào chuyện đi học để có một cái bằng cấp. Có khi họ không ở chùa, có khi họ ra ở nhà thế gian để đi học. Rơi rụng, trong trường hợp này, là chuyện dĩ nhiên.

Môi trường tốt

Nếu ta chưa xuất gia mà đã có ý định muốn xuất gia thì chúng ta phải rất cẩn thận về điểm này. Môi trường nơi đó ta sẽ sống đời sống của một người xuất gia sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của ta. Cho nên ta đừng vội vã quyết định. Phải tới với môi trường đó; phải đi thăm những môi trường khác. Và khi đã tìm ra được môi trường thích hợp, ta phải ở lại đó trong một thời gian, ví dụ ba tháng, và tập sống y hệt như những người xuất gia để xem thử trong thời gian ấy Tâm Bồ Đề của ta có được nuôi dưỡng hay không. Suốt trong ba tháng ấy, ta phải thấy mỗi ngày ta có được nuôi dưỡng bởi niềm vui của đời sống xuất gia hay không. Ta có cảm thấy yếu tố của vững chãi, của an lạc và của thảnh thơi được tăng tiến mỗi ngày hay không. Nếu ta thấy trong thời gian ấy mà Bồ Đề Tâm của ta được nuôi dưỡng thì ta biết rằng môi trường này là môi trường thích hợp cho sự xuất gia của ta. Còn không thì ta đừng hy vọng hão huyền. Nếu trong môi trường ấy mà Bồ Đề Tâm của ta không được nuôi dưỡng thì ta biết chắc chắn rằng xuất gia ở đây sẽ thất bại. Ở ngoài đời, khi đi cưới vợ hay lấy chồng, người ta không có cái cơ hội đó – không có cái cơ hội sống ‘‘thử’’ với người kia ba tháng để xem có hạnh phúc hay không, tại vì cái luật ở ngoài đời là phải làm đám cưới xong thì mới được sống chung. Ở tu viện thì trái lại, ta có cơ hội đem hết trí tuệ với trái tim của ta để kinh nghiệm, để xét đoán, để xem thử là tăng thân này (nghĩa là đoàn thể tu học này) có phải là môi trường thuận lợi cho đời sống xuất gia của mình hay không. Ta đến chùa và xin ở như là một người tập sự xuất gia. Ta làm tất cả mọi công việc, ta thực tập hầu hết những gì mà một người xuất gia đang thực tập, và cố nhiên trong thời gian đó ta sẽ có một cái thấy trực tiếp về sự thực của môi trường.

Ta không nên nghĩ rằng ta chỉ cần ở tại chùa một thời gian để học những phương pháp thực tập, và sau đó ta có thể rút lui về một cái am hay là một cái chùa riêng, nghĩ rằng một khi mình đã có pháp môn rồi thì mình có thể tu tập một mình. Nghĩ như vậy là sai lầm. Tu tập không phải là vấn đề cá nhân. Trong khi ở với tăng thân, ta được tăng thân hướng dẫn, dìu dắt, và năng lượng của tăng thân luôn luôn yểm trợ ta trong sự tu học. Quý vị nào đã từng ở với tăng thân trong ba tháng, sáu tháng hoặc một năm thì đã biết điều đó. Nếu không có tăng thân thì dù những cái ta đã biết, ta cũng khó làm được. Ta tin ta có thể làm được, nhưng ta sẽ không làm, tại vì không có tăng thân thì không có sự nâng đỡ, không có sự khuyến khích, không có sự soi sáng. Tu học mà nương nhờ vào tăng thân là thực tập quy y Tăng bảo, nghĩa là quay về nương tựa Tăng. Ta thường nói tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại, nghĩa là nếu người xuất gia mà xa lìa tăng thân thì sớm muộn gì cũng bỏ tu, cũng như con cọp lìa núi rừng thì sẽ bị con người bắt giết và lột da. Cho nên điều cấm kỵ nhất của người xuất gia là sống tách rời ra khỏi tăng thân của mình. Không có tăng thân, ta sẽ từ từ đánh mất Phật thân và Pháp thân của ta.

Sự nghiệp giác ngộ

Người đời ai cũng theo đuổi một sự nghiệp. Người xuất gia cũng có sự nghiệp của mình, nhưng sự nghiệp của người xuất gia rất khác với sự nghiệp ở ngoài đời. Ở ngoài đời, người ta cần có một bằng cấp, một địa vị, một danh tiếng để có thể gọi là thành công. Sống trong chùa với tư cách một người xuất gia, chúng ta không cần một cái bằng cấp, dầu là bằng cấp Cao Đẳng Phật Học, chứ đừng nói là bằng cấp cử nhân hay tiến sĩ. Có nhiều nhà tu cho sự nghiệp của họ là ngôi chùa của họ, là địa vị của họ trong giáo hội và trong xã hội. Có những nhà tu có bằng cấp tiến sĩ và rất bằng lòng với cái bằng cấp đó. Có người cho rằng sự thành công của họ là một ngôi chùa lộng lẫy, có nhiều bổn đạo lui tới. Họ làm hội trưởng hội Phật Giáo, họ làm viện chủ, họ làm hòa thượng, và có khi họ làm học giả. Họ cho xuất bản những cuốn sách rất có tính cách bác học, để chứng tỏ rằng họ có khả năng nghiên cứu thâm uyên. Hạnh phúc của họ nằm ở trong những thành tựu đó. Họ có thể được ca ngợi là một nhà học giả thâm uyên, như là một người đậu bằng cấp cao, như là viện chủ một ngôi chùa lớn có nhiều bổn đạo, nhưng những thành tựu đó không phải là mục đích của người xuất gia. Người xuất gia trẻ có nên ao ước địa vị của những người ấy không? Chúng ta phải chiêm nghiệm về vấn đề này rất kỹ, bởi vì trong giới những người xuất gia trẻ có rất nhiều người hiện đang hướng theo con đường này, dùng thời giờ và năng lượng của đời mình để chạy theo những cái bả danh lợi, dù là những bả danh lợi trong phạm vi nhà chùa. Cái năng lượng của sự ao ước đó thúc đẩy chúng ta đi học, đi nghiên cứu, đi vận động. Cái năng lượng đó không phải là Bồ Đề Tâm; cái năng lượng đó chỉ là tâm Danh Lợi được trá hình dưới Bồ Đề Tâm. Ước muốn làm nhà học giả Phật Học, ước muốn làm một giáo sư Phật Học nổi tiếng, ước muốn thi đậu một bằng cấp lớn, ước muốn làm viện chủ một thiền viện hoặc một tu viện lớn, ước muốn được người ta cung kính, trọng vọng và cúng dường, ước vọng ấy quyết không phải là Bồ Đề Tâm. Hiện bây giờ, có biết bao nhiêu người tu trẻ đang bị kẹt vào cái thế đó mà không tự biết, cứ nghĩ rằng mình đang thực sự tu đạo và phục vụ cho đạo. Trong khi đó, sự nghiệp của người xuất gia cao cả hơn một triệu lần. Đi xuất gia là để chuyển hóa những khổ đau của mình, để đạt tới hiểu biết lớn, tức là Đại Giác Ngộ, để đạt tới tình thương lớn, tức là Đại Từ Bi, để đạt tới cái tự do lớn, tức là Đại Tự Tại. Đây không phải là những danh từ, đây là những cái ta có thể thực hiện được bằng sự tu tập. Nhìn cho kỹ, ta thấy có những người có hiểu biết lớn, tình thương lớn và tự do lớn. Những người có hiểu biết, thương yêu và tự do là những người có hạnh phúc và khả năng ban phát hạnh phúc. Có những người có bằng cấp lớn, làm học giả nổi tiếng, làm viện chủ những ngôi chùa lớn nhưng không có những yếu tố đó. Họ không có hạnh phúc chân thực.

Khi ta thấy ta đã có thêm hiểu biết, thương yêu và tự do là ta đã có chuyển hóa. Sự chuyển hóa ấy là do công trình tu học của ta và nhờ đó ta biết là ta đã có khả năng độ người. Người khác đến học với ta không phải vì ta là viện chủ một ngôi chùa lớn, không phải vì ta có một hoặc hai, ba hay bốn cái bằng tiến sĩ, mà là vì ta có một cái gì mà người ấy không có, cái đó là đức độ của ta, tự do của ta, những pháp môn tu tập và chuyển hóa của ta, những pháp môn mà chính ta đã thực tập. Tại Làng Mai, mỗi mùa hè, mỗi mùa thu, người tới tu tập rất đông, trong số đó có rất nhiều người có bằng tiến sĩ. Những người ấy tới quyết nhiên không phải vì ta có bằng cấp tiến sĩ, mà vì ta có vững chãi, thảnh thơi, an lạc và giải thoát. Mục đích cao cả nhất của người tu là đem lại chất liệu của vững chãi, thảnh thơi và an lạc vào cơ thể và tâm hồn của mình, và nhờ vậy mà mình có khả năng độ người. Ta có thể giúp cho những người tới với ta vượt thoát những hố sâu của phiền muộn và khổ đau của họ. Mục đích của người xuất gia là để làm một vị thầy có khả năng đưa người ra khỏi nẻo khổ đau tăm tối của họ – đưa bằng đức độ mình, bằng trí tuệ mình, bằng giải thoát mình, bằng đạo đức mình, chứ không phải bằng tiền bạc và quyền thế. Đọc ở trong kinh Bát Đại Nhân Giác, dạy về tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân, ta thấy câu ‘‘duy tuệ thị nghiệp’’, có nghĩa là chỉ có sự hiểu biết lớn mới là sự nghiệp duy nhất của người xuất gia. Sự nghiệp của người tu là sự hiểu biết lớn, mà như ta đã biết, hiểu biết lớn là thương yêu lớn. Hiểu biết ở đây là Bồ Đề, không phải là kiến thức có thể chất chứa trong khi học hỏi. Khi ta chất chứa những học hỏi ở nhà trường, hoặc ở Viện Cao Đẳng Phật Học, thì dầu những kiến thức đó là những kiến thức Phật Học, chúng cũng chỉ là những kiến thức mà thôi. Người ta có thể nói thao thao bất tuyệt về kinh điển Tam Tạng, nhưng những điều người ta nói có thể không dính líu gì đến sự sống hàng ngày của người ta cả – người ta vẫn hẹp hòi, vẫn ganh tị, vẫn nhỏ nhen, vẫn sân si như thường – thì kiến thức, dầu là kiến thức Phật Học, cũng có ích lợi gì cho người ta và cho chúng ta đâu? Kiến thức không phải là hiểu biết. Chính cái hiểu biết gọi là Bồ Đề mới giải phóng được cho ta khỏi những u mê, những khổ đau và giúp ta trở nên thảnh thơi, nhẹ nhàng và an lạc, giúp ta có khả năng tự độ và độ người. Đó là mục tiêu đích thực của người tu. Cho nên mỗi khi thấy các cô các chú đang lao đầu vào chuyện đi học đời để có thể giật được một bằng cấp, chúng ta rất lấy làm thương cảm. Chúng ta biết rằng họ đang không đi đúng đường và sau này họ sẽ đau khổ và hối hận.

Có những trường Phật Học trong đó người học tăng học hối hả, cố nhét vào đầu càng nhiều kiến thức càng tốt, mà không có cơ hội đem những gì mình học áp dụng vào đời sống hằng ngày. Những kiến thức này không được tiêu hóa. Người dạy nói rất nhiều, người nghe ghi chép rất nhiều, nhưng những điều được nói, được nghe hình như không có ảnh hưởng gì đến những đau khổ, khó khăn và xung đột trong tâm tư và trong đời sống hàng ngày của họ. Viện Phật Học tốt là nơi người học tăng có cơ hội dự pháp đàm, tiếp nhận những pháp môn thực tập và cùng thực tập với tăng thân của họ. Pháp môn phải chứng tỏ là có hiệu quả và có khả năng chuyển hóa thì đời tu học mới có hạnh phúc. Cũng như ở các trường y khoa, khoa học, mỹ thuật, sinh viên phải thực tập và thực tập phải thành công, Viện Phật Học cũng là một tu viện trong đó người học tăng phải thực tập cho thành công, nghĩa là chuyển hóa được khổ đau nội tâm và thiết lập được liên hệ tốt đẹp với các thành phần khác của tăng thân. Từ ba tháng đến sáu tháng mà không thấy có chuyển hóa gì trong thân tâm thì ta biết là pháp môn ta thực tập chỉ có giá trị hình thức. Ta phải lập tức đi cầu cứu với thầy và với bạn.

Hạnh phúc bây giờ

Khi có Bồ Đề Tâm, nghĩa là có cái ước muốn lớn thương người và độ đời, là chúng ta đã bắt đầu có hạnh phúc. Dầu ngoài trời có lạnh, dầu hoàn cảnh có khó khăn, dầu khổ đau còn đầy dẫy, nhưng nếu đã có năng lượng Bồ Đề Tâm trong ta thì ta đã có sức ấm và nghị lực để có thể đương đầu với mọi thứ khó khăn và đó đã là một cái hạnh phúc rồi. Ta có một con đường đi, và ta quyết tâm đi trên con đường ấy, điều này đã là hạnh phúc. Có những người không thấy đường đi, không biết mình phải đi về đâu. Những người ấy sống rất bơ vơ và trống lạnh. Đó là những người đau khổ. Có Bồ Đề Tâm là đã có một điều kiện căn bản của hạnh phúc.

Con đường Bụt dạy là con đường có thể đem lại hạnh phúc cho ta ngay vào giờ phút đầu của sự tu học. Chúng ta không cần phải đợi năm năm hay mười năm sau mới có hạnh phúc. Giáo pháp của Bụt rất mầu nhiệm; đó không phải là một hứa hẹn hão huyền về tương lai, đó không phải là cái mà ta chỉ có quyền tin; trái lại đó là điều ta có thể thực chứng. Giáo pháp của Bụt có tính cách ‘‘hiện thân thọ chứng’’, nghĩa là với cái thân thể của mình đây, mình có thể sờ mó được, kinh nghiệm được nó một cách trực tiếp. Tiếng Pali là sanditthika. Ditthi là thấy, thấy bằng chính con mắt của mình. Có khi ta dịch là ‘‘ư hiện pháp trung’’, nằm ngay ở trong giây phút hiện tại. Ta không phải đợi năm hay mười năm, vì khi ta bắt đầu nắm lấy giáo pháp ấy để tu tập, giáo pháp ấy có hiệu quả ngay lập tức. Ta thấy được cái an lạc ngay trong khi ta thực tập. Giáo pháp của đức Thế Tôn lại có tính cách vượt thoát thời gian, akalika. Có thể dịch là ‘‘bất quán thời nhật’’. Tiếng Anh là ‘‘it’s not a matter of time’’. Ngay lúc sư chú nắm lấy hơi thở và thở trong chánh niệm thì sư chú đã thấy được cái giá trị của hơi thở chánh niệm, đã thấy được cái hiệu năng của hơi thở chánh niệm. Sự thực tập có hiệu lực trên thân và tâm của sư chú liền lập tức, và sư chú có thể có hạnh phúc ngay trong giờ phút đó. Nếu đã tu ba năm hay năm năm mà ta vẫn không thấy có hạnh phúc gì, thì điều đó chứng tỏ rằng ta đã không được học và tu trong một môi trường thích hợp. Ta không có một vị thầy có thể chỉ cho ta những pháp môn tu học để ta có thể có hạnh phúc ngay từ thuở ban đầu. Ta không có tăng thân để soi sáng và nâng đỡ cho ta trong sự thực tập hằng ngày và ta cũng không có pháp môn tu học. Không có thầy và không có tăng thân thì ta rất khó thành công. Khi ta không cảm thấy có hạnh phúc trong đời tu học và nếu đời sống cứ kéo dài như thế thì Tâm Bồ Đề của ta sẽ bị soi mòn. Đó là sự lỗ lã lớn nhất trong cuộc đời người tu. Nếu một người tu đánh mất Bồ Đề Tâm của mình thì người tu đó được coi như là đã chết. Dầu người đó còn đi, còn đứng, còn ăn, còn ngồi, còn tụng kinh, nhưng thật sự người đó đã chết.

Kiến thức không phải là tuệ giác

Tuệ giác không phải là cái mà ta có thể thu thập được từ sách vở hay kinh điển mà là hoa trái của công phu thực tập. Thiền sư Huệ Năng là một người không có bằng cấp. Nhưng tại sao người ta đã tới nườm nượp với thiền sư để tu học? Đó là vì thiền sư có trí tuệ lớn, có hiểu biết lớn. Hiểu biết lớn này không phải do một trường đại học trao truyền, cũng không phải là do một Viện Phật Học đào tạo un đúc. Đó là hoa trái của sự tu tập và quán chiếu. Sư anh Nguyện Hải của nhiều vị ở đây cũng không có bằng cấp. Quý vị đã từng sống với Sư anh ở đạo tràng Mai Thôn và đã thấy Sư anh phát tuệ chỉ nhờ phép thực tập chánh niệm. Sư anh đã có thể làm những điều mà các sư em có bằng cấp tiến sĩ hay là cử nhân vẫn chưa làm được. Tuệ là cái được phát sinh ra do công trình tu học chứ không phải do công trình nghiên cứu. Khi có tuệ thì nhìn vào bất cứ một khổ đau nào, một vấn đề nào hay là một kinh điển nào, ta cũng có thể thấy được những điều mà những người khác không thấy. Cái này không do học hỏi. Tinh ba của đời tu học là nếp sống nội quán, nếp sống nội tĩnh, luôn luôn chiếu ánh sáng chánh niệm của mình vào bên trong. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, nghe, nhìn, ăn, uống, ta phải lấy ánh sáng của chánh niệm để chiếu vào đối tượng thì tự nhiên trong mỗi giờ mỗi phút của đời sống hằng ngày ta có thể sống sâu sắc và ta bắt đầu thấy được những điều mà người khác không thấy. Đó là phép lạ của ánh sáng chánh niệm. Ta thực tập được phép gọi là ‘‘hiện pháp lạc trú’’, sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Nếu sư chú tu cho đúng phép, thì ngay trong tuần lễ đầu sư chú đã có hạnh phúc trong đời sống hằng ngày rồi. Đây là hiện pháp lạc trú. Đi vào nhà bếp, mỗi bước chân của sư chú đều có thể đem lại hạnh phúc cho sư chú. Trong khi lau nhà cầu, sư chú an trú trong chánh niệm, sư chú thấy lau nhà cầu cũng mầu nhiệm như ngồi thiền và sư chú có hạnh phúc. Mỗi động tác, mỗi ngôn ngữ, mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi bước chân của người tu cần được đi theo chánh niệm. Đây không phải là lao tác mệt nhọc. Ta không đày ải ta hoặc bắt buộc ta làm một cái gì mà ta không thích. Mỗi bước chân chánh niệm là do ta tự ý bước với hơi thở chánh niệm của ta. Một bước chân như thế sẽ đem lại cho ta rất nhiều an lạc. Ta bước như bước trên Tịnh độ. Ngay trong tuần lễ đầu ta đã biết bồi đắp và vun bón sự vững chãi và thảnh thơi của ta. Một sư chú hay một sư cô trong khi đi, đứng và làm việc mà có sự vững chãi và thảnh thơi thì đã chứng tỏ là có hạnh phúc rồi, dầu các vị chưa thọ giới lớn, chưa được làm giáo thọ. Không cần phải đợi thọ giới lớn, không cần phải đợi làm Hòa Thượng, chỉ cần làm một Sa di là đã có thể có hạnh phúc. Đó là thực tập theo nguyên tắc hiện pháp lạc trú mà Bụt đã chỉ dạy. Nội cái chuyện ta giữ được niềm tin của ta là ta đã có hạnh phúc rồi. Có những người không có niềm tin. Có những người không có đức tin nơi thầy, nơi sư anh, sư chị và sư em của mình. Có những người không có đức tin nơi con đường của mình đi. Đi trên con đường tu học, nếu mỗi ngày ta có thể bồi đắp thêm được một chút thảnh thơi, vững chãi và an lạc thì càng ngày niềm tin của ta càng lớn và chính cái đó làm cho ta có hạnh phúc, dầu cho ta có ăn thiếu một chút hoặc mặc thiếu một chút. Còn nếu không có niềm tin ấy và hạnh phúc ấy thì dù có dư giả tài vật, chùa to, Phật lớn, bổn đạo ra vào nườm nượp, mình vẫn không có hạnh phúc như thường.

Tu cho mọi người

Còn gia đình? Còn xã hội? Người xuất gia không lẽ chỉ lo cho một mình thôi sao? Sự kiện ta đang sống với tư cách của một người xuất gia trong tăng thân và sự kiện mỗi giây phút ta đang thực tập vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc đã bắt đầu có tác dụng lập tức trên đời sống của gia đình ta và của xã hội ta rồi. Quý vị nào đã xuất gia, đã tu tập thì cũng đã chứng thực được điều đó. Trong chiếc áo của một người xuất gia, nếu ta đi được từng bước chân thảnh thơi, nếu ta ngồi được vững chãi, nếu ta tu học có hạnh phúc với tăng thân, thì dầu gia đình ta có đang bị rối rắm hay lung lay đến mấy cũng sẽ bắt đầu an định trở lại, tuy ta chưa trực tiếp làm gì cho gia đình ta cả. Cái quý nhất mà người xuất gia có thể hiến tặng cho gia đình là sự an lạc, vững chãi và thảnh thơi của mình, là tuệ giác và đạo đức của mình, chứ không phải là đi làm, đi bán thời gian để gởi tiền về mà gọi là giúp được gia đình. Những người xuất gia có hạnh phúc luôn luôn trở thành vị lãnh đạo tinh thần của gia đình mình; các vị có uy tín tinh thần, các vị có khả năng giải quyết được những hiện tượng rối rắm, chia rẽ, xung đột hay lung lay của gia đình các vị. Điều đó đã được chứng tỏ liên tiếp từ trường hợp này đến trường hợp khác. Ta ngồi yên đó, có vững chãi và thảnh thơi thì gia đình ta sớm muộn gì cũng sẽ được chuyển hóa, huống hồ là ta trực tiếp can thiệp vào bằng những pháp môn tu học. Còn nếu ta ăn không yên, ngồi không vững trong chiếc áo tu của ta thì gia đình ta sẽ còn tiếp tục lộn xộn. Khi trông thấy một người tu, một sư chú, một sư cô, vững chãi, thảnh thơi, đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai và an lạc, những người ngoài xã hội đã bắt đầu cảm thấy ấm lòng, trong trái tim của họ bắt đầu có tin tưởng và hạnh phúc. Trong buổi nói chuyện công cộng tại nhà Mutualité ở Paris tuần trước, khi tôi nói pháp thoại thì trên bục có khoảng bốn chục các thầy và các sư cô ngồi rất vững chãi, thảnh thơi và tự tại. Quý vị ấy tuy không nói pháp thoại, nhưng quý vị cũng đang nói pháp thoại bằng cách thức có mặt của mình. Trong số một ngàn hai trăm người ngồi nghe, có khoảng mười phần trăm là người gốc Việt, và có vị đã kể lại rằng khi nhìn thấy các sư chú và sư cô ngồi thảnh thơi và an lạc như vậy nhiều người đã khóc, đã cảm động, đã hạnh phúc. Những điều các vị ấy chưa làm được thì nay các sư chú, sư cô đã và đang làm được cho họ. Đó là một niềm an ủi rất lớn cho các vị ấy. Chúng ta tu không phải là để cho riêng chúng ta, chúng ta tu là tu luôn cho tổ tiên, gia đình và con em chúng ta. Chúng ta cũng tu cho mọi người trong xã hội. Xã hội có thêm một người tu hạnh phúc thì phẩm chất đời sống của xã hội đã được nâng cao thêm. Vì vậy cho nên môi trường thuận lợi của người tu là môi trường trong đó ta có thể thực tập được chánh niệm. Có nhiều chùa chỉ biết sử dụng tài năng của người xuất gia để làm cho chùa có chân đứng vững vàng trong thành phố, nhất là những người xuất gia này đã có một ít học thức và tài năng ngoài đời. Khi các người này xuất gia, thầy trụ trì thường hay sử dụng tài năng của người ấy để lo điều hành việc chùa như làm thư ký, sử dụng máy điện toán, làm thủ quỹ, làm tri khách. Chùa nào cũng cần một người tri khách giỏi, có tài ngoại giao, một người có tài quản lý và tính toán. Vào chùa mà có những tài năng như thế thì ta thường được vị sư trưởng sử dụng, do đó ta trở thành rất quan trọng. Ta trở thành cánh tay phải của thầy. Có khi không có mình thì thầy sẽ cảm thấy như bị bó tay và không làm gì được. Đó là một tai nạn lớn cho người xuất gia. Cứ sống và phục vụ cho chùa như thế, mình sẽ có thể trở thành một vị quản lý giỏi, một vị viện chủ giỏi đấy. Mình có thể thành công như là một người lãnh đạo tổ chức, nhưng mình sẽ thất bại với tư cách một người xuất gia. Mình không trở thành một vị đạo sư có thể độ mình và độ người. Đó là một sự oan uổng cho chính mình, cho gia đình mình, cho cả thầy mình và cho cả tăng thân nữa. Vì vậy cho nên khi đi xuất gia, ta phải nhớ rằng cái tài năng phục vụ tổ chức của ta là thứ yếu. Ta phải để hết tâm lực của ta vào chuyện thực tập. Ta phải tập đi, tập đứng, tập nói, tập cười, tập ăn, tập thở; ta phải thực sự đi vào pháp môn hiện pháp lạc trú. Ta phải bồi đắp và vun bón cái vững chãi, cái thảnh thơi và cái an lạc của ta ngay từ những ngày đầu của cuộc đời tu học. Sử dụng tài năng của ta để làm việc cho chùa, điều đó tuy là cần thiết, có thể đem lại cho mình cái cảm tưởng là mình quan trọng, mình đang đóng vai trò của một bậc hộ pháp, nhưng điều đó cũng là một điều rất nguy hiểm. Mình có thể đang cô phụ cái chí lớn xuất gia của mình, đang cô phụ Bồ Đề Tâm của mình. Cho nên các vị mới xuất gia cần được khuyến khích là phải để hết cái tinh lực của mình vào trong việc thực tập hành trì chánh niệm. Trong khi chấp tác để phục vụ tăng thân và cơ sở tu học, phải xem chấp tác là sự thực tập, mỗi động tác và mỗi bước chân đều phải được soi sáng bởi chánh niệm. Đừng bao giờ ta để công việc lôi kéo ta đi vào thế giới của thất niệm.

Hạnh phúc và chánh niệm

Bản chất của giới luật là chánh niệm. Nếu đã từng học hỏi và thực tập năm giới quý báu thì quý vị đã biết rằng tất cả năm giới đều phát xuất từ chánh niệm, tức là từ cái thấy và cái nhận biết của mình. Vì có chánh niệm về những khổ đau gây ra do việc không giữ giới cho nên ta đã phát nguyện giữ giới. Giới là sự biểu hiện cụ thể của chánh niệm. Ví dụ ta biết rằng ăn uống không cẩn thận sẽ gây ra khổ đau trong cơ thể. Nhờ chánh niệm ấy mà ta bắt đầu ăn uống trở lại cho đàng hoàng. Cái đó gọi là giới. Tất cả các giới, dầu là năm giới hay mười giới hay hai trăm năm mươi giới, đều phát sinh từ chánh niệm cả. Kinh dạy người xuất gia trong năm năm đầu nên chuyên môn học hỏi và thực tập giới luật. Điều này có nghĩa là người mới tu phải biết thực tập chánh niệm cho thật vững chãi. Giới luật không phải là những gò bó có tính cách hình thức; giới luật phải có chánh niệm làm nội dung. Chánh niệm nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra bây giờ trong giờ phút hiện tại. Đi thì biết là đi, ngồi thì biết là ngồi, nói thì biết là nói, nghe thì biết là nghe. Chánh niệm là Bụt, là năng lượng soi sáng cho từng giây phút của cuộc sống hằng ngày. Trong nếp sống chánh niệm ta có hạnh phúc. Trong những giây phút thực tập chánh niệm, Tâm Bồ Đề của ta được vận hành và nuôi dưỡng. Tâm Bồ Đề không phải là một khối năng lượng nằm yên trong ta. Một chiếc đồng hồ khi đã được lên giây thì liên tiếp chạy đều cả đêm ngày. Chánh niệm cũng thế. Nó là một thứ năng lượng điều khiển đời sống hàng ngày của ta. Nếu ta không phạm giới thì đó không phải là do ta cực nhọc tranh đấu để giữ giới, mà tại vì trong ta có Bồ Đề Tâm. Tại vì ta biết rằng nếu ta phạm giới thì tất cả sẽ tan nát hết. Cái ước vọng lớn của ta sẽ không thành. Nếu một chú Sa di không phạm giới thứ ba, không phải vì sư chú ấy đã cực nhọc tự đè nén mình để giữ giới, mà tại vì trong chú có tình thương. Cái tình thương ấy, cái chí nguyện ấy lớn quá nên sư chú biết rõ rằng nếu sư chú đi ngủ với một người phụ nữ thì cuộc đời tu hành của sư chú sẽ bị tan nát hết và cái chí nguyện lớn của sư chú cũng không bao giờ thành tựu được. Không những trong khi phạm giới, sư chú phá hoại đời tu của mình mà sư chú cũng phá hoại cuộc đời của người kia và gây thiệt hại cho gia đình và cho tăng thân của sư chú. Sở dĩ ta giữ giới được là nhờ ta có cái tâm thương yêu. Ta thương ta, ta thương gia đình ta, thương xã hội ta, thương thầy ta, thương tăng thân ta, thương nếp sống giải thoát của ta cho nên ta không phạm giới. Phạm giới là chết, nghĩa là chấm dứt đời sống và chí nguyện của một người xuất gia. Sở dĩ sư chú có cái biết đó là tại vì sư chú có chánh niệm. Chánh niệm ấy phát xuất từ tâm thương yêu. Nó là một nguồn năng lượng vĩ đại đã thúc đẩy ta trở thành một người xuất gia. Nguồn năng lượng này quan trọng vô cùng. Ta đừng để nó bị soi mòn trong cuộc sống hằng ngày. Thất niệm (lãng quên) là yếu tố làm soi mòn Tâm Bồ Đề của ta.

Ngay từ buổi đầu, người xuất gia trẻ đã được chỉ dẫn thực tập uy nghi trong sinh hoạt thiền môn; phải học đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, quơ dép, rửa tay, làm thị giả, v.v… như thế nào để mỗi cử động và tư thế đều phản chiếu được nếp sống vững chãi, thảnh thơi và ung dung. Nhưng uy nghi mà không phát xuất từ chánh niệm thì uy nghi chỉ là giả trang thiền tướng, nghĩa là chỉ có hình thức bên ngoài. Chánh niệm là bản chất của uy nghi. Không những chánh niệm là bản chất của uy nghi, chánh niệm còn là bản chất của giới luật và của cảnh sách. Bốn cuốn luật gọi là luật tiểu của các vị Sa di và Sa di ni đều là những hình thái thực tập chánh niệm.

Nếu trong đời sống hằng ngày người xuất gia có hạnh phúc, nếu môi trường xuất gia thuận tiện thì ngày nào người xuất gia cũng nuôi lớn Bồ Đề Tâm của mình. Nếu tu mà có hạnh phúc, an ổn và thảnh thơi, thì những dục lạc của thế gian không có đủ sức để làm cho người xuất gia xiêu đổ. Không có một thứ dục lạc nào ở ngoài thế gian có đủ sức mạnh hấp dẫn mình và kéo mình ra khỏi đời tu. Còn nếu ta đang thất bại trong chùa, nếu ta đang khổ đau với thầy và với anh chị em trong tăng thân, nếu ta đang nghi ngờ và giận hờn anh chị em trong tăng thân, thì đó quả là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Người xuất gia trong trường hợp ấy sớm muộn gì cũng sẽ chấm dứt đời sống xuất gia của mình. Ta đã biết môi trường rất quan trọng. Người tu không thể ở một mình. Người tu không có thể tu học mà không có thầy, không có bạn. Người tu không thể chạy theo một cái ước muốn riêng, như đi học ở ngoài đời để cố thi đậu một cái bằng cấp. Nếu tôi không muốn các sư chú và các sư cô đi công tác Phật sự một mình, đó không phải là vì tôi nghi ngờ khả năng của sư chú hay của sư cô, cũng không có nghĩa là vì tôi không tin vào học trò của tôi, nhưng vì tôi biết rất rõ là khi được cùng đi với tăng thân thì sư cô hoặc sư chú sẽ vững mạnh hơn nhiều lắm.

Sơ tâm là hảo tâm

Hủy hình phi pháp phụcCát ái, từ sở thânXuất gia hành Phật đạoNguyện độ nhất thiết nhân

Đó là bốn câu thơ rất đẹp ca ngợi chí hướng người xuất gia. Hủy hình có nghĩa là hủy bỏ cái vẻ đẹp trần tục bên ngoài. Tóc mình xanh mướt như vậy, nhưng mình đã cạo sạch. Phấn son và vòng xuyến, tất cả những thứ ấy mình đã gạt bỏ. Đó là một hành động rất cách mạng. Chỉ khi nào có một năng lượng rất lớn trong lòng thì người ta mới làm được chuyện ấy. Phi pháp phục tức là khoác lên chiếc áo pháp, nghĩa là áo của người tu. Cát ái tức là cắt đứt mọi ân ái buộc ràng. Ái ân lưới nọ dang tay xé. Đó là một câu trong bài kệ truyền đăng tôi đã trao cho Sư chị Chân Viên Quang. Ta thấy đời sống lứa đôi không phải là cái hoài bão lớn của ta. Ta muốn làm hạnh phúc không phải cho một người mà cho rất nhiều người. Vì vậy ta không muốn bị vướng kẹt vào lưới tình ái. Vì vậy cho nên ta nói với người kia rằng anh muốn đi trên con đường của một vị Bồ Tát để có thể thương được tất cả mọi người, trong đó có em. Hoặc là ta nói với người kia rằng em muốn đi trên con đường của một vị Bồ Tát, em muốn hiến tặng trái tim này cho tất cả mọi người, trong đó chắc chắn là có anh. Đó gọi là cát ái, để không còn bị sợi giây ái ân ràng buộc. Mình chỉ cần một lát kéo và sợi dây ấy đứt. Đó là ý nghĩa của hành động cạo sạch mái tóc. Đó là ý nghĩa của hai chữ hủy hình. Từ sở thân là từ giã những người thân của mình, trong đó có cha mẹ, anh chị và em mình. Tại sao mình phải xa cha, xa mẹ, xa anh, xa em mà đi tu? Đó là tại vì mình có chí nguyện lớn. Những người đi làm cách mạng cũng chỉ làm như vậy mà thôi, nghĩa là cũng phải cát ái từ sở thân. Người đi tu đích thực là một nhà cách mạng. Người đi tu có một hoài bão lớn. Vì vậy cho nên người ấy có đủ năng lượng để chặt đứt sợi dây tình ái. Xuất gia hành Phật đạo là ra khỏi cái nếp sống gia đình để đi trên con đường của Bụt. Nguyện độ nhất thiết nhân là thề nguyền thương yêu và độ thoát cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ lo cho hạnh phúc một người. Khi đi lấy chồng hay là đi cưới vợ, người ta chỉ nguyện làm hạnh phúc cho một người, và mai này cho ba bốn người là nhiều, nhưng chưa chắc gì người ta đã làm được. Trong cuộc nhân sinh này, lắm khi sống với nhau chỉ có hai ba người mà người ta cũng tạo ra địa ngục cho nhau. Người xuất gia phải hết lòng trân quý tự do của mình. Nếu vướng vào vòng tình lụy, nếu đánh mất tự do của mình rồi thì người xuất gia đâu còn làm hạnh phúc cho ai được? Biết bao là hệ lụy, chìm đắm và khổ đau. Vì thấy được điều đó nên ta xót thương. Vì muốn có khả năng cứu vớt họ cho nên ta đã đi xuất gia. Ta thấy cái khổ tràn ngập quanh ta. Ta không muốn đi vào trong những nẻo đường tăm tối đó. Ta muốn đi tìm một con đường sáng, muốn tìm cách cởi trói cho ta và sau đó đi vào trong nhân gian để cứu giúp độ thoát cho người. Ước muốn này là Tâm Bồ Đề, là nguồn năng lượng lớn, hay tâm thương yêu lớn. Không phải là mình hết thương người mình thương. Không phải là mình bỏ người mình thương. Chỉ là vì mình không muốn thương bằng thứ tình thương chiếm hữu, hệ lụy, sầu đau. Thương như thế chỉ là để làm khổ cho nhau. Mình muốn tiếp tục thương, nhưng với một thứ tình thương mà trong đó cả người thương và người được thương đều bảo trì được toàn vẹn tự do của nhau, tự do cho nhau; một thứ tình thương có khả năng hiến tặng niềm vui và chuyển hóa đau khổ. Đây là thứ tình thương Bụt dạy. Hiến tặng niềm vui mà không gây khổ lụy là Từ. Chuyển hóa khổ đau là Bi. Tình thương mà không hệ lụy, tình thương mà trong đó tự do còn được bảo trì nguyên vẹn là Xả. Trong tình thương này, những người thương chỉ hiến tặng cho nhau niềm vui, mà không bao giờ kéo nhau vào vòng bi lụy. Đó là Hỷ. Chính vì muốn thương với tình thương mầu nhiệm ấy mà ta đã phát nguyện sống đời xuất gia.

Tôi có dịch tạm bài thơ trên, nhưng vì dịch thành bốn câu hơi khó nên tôi đã dùng tới sáu câu:

Bỏ cái đẹp trần thếCắt đứt dây ái ânXuất gia mặc áo phápTừ giã những người thânĐi trên đường của BụtNguyện độ hết xa gần

Bài dịch này tuy nói được hết ý của nguyên văn, nhưng không có được cái hùng tráng của nguyên văn. Bài thơ này cũng là để ca ngợi Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là nguồn năng lượng căn bản cho người xuất gia. Nuôi dưỡng được nguồn năng lượng ấy thì dầu ở bên ta đang có bão tố, có sấm chớp, có muôn vạn khó khăn, ta vẫn còn có thể đứng vững được. Người xuất gia phải làm hết tất cả những gì mình có thể làm để bảo vệ Tâm Bồ Đề. Như ta đã biết, động lực thúc đẩy ta đi xuất gia là Bồ Đề Tâm, tức là tâm thương yêu. Nguồn năng lượng đẹp đẽ này có khi cũng được gọi là Sơ Tâm, nghĩa là Tâm Buổi Ban Đầu. Tâm Buổi Ban Đầu là một trái tim tốt lành còn nguyên vẹn, còn lành lặn, còn nóng hổi, còn đẹp đẽ. Ta phải giữ gìn trái tim ấy cho mẹ, cho cha, cho tất cả mọi người, mọi loài, cho Bụt, cho Pháp và cho Tăng. Mà phương thức hay nhất để giữ gìn nó là sống và thực tập trong một môi trường thuận lợi. Tôi có phước duyên gìn giữ được sơ tâm. Tôi cầu mong quý vị cũng sẽ giữ được trái tim đẹp đẽ ấy mãi mãi, ngàn đời.

____________________________________________

Pháp thoại nói ngày 2 tháng 5 năm 1996 tại Làng Mai

Từ khóa » Hạnh Người Xuất Gia