Cảm Nhận Bài Thơ “Người Dệt Tầm Gai” Của Vi Thùy Linh
Có thể bạn quan tâm
(19:22 15 thg 10 2009. 9 Lượt xem)
Yêu thương, hạnh phúc, hờn ghen, nhớ nhung,…là những cung bậc cảm xúc bất biến tạo nên sự hấp dẫn kì diệu của tình yêu. Bởi vậy tình yêu luôn trở thành cảm hứng dồi dào nhất của thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. Thơ tình yêu cũng muôn màu muôn vẻ, từ sự hờn ghen cao cả của Tôi yêu em (Puskin), sự yêu thương trong sáng trong Thuyền và biển (Xuân quỳnh) đến sự lâm li diễm lệ của Hai sắc hoa tigôn (TTKH),… tất thảy đều mục đích chung khắc họa chân dung tình yêu. Đến thời điểm hiện nay, nữ thi sĩ trẻ Vi Thùy Linh, bằng sức trẻ sôi nổi, cũng hăm hở đóng góp vào bộ sưu tập ấy những chân dung tình yêu mới. Bài thơ Người dệt tầm gai là một bài thơ tiêu biểu như thế của chị.
Nếu đánh giá bài thơ Người dệt tầm gai của Vi Thùy Linh, tôi không cho rằng đây là một tác phẩm độc đáo to lớn về nội dung hay nghệ thuật. Trên thực tế, để đánh giá một tác phẩm thơ cho đúng đắn thì cần thiết đòi hỏi những kĩ năng chuyên môn sâu sắc cùng một lượng thời gian hợp lí. Bởi vậy ở đây, tôi đơn giản chỉ muốn đề cập đến một câu chuyện tình yêu cùng những cung bậc cảm xúc tinh vi của nó. Đồng thời, tôi cũng liên hệ so sánh với một số tác giả, tác phẩm thơ trước hoặc cùng thời để thấy được một số nét nghệ thuật tiêu biểu của cây viết thơ trẻ Vi Thùy Linh.
Vi Thùy Linh là một nhà thơ tuổi đời còn khá trẻ, nhưng với phong cách hiện đại và độc đáo, cô gái mảnh dẻ mới hơn 20 tuổi đầu đã trở thành “hiện tượng Vi Thùy Linh” vào năm 1998. Với danh hiệu này, nữ thi sĩ Vi Thùy Linh đã thực sự có chỗ đứng vững chắc trong nền thơ ca Việt Nam đương đại. Tuyển tập các tác phẩm thơ Đồng Tử (2005), Linh (2000) và Khát (1999) của nhà thơ đã nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của người đọc đặc biệt là giới trẻ. Yêu mến nhiều nhưng ác cảm cũng lắm. Người khen hết lời mà người chê thì cũng mạnh mẽ. Nhưng đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Bởi tác phẩm của chị đã không bị quên lãng. Nó đã có đời sống và số phận của nó. Đối với sự sáng tạo nghệ thuật, sợ nhất là sự im lặng. Một tác phẩm ra đời mà không gây nên tiếng vọng nào thì cũng chỉ như hạt cát ném vào sa mạc, rút cục là bị quên lãng mà thôi.
Dù trở thành hiện tượng cách đây đã hơn 10 năm, nhưng dường như sức nóng của những tác phẩm Vi Thùy Linh vẫn chưa giảm xuống. Đọc thơ Vi Thùy Linh, ta vẫn thấy mới mẻ, vẫn mạnh mẽ và hứa hẹn những ý nghĩa mà ta chưa thể khám phá hết. Tâm hồn thơ phong phú của chị đã tạo nên những vần thơ nóng bỏng, tinh tế và đầy gợi cảm. Người dệt tầm gai là một bài thơ tiêu biểu. Bài thơ được làm theo thể thơ tự do, bởi vậy nó không bị gò ép, qua đó cảm xúc của nhà thơ được thể hiện chân thực và tinh tế hơn. Người dệt tầm gai là một bài thơ tình diễn tả nỗi nhớ và sự chờ mong khắc khoải của người con gái khi yêu. Nó chất chứa cái thiếu thốn ngàn đời của trái tim, chất chứa cái đong đầy ngàn đời của khao khát yêu đương mê đắm. Các cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu được khúc xạ qua từng câu, từng chữ trong bài. Bất cứ người con gái nào khi yêu cũng có thể tìm thấy một phần bản thân của mình trong đó. Vi Thùy Linh đã nói thay, nói hộ cho tâm trạng của biết bao người con gái.
Bài thơ mở đầu với sự xuất hiện của một không gian đặc biệt: Không gian xa cách. Chỉ bằng một câu thơ duy nhất, nhà thơ đã vẽ lên một không gian xa cách đầy thương nhớ giữa “em” và “anh”:
“Chúng mình ở hai miền”
Chúng mình là một đại từ nhân xưng chỉ sự kết hợp giữa em và anh. Nó nhất quán thể hiện sự gắn bó gần gũi giữa hai con người yêu nhau. Nhắc tới chúng mình là ta nghĩ ngay đến sự đoàn tụ. Vậy mà ở đây, chúng mình lại được đặt trong không gian “hai miền” – không gian xa cách, chia lìa. Điều đó khiến cho người con gái đau đớn và cô phải yếu đuối thú nhận:
“Ngày nào em cũng khóc”
Khi yêu tất yếu ai cũng có khao khát được ở bên cạnh người mình yêu thương. Đối với người con gái, điều này còn quan trọng hơn cả bởi con gái cần lắm sự chiều chuộng chở che. Vậy mà người con gái trong bài thơ phải chịu đựng cảnh chia lìa. Nhưng cũng chính bởi vậy mà tình yêu trong cô càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tình yêu, nỗi nhớ, sự xa cách đã hợp lại tạo nên sự khao khát mãnh liệt như những con sóng. Bởi vậy mà dường như lúc này, không gì có thể ngăn cản cô gái hòa tan bản ngã trong tình yêu của mình:
“Anh yêu của em
Em yêu anh cuồng điên
Yêu đến tan cả em ra”
Ở mỗi thời đại khác nhau con người ta có cách thể hiện tình yêu khác nhau. Qua rồi cái thời yêu thương nhung nhớ kín đáo nhẹ nhàng “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, một người chín nhớ mười mong một người” (Nguyễn Bính), thơ tình ngày nay có cách thể hiện tình yêu mạnh bạo hơn với những ý tưởng ngày càng lạ hơn. “Yêu đến tan cả em ra” thể hiện một thứ tình yêu vô điều kiện, yêu đến tôn thờ, yêu đến độ sẵn sàng hòa tan mình, dâng hiến bản thân mình cho đến giới hạn cuối cùng.
Hai câu thơ đầu tiên thật ngắn nhưng cũng thật đầy đủ để dựng lên một không gian ngập căng nỗi nhớ. Đó là sự súc tích trong ngòi bút của Vi Thùy Linh . Đối với việc tạo dựng thời gian nghệ thuật trong bài, Vi Thùy Linh cũng tận dụng triệt để thủ pháp này. Chị tạo dựng thời gian nghệ thuật bằng ba câu thơ:
“Ngày dài hơn mùa”
“Ngày nối ngày bằng hi vọng”
“Mỗi ngày dài hơn một mùa”
Ba câu thơ trên là ba câu thơ đặc sắc được thể hiện theo hình thức của nguyên lí song song. Nhưng ý đồ nghệ thuật của tác giả tập trung ở hai câu “Ngày dài hơn mùa” và “Mỗi ngày dài hơn một mùa”. Sự lặp đi lặp lại của cụm từ “ngày dài” có tác dụng tạo nên ấn tượng thời gian lặp đi lặp lại, bất biến. Nó diễn tả tâm trạng chán chường của người con gái trước sự trôi chảy của thời gian. Với cô, mỗi ngày không có anh là mỗi ngày giống nhau, buồn tẻ và dài đằng đẵng. Ẩn sau ba câu thơ ta như nghe được tiếng thở dài của một tâm hồn mệt mỏi và tuyệt vọng. Bằng chứng là câu thơ “ngày dài hơn mùa” so với câu thơ “mỗi ngày dài hơn một mùa” đã gia tăng về số lượng câu chữ, tính từ chỉ số lượng “mỗi” “một” xuất hiện. Chỉ khi sự chờ đợi đã lâu dài đến độ đủ thiêu đốt trái tim thì cô gái mới có thể thẫn thờ ngồi đếm thời gian như vậy. Ở đây sự chờ đợi tuyệt vọng được gia tăng tỉ lệ thuận với cấp độ thời gian. Nếu câu thơ thứ nhất đơn thuần chỉ thời gian thì câu thơ sau đã mang theo đầy đủ tâm trạng của cô gái: Mệt mỏi, khắc khoải và tuyệt vọng.
Từ không gian, thời gian đầy cảm xúc, nhà thơ dần dần dẫn dắt người đọc bước vào thề giới tâm trạng của nhân vật trữ tình. Mặc dầu không gian, thời gian hết sức quen thuộc trong thơ Việt Nam nhưng với biểu tượng thơ, Vi Thùy Linh đã táo bạo chọn cho mình một biểu tượng rất lạ lẫm và mang đậm phong vị cổ tích. Nếu ta từng quen thuộc với các loại biểu tượng tình yêu như hoa hồng, trái tim, sôcôla,..thì ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp biểu tượng tình yêu trong bài thơ này. Đó là tầm gai. Tầm gai vốn là một loài cây dùng để kéo sợi, hình dạng xấu xí lại vô cùng nhiều gai. Vậy mà Vi Thùy Linh lại chọn nó làm biểu tượng của tình yêu. Nhưng nếu ta biết đến câu truyện cổ tích về nàng Lidơ may áo bằng sợi tầm gai thì ta sẽ không còn ngạc nhiên nữa. Xưa kia nàng công chúa Lidơ xinh đẹp tuyệt trần may áo bằng sợi tầm gai để giải thoát các anh trai mình khỏi lốt chim thiên nga do lời nguyền của mụ phù thủy độc ác. Áo may xong cũng là lúc nàng giải thoát cho các anh, đồng thời đạt được hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời : có được người mình yêu thương. Có lẽ câu truyện cổ tích cảm động này là nguồn cảm hứng chính để Vi Thùy Linh viết Người dệt tầm gai. Biểu tượng tầm gai xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần trong bài thơ, trở thành nỗi ám ảnh không ngừng trong tâm trí người đọc. Tầm gai trở thành biểu tượng cho tình yêu, cho hạnh phúc mà cô gái đeo đuổi bằng tất cả sự nhiệt tình và khao khát của mình. Như nàng Lidơ dệt áo tầm gai với những ngón tay rớm máu, nhân vật trữ tình trong bài thơ khao khát dệt nên hạnh phúc bằng niềm vui và cũng bằng cả nỗi buồn, nỗi đau:
“Em nhẫn nại chắt chiu từng niềm vui Nhưng lại gặp rất nhiều nỗi khổ Truân chuyên đè lên thanh thản Ôi sự trái ngược – những sợi tầm gai ! Không kỳ vọng những điều lớn lao Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ những nỗi buồn – những sợi tầm gai – không ai nhìn thấy”
Có một nghịch lí đắng cay trong những câu thơ trên. Cô gái khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc và gồng mình lên để đấu tranh cho hạnh phúc ấy. Nhưng cuối cùng thì cô lại chỉ nhận được “rất nhiều nỗi khổ” bởi chính thứ hạnh phúc cô đang đeo đuổi đã trở thành một camboorang, khi không thể mang lại hạnh phúc, nó quay lại đâm ngược vào chính trái tim cô:
“Gai tầm gai đâm em đau đớn Em chờ anh mãi… Tưởng chừng không thể vượt qua nổi cái lạnh, em đã khóc trên hai bàn tay trầy xước
Những giọt tâm hồn thấm xót mười ngón tay rớm máu”
Mỗi câu thơ đều mang nặng nỗi cô đơn xót xa đến tột cùng. Phải từng trải, phải thẩm thấu được nỗi đắng cay của sự thất bại trong tình yêu thì mới có thể viết lên được những câu thơ gợi cảm đầy xót xa đến vậy. Hình ảnh “hai bàn tay trầy xước” cũng được lặp lại tới hai lần, lần nào cũng tràn ngập cảm xúc. Đó là sự chuyển hóa thành nỗi đau tinh thần thành nỗi đau thể xác. Điều này khiến cho nỗi đau trở nên cụ thể, rõ nét hơn. Không phải là nỗi đau tột cùng nhưng nó cứ ám ảnh và day dứt trong tâm hồn cô gái. Điều này còn khó chịu hơn cả. Cách thể hiện trên của Vi Thùy Linh còn đồng thời tạo cho người đọc có thể cảm nhận được một cách sâu sắc hơn tâm trạng của nhân vật.
Vi Thùy Linh đã vận dụng dày đặc những tính từ “cuồng điên”, “mong mỏi”, “nông nổi”, “thảng thốt”,…. Đồng thời sử dụng những động từ mạnh “tan”, “run”, “nấc”, “đè” để bổ sung vào đó những trạng thái tình cảm phức tạp của nhân vật. Đó là tâm trạng yêu thương trong hi vọng có xen lẫn nhiều hơn tuyệt vọng. Mỗi từ ngữ, câu chữ được đặt đúng vị trí của mình một cách tinh tế và tài tình. Đó chính là cái tài của nhà thơ. Bởi như chính nhà thơ đã tâm sự “Tôi cho rằng viết “Tôi đang vui, tôi đang buồn, đang thất vọng” thì người nào đó biết chữ cũng có thể viết ra. Những người đã mang chữ “sĩ” – nghệ sĩ, thi sĩ hay họa sĩ, văn sĩ thì phải biết thể hiện trang thái và thế giới và con người một cách khác thường…Nhà thơ phải đem đến cho người đọc những rung cảm mới đầy tinh tế, phóng khoáng và mãnh liệt”.
Bài thơ là một bản nhạc với đủ các cung bậc cảm xúc. Cuối bài thơ, cảm xúc của thi sĩ dâng lên đến cực điểm:
“Dệt tầm gai đến bao giờ? Mỗi ngày dài hơn một mùa Dệt tầm gai đến bao giờ?”
Sự lặp lại của câu hỏi là biểu hiện của một sự vô vọng. Vô vọng trong tình yêu xa cách của người con gái đối với người con trai, vô vọng trong nỗi cô đơn cùng cực. Bởi vậy câu “dệt tầm gai đến bao giờ?” lặp đi lặp lại thành nỗi ám ảnh. Câu thơ cuối cùng lại là sự lặp lại của những câu thơ trước:
“Về đi anh! Cài then những ngón tay trầy xước của em bằng Anh!”
Đây là sự thành công của tác giả trong sự vận dụng cấu trúc trùng điệp. Thủ pháp nghệ thuật này phát huy hiệu quả cao độ trong việc khắc họa tâm trạng rối ren phức tạp của nhân vật. Hai câu thơ cuối đã chuyển bài thơ từ trạng thái khao khát mong nhớ sang trạng thái van lơn. Dường như lúc này nhân vật trong bài thơ đã không thể tiếp tục gồng mình lên để chịu đựng được nữa mà chấp nhận sự bất lực của mình và van lơn được lành lặn những nỗi đau xa cách. Phải chăng đó là bi kịch của kiểu tình yêu “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”(Xuân Diệu)?
Bằng thủ pháp tạo dựng không gian, thời gian, biểu tượng cùng hệ thống ngôn ngữ mang tính chọn lọc, Vi Thùy Linh đã khắc họa thành công thế giới tâm trạng của một người con gái khi yêu. Chủ đề của bài thơ không mới nhưng bằng cách thể hiện độc đáo, ta trực tiếp cảm nhận được một luồng không khí văn thơ mới mẻ. Nếu đa phần trong số các bài thơ của chị nghiêng về bút pháp diễn đạt tâm trạng bằng những hình ảnh giàu tính nhục thể thì bài thơ này không thế. Đây là một bài thơ giản dị, trong sáng với những hình ảnh đẹp và lạ. Chính bởi vậy mà bài thơ nhận được nhiều lời khen ngợi hơn là chê trách. Bài thơ còn được nhạc sĩ Ngọc Đại phổ nhạc bằng những giai điệu nồng nàn, nóng bỏng, đó là ca khúc Dệt tầm gai. Ca khúc được đông đảo bạn trẻ biết đến và yêu mến.
Người dệt tầm gai là một bài thơ tình giàu nữ tính và cảm xúc. Bài thơ đem đến cho người đọc những cảm nhận mới trên nền đề tài tình yêu quen thuộc. Người đọc yêu bài thơ bởi sự gợi cảm tinh tế của nó và bởi nếu đã từng đọc qua, không ai có thể quên được những câu thơ đẹp và lạ cứ mãi ám ảnh tâm trí:
“Về đi anh Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi anh”
“Về đi anh! Cài then những ngón tay trầy xước của em bằng Anh!”
-
- Ngô Gia Lạc
- 03:06 6 thg 6 2010
-
- Ngô Gia Lạc
- 03:05 6 thg 6 2010
-
- AKAY
- 06:05 8 thg 4 2010
Share this:
Related
Từ khóa » Sự Tích Dệt Tầm Gai
-
Đọc Truyện Cổ Tích Bầy Chim Thiên Nga - Andersen - Doc Truyen Co Tich
-
CÂU CHUYỆN TẦM MA GAI – XƯA CÓ NGƯỜI NUÔI DƯỠNG TÌNH ...
-
Chuyện Cổ Andersen 'Bầy Chim Thiên Nga': Chân, Thiện Và Nhẫn ...
-
Vụ Dệt Tầm Gai - VnExpress
-
Bài Thơ: Người Dệt Tầm Gai (Vi Thuỳ Linh) - Thi Viện
-
Đôi Dòng Cho Vi Thuỳ Linh – Người đàn Bà Dệt Tầm Gai Thành Thơ
-
Em Dệt Tầm Gai đến Bao Giờ?
-
Cây Tầm Ma Không Chỉ Có Trong Truyện Cổ Tích
-
Bầy Chim Thiên Nga - Truyện Cổ Tích
-
Người Dệt Tầm Gai – Thi Phẩm Xuất Sắc Của Nhà Thơ Vi Thùy Linh
-
Bài Thơ "Người Dệt Tầm Gai" Của Nhà Thơ Vi Thùy Linh
-
Người Dệt Tầm Gai - Vi Thuỳ Linh - THƯ VIỆN VĂN HỌC
-
Sự Tích Con Tằm - Kho Tàng Truyện Cổ Tích Chọn Lọc
-
Dệt Hồn áo Dài Từ Sợi Tầm Gai - Báo Kinh Tế đô Thị