Đôi Dòng Cho Vi Thuỳ Linh – Người đàn Bà Dệt Tầm Gai Thành Thơ
Có thể bạn quan tâm
Đôi dòng cho Vi Thuỳ Linh – Người đàn bà dệt tầm gai thành thơ
Tháng Một 7, 2012 at 2:12 sáng Bình luận về bài viết này
Đôi dòng cho Vi Thùy Linh – Người đàn bà dệt tầm gai thành thơ
“Nếu tác phẩm của tôi có giá trị, nó sẽ sống ngay cả khi tôi
chết”. Đó là một trong những câu trả lời rất thẳng thắn và
tự tin của nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh trong một cuộc phỏng
vấn của báo VnExpress. Không phải bất cứ người cầm bút
nào cũng có thể “cao giọng” được như “Người đàn bà dệt
(Phạm Ý) tầm gai”.
Đó phải là người biết được giá trị đích thực của những đứa con tinh thần của mình và cao hơn hết phải biết được ngòi bút của mình đang đứng ở “tầm” nào. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng khen ngợi: “Phải nói Vi Thùy Linh là người dũng cảm và tự tin. Thơ chị có nội lực. Chị vịn vào nội lực ấy mà đứng dậy trên hai chân của mình và sáng bằng nước mắt. Đọc chị, ta luôn có cảm giác rợn ngợp như đang đứng trước một ngọn núi lửa vừa mới tuôn trào với một sức mạnh không thể ngăn cản nổi”. Nhà thơ Nhật Chiến cũng từng phải thốt lên: “Với Khát Vọng sống, Khát vọng yêu và Khát Vọng sáng tạo luôn tràn đầy trong tâm thế, cây bút trẻ này vượt lên bằng cá tính thơ của mình để cùng những nhà thơ trẻ hôm nay báo hiệu một ngày mới đang đến với nền thi ca đương đại Việt Nam”. Đó cũng là nguyên nhân khiến sự xuất hiện của Vi Thùy Linh chỉ “nháy mắt” đã trở thành một “hiện tượng” (chữ dùng của Nguyễn Huy Thiệp) trong nền thi ca đương đại Việt Nam. Được đánh giá là “con ngựa chữ dậy thì”, hay “người dệt tầm gai thành thơ”, Linh đã “ướp” nàng thơ bằng một thứ “thảo dược” vô cùng lạ và hấp dẫn, khiến nhiều người điên đảo nhưng cũng có kẻ nguýt dài vì nó quá khác, quá lạ. Tuy có nhiều nhận xét và đánh giá trái chiều như thế, song khi vừa ra mắt tập thơ đầu tiên thì Vi Thùy Linh đã khẳng định ngay chỗ đứng của mình trong thi đàn, để rồi liên tiếp sau này, ViLi cho xuất bản thêm những tập thơ khác, cũng “hot” không kém KhAt trước đó, như Linh, Đồng tử, Vili in love, Phim đôi tình tự chậm... Vi Thùy Linh là điềm dự báo một bước đi mới của những người trẻ, những người biết thay đổi và thể hiện, chứng tỏ mình.
Vi Thùy Linh – thi sĩ nữ quyền
“Đa số các nhà văn nữ đều cho biết, họ không nghĩ đến vấn đề giới tính trong lúc sáng tạo tác phẩm. Khi viết, họ chỉ đơn thuần viết về những gì họ quan tâm. Nhưng, như một tất yếu, tác phẩm của nhà văn nữ ít nhiều thể hiện “tính nữ” của họ”. (Lê Thiếu Nhơn – Văn nghệ trong nước: Vấn đề nữ quyền, đừng chỉ mua vui khán giả). Thực vây, mỗi nhà thơ, nhà văn khi cầm bút đều muốn viết những xúc cảm, những rung động thực của mình trước hiện thực cuộc sống. Đối với những nghệ sĩ thuộc phái yếu, họ luôn trăn trở với những vấn đề liên quan tới cuộc sống thường ngày, đó là con cái, gia đình, người đàn ông… Mỗi tác giả khi đặt bút xuống đều “gài” vào trong đó những suy nghĩ, trăn trở ấy. Vì thế, ít hay nhiều họ đều được xem là những nhà “nữ quyền”. Các nhà văn nữ nói lên tiếng nói của những người phụ nữ trong xã hội, cũng là tiếng nói của chính mình, nhờ thế xã hội có thể nhìn thấy được những mơ ước, khát vọng thầm kín của người phụ nữ mà trong đời thường họ không dễ bộc lộ, cũng như không dễ được chấp nhận. Trong lịch sử văn học Việt Nam, những tác phẩm mang màu sắc nữ quyền đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII, mà Hồ Xuân Hươnglà một ví dụ điển hình. Tới giai đoạn sau này, vấn đề nữ quyền được chú ý, trên văn đàn xuất hiện nhiều cây bút đi theo hướng này. Trong số đó có Vi Thùy Linh, cô đã viết nên những bài thơ mang đậm bản chất nữ giới, không chỉ mạnh bạo đề cập đến tính dục, đến sex, mà cô còn bằng ngòi bút năng động, trẻ trung và sắc sảo của mình viết nên những vần thơ ưu ái giới nữ. Là cây viết xuất hiện vào buổi mà thi ca đã quá già mà người đến với văn chương bằng tâm hồn son trẻ còn thưa vắng. Vi Thùy Linh như người lái đò dám “bươn” tới những khúc thác gập ghềnh, hiểm trở mà những vị khách ngồi chung thuyền đang ngần ngại, lo lắng, có kẻ muốn quay lại bến cũ nhưng cũng có người muốn “liều” cùng cô một chuyến. ViLi đã đi tìm hướng đi mới, không vin dựa vào truyền thống, không viết theo tiếng gọi của “bầy đàn”, chị “chịu chơi” và đã leo lên địa hạt đối nghịch với những cái cũ được mặc định bằng cái tên “phong tục” của thi ca dân tộc. Trẻ và bạo là những tính từ để bao quát lại những điều mà ViLi nói được trong thơ mình. Chị viết bằng cả con người thật của mình, không trau chuốt, đánh phấn pha son, hay diêm giúa trang hoàng, chị trước hết là ViLi – cá tính. Cái “tôi” thật nhất, cái “tôi” Vi Thùy Linh nhất, dường như chị không viết gì khác mình, khác cái dòng máu 8X sục sôi trong thân thể mình. Bởi cuộc sống hiện đại với những đổi mới không ngừng, ViLi cũng thể nghiệm mình không ngừng. Thơ chị cũng như con người chị đều luôn luôn bất định, cựa quậy, “động” ở mức tối đa, để làm nên một Vi Thùy Linh nhiều diện mạo, nhiều sắc thái, nhiều tính cách đan cài vào nhau. Nhưng tất cả cái nồng nàn, lửa cháy, hay “dữ dội và dịu êm”, mới mẻ và hiện đại đều quyện hòa, giao thoa với nhau trong cơ thể 8x tạo nên một ViLi độc đáo, không lẫn trộn, pha tạp vào bất cứ chỗ nào thơ chị chạm đến. Đó là một biệt tài của cô gái trẻ mang trong mình tiếng nói “Người”, “đàn bà” nhất. Biểu hiện của nữ quyền trong thơ Vi Thùy Linh ở việc đề cập những ám ảnh về tính dục và ái quyền, chúng đều xuất hiện với tần suất không nhỏ và có giá trị lớn về mặt nội dung và cách thể hiện trong suốt tất cả những tập thơ của chị.
Thơ Vi Thùy Linh- những trận bạo động tình
Tính dục trong thơ không phải chỉ mới xuất hiện gần đây, mà trước đó Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu… đã nhắc đến tuy với tần suất không lớn. Bước sang thơ hiện đại, các nhà thơ trẻ đã mạnh bạo khai thác vấn đề “nhạy cảm” này một cách triệt để. Tiêu biểu là năm cô gái nhóm Ngựa Trời, nhóm Mở Miệng, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Quyến hay Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến… Cũng không nằm ngoài guồng quay đó, Vili cũng viết về sex, nhưng với một “chất” mới, như Văn Giá đã khái quát là:“Xuyên suốt các tập thơ của Vi Thùy Linh là hình ảnh người nữ – kẻ thèm khát chiếm lĩnh cái tuyệt cùng”. Cái tuyệt cùng ấy có lẽ không có gì thay thế hơn sex.
“Thơ Vi Thùy Linh- những trận bạo động tình”. Là nhan đề bài phê bình của nhà phê bình Nguyễn Trọng Bình, ông đã nhận ra ở một khía cạnh rất đời của thơ Vili là tình dục. Ông đánh giá khá cao những bài thơ mang đậm bản chất dục tính của cô. “Là người phụ nữ của thế kỷ 21, người phụ nữ của thời hiện đại, ý thức được nỗi đau chung về thân phận của người phụ nữ nên Vi Thùy Linh theo tôi, đã “rất quyết tâm và quyết đoán” làm những cuộc “bạo động” trong tình cảm nhằm trước hết là để “giải phóng” cho những “cơn khát tình” rất lạ trong chính con người chị và sau đó là để “giải thích” cùng với mọi người mong tìm một sự đồng cảm, sẻ chia. Cho nên, mới có chuyện Vi Thùy Linh – một cô gái, “một thiếu phụ hai mươi tuổi”, một người đàn bà xưng “em – bí mật” nhưng “sau – những – gì – nhìn – thấy” thì cũng không có gì là “bí mật” nữa”
Với ngòi bút “dám” hướng về những vấn đề nhạy cảm, Vili đã viết bằng cả cảm xúc thực nhất của mình. Đó là tiếng nói đòi quyền được yêu, được chung đụng xác thịt, đối với người đàn bà ấy, tình yêu không chỉ dừng lại ở cảm xúc, tinh thần mà nó là sự thăng hoa của tình dục, của sex. Hai con người đến với nhau bằng tình yêu và cả sự ham muốn tình dục. Vili đã nâng tình yêu lên mức tột đỉnh, lên ngưỡng tối đa nhất, “Tình yêu trong thơ Linh vì thế, luôn là một sự “ngọ ngoậy”, hay “đòi hỏi” và “sẵn sàng dâng hiến” cũng như rất can đảm và bản lĩnh đón nhận mọi bất trắc hay những nghiệt ngã của cuộc đời miễn sao có thể “thỏa mãn” và “giải phóng” những “cơn khát tình” rất cháy bỏng và thành thật của mình là được” (Nguyễn Trọng Bình)
Một đêm căng tròn muốn vỡ
Phát điên, nhớ cái hôn phát điên
Tiếng nói mê (từ – những – ngày – thủy – triều -dâng)
Kéo ngã mấy sợi tóc bạc
(Chân dung)
Cái độc đáo nhất trong thơ chị chính là sự chân thành gần như là tuyệt đối và hiếm có trong xúc cảm thơ so với khá nhiều những nhà thơ khác. Một sự chân thành rất quan trọng cho bất cứ ai muốn trở thành thi sĩ, trở thành nghệ sĩ. Đến với thơ Vi Thùy Linh là đến với những xúc cảm thật trước tình yêu, trước cuộc sống. Nỗi nhớ đến với chị như đang “phát điên”, quằn quại trong nỗi nhớ… Những nỗi niềm con gái ấy được giãi bày rất đẹp, rất tình “kéo ngã mấy sợi tóc bạc”.
Đôi ta khỏa thân chiều nắng, dập dềnh sóng cỏ lau xây xước
Phiến môi dính cỏ
Và mắt chứa chan buồn…Giao cảm tê người
Điện trường nối khí quyển yêu
Da nóng rực, môi ướt
Đầm đìa
(Yêu Anh, 19 tuổi)
Những câu miêu tả về tinh dục nhẹ nhàng và đầy chất thơ, không trần trụi, không “hớ hênh”, trắng trợn kiểu:
mỗi ngày
tối nằm
đít mềm
& ấm
cũng có lúc vú mát & săn
lưỡi lè cứng những phương trời thổn thức
thì không
(Hà Nội đêm phải gió– nhóm Mở Miệng)
Nhưng nó cũng không ngần ngại, e ấp kiểu “mượn gió bẻ măng” như thi sĩ Xuân Quỳnh:
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
(Sóng- Xuân Quỳnh)
Thơ cô bắt người đọc phải tưởng tượng, phải suy nghĩ dù cô đang nói tới những điều giản đơn, thường tình nhất. Hồn thơ người đàn bà trẻ cựa quậy, hoạt đỗng dù ngay khi nó nằm yêu trên trang giấy. Mỗi câu thơ, mỗi từ ngữ, mỗi hình ảnh đều mang một sự “bứt phá” nhưng “đẹp trong khuôn khổ”:
Đắm đuối em
Đôi mắt Anh
Mang bình minh và bóng tối
Khi em hôn mắt Anh, mắt trong mắt Anh
Khi em nằm nơi Anh,
Khi áp vào tai Anh,
Khi em hòa trong toàn vẹn Anh,
Không còn biết một chấn động nào hơn
Anh xoáy vào em
Cơn lốc .
(Đôi mắt Anh)
Nói đến tình dục nhưng người đọc khó có thể mường tượng ra những cảnh “nóng”, mà chỉ thấy những hình ảnh gợi cảm, và tạo nên bức tranh tình ái ngọt ngào, mặn nồng. Vi Thùy Linh đã tạo nên những nốt nhạc cho luyến ái thêm quyến rũ. Vì thế không quá khó khăn, Linh đã sáng tạo ra hàng loạt hình ảnh về cặp môi người tình khi yêu: Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi Anh (Người dệt tầm gai), Sao Anh không làm khô nước mắt em bằng đôi môi Anh (Nói với Anh), Đời bộn bề, chỉ cuốn theo lối môi (Phía tây, nơi bắt đầu), Đôi môi khao khát và luyến tiếc (Đôi môi giữa trời), môi bùng lửa (Trinh tĩnh), môi nhập môi (Chờ tháng tư), Slow môi/ Nàng ký “V” bằng lưỡi (Dây đàn 50 vĩ cầm), Đại lộ dài như một cơn hôn (Hôn Việt Trì)… Và không dừng lại ở hôn, Vili đã đẩy khúc giao hoan lên tột đỉnh, chị sinh ra là để phá vỡ các giới hạn. Trong tình yêu, hôn chưa đủ. Chị gọi bằng nhiều cách gọi khác nhau, khi thì nói ẩn nói tránh, khi lại nói trực diện, nhưng hầu hết đều là cách nói nhã: hợp lưu (Hôn Việt Trì), Anh xoáy vào em/ Cơn lốc (Đôi mắt Anh), Mình đã hợp cẩn từ bản nguyên khí lực (Chờ tháng tư)… Càng về sau này, những cảnh làm tình được trở đi trở lại trong khá nhiều bài thơ của thi sĩ với mức độ nhiều ít khác nhau, nhưng tất cả đều là những biểu tượng đẹp, có thể nói là “dục tính nhã nhặn”
Run rẩy hôn Anh sông gió
Hàng hàng cây hoàng hôn tán tròn kết những mâm sương lớn, rung vỡ ngọc chuông chiều tím
Sóng cỏ lau xào xạc quệt ký ức
Sóng mở hai bờ giọng của sông dự cảm
(Yêu anh- 19 tuổi)
Quỳ trong đêm, em cởi mình
Sao Anh không làm khô nước mắt em bằng đôi môi Anh
(Nói với Anh)
Khỏa thân trong chăn
Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần Anh gối lên đùi
Mình ôm lấy Anh ôm mình
Biết sự bình yên của mặt đất
(Chân dung)
Như vậy, qua những thước phim cận cảnh về tình yêu đôi lứa qua cái nhìn thể xác, như hôn, ôm, nằm, ngủ, ấp… Vili đã nâng tất cả những hình ảnh về cuộc “làm tình” thành biểu tượng.Tình yêu của cô không phải là kiểu tình yêu lãng mạn kiểu “hồn ta nghe ý bạn/ Lần đầu rung động nỗi thương yêu”(Xuân Diệu), cũng không phải là thứ tình yêu nhục dục, giống loài mà nó là sự quyện hòa giữa yếu tố tình cảm thiêng liêng và sự hòa hợp thể xác. Đó mới thực sự là tình yêu bền chặt.
Như vậy, tính dục trong Vili là một “tôn giáo” mà ở đó hai cá thể hòa trộn vào nhau, để cùng tận hưởng những phút giây hạnh phúc, những thoáng thăng hoa của tình dục. Mỗi cảnh tình tứ đều được Vili đặt trong không gian thiên nhiên cũng tình tứ như con người:
Căn phòng thành Venise hay chính nàng
Vinise in ViLi
Giọng chim quyên lan đi
Vĩnh Yên vĩnh yên vĩnh yên vĩnh yên
Mây liếm cong trăng
Nước xanh theo lá, lá biếc như sao, sao tan vào mắt
Giang tay xoải chân rạng rỡ
Vang lộng phương phương tiếng Nàng
Em yêu Anh
yêu anh
yêu Anh…”
(Vinise in Vi Li)
Nhờ vậy, tình yêu trong thơ Linh được nới rộng, mở ra, thoát khỏi các giới hạn trần thế thông thường. Tình dục được nâng lên tột đỉnh của cái “đẹp”. Đó là một thứ “nghệ thuật” của riêng Vili mà thôi.
Thơ Vi Thùy Linh được nhiều người đánh giá là táo bạo, là mạnh tay, gây sốc nặng so với thơ cũ cũng như thơ đương đại. Cô đã thành “con chim- ngứa cổ hót chơi” , nhưng hót thứ tiếng của tương lai, của cái mới, … Vì thế không ít người khen hết lời nhưng cũng có những lời trách móc nặng nề trước lối viết “dũng mãnh” của VILI. Là phía yếu, là người Á đông, thơ Vili có chất nhẹ nhàng, dịu ngọt, có đoạn rất “nữ tính”, nhưng cô cũng có sôi nổi, mạnh bạo. Đọc thơ Linh vừa có cái bong đùa, bỡn cợt của cô thiếu nữ, vừa có cái mạnh mẽ, cuồng nhiệt của người đàn bà từng trải. Cái hay của thơ Vili có lẽ ngoài cái “lạ” ra thì còn bởi chất “Đàn Bà” sâu sắc, và rõ nét. Đó chính là tính dục trong thơ Vili. Nó không quá lộ liễu để trở nên thô thiển, không quá e ấp để trở nên khuê các, nó đủ mạnh mẽ để trở thành cá tính, đủ dịu dàng để mê hoặc kẻ chime ngưỡng. Đó mới thực sự là yếu tố dục tính trong thơ, để tạo nên giá trị nghệ thuật thực sự. Tồn tại trong giai đoạn các nhà thơ trẻ ồ ạt, lao vào lãnh địa của xác thịt, của mơn trớn, của làm tình và sex… Vili đã dựng một “bức bình phong” đủ lớn để không làm lâu đài thơ nghiêng ngả vào cõi trụy lạc, vô văn hóa. Nó đã có sức sống, và tạo được những giá trị được gọi bằng tên “nghệ thuật”. Vili không vin dựa vào tính dục để tạo ảnh hưởng, kiểu gây scandan, hay mạnh tay biến nó thành làn sóng trong đọc giả, Vi Thùy Linh chỉ nói lên những khao khát người nhất, tự nhiên nhất của một người đàn bà, người tình. Có thể khẳng định, chị nói, viết nhiều về tính dục nhưng thơ chị, ý nghĩa sâu xa của nó không hề bị chi phối, ảnh hưởng của dục tính. Đó mới thực sự là thơ hay. Đó là “triết lý” về tình yêu, tình yêu sẽ bền chặt, sắt son, mặn mà hơn khi giao thoa, bắt nhịp được với tình dục. Một tình yêu không tình dục là tình yêu vô nghĩa, ngược lại tình dục không tình yêu thì giả dối.
Tóm lại, nói đến tiếng nói nữ quyền trong thơ Vi Thùy Linh, chúng ta không thể không nhắc đến yếu tố dục tính. Đó là một cách thể hiện đầy đủ nhất những khát khao con gái, mà qua đó có thể nói rằng thơ Vi Thùy Linh chính là sự lên tiếng của thân phận người nữ trong một xã hội hiện đại khao khát muốn được sống một cuộc sống chói sáng với tư cách: người tình. “Vi Thùy Linh là một biểu tượng giải phóng phụ nữ trong thơ!”(Nguyễn Trọng Bình). Trong Song thoại với cái mới, Inrasara nhận xét phong cách Vi Thùy Linh: “Say mê yêu, tự do biểu lộ và mạnh dạn viết. Mạnh bạo, quyết liệt và sẵn sàng dung tục nếu cần”. Ông cũng khẳng định: “Vi Thùy Linh có được hơi thở khá lạ…, nỗ lực làm mới mang tính cá thể”. Vi Thùy Linh đã trở thành một hiện tượng lạ trong đời sống văn học đương thời. Thơ chị như một cơn giông tố cuốn vào tất cả, mang theo tất cả.. Đến với thơ Vi Thùy Linh ta cảm và hiểu hơn về cuộc sống này, chị không lấy chất thơ để tô hồng hay bôi đen thực tại, mà cuộc sống như tự phơi trần bao nhiêu điều tốt đẹp lẫn xấu xa, chị có cách triết lí mới lạ về cuộc sống, phía trước là bầu trời… ở đấy có vinh quang, có hiểm họa. Đó là chất xúc cảm thực của cô gái thế hệ 8x, năng động nhưng vô cùng nhạy cảm, khao khát mà vô cùng tinh tế, đầy mơn trớn mà vô cùng e ấp, đầy dục tính, sex mà vô cùng kín đáo, bí mật…
Vi Thùy Linh dũng cảm khai hoang con đường thơ mới mẻ và đầy bất trắc, nội dung và hình thức thơ đều có những biến đổi đáng kể, đầy cá tính , phá cách. Chị góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa thi ca dân tộc. Một lần nữa chúng ta cần khẳng định : “Vi Thùy Linh là một đại diện đáng kể nhất, thậm chí còn là nguy hiểm nhất. Vì sao vậy? Vì gì thì gì, Vi Thùy Linh đang là một thi sĩ nổi danh, đang là một nàng Jan Da trong thế giới hình nhi thượng của văn học nước nhà” (Nguyễn Huy Thiệp).
Dẫu con đường đến với thơ ca không dễ dàng, Vili và không ít nhà thơ trẻ đã vấp phải những đòn kháng cự “chí mạng” từ quan niệm, từ hủ tục, từ rào cản hiểu biết… Nhưng với những đóng góp và phát hiện mới lạ của thơ chị, chắc chắn rằng thơ chị sẽ không bao giờ lẻ loi, đơn độc. Xin trích lại lời “tán thán” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để khép kết thúc cho bài tiểu luận, bởi dầu có viết, có biện hộ, hay kháng cự thì “một bông hồng vẫn là một bông hồng” – thơ mãi vẫn là thơ; “Vi Thùy Linh đang thẫn thờ sắp xếp lại mình. Đừng thẫn thờ nữa mà phải nhanh nhẹn sắp xếp lại mình. Cuộc đời còn ở phía trước. ở tuổi 20 thì những nổi nênh chỉ là trò cười dưới mắt những người từng trải. Vi Thùy Linh là một hiện tượng trong thơ Việt Nam. Cũng là một tiếng thơ lạ. Vi Thùy Linh mới chỉ bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường thơ truân chuyên gian khó của mình. Phía trước là bầu trời… ở đấy có vinh quang, có hiểm họa. Hãy tin ngày mai trong sự ngây ngất. Cũng chẳng cần thông minh hơn nhiều, so với tuổi. Cũng chẳng cần già hơn nhiều, so với tuổi. Dư luận cũng nên rộng lòng dù giả tạo, cá sấu còn biết khóc. Còn hơn những kẻ vô tâm. Những nhà thơ trẻ rất cần sự nâng đỡ về tinh thần, tình cảm, cần sự chỉ dẫn của những người đi trước. Bài viết này như một cử chỉ cho thấy không phải dư luận lãng quên Vi Thùy Linh”. (Nguyễn Huy Thiệp)
PHẠM Ý ( Tp HCM)
Chia sẻ:
Có liên quan
Entry filed under: 3- NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH.
Từ khóa » Sự Tích Dệt Tầm Gai
-
Đọc Truyện Cổ Tích Bầy Chim Thiên Nga - Andersen - Doc Truyen Co Tich
-
CÂU CHUYỆN TẦM MA GAI – XƯA CÓ NGƯỜI NUÔI DƯỠNG TÌNH ...
-
Cảm Nhận Bài Thơ “Người Dệt Tầm Gai” Của Vi Thùy Linh
-
Chuyện Cổ Andersen 'Bầy Chim Thiên Nga': Chân, Thiện Và Nhẫn ...
-
Vụ Dệt Tầm Gai - VnExpress
-
Bài Thơ: Người Dệt Tầm Gai (Vi Thuỳ Linh) - Thi Viện
-
Em Dệt Tầm Gai đến Bao Giờ?
-
Cây Tầm Ma Không Chỉ Có Trong Truyện Cổ Tích
-
Bầy Chim Thiên Nga - Truyện Cổ Tích
-
Người Dệt Tầm Gai – Thi Phẩm Xuất Sắc Của Nhà Thơ Vi Thùy Linh
-
Bài Thơ "Người Dệt Tầm Gai" Của Nhà Thơ Vi Thùy Linh
-
Người Dệt Tầm Gai - Vi Thuỳ Linh - THƯ VIỆN VĂN HỌC
-
Sự Tích Con Tằm - Kho Tàng Truyện Cổ Tích Chọn Lọc
-
Dệt Hồn áo Dài Từ Sợi Tầm Gai - Báo Kinh Tế đô Thị