Cảm Nhận Về Ca Khúc Chị Tôi Của Trần Tiến - Báo Hà Tĩnh

Ảnh minh họa từ kenh14.vn

Ảnh minh họa từ kenh14.vn

Đã có rất nhiều ca sỹ nổi tiếng chọn bài hát này để thể hiện nhưng với tôi, người trình bày hay nhất chính là nhạc sỹ Trần Tiến. Hình ảnh người nhạc sỹ ôm đàn ghi ta ngồi cô đơn trên sân khấu và cất giọng trầm trầm hát: Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong/ Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không/ Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ cầu Ðông í a/ Chị tôi chưa lấy chồng...

Những câu hát bắt đầu kể về cuộc đời một con người mà thanh âm vang lên đã thấm đẫm nỗi cô đơn thì ắt hẳn đó cũng là một cuộc đời không nhiều nỗi vui. Và hình ảnh về một người chị hy sinh tuổi thanh xuân của đời mình đã hiện ra rõ nét sau những câu hát mộc mạc mà da diết đến thắt lòng: Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo/ Mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi/ Chị thương hai đứa em thương mẹ già còn đau í a/ Chị tôi chưa lấy chồng/ Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi không còn thơ ngây/ Chị lại lo các em chuyện chồng con/ Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a/ Chị tôi chưa lấy chồng.

Âm nhạc trong ca khúc này chỉ là sự lặp những âm điệu đơn giản, mộc mạc như chính ca từ mà có tác dụng điêu khắc hiệu quả. Một làng quê quạnh vắng, yên bình với những cuộc đời lam lũ, giản đơn. Ở đó, người dân sống và hy sinh cho người thân như một lẽ tự nhiên. Và người chị gái trong bài hát đã thay mẹ, hy sinh cho các em mình rất lặng lẽ. Sự lặp lại của câu hát Chị tôi chưa lấy chồng như một nỗi ân tình của đứa em trải qua bao dãi dầu sương gió, giờ nghĩ lại day dứt khôn nguôi. Dù không nói nhưng ẩn sâu trong ca từ chính là niềm kính trọng vô ngần của đứa em đối với chị.

Xuyên suốt ca khúc là nỗi cô đơn buồn tẻ của thân phận một người phụ nữ đầy đức hy sinh. Tưởng như đến khi người chị có ý định lấy chồng thì hạnh phúc đã mỉm cười nhưng có lẽ cô đơn là số phận đeo bám cuộc đời chị: Rồi một đêm sáng trong có một người đàn ông qua/ Họ về xây chiếc cầu nối bờ sông/ Gặp chị tôi dễ thương mới xin lời cầu hôn í a/ Chị cũng muốn lấy chồng. Niềm vui chỉ lấp lánh phía trên như ánh trăng phủ trên mặt nước rồi tan biến một cách nhanh chóng: Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu/ Để chị tôi ngóng chờ mắt lệ nhòa/ Hàng cau đau trái cau bao lá trầu buồn rơi theo/ Chị tôi chưa lấy chồng.

Nếu ai đã xem và nghe Trần Tiến hát sẽ cảm nhận được nỗi đau như thấm rịn qua từng âm sắc của giọng hát, sẽ thấy được nỗi nhớ nhung khôn cùng qua ánh mắt, qua cách gảy từng dây đàn của người em. Nhiều năm xa cách xa tôi trở về làng quê thăm/ Nhìn hàng cau xác xơ lá trầu khô/ Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mênh mông/ Mộ người chưa có chồng/ Mộ người trinh nữ như cánh hoa quỳnh rụng trong đêm/ Mộ người chưa có chồng/ Chị tôi chưa lấy chồng. Những đứa em đã hồn nhiên đón nhận sự hy sinh của chị mà quên mất rằng, chị cũng cần được sống đời riêng, cần được hạnh phúc, vui vầy. Mải mê với những phiêu bạt đường đời, những đứa em đã lãng quên mình có người chị đáng thương ở làng quê. Chia sẻ với chị chỉ là dòng sông, bến nước, chỉ là hàng cau, cây trầu.

Đến đây thì nhạc sỹ đã tìm được sự đồng cảm trong trái tim thính giả. Cả một đời quên mình, lặng lẽ làm người mẹ thứ 2 cho các em, cuối cùng, chị cũng ra đi trong cô đơn và lặng lẽ. Bài hát là nỗi day dứt của những đứa em đã trót có những lúc lãng quên về sự hy sinh của chị, đã trót mải mê với gió bụi mà quên ngày trở về. Bài hát còn là sự thức tỉnh đối với những đứa em đang hồn nhiên đón nhận sự hy sinh của những người chị.

Dẫu cho không gian của thời bấy giờ đã khác, sự hy sinh cũng mang màu sắc khác những nỗi niềm mà Chị tôi khơi lên trong trái tim người nghe vẫn mãi vẹn nguyên mỗi lần âm nhạc vang lên. Và tôi, mỗi mùa phụ nữ tới lại lặng lẽ mở bài hát này nghe để gửi tặng các chị - những người phụ nữ lặng lẽ nơi làng quê, nơi phố xá đang sống cô đơn mà hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.

Từ khóa » Bài Thơ Chị Tôi Chưa Lấy Chồng