Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc – “Chị Tôi” – Khuyết Danh & Trần Tiến
Có thể bạn quan tâm
Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc kinh điển “Chị Tôi” của một Thi sĩ khuyết danh và Nhạc sĩ Trần Tiến.
Về nguồn gốc của thi phẩm “Chị Tôi” theo thông tin trong bài “Về cầu Đông nghe bài hát ‘Chị Tôi’ ” của ông Nguyễn Cao Tấn thì tác giả bài thơ này chính là một cựu sinh viên ở Trường Đại Học Xây Dựng (không rõ danh tánh) viết về cuộc đời của tác giả và người chị cả của mình. Cho đến năm 1980 thì NS Trần Tiến dùng bài thơ này phổ thành nhạc phẩm “Chị Tôi”. Nguyên tác bài thơ theo thể lục bát mở đầu bằng 4 câu:
Nhà tôi nằm ở ven sông Chiếc cầu nho nhỏ cong cong giữa đồng Hàng cau với lá trầu không Chị tôi đem bán cầu Đông sớm chiều…
Về phía NS Trần Tiến mình vẫn chưa nghe thấy anh nói gì về chuyện này.
Nhạc sĩ Trần Tiến tên thật Trần Việt Tiến, anh vừa là ca sĩ, vừa là một nhạc sĩ dòng nhạc trữ tình Việt Nam. Anh sinh ngày 16 tháng 5 năm 1947, ở một thôn bên dòng Sông Đáy, Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Tây, trong khi gia đình anh đang chạy càn quân Pháp.
Anh sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở Hà Nội. Sau 1954, do gia đình anh nằm trong thành phần tư sản, cơ hội học hành của anh ban đầu bị hạn chế. Theo lời anh từng kể, anh đã trải qua thời trẻ sống lang thang trong những ngõ nhỏ Hà Nội.
Trần Tiến có người anh ruột là ca sĩ Trần Hiếu, thân sinh của ca sĩ Trần Thu Hà.
Năm 16 tuổi, Trần Tiến làm hậu đài cho Đoàn Ca Múa Hà Nội. Sau một năm tự học, anh trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn và đi biểu diễn ở vùng tuyến lửa lúc bấy giờ như Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Năm 1971, Trần Tiến bị sốt rét ác tính và trở ra Bắc. Anh theo học tại Nhạc Viện Hà Nội, tốt nghiệp khoa thanh nhạc và sáng tác năm 1978.
Năm 1987, anh thành lập ban nhạc rock Đen Trắng và lưu diễn dọc đất nước. Một số bài hát trong chương trình biểu diễn Đối thoại 87:
1. “Ý Nghĩ Trong Phòng Hải Quan”
2. “Đồng Hồ” – một bài hát trong đó mượn hình ảnh kim giây để chỉ những người lao động bị sách nhiễu, trong khi kim phút và kim giờ đại diện cho những ông chủ và tầng lớp quan liêu hưởng lợi.
3. “Trần Trụi 87” – ca khúc mạnh bạo nhất và gây tranh cãi nhất của anh.
Trần Tiến đã từng bị giam giữ ở Sài Gòn vì trình diễn những ca khúc này. Anh kể về việc được ông Nguyễn Văn Linh “cứu thoát” vì “Trần Tiến không kích động bạo loạn, Trần Tiến kích động yêu nước”.
Kể từ thập niên 1990, phong cách sáng tác của Trần Tiến có sự thay đổi từ pop đơn thuần sang phong cách dân gian đương đại và cũng giành được sự đón nhận của khán giả. Những sáng tác tiêu biểu cho phong cách này của anh bao gồm: “Tùy Hứng Lý Ngựa Ô”, “Ngẫu Hứng Sông Hồng”, “Quê Nhà”.
Năm 2005, ca khúc “Mưa Bay Tháp Cổ” của anh được ca sĩ Tùng Dương thể hiện thành công và giành giải “Bài hát của tháng” trong chương trình Bài Hát Việt. Năm 2006, những ca khúc của anh như “Bình Nguyên Xa Vắng”, “Ra Ngõ Mà Yêu”, “Lữ Khách Sông Hồng”, “Mưa Bay Tháp Cổ”, “Quê Nhà”… xuất hiện trong album “Đối Thoại 06” của ca sĩ Trần Thu Hà.
Năm 2007, anh nhận Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật cho các tác phẩm “Chiếc Vòng Cầu Hôn” (1984), “Tùy Hứng Ngựa Ô” (1987), “Chị Tôi” (1997)…
Thi khúc “Chị Tôi” (Thi sĩ khuyết danh & Nhạc sĩ Trần Tiến)
Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ cầu Ðông í a Chị tôi chưa lấy chồng.
Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo Mẹ dục con gái yêu lấy chồng đi Chị thương hai đứa em thương mẹ già con đau í a Chị tôi chưa lấy chồng.
Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi không còn thơ ngây Chị lại lo các em chuyện chồng con Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a Chị tôi chưa lấy chồng.
Rồi một đêm sáng trong có một người đàn ông qua Họ về xây chiếc cầu nối bờ sông Gặp chị tôi dễ thương mới xin lời cầu hôn í a Chị cũng muốn lấy chồng.
Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu Để chị tôi ngóng chờ mắt lệ nhòa Hàng cau đâu trái cau bao lá trầu buồn rơi theo Chị tôi chưa lấy chồng.
Nhiều năm xa cách xa tôi trở về làng quê thăm Nhìn hàng cau xác xơ lá trầu khô Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mêng mông Chị ơi sao vẫn chưa lấy chồng. Chị tôi chưa lấy chồng…
Dưới đây mình có các bài:
– Về cầu Đông nghe bài hát “Chị tôi” – Đô Thị Cổ Hoa Lư – Làng Cổ Yên Thành – “Chị Tôi”- ca khúc bất hủ về phụ nữ khiến Trần Tiến sợ nhất
Cùng với 4 clips tổng hợp thi khúc “Chị Tôi” do chính NS Trần Tiến cùng các ca sĩ trong nước và hải ngoại diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Về cầu Đông nghe bài hát “Chị Tôi”
(Nguyễn Cao Tấn)
Ngay từ khi bước chân vào trường đại học Xây dựng, trong một buổi sinh hoạt đầu năm, chúng tôi được thầy dạy quân sự cho biết tác giả bài hát “Chị tôi” là một cựu sinh viên xây dựng, sau năm 1980 bài thơ được Trần Tiến sử dụng để sáng tác thành ca khúc nổi tiếng về số phận của những người thôn nữ. Nguyên gốc của bài thơ theo thể lục bát không giống hẳn lời bài hát có xu hướng tự do, ví dụ đoạn đầu của nó được nhiều người cho rằng như sau:
Nhà tôi nằm ở ven sông Chiếc cầu nho nhỏ cong cong giữa đồng Hàng cau với lá trầu không Chị tôi đem bán cầu Đông sớm chiều…
Trong khi trong bài hát cùng tên của Trần Tiến thì là:
Nhà tôi trên bến sông, có chiếc cầu nhỏ cong cong, Hàng cau dưới nắng trong, lá trầu không Chị tôi trông dễ thương, bán rau chợ cầu Đông…
Bài hát thật cảm động lòng người nhưng để hiểu cặn kẽ thì không phải ai cũng cảm nhận hết được nội dung của nó. Trước hết về địa danh, khi giải thích xuất xứ bài hát cho người hâm mộ nhạc sỹ Trần Tiến có lẽ không muốn đụng chạm nên chỉ khẳng định các nhân vật trong bài hát “Chị tôi” là có thật, ở một vùng quê thuộc vùng châu thổ Bắc bộ.
Xuyên suốt bài hát chỉ có một địa danh cầu Đông xuất hiện gợi mở cho chúng ta đến kết luận: gia đình nhân vật người con gái (chính là chị tác giả bài thơ) ở gần cầu Đông, mà địa danh cầu Đông cũng như chợ Cầu Đông thì chỉ có ở Hà Nội hoặc Ninh Bình, đều là tên của những địa danh lịch sử nổi tiếng.
Nhiều người trước đây cho rằng địa danh cầu Đông trong bài hát là chợ Cầu Đông mà bây giờ là chợ Đồng Xuân – Hà Nội. Đó là một suy luận sai lệch hoàn toàn với nội dung lời bài hát đã thể hiện: Nhà tôi trên bến sông, chị tôi bán rau chợ cầu Đông…sau nhiều năm xa cách tôi trở về làng quê thăm mộ chị tôi bé xinh bên cầu…
Như vậy thì địa danh cầu Đông không thể ở giữa lòng thành phố mà phải ở một vùng quê hẻo lánh xa xôi, cụ thể là cầu Đông gần chợ Cầu Đông bắc qua sông Sào Khê ở xã Trường Yên – Hoa Lư – Ninh Bình, có như vậy thì mới có chuyện người đàn ông về xây chiếc cầu nối bờ vui và gặp “chị tôi”.
Trở lại với địa danh Cầu Đông ở Hoa Lư, đây là một cây cầu bắc qua con hào Sào Khê xuyên dọc kinh đô Hoa Lư và hiện tại là cửa ngõ phía đông vào khu di tích cố đô Hoa Lư. Cầu Đông nằm trên đường cửa đông vào kinh đô còn cầu Dền nằm gần cửa bắc nhưng hai cây cầu cổ này đều bắc qua sông Sào Khê, kẹp giữa chúng là chợ Cầu Đông với phố Chợ dài 500 m. Chợ cầu Đông Trường Yên là một chợ cổ, có lịch sử gắn quá trình hình thành và phát triển đô thị cổ Hoa Lư và các làng cổ Yên Thành, Yên Trung, Yên Thượng thuộc xã Trường Yên. Dân gian Trường Yên cũng có câu:
Bà già đi chợ cầu Đông Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng? Thầy bói gieo quẻ nói rằng Lợi thì có lợi nhưng răng không còn!
Theo sử sách, Vua Lý Thái Tông sinh ngày 26 tháng 6 âm lịch năm 1000, thời Tiền Lê, ở chùa Duyên Ninh, kinh đô Hoa Lư. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết khi vua mới sinh, ở phủ Trường Yên có con trâu của nhà dân tự nhiên thay sừng khác, người ấy cho là điềm không lành, lấy làm lo sợ. Có người thầy bói ở phố Cầu Đông giỏi chiêm nghiệm đi qua nhà ấy cười mà nói: “Đó là điềm đổi mới, can dự gì đến nhà anh” thì người ấy mới hết lo… như vậy có thể nói cầu Đông, cầu Dền là những báu vật di tích ăn sâu vào tiềm thức và niềm tự hào của người dân cố đô. Và hình ảnh cầu Đông cùng làng quê Trường Yên với bến sông, hàng cau, lá trầu, bờ sông đã được tái hiện rất sinh động trong bài hát.
Bài hát Chị Tôi như một tặng phẩm mà Trần Tiến đã gửi tặng người dân các làng cổ Trường Yên. Như một di sản văn hóa phi vật thể làm giàu thêm truyền thống văn hóa của mảnh đất từng là kinh đô nước Việt một thưở oai hùng.
Theo các cụ cao niên trong làng Yên Thành, nhân vật tôi – tức tác giả bài hát là con trai út trong gia đình có 2 con gái, một con trai. Ông sinh năm 1947, bố mất sớm, mẹ ông bị ốm liệt đến năm ông 20 tuổi thì mất. Người chị cả của ông sinh năm 1950, chị còn lại sinh năm 1945. Theo phong tục cũ thì con gái phải tang cha mẹ 3 năm, đó là lý do khiến người chị cả lỡ bước khi “người đàn ông” trong bài hát không đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa. Người đàn ông này cũng không rõ lai lịch ngoài việc về xây chiếc cầu nối bờ sông.
Như vậy thì trong bài thơ này ngoài chiếc cầu cong cong còn có thêm hình ảnh chiếc cầu xây nữa mà thời điểm hình thành của nó thì người dân Trường Yên này ai cũng biết, duy có người đàn ông xa lạ kia mà sau này người em trai trở thành kỹ sư xây dựng có thể hiểu thông cảm cho anh ta vì lý do nghề nghiệp, công việc mà hy sinh tình riêng.
Sau khi chị cả mất, người em trai theo học đại học xây dựng và thường lui về sống cùng gia đình người chị thứ 2 lúc này cũng đã xa giá theo chồng. Vì thế mà những lần trở về cố hương của anh thường mang nhiều cảm xúc khi tất cả chỉ là những kỷ niệm và hồi ức bên nấm mồ người chị.
Tác phẩm thơ của người kỹ sư xây dựng này trở lên nổi tiếng khi nó được đăng tải và nhạc sĩ Trần Tiến đã sử dụng để sáng tác ra bài hát “chị tôi”. Bài hát mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc về thân phận của người con gái khi mà xã hội còn trọng nam khinh nữ, không thể quyết định được số phận của mình.
Ngày nay, cầu Đông, cầu Dền, nghĩa Trang, phố Chợ vẫn còn đó ngân vang bài ca bất hủ nhưng những nhân vật trong bài hát “Chị Tôi” dường như chỉ còn trong hoài niệm. Thật xúc động khi đứng bên cầu Đông mà nghe bài hát Chị Tôi”.
(Nguyễn Cao Tấn – Diễn đàn đồng hương Ninh Bình)
Đô Thị Cổ Hoa Lư – Làng Cổ Yên Thành
(Nguyễn Cao Tấn – January 2, 2011 11:57 PM [GMT])
Đô thị cổ Hoa Lư
Hoa Lư là đô thị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Năm 970, đồng tiền Việt Nam đầu tiên đã được Vua Đinh Tiên Hoàng cho phát hành, đánh dấu sự ra đời của nền kinh tế, tài chính của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Đại Việt Sử ký toàn thư cho biết năm Thái Bình thứ 7 (976) tại đây thuyền buôn nước ngoài tới dâng sản vật, kết mối giao thương với Đại Cồ Việt. Khu di tích Hoa Lư hiện tại có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Hoa Lư cũng như Thăng Long sau này là phố chợ, núi chợ, tường Dền, thành Dền, cầu Dền, cầu Đông, tường Đông, cửa Đông và phủ Chợ.
Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Hoa Lư vẫn mang dáng dấp của một đô thị cổ kính được quan tâm, tìm hiểu. Những ngôi nhà cổ ở đây mang nét đặc trưng của châu thổ Bắc Bộ, được hình thành từ những tục quán sinh hoạt văn hóa lâu đời. Các nhà nghiên cứu còn so sánh Hoa Lư với đô thị Tràng An, đô thị cổ nhất của Trung Hoa qua vế đối “Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”. Với núi cao, hào sâu, Đô thị Hoa Lư vừa là quân thành lợi hại, hiểm hóc vừa hùng tráng, hữu tình của một thắng cảnh.
Dấu ấn đô thị cổ Hoa Lư còn lại ở nhiều di tích và tập tục văn hóa của các làng cổ Yên Thành và làng cổ Yên Thượng.
Làng cổ Yên Thành
Làng cổ Yên Thành được giới hạn bởi 3 cổng chốt: cửa bắc vào trung tâm di tích Hoa Lư, cửa bắc vào kinh đô Hoa Lư xưa tại vị trí cầu Dền và cầu Đông nối với làng Yên Thượng.
Làng nằm khá biệt lập, ba mặt giáp sông Sào Khê ngăn cách với làng Yên Thượng, phía nam giáp với các di tích trung tâm cố đô Hoa Lư, phía tây giáp với núi Đìa, núi Chợ.
Làng Yên Thành được chia thành 4 thôn: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Đây là làng duy nhất ở Trường Yên chia thôn theo các hướng cổ truyền Việt Nam. Trung tâm xã Trường Yên thuộc làng này.
Về vị trí so với kinh đô Hoa Lư xưa thì làng cổ Yên Thành nằm ở phía bắc của thành Đông. Trong sơ đồ kinh đô Hoa Lư thì thành Đông là nơi đặt cung điện trung tâm, thành Tây là khu hậu cung, thành Nam là khu vực phòng thủ quân sự.
Nhờ ở vào vị trí đặc biệt mà làng Yên Thành có rất nhiều di tích của cố đô Hoa Lư và lưu giữ nhiều phong tục tập quán cổ truyền. Đình Yên Thành là nơi sinh hoạt của làng. Các di tích khác do làng quản lý gồm: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Cổ Am và phủ Chợ.
(Nguyễn Cao Tấn – January 3, 2011 12:00 AM (GMT))
Khác với các kinh đô chính thống khác ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư có một vai trò lịch sử đặc biệt: là nơi đánh dấu sự ra đời kinh thành Thăng Long – Hà Nội, thủ đô hiện tại của đất nước Việt Nam. Mốc son Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long mà bằng chứng là chiếu dời đô được xác định là thời điểm khai sinh lịch sử thủ đô mặc dù với việc mở rộng diện tích phần lớn các vùng đất đế đô của Việt Nam có trước Hoa Lư như Mê Linh (Hai Bà Trưng), Long Biên (nhà Tiền Lý), Cổ Loa (nhà Ngô) nay đều thuộc về Hà Nội.
Hoa Lư gắn liền với sự nghiệp của 2 vua đầu triều đại nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ không tự khởi nghiệp từ Thăng Long để chọn nơi này làm kinh đô mà là người được triều đình Hoa Lư tiến cử lên ngôi thay nhà Tiền Lê. Vì thế mà hệ thống triều đình và cơ sở vật chất của kinh thành Thăng Long sau này đều thừa hưởng từ kinh đô Hoa Lư trước đó. Để tưởng niệm công lao đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước và nhớ đến Cố đô Hoa Lư, nhà Lý đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc giống như ở Hoa Lư tại khu vực ở Thăng Long mà chúng vẫn tồn tại đến tận nay như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, phố Cầu Đông, chùa Một Cột, ngã ba Bồ Đề, cống Trẹm, tháp Báo Thiên, phố Đình Ngang… Sách Đại Nam nhất thống chí quyển XIV tỉnh Ninh Bình, mục cổ tích chép: “Đô cũ nhà Đinh, nhà Lê ở xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ về phía tây bắc huyện Gia Viễn, có nội thành và ngoại thành, có cửa xây bằng đá, lại có các danh hiệu: cầu Đông, cầu Dền, cầu Muống, Tràng Tiền, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ, . . . nền cũ vẫn còn. Về sau Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long đều dùng theo các danh hiệu ấy…”. Theo các thần tích ở cố đô Hoa Lư thì Lý Thái Tổ có một hoàng hậu là con gái của Lê Đại Hành và Dương Vân Nga tên là Lê Thị Phất Ngân, chính người con gái đó đã sinh ra Lý Thái Tông vị vua thứ hai của triều lý có tuổi thơ 10 năm gắn bó với vùng đất cố đô trước khi về với Thăng Long. Lý Thái Tông sau này xây chùa Một Cột, đền Đồng Cổ, đền Phạm Cự Lượng ở Thăng Long; đào kênh Lẫm, đầm Lẫm ở Thần Phù (Hoa Lư) làm phòng tuyến đánh dẹp Chiêm Thành và nghi lễ cày ruộng tịch điền đều noi theo truyền thống từ Vua Lê Đại Hành.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Lý Thái Tổ đã nhận thấy kinh đô Hoa Lư chật hẹp, không thể mở mang thành nơi đô hội được, không phù hợp với vị thế mới của đất nước. Năm 1010, vị vua này đã ban Chiếu dời đô để xây dựng kinh đô tại Thăng Long. Đây là một sự kiện lịch sử rất quan trọng không chỉ riêng với Hoa Lư và Thăng Long, là mốc son đánh dấu lịch sử hình thành thủ đô Hà Nội của Việt Nam trên cơ sở, nền tảng kinh đô Hoa Lư. Như vậy kinh đô Hoa Lư tồn tại được 42 năm, trong đó 12 năm đầu là triều Đinh (968 – 980), 29 năm kế tiếp là triều Tiền Lê (980 – 1009)[11] và năm cuối (1009 – 1010) là triều Lý.
Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Hoa Lư vẫn giữ vai trò là một căn cứ quân sự và trung tâm văn hóa của các triều đại nhà Trần, Hậu Lê, nhà Mạc, Tây Sơn.
Nhà Trần sử dụng thành Nam Tràng An của cố đô Hoa Lư để làm cứ địa kháng chiến chống Nguyên Mông. Vua Trần Thái Tông tiếp tục xây dựng ở Hoa Lư hành cung Vũ Lâm, đền Trần thờ thần Quý Minh và chùa A Nậu. Cung Vũ Lâm là nơi các vua trần xuất gia tu hành.
Nhà Hậu Lê, thời Lê Thánh Tông, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Ngày 16, vua thân hành dẫn đại ngự giá khởi hành, trời mưa nhỏ, gió bấc. Tư thiên giám Tạ Khắc Hải tâu rằng: “Mưa là mưa nhuần quân, gió từ phương bắc là gió hòa”. Cho nên khi thuyền đi vua đi, có câu thơ rằng: “Trăm vạn quân đi đánh cõi xa, Mui thuyền mưu đội thấm quân ta”. Vua liền sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ tế đền Đinh Tiên Hoàng, để cầu cho quân đi thắng trận.
Mùa đông năm Canh Dần (1770) chúa Trịnh Sâm đi tuần thú cõi Tây, lúc quay thuyền trở về, đi tắt tới đất Tràng An thăm cảnh Hoa Lư. Nhìn bốn phía núi xanh, nước biếc, cửa khoá mấy lần, từng bước đều là thành vàng và hào nước. Non sông hùng tráng, hình thắng to lớn. Xem dấu vết của triều Đinh mà lạnh lùng xơ xác… khiến ông cảm khái làm một bài thơ để tả nỗi lòng:
Quay thuyền về tới bến Trường Yên, Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền. Như tấm lụa chăng, hang giội nước, Có từng núi mọc, cửa chồng then. Cố đô đã mấy hồi thay đổi, Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền. Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ Lòng dân đáng sợ chớ nên quên.”
Qua triều đại Tây Sơn, một lần nữa đất Hoa Lư trở thành cứ địa phòng ngự để đại phá quân Thanh với các địa danh phòng tuyến Tam Điệp, đồn Gián Khẩu và chùa Bái Đính. Đến triều đại nhà Nguyễn, các vua tiếp tục tôn tạo các di tích Hoa Lư và xây dựng các lăng mộ, nâng cấp lễ hội cố đô Hoa Lư.
Sau thời đại của văn hóa Ðông Sơn, văn minh sông Hồng, lịch sử văn hóa văn minh Việt Nam bước vào thời đại lớn thứ hai của nó là thời đại Ðại Cồ Việt – Ðại Việt – Việt Nam, với ba thời kỳ văn hóa dài ngắn khác nhau: văn hóa Hoa Lư, văn hóa Thăng Long và văn hóa Phú Xuân.
Thế kỷ 10, khi đất nước Ðại Cồ Việt bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài, cũng là lúc nảy sinh những mầm mống của một nền văn học dân tộc dưới hình thức chữ Hán và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Các danh nhân như Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh là những người được triều đình trọng dụng và có tầm ảnh hưởng lớn đến văn hóa dân tộc. Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên lập chức tăng thống đưa phật giáo trở thành quốc đạo. Từ năm Canh Ngọ 970, Đinh Tiên Hoàng truyền cho đúc tiền đồng, là tiền tệ xưa nhất ở Việt Nam, gọi là tiền đồng Thái Bình, đặt nền móng cho nền tài chính – tiền tệ của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Từ năm 976, thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ, kết mối giao thương với Đại Cồ Việt.
Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét:
“Xét nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc nhưng danh hiệu còn nhỏ không được dự vào hàng chư hầu triều hội… đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước”
Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Lê Đại Hành khi làm vua cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Mở đầu cho một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông Nhà Lê do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của Việt Nam. Sự nghiệp mở đầu vĩ đại đó đã trở thành phương châm hành động của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này.
Lê Hoàn là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Việt. Nhà Tống là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời mang nặng tư tưởng bành trướng đã phải từng bước thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt, đã phong cho Lê Hoàn các tước vị cao như Giao Chỉ quận vương, Nam Bình vương, sứ thần Tống còn làm thơ tôn Lê Hoàn tài ba không khác gì vua Tống. Phan Huy Chú đánh giá: “Nhà Tiền Lê tiếp đãi sứ nhà Tống, tình ý và văn thư rất là chu đáo. Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài mà quốc thể được thêm tôn trọng làm cho người Bắc phải khuất phục”. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhà vua còn bố trí sư Pháp Thuận giả làm người chở đò ra đón sứ giả Lý Giác. Câu chuyện hai người đã mượn bài thư Vịnh ngỗng của Lạc Tân Vương đời Đường để nối vần đối đáp với nhau nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt sông, đã khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục đã trở thành giai thoại thú vị trong bang giao và văn học. Sau đó, về sứ quán Lý Giác đã làm một bài thư gửi tặng ngỏ ý “tôn Lê Hoàn không khác gì vua Tống” như lời Khuông Việt đại sư nói.
PGS. Bùi Duy Tân phát hiện bài thơ Nam quốc sơn hà, một kiệt lác văn chương, cũng đồng thời là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam xuất hiện đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất của Lê Hoàn và cũng được Lý Thường Kiệt vận dụng ở lần kháng chiến chống Tống thứ hai. PGS.TS Trần Bá Chí cũng khẳng định: Nam quốc sơn hà là bản tuyên ngôn độc lập, chỉ có thể ra đời sau hàng ngàn năm bắc thuộc, nhưng không phải vào thời Ngô Quyền còn loạn lạc, chưa tức vị, trước khi chống Nam Hán, mà là ở thời Vua Lê Đại Hành chống Tống khi thể chế, ngôi vị đã vững vàng, an định. Kiệt tác thứ hai, ở triều đại hoàng đế Lê Hoàn là một bài ngũ ngôn tuyệt cú của nhà sư Pháp Thuận. Đây là bài thơ có tên tác giả xuất hiện sớm nhất, nên được đặt vào vị trí khai sáng cho văn học cổ dân tộc. Cũng như Nam quốc sơn hà, Quốc tộ là bài thơ giàu sắc thái chính luận, một bài thơ viết về những vấn đề chính trị xã hội hiện hành của đất nước. Để trả lời nhà vua “hỏi về vận nước ngắn dài”, nhà thơ đã lấy ngôn từ giản dị mà thâm thúy, bày tỏ chính kiến của mình: “Vận mệnh nước nhà dài lâu, bền vững khi nhà vua dựng mở được nền thái bình bằng phương sách “. Nếu Nam quốc sơn hà có giá trị như một bản tuyên ngôn độc lập, thì các nhà nghiên cứu khẳng định Quốc tộ có giá trị như một bản tuyên ngôn hòa bình. Hai bài thơ là hai kiệt tác văn chương bổ sung cho nhau, hoàn thiện Tuyên ngôn độc lập, Tuyên ngôn hoà bình đầu tiên của dân tộc, chính là cột mốc khai sáng văn học Việt Nam.
Là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam, Hoa Lư còn là đất tổ sản sinh nhiều giá trị văn hóa thuần Việt. Kinh đô này là đất tổ của nghệ thuật sân khấu chèo mà người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh. Đây là loại hình sân khâu tiêu biểu nhất của Việt Nam. Các truyền thuyết lịch sử hát Tuồng cũng ghi rằng loại hình ngày hình thành vào thời Tiền Lê năm 1005, khi một kép hát người Tàu tên là Liêm Thu Tâm đến Hoa Lư và trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung.
(Nguyễn Cao Tấn – August 12, 2011 09:36 PM [GMT])
Kinh đô Hoa Lư xưa có 3 vòng thành: thành Đông, thành Tây, thành Nam. Thành Đông còn được gọi là thành ngoài (ngoại), thành Tây còn được gọi là thành trong (nội), 2 thành này đều thuộc xã Trường Yên và là nơi đặt cung điện Hoa Lư nên nó được gọi chung là thành Hoa Lư với tổng diện tích 3 km2 còn thành Nam là khu vực phòng thủ quân sự, có vị trí nằm ở phía nam thông thủy với hang Luồn – sông Sào Khê và là thành lớn gấp nhiều lần so với thành Hoa Lư. Hiện nay nơi đây là quần thể hang động Tràng An nổi tiếng với rất nhiều di tích gắn với lịch sử thời Đinh Lê và các Tướng cai quản như phủ Khống, phủ Đột, đền Trần, động Liên Hoa…
Tương ứng với 3 vòng thành, kinh đô Hoa Lư xưa có hệ thống 6 cổng thành tương ứng 2 lớp gồm: Đông, Tây, Nam và 3 cửa thành : Đông, Nam, Bắc. 3 cổng ngoài Hoa Lư đặt cách xa trung tâm 5km, 3 cổng trong xưa giống như là một cổng vòm xuyên qua tường thành cách trung tâm cung điện 1 km được lính gác căn phòng cẩn mật, 3 cửa thành đều được đặt trong thành Đông để dẫn vào hoàng cung, chỉ mở cửa khi vua, quan thiết triều. Hiện nay Ninh Bình đã có kế hoạch khôi phục hệ thống cổng thành, cửa thành này :
– Cổng Đông ngoài vào cố đô Hoa Lư đặt tại thị trấn Thiên Tôn hiện nay, nơi đây có động Thiên Tôn là tiền đồn để sứ giả nước ngoài trình báo khi vào kinh đô Hoa Lư. Thần Thiên Tôn được thờ ở đây là một vị thần trấn trạch phía đông Hoa Lư tứ trấn. Cổng Đông trong nay chỉ còn là dấu tích nằm ở xóm Đông Môn, Trường Yên, rất gần cầu Đông gắn với hang thầy Bói và câu chuyện bà già đi chợ cầu Đông. Hiện ở đây còn bia cửa Đông là di tích quý hiếm. Cửa Đông là cửa chính vào khu di tích hiện nay, nó được xây dựng bằng đá rất bề thế.
– Cổng Tây ngoài vào cố đô Hoa Lư xưa đặt tại địa bàn giáp ranh 2 xã Sơn Lai – Gia Sinh, rất gần chùa Bái Đính, tại đây còn nhiều đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở các thôn Me, thôn Lược và dấu tích căn cứ cửa ngõ phía tây gắn với sự tích thần Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn đã giúp dân làng tìm ra một loại cây búng báng có thể làm bột thay gạo, thần lấy tên mình đặt cho cây Quan Lang. Cổng Tây trong vào cố đô Hoa Lư nằm trên đoạn thành nối từ núi Cánh Hàn đến núi Hang Tó, tức hiện nằm giữa đường nối từ chùa Duyên Ninh đến đền Vực Vông thuộc thôn Chi Phong xã Trường Yên. Từ cổng Tây trong qua cửa Bắc hoặc cửa Nam để vào hoàng cung. Cửa Bắc hiện nằm giữa đền Vua Lê Đại Hành và chùa Nhất Trụ, đã được xây dựng.
– Cổng Nam ngoài thuộc xã Ninh Nhất, nơi có nhiều đền thờ thần Quý Minh Đại Vương trấn Nam Hoa Lư tứ trấn, hiện đã có mô hình xây dựng nhưng nó sẽ lùi lệch một chút về gần trung tâm thành phố Ninh Bình. Cổng Nam trong nằm ở phía nam cầu Ghềnh Tháp hiện nay. Cửa Nam vào kinh đô được xây dựng gần chân núi Mã Yên, nay là đường từ đền Vua Đinh Tiên Hoàng ra lăng mộ Vua Lê Đại Hành và chùa Kim Ngân.
Thoạt nhìn, các cổng Hoa Lư có hình dáng khác nhau nhưng chúng đều có chung một đặc điểm là mô phỏng kiến trúc cổ truyền Việt Nam, điều độc đáo nhất ở đây là phần mái chồng diêm 2 tầng theo kiểu kiến trúc chùa Nhất Trụ trong quần thể di sản Hoa Lư, nơi có thạch kinh cổ nhất Việt Nam và nhiều cổ vật gắn với lịch sử từ thời Đinh Tiên Hoàng Đế. Về vật liệu, các cổng vào Hoa Lư và cửa Hoa Lư đều được xây dựng bằng vật liệu chính là đá xanh Ninh Bình, có nhiều họa tiết, hoa văn mang đậm bản sắc của vùng đất cố đô.
Trong hệ thống 3 cổng ngoài, 3 cổng trong, 3 cửa vào trung tâm cung điện Hoa Lư thì trục giao thông quan trọng nhất là tuyến cổng Đông ngoài đến cửa Đông. Vì thế mà 2 di tích này đã được khôi phục rất thành công tạo vẻ đẹp mỹ quan cho cố đô Hoa Lư.
Dự án xây dựng và khôi phục cổng thành Hoa Lư ở phía đông chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với kinh phí xây dựng trên 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trung ương. Dự án được khởi công từ đầu năm 2009, hoàn thành đúng dịp 1000 năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội. Công trình cổng đông Cố đô Hoa Lư là công trình có ý nghĩa lịch sử và kiến trúc độc đáo, được xây dựng bằng chất liệu đá, có chiều cao 17,34 m, mặt cắt rộng 33,12 m, kiến trúc dạng cổng Tam quan. Việc xây dựng cổng thành Hoa Lư giúp người dân hình dung những nét kiến trúc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của triều đại Vua Đinh, Lê. Công trình còn có ý nghĩa đặc biệt giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào của người dân Cố đô về một vùng đất “địa linh nhân kiệt”- nơi khởi nguồn của Thăng Long-Hà Nội.
Sau khi lựa chọn nhiều phương án thiết kế, nhân dịp Lễ hội truyền thống Cố Đô Hoa Lư năm 2007, UBND huyện Hoa Lư đã dựng cổng giả định, tỷ lệ 1/1 tại đường vào đền Đinh – Lê, khu vực trung tâm huyện, nhằm trưng cầu ý kiến đóng góp của cán bộ, nhân dân để hoàn chỉnh và xây dựng cổng chính thức.
Triều Đinh thành lập sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, khi mà những mô hình thành lũy kiểu Hán ngang bằng sổ ngay, phương hướng tề chỉnh, quy cách xây dựng trở thành công thức, đã mọc lên không ít ở nhiều nơi. Nhưng thành Hoa Lư độc đáo được xây dựng lại không theo một khuôn mẫu Trung Quốc của bất cứ thời nào. Là một căn cứ quân sự, Hoa Lư đã đạt tới đỉnh cao về mức độ kiên cố, hiểm trở của một công trình phòng thủ. Có thể coi Hoa Lư là một công trình kiến trúc quân sự hiếm có trong lịch sử Việt Nam và cả trong lịch sử các nước khác đương thời. Hoa Lư là một tòa nhà điển hình cho phương pháp xây dựng lợi dụng địa thế tự nhiên. Cũng bởi lẽ đó mà thành Hoa Lư có dáng hình độc đáo, có đầy đủ tính chất kiên cố, hiểm trở của một công trình quân sự, lại thêm tính kỳ vĩ, hữu tình của một thắng cảnh.
Hiện nay thành thiên tạo vẫn còn, thành nhân tạo và cung điện chỉ còn là những dấu tích đang được khai quật. Các nhà khảo cổ đào một số đoạn tường thành phát hiện ở những khu vực này có móng thành bằng cành cây với nhiều cọc đóng xuống sâu. Phía trong của tường thành xây bằng gạch, dày đến 0,45 m, cao từ 8-10 mét. Chân tường kè đá tảng, gạch bó và đóng cọc gỗ. Loại gạch phổ biến có kích thước 30 x 16 x 4 cm, trên gạch thường có in các dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây quân”. Phía ngoài tường gạch là tường đất đắp rất dày.
Các cổng thành Hoa Lư và cửa thành Hoa Lư sau khi được khôi phục xây dựng góp phần tạo thêm những điểm nhấn kiến trúc trước khi vào khu di tích Hoa Lư vốn thâm nghiêm và trầm mặc, giúp du khách hình dung phần nào diện mạo bề thế của kinh đô Hoa Lư xưa cách đây hơn 1000 năm trước để ngưỡng mộ và tự hào về truyền thống yêu nước nồng nàn và bất diệt. Cùng với các dự án đang và sẽ được xây dựng, tu tạo như: cổng Nam, đền Bim, nền móng cung điện, tường thành, hào nước bao bọc xung quanh cố đô, đền thờ các tổ nghề Việt Nam… hy vọng trong tương lai cố đô Hoa Lư sẽ là một điểm đến hấp dẫn của du lịch Ninh Bình và Việt Nam.
“Chị tôi”- ca khúc bất hủ về phụ nữ khiến Trần Tiến sợ nhất
(Giao Anh)
“Chị tôi” có lẽ là một trong số ít những nhạc phẩm kinh điển mà mỗi năm, khi tới ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, không ít khán giả bồi hồi bật lại. Bởi dẫu cho không gian của thời bấy giờ đã khác, sự hy sinh cũng mang màu sắc khác, nhưng nỗi niềm mà “Chị tôi” khơi lên trong trái tim người nghe vẫn mãi vẹn nguyên…
Nhạc sĩ Trần Tiến sinh năm 1947 tại Hà Tây cũ. Ông được đông đảo khán giả yêu mến và mệnh danh là “Nhạc sĩ của những khúc du ca”. Trong số hàng trăm sáng tác nổi tiếng, những bài hát về phụ nữ chiếm số lượng khá lớn. Trong đó, ca khúc “Chị tôi” nằm lòng trong nhiều thế hệ khán giả Việt.
“Chị tôi” kể về cuộc đời của một người chị tảo tần sớm hôm, hy sinh cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng của mình để lo cho đàn em. Hát về ca khúc mộc mạc và da diết đến thắt lòng này, nhiều nghệ sĩ như Bằng Kiều, Quang Linh, Tùng Dương… đều từng mang đến cho khán giả sự xúc động và niềm đồng cảm riêng. Tuy nhiên, theo nhiều khán giả, “cha đẻ” của ca khúc- nhạc sĩ Trần Tiến là người thể hiện ca khúc này thành công nhất.
Tác giả của hàng loạt ca khúc đồng quê từng tâm sự rằng, đời nhạc sỹ, ca sỹ của ông sợ nhất là phải hát 2 ca khúc “Chị tôi” và “Vết chân tròn trên cát”. Có lẽ khi những lời ca cất lên, trái tim người lính một thời ấy phải sống lại những nỗi đau mà ông đã trải qua. Những câu chữ mộc mạc, lối hát như tỷ tê kể chuyện, âm nhạc chân chất từ cây ghi ta nhuốm màu thời gian… lại tha thiết và da diết đến lạ.
Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Chị tôi”, Blogger Nguyễn Cao Tấn năm 2011 có viết:
“Bài thơ “Chị tôi” là của một cựu sinh viên trường Xây dựng sáng tác. Sau năm 1980, bài thơ này được Trần Tiến sử dụng để viết thành ca khúc nổi tiếng về số phận của những người thôn nữ. Đây là một tặng phẩm mà Trần Tiến đã gửi tặng người dân làng cổ Trường Yên (Hoa Lư – Ninh Bình), nơi có địa danh Cầu Đông nổi tiếng.
Theo các cụ cao niên trong làng Yên Thành, nhân vật tôi- tức tác giả bài hát là con trai út trong gia đình có 2 con gái, một con trai. Ông sinh năm 1947, bố mất sớm, mẹ ông bị ốm liệt đến năm ông 20 tuổi thì mất. Người chị cả của ông sinh năm 1950, chị còn lại sinh năm 1945. Theo phong tục cũ thì con gái phải tang cha mẹ 3 năm, đó là lý do khiến người chị cả lỡ bước khi “người đàn ông” trong bài hát không đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa. Người đàn ông này cũng không rõ lai lịch ngoài việc về xây chiếc cầu nối bờ sông.
Sau khi chị cả mất, người em trai theo học đại học xây dựng và thường lui về sống cùng gia đình người chị thứ 2 lúc này cũng đã xa giá theo chồng. Vì thế mà những lần trở về cố hương của anh thường mang nhiều cảm xúc khi tất cả chỉ là những kỷ niệm và hồi ức bên nấm mồ người chị. Tác phẩm thơ của người kỹ sư xây dựng này trở lên nổi tiếng khi nó được đăng tải và nhạc sĩ Trần Tiến đã sử dụng để sáng tác ra bài hát “chị tôi”. Bài hát mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc về thân phận của người con gái khi mà xã hội còn trọng nam khinh nữ, không thể quyết định được số phận của mình”.
Trong một lần giao lưu trực tuyến trên VnExpress, nhạc sĩ Trần Tiến từng được một độc giả hỏi “Liệu người chị trong bài Chị tôi có phải là chị ruột của chú? Và người ấy còn sống không?”. Trần Tiến đã trả lời: “Chị của chú vẫn còn sống nhưng vẫn thích bài hát chú viết về những người chị khác, chấp nhận những người bạn xưa đến nhà thắp nhang mình vì bài hát là sự thật cộng với tưởng tượng. Chị rất hãnh diện về bài hát này”.
Trong chương trình Cuộc sống thường ngày của VTV, Trần Tiến cũng trả lời về thắc mắc này. Ông nói, “Trong ca khúc Chị tôi, có một nửa là tôi viết về chị ruột của tôi, còn một nửa là về những người chị khác, những người phụ nữ khiến tôi vô cùng khâm phục. Họ đã chịu đựng, hi sinh để lo lắng cho các em mà quên đi hạnh phúc riêng của mình”.
“Chị tôi” có lẽ là một trong số ít những nhạc phẩm kinh điển mà mỗi năm, khi tới ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, không ít khán giả bồi hồi bật lại. Bởi dẫu cho không gian của thời bây giờ đã khác, sự hy sinh cũng mang màu sắc khác, nhưng nỗi niềm mà “Chị tôi” khơi lên trong trái tim người nghe vẫn mãi vẹn nguyên…
(Giao Anh)
oOo
Chị Tôi – NS Trần Tiến: https://www.youtube.com/watch?v=GecEgSf–fE
Chị Tôi – Ca sĩ Trần Thu Hà: https://www.youtube.com/watch?v=U6OvLTTcEFw
Chị Tôi – Ca sĩ Bằng Kiều: https://www.youtube.com/watch?v=TOM4XC6I6DU
Chị Tôi – Ca sĩ Quang Linh:
Share this:
- More
Related
Từ khóa » Bài Thơ Chị Tôi Chưa Lấy Chồng
-
Cafe Đồng Lợi - MINH OAN CHO CHÀNG KỸ SƯ TRONG BÀI HÁT...
-
CHỊ TÔI CHƯA LẤY CHỒNG - TÌNH YÊU Và NỖI NHỚ
-
Chị Tôi- Ca Khúc Bất Hủ Về Phụ Nữ Khiến Trần Tiến Sợ Nhất
-
NGHẸN NGÀO KHI NGHE BÀI HÁT NÀY "Chị Tôi Chưa Lấy Chồng"
-
Thơ - Chị Tôi Chưa Lấy Chồng | Gác Nhỏ Cho Người Yêu Sách
-
Chị Tôi - Trần Tiến - Vàng Son
-
Sự Thật Về Bài Hát Chị Tôi Của Trần Tiến. | VozForums
-
Lời Bài Hát Chị Tôi (Trần Tiến) [có Nhạc Nghe]
-
Bài Hát Chị Tôi (Lời Nhạc Sống, Lời Bài Hát, Youtube Karaoke)
-
Lời Bài Hát Chị Tôi - Trần Tiến, Nhạc Trữ Tình
-
Thanh Hoa - Chị Tôi
-
Lời Bài Hát Chị Tôi (lyrics) - Trình Bày: Bằng Kiều - Sáng Tác: Trần Tiến
-
Cảm Nhận Về Ca Khúc Chị Tôi Của Trần Tiến - Báo Hà Tĩnh