Cảm Nhận Về Nghề Giáo - Trường Tiểu Học Hải Đình
Có thể bạn quan tâm
Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta gọi đó là nghề cao quý nhất
Có một nghề không trồng hoa trên đất
Nhưng để lại cho đời những đóa hoa thơm
Là những nhà giáo, chúng ta có thể tự hào và hãnh diện khi nói về nghề nghiệp của mình. Từ xưa, ông bà ta đã đúc rút: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” hay “Không thầy đố mày làm nên”… Thế nên không tự hào sao được khi những người theo nghề được ví là “Những kỹ sư tâm hồn”, sự nghiệp giáo dục luôn được đánh giá là “Sự nghiệp trăm năm”… Với những mức độ khác nhau, tôi tin rằng, nghề giáo chân chính thì thời nào cũng đáng được trân trọng và thực tế luôn được trân trọng.
Không tự hào, không đáng trân trọng sao được khi những cô giáo, thầy giáo vẫn đang ngày ngày đứng trên bục giảng, tiếp xúc với nhiều đối tượng học sinh khác nhau, có em ngoan, có em chưa ngoan, có em giỏi, có em chưa giỏi nhưng với thiên chức cao cả mà xã hội đã giao, người giáo viên vẫn luôn trao cho các em những phần quà bằng nhau, đó là món quà tri thức. Có thể nói, công lao của thầy cô giáo luôn gắn bó với sự thành công trong tương lai của mỗi người, mỗi thế hệ. Người giáo viên không chỉ bằng năng lực nghề nghiệp, nghệ thuật dạy học để khơi dậy hứng thú và niềm vui trong hoạt động học tập, kích thích học sinh tự tìm tòi, khám phá và chiếm lính kiến thức mà còn dạy các em thành người, dạy những điều hay lẽ phải, rèn luyện kĩ năng sống, giúp các em phát triển toàn diện.
Hình ảnh người giáo viên trong cách nhìn của mọi người luôn gắn với sự an nhàn, không đua chen danh lợi. Điều đó chỉ đúng một nửa. Quả thật, những con người ấy đang âm thầm cống hiến, âm thầm tỏa hương nhưng làm sao có thể an nhàn cho được khi ngày đêm họ luôn trăn trở để không ngừng đổi mới phương pháp dạy học và luôn luôn sáng tạo chỉ với một mong muốn đem đến cho học sinh thân yêu của mình những điều tốt đẹp nhất. Chúng ta cảm phục và tự hào trước sự đóng góp, hy sinh to lớn của bao thế hệ thầy giáo, cô giáo, những người đã không quản khó khăn, gian khổ góp phần đào tạo nên những thế hệ con người “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc!
Thời nào, nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi cái tâm, nhân cách đạo đức trên hết. Đặc biệt, đối với nghề giáo và trong thời đại ngày nay, vấn đề nhân cách người giáo viên càng được nhìn nhận nghiêm túc hơn bao giờ hết. Bởi, đối tượng lao động của người thầy không chỉ là kiến thức, trí tuệ mà cao hơn là nhân cách, tâm hồn con người, những thế hệ tương lai đất nước. Và công cụ lao động quan trọng nhất của nghề dạy học, thiết nghĩ cũng chính là toàn bộ nhân cách, phẩm giá của chính những người thầy người cô đang ngày ngày đứng trên bục giảng. Chưa kể, phương pháp giảng dạy tối ưu nhất của người thầy đó chính là làm gương, là truyền đạt bằng tư tưởng, tình cảm của mình… Nếu không có nhân cách tốt, những người thầy, người cô rất khó thực hiện trọn vẹn bổn phận và trách nhiệm của mình. Vì vậy, lao động của người thầy, ngoài đòi hỏi kiến thức, sự cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc, đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng, để tạo dựng nên nhân cách con người đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Như giáo sư Nguyễn Văn Lê đã dẫn lời một nhà tư tưởng nói về nghề dạy học rất hay rằng: “Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ… Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được”.
Đặc biệt, với Tiểu học là cấp học đặt nền móng ban đầu thì yêu cầu với giáo viên là sự linh hoạt, sinh động trong việc tổ chức các hoạt động học để chiếm lĩnh kiến thức, cũng như trong cách thức giáo dục tâm hồn, nhân cách với những tâm hồn quá đỗi ngây thơ, trong sáng không bao giờ là đủ, nhất là đối với những giáo viên tâm huyết. Giáo viên Tiểu học hầu hết là các cô giáo. Thế nên vất vả ở trường là vậy nhưng khi trở về nhà, các cô giáo lại là những người vợ đảm, những người mẹ hiền trong gia đình. Những gia đình hạnh phúc, đầm ấm đó sao có thể thiếu bàn tay vun vén, lo toan của các cô. Thật khó để nói hết được những nỗi nhọc nhằn, vậy mà các cô giáo của chúng ta vẫn luôn tươi vui vào mỗi sớm mai đến trường. Niềm vui của các cô không bắt đầu từ những điều gì lớn lao, to tát mà chính từ những nụ cười hồn nhiên, những đôi mắt tròn xinh long lanh của các học sinh thân yêu. Nhìn các em lớn khôn từng ngày, nhìn những bàn tay bé xíu dần viết nên được những nét chữ xinh xắn mềm mại, giải được những bài toán khó, các cô không vui sao được!
Mỗi nghề có một lời ru
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này
Chỉ những ai đã và đang đứng trên bục giảng thì mới cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự cao quý quá đỗi của nghề dạy học. Nghề mà những nhọc nhằn, trăn trở cũng chính là vinh quang!
Trà My
Từ khóa » Suy Nghĩ Về Nghề Giáo Viên Tiểu Học
-
Cảm Nghĩ Về Nghề Giáo Viên ❤️️12 Bài Văn Về Nghề Dạy Học
-
Suy Nghĩ Của Em Về Nghề Dạy Học - Bài Văn Mẫu Lớp 11
-
CẢM NGHĨ VỀ NGHỀ DẠY HỌC - Trường TH Số 1 Lao Bảo
-
CẢM NGHĨ VỀ NGHỀ DẠY HỌC - TRƯỜNG VIỆT MỸ VŨNG TÀU
-
Cảm Nghĩ Về Người Thầy Về Nghề Giáo Viên
-
Cảm Nghĩ Về Nghề Dạy Học - Luyện Thi Văn
-
Đôi Dòng Cảm Xúc Về Nghề Giáo - Trường TH Dịch Vọng A
-
Suy Nghĩ Của Em Về Nghề Dạy Học - 123doc
-
TẢN VĂN: CẢM NGHĨ VỀ NGHỀ DẠY HỌC
-
Suy Nghĩ Về Nghề Dạy Học Nhân Dịp Kỷ Niệm 37 Năm Ngày Nhà Giáo ...
-
SUY NGHĨ VỀ “NGHỀ GIÁO” TRONG THỜI GIAN HỌC SINH NGHỈ ...
-
[ Bài Dự Thi ] TÂM SỰ VỀ NGHỀ GIÁO - Trường Tiểu Học Ân Mỹ
-
KHTC- Suy Nghĩ Về Nhà Giáo Trong Sự Nghiệp Trồng Người
-
Nghề Giáo Viên Là Gì, Ý Nghĩa Của Nghề Giáo Viên? - Luật Hoàng Phi