Cam Thảo - Vị Thuốc đa Năng

Trong các bài thuốc Đông y, cam thảo được dùng rất phổ biến là nhờ tác dụng đa năng của vị thuốc này. Cam thảo tính vị ngọt, bình, chủ yếu dùng vào bổ tì, thanh nhiệt, giải độc, hoãn cấp, nhuận phế và là vị thuốc dược tính điều hòa.

Bổ tì: Người thể hư, ốm đau lâu ngày dẫn tới trung tiêu khí hư (chân tay vô lực, hụt hơi, ít nói, ăn uống không ngon, tiêu hóa kém, đại tiện loãng, lỏng...) thường dùng cam thảo phối dùng với đảng sâm, bạch truật, phục linh, biển đậu, trần bì để kiện tỳ ích khí.

Thanh nhiệt giải độc: Cam thảo sống tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường dùng vào chữa trị ung nhọt, lở loét. Với chứng sưng tấy, viêm nhiệt thường phối dùng với ngân hoa, liên kiều, xích thược, đan bì, địa đinh, bồ công anh... Với các chứng ung nhọt chìm (chỗ tấy không đỏ, rắn cứng, sắc tối) thường phối dùng với thục địa, ma hoàng, nhục quế, sừng hươu, bạch giới tử, quế chi để giải độc. Bởi vậy y văn thời xưa cho rằng cam thảo có tác dụng giải độc bách bệnh.

Hoán cấp: "Cấp" có hàm nghĩa căng thẳng, co rút, co giật... Kinh nghiệm thời xưa "cam thảo có khả năng hoãn cấp". Cam thảo vị ngọt có tác dụng hoãn cấp. Với thống "cấp" trong bụng thường phối dùng với bạch thược, đường nha, quế chi, đại táo, sinh khương. (Bài Tiểu kiện trung thang dùng cho đau bụng hư hàn). Gần đây qua thực nghiệm cam thảo còn có tác dụng hoàn giải co rút cơ bắp tràng vị. Đó là một nhận thức mới về tác dụng hoàn giải của cam thảo. Nếu có thêm bạch thược thì bài thuốc đó là "Thược dược cam thảo thang" dùng cho trường hợp dùng nhầm phép xổ mồ hôi mà gây thương cập âm huyết dẫn tới quyết nghịch (toàn thân ở các đầu mút phát lạnh) chân tay co rút cấp không duỗi ra được.

Nhuận phế: Sinh cam thảo còn có tác dụng nhuận phế, chữa trị có hiệu quả ho đau, ho do phế nhiệt. Trong bài Sinh cam thảo, hạnh nhân, bối mẫu, tì bà diệp, tri mẫu, hoàng cầm... dùng chữa viêm sưng họng. Dùng cam thảo làm thuốc trừ đờm dạng hoạt nhuận, sau khi uống có thể làm niêm mạc họng giảm bớt kích thích, thích hợp với chứng viêm họng, cam thảo còn có tác dụng ức chế vi khuẩn lao, phối dùng với thuốc chống lao, dùng chữa lao phổi.

Thuốc điều hòa dược tính: Cam thảo có tác dụng hòa hoãn, thông đạt tới 12 kinh. Có thể thăng, có thể giáng, phối dùng với các thứ thuốc bổ, tả hỏa, nhiệt, ôn, lương... có tác dụng điều hòa dược tính. Nếu dùng với đương quy, bạch thược, địa hoàng, xuyên khung, đảng sâm, bạch truật, phục linh... (các loại thuốc bổ) thì có thể làm giảm chậm hòa hoãn tác dụng thuốc bổ. Nếu dùng với các thuốc tả như đại hoàng, mang tiêu, tích thực, có thể hòa hoãn tính tả (xổ tẩy) của thuốc để tả không nhanh, phát huy đầy đủ lực thuốc mà không làm hại vị khí. Nếu phối dùng với sinh thạch cao, tri mẫu... (các thứ thuốc hàn) thì hòa hoãn tính hàn của thuốc để phòng thương vị. Nếu phối dùng với các thuốc phụ tử, can khương... (các thuốc nhiệt) thì hòa hoãn tính nhiệt nóng của thuốc. Phối dùng với ma hoàng, quế chi, hạnh nhân... (các thuốc cay ấm phát tán) thì hòa hoãn dược tính bảo vệ vị khí, phòng khi ra mồ hôi làm thương tân dịch...

Cam thảo có trong các bài thuốc thì có thể hòa giải lẫn nhau không có hiện tượng tương tranh giành, cho nên mới gọi là "Điều hòa bách dược". Cam thảo phối dùng với sinh khương, quế chi, ma nhân, mạch đông, đảng sâm, a giao, sinh địa, đại táo, đơn bì... đó là bài thuốc "Cứu cam thảo thang" dùng cho âm khí hư thiểu, dương khí hư bại mà gây mạch kết, tim đập nhanh, sẽ có hiệu quả nhất định là do cam thảo có tác dụng cường tâm.

Cam thảo sao tẩm mật ong gọi là cứu cam thảo dùng bổ trung ích khí. Sinh cam thảo dùng thanh nhiệt, giải độc. Ngọn cam thảo tươi có thể chữa đau nhức niệu đạo, dùng cho bệnh đái dắt. Mắt cam thảo tươi dùng tiêu nhiệt độc, lợi khớp. Sinh cam thảo bóc vỏ gọi là phấn cam thảo dùng thanh nội nhiệt, xổ tâm hỏa.

Cam thảo ngâm cao có thể ức chế tiết toan dịch, có thể dùng để chữa bệnh loét đường ruột.

Lương y Hoài Vũ

Từ khóa » Tính Vị Của Cam Thảo