Cần Cảnh Giác 7 Nguyên Nhân Gây đau Nhức Cánh Tay Trái
Có thể bạn quan tâm
Do tim và cánh tay trái có chung đường dẫn thần kinh lên não nên đau nhức cánh tay trái có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng về tim. Nhưng đôi lúc, đau cánh tay trái còn là biểu hiện bất thường khác của cơ thể, cần được thăm khám kịp thời.
1. Đau thắt ngực
Đau thắt ngực là cảm giác đau âm ỉ ở giữa ngực hoặc có thể lan xuống cánh tay, nhưng chỉ kéo dài vài phút. Tình trạng này thường xảy ra khi gắng sức hoặc căng thẳng tinh thần, song cũng có thể xuất hiện cả lúc nghỉ ngơi. Nguyên nhân là tim bị thiếu ôxy do thiếu máu, gây ra các cơn đau ở ngực và cả cánh tay trái. Các triệu chứng khác bao gồm: đau ở hàm, cổ và vai, buồn nôn, đau bụng, khó thở và toát mồ hôi. Những đối tượng có nguy cơ bị đau thắt ngực gồm: nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi, người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và cao cholesterol.
Lời khuyên: Tập thể dục và ăn uống lành mạnh (tăng cường thực phẩm bổ máu) có thể ngăn ngừa hoặc giảm tần suất cơn đau. Nhưng nếu cơn đau vẫn không thuyên giảm cả khi nghỉ ngơi, hoặc nặng dần lên kèm theo đổ mồ hôi hay khó thở, người bệnh nên đi cấp cứu vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim.
Phân biệt cơn đau bất thường ở cánh tay trái giúp kịp thời chữa trị nhiều bệnh.
2. Nhồi máu cơ tim
Đây là trường hợp cấp cứu do thiếu máu đến tim - tình trạng dễ dẫn đến tổn thương tim vĩnh viễn hoặc tử vong. Giống như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cũng gây đau cánh tay trái đột ngột song triệu chứng này thường kéo dài trong 10-15 phút. Các triệu chứng khác bao gồm: đau hoặc khó chịu ở ngực và vùng dưới ngực, kèm theo cảm giác buồn nôn, lo âu hoặc sợ hãi, toát mồ hôi, chóng mặt, khó thở. Đối tượng có nguy cơ cao gặp tình trạng này là người có tiền sử gia đình bị đau tim, nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi bị cao huyết áp, cao cholesterol, tiểu đường, hút thuốc lá, uống nhiều rượu và béo phì.
Lời khuyên: Lập tức gọi cấp cứu hoặc nhờ sự trợ giúp khi bị đau cánh tay trái kèm các triệu chứng nêu trên.
3. Bong gân và căng cơ
Tuy đều có thể xảy ra khi bị chấn thương thể thao, vận động quá sức hoặc tai nạn, nhưng bong gân và căng cơ có đặc điểm khác biệt. Cụ thể, bong gân là tổn thương dây chằng - phần mô kết nối các xương với nhau, còn căng cơ nghĩa là cơ hoặc gân bị kéo giãn hoặc rách. Cả bong gân và căng cơ ở vai, bắp tay và cơ cẳng tay sẽ gây đau, sưng và viêm, nhưng căng cơ cũng gây co thắt, yếu cơ hoặc chuột rút. Cả hai tình trạng này đều làm giới hạn cử động.
Lời khuyên: Bong gân và căng cơ nhẹ có thể được điều trị tại nhà bằng phương pháp RICE (bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, mang băng ép, nâng cao vị trí chấn thương) và uống thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS). Nhiều trường hợp chỉ cần vài tuần để hồi phục.
4. Gãy xương
Tình trạng này có thể xảy ra với bất kỳ xương nào trong số 3 xương chính ở cánh tay - gồm xương quay và xương trụ và xương cánh tay trên - khi gặp tai nạn hoặc ngã trong tư thế chống tay. Tuy nhiên, nó phổ biến hơn ở người cao tuổi bởi mật độ xương của họ đã giảm, khiến xương giòn và dễ gãy hơn.
Lời khuyên: Nếu cảm thấy cánh tay sưng tấy, bầm tím, tê cứng khó cử động và nghi ngờ bị gãy xương, hãy lập tức gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị thích hợp, trường hợp nặng có thể phải bó bột hoặc phẫu thuật.
5. Chấn thương chóp xoay
Đây là chấn thương vai rất phổ biến với triệu chứng chính là đau cánh tay, đặc biệt là khi rướn cánh tay cao qua khỏi đầu. Bạn cũng có thể bị yếu, cứng, tê ở vai và cánh tay cùng với cơn đau tăng lên vào ban đêm. Theo ước tính, 15%-30% trường hợp chấn thương chóp xoay xảy ra ở người từ 60-70 tuổi và 36%-62% ở người trên 80 tuổi. Nguy cơ bị chấn thương chóp xoay tăng dần theo tuổi tác, nhưng thường cao hơn ở người có bệnh sử gia đình gặp các vấn đề về vai, hoặc người thường xuyên thực hiện các cử động vai lặp đi lặp lại như bơi lội, chơi quần vợt hoặc nâng tạ cao khỏi đầu.
Lời khuyên: Khoảng 8/10 trường hợp bị rách một phần chóp xoay sẽ cải thiện khi nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu, uống thuốc NSAIDS và tiêm steroid. Những trường hợp nghiêm trọng hơn phải phẫu thuật.
6. Viêm gân
Viêm gân xảy ra khi gân bị viêm hoặc kích ứng do hoạt động quá mức, thường xảy ra ở vai, khuỷu tay và cổ tay. Giống như chấn thương chóp xoay, viêm gân có thể xảy ra nếu vận động mạnh lặp đi lặp lại.
Lời khuyên: Có thể điều trị viêm gân bằng phương pháp RICE. Tập vật lý trị liệu và tiêm steroid cũng có thể có hiệu quả đối với những trường hợp viêm gân nặng hơn.
7. Dây thần kinh cổ bị chèn ép
Nếu các dây thần kinh ở cổ bị đè nén hoặc bị kích thích, nó có thể gây ra cơn đau lan tỏa xuống cánh tay, gọi là bệnh rễ thần kinh cổ. Bệnh có thể do chấn thương hoặc thoái hóa cột sống khi lớn tuổi.
Lời khuyên: Bệnh rễ thần kinh cổ có thể điều trị nhờ kết hợp phương pháp RICE, uống NSAID, tập vật lý trị liệu và steroid. Những trường hợp nghiêm trọng hơn buộc phải phẫu thuật.
AN NHIÊN (Theo Insider)
Từ khóa » Cánh Tay Trái Bị đau Nhức
-
Đau Xương Cánh Tay: Khi Nào Cần Khám? | Vinmec
-
Đau Nhức Cánh Tay Trái, Phải Cảnh Báo Bệnh Gì? | ACC
-
Đau Bả Vai Trái Lan Xuống Cánh Tay Có Nguy Hiểm Không? | ACC
-
Nhức Mỏi 2 Cánh Tay Trái, Phải Là Bệnh Gì? Làm Sao Khắc Phục?
-
Đau Nhức Cánh Tay Cảnh Báo Bệnh Gì & Cách điều Trị Hiệu Quả
-
Đau Nhức âm ỉ Vai Và Cánh Tay - Coi Chừng Hội Chứng Chóp Xoay Vai
-
Đau Nhức Cánh Tay Phải Là Bệnh Gì? Khi Nào Cần Tới Gặp Bác Sĩ?
-
Đau Nhức Cánh Tay: Nguyên Nhân Và Phương Pháp điều Trị Hiệu Quả
-
Đau Nhức Tay Trái: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị | Hapacol
-
Đau Nhức Cánh Tay Là Biểu Hiện Của Bệnh Gì? Liệu Có Nguy Hiểm?
-
Đau Khớp Cánh Tay Trái Là Gì? Nguyên Nhân Và Triệu Chứng Thường Gặp
-
3 Mẹo Làm Giảm đau Nhức Cơ Bắp Tay Tại Nhà | Hapacol
-
Chấn Thương Bàn Tay Và Phương Pháp điều Trị | Bệnh Viện Gleneagles