Cần Có Cái Nhìn Tổng Quan Hơn Về Nghi Lễ Phật Giáo

Dịp này, Hòa thượng Thích Huệ Minh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo đã dành cho phóng viên Giác Ngộ cuộc trao đổi xung quanh chủ đề hội thảo và những định hướng của ngành nghi lễ trong tương lai.

Nói về ý nghĩa chủ đề “Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” của hội thảo, Hòa thượng chia sẻ:

Hòa thượng Thích Huệ Minh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN

Hòa thượng Thích Huệ Minh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN

Thông qua hội thảo lần này, Ban Nghi lễ Trung ương mong muốn đón nhận được nhiều ý kiến quý báu, trong việc phát huy và bảo tồn nền văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững GHPGVN trong tương lai.

Chủ đề hội thảo lần này đã mang đầy đủ ý nghĩa, vừa mang tính kế thừa cũng như chuyển tải những nội hàm của phát triển. Tuy nhiên, để thích nghi với thời kỳ hội nhập như: kỹ thuật số, thời đại công nghiệp 4.0, v.v… Ban Nghi lễ vẫn duy trì các hoạt động của mình, các nghi thức vẫn được thực hiện tùy theo hình thái sinh hoạt ở các vùng miền trên tinh thần “tùy duyên bất biến” nhưng vẫn không đi ra ngoài tinh thần Chánh pháp.

* Trong những năm qua, các nghi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực nhằm phù hợp với truyền thống Phật giáo, tránh các hình thái mê tín dị đoan, đó có thể coi là một điểm sáng của ngành nghi lễ cần được tiếp tục phát huy hơn nữa không, thưa Hòa thượng?

- Có thể thấy sau Hội thảo Nghi lễ toàn quốc lần thứ II tổ chức vào năm 2010 tại tỉnh Khánh Hòa, tính đến nay đã 12 năm. Trong khoảng thời gian đó, Ban Nghi lễ đã triển khai các thành tựu của hội thảo. Nhờ vậy mà các sinh hoạt tín ngưỡng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, lần lượt triệt tiêu các hình thái mê tín, dị đoan. Đồng thời, đã chuẩn hóa về pháp phục, kinh tụng, nghi thức lễ Phật đản, cầu quốc thái dân an, lễ hội Dược Sư đầu năm và lễ Vu lan. Ban Nghi lễ mong muốn thực hiện nhiều hơn nữa để ngọn đèn Chánh pháp được tỏ rạng, phá tan đi sự si mê ám chướng và các hình thái sinh hoạt tín ngưỡng không phù hợp với Chánh pháp cũng như truyền thống dân tộc.

* Vấn đề thống nhất nghi lễ, biên soạn giáo trình nghi lễ để áp dụng trong các trường Phật học từng được Ban Nghi lễ Trung ương thảo luận nhiều lần tại các cuộc họp trước đây, nội dung này có tiếp tục được đưa ra thảo luận trong hội thảo lần này không, thưa Hòa thượng?

- Việc thống nhất hay Việt hóa nghi lễ vẫn là vấn đề Ban Nghi lễ Trung ương đặc biệt quan tâm và đã cho triển khai. Nhưng ở đây chỉ thống nhất trên phương diện văn bản và các nghi lễ có hình thức tập hợp đại chúng như: Phật đản, Vu lan, pháp hội Dược Sư… còn lại vẫn tôn trọng và duy trì truyền thống của các hệ phái, các pháp môn và phương tiện tu hành chân chánh theo quy định của Hiến chương GHPGVN.

Hiện nay, bộ môn Nghi lễ Phật giáo đã được các trường trung cấp ở các tỉnh miền Trung và ngay cả Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế giảng dạy. Tuy nhiên, đây vẫn chưa được xem là môn học chính quy mà lồng ghép trong các tiết học thiền môn quy củ. Đặc biệt, tại các hạ trường ở các vùng miền, vẫn có tổ chức những buổi dạy về ứng dụng các hình thái sinh hoạt nghi lễ mang tính sơn môn, hệ phái đặc thù. Đây là vấn đề cũng sẽ được nêu ra để thảo luận tại hội thảo lần này để có những hướng đi mới, giúp cho việc triển khai được đồng bộ và hiệu quả ở thời gian tới.

* Trên cương vị người đứng đầu Ban Nghi lễ Trung ương, Hòa thượng có kỳ vọng gì đối với hội thảo lần này trong việc đóng góp cho định hướng phát triển của ngành nghi lễ trong tương lai sắp tới?

- Những góp ý trăn trở của chư tôn đức và các học giả từ hội thảo đều được Ban Nghi lễ ghi nhận và thảo luận, cùng tìm hướng phát triển phù hợp cho ngành nghi lễ trong tương lai.

Nghi lễ không dừng lại ở các lễ nghi mà là hình thái sinh hoạt phù hợp theo thuần phong mỹ tục và các truyền thống mang tính kế thừa. Là một trong 6 ngành được thành lập đầu tiên khi Giáo hội thành lập năm 1981. Trải qua hơn 40 năm, ngành nghi lễ đã dần thể hiện tốt vai trò tham mưu của mình cho Hội đồng Trị sự để có những chỉ đạo trong sinh hoạt tín ngưỡng phù hợp với truyền thống Phật giáo và dân tộc trong các nghi lễ sinh hoạt tín ngưỡng như: tang lễ, cưới hỏi và các lễ hội… tránh mê tín dị đoan, nói không với việc đốt vàng mã, tạo nên những hiệu ứng tốt và cái nhìn tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, trong hình thái sinh hoạt nghi lễ Phật giáo.

Có thể thấy, trong xã hội phát triển hiện nay, nghi lễ Phật giáo vẫn có một vị trí nhất định mà không thể thay thế được. Chúng tôi tin tưởng trong tương lai, ngành nghi lễ sẽ tiếp tục phát huy các hình thái sinh hoạt và tín ngưỡng đúng Chánh pháp, cũng như không trái với thuần phong mỹ tục.

* Kính tri ân Hòa thượng!

Từ khóa » Nghi Lễ Phật Giáo Miền Trung