NET ĐAC THU CUA NGHI LE PHAT GIAO VIET NAM
Có thể bạn quan tâm
Nét đặc thù của nghi lễ Phật Giáo Việt Nam |
Nghi lễ của Phật giáo Việt Nam phát triển từ Bắc đến Trung và vào Nam. Nhưng ở miền Trung có được nét đặc biệt là trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, được các Tổ sư từ Trung Hoa sang và họ đã cải cách những nghi lễ ở miền Bắc vốn đang được sử dụng ở miền Trung khiến cho nghi lễ miền Trung mang nét cung đình : còn nghi lễ từ Phú Yên trở vào thì đi vào tính dân gian hơn. Nhưng phải nhìn nhận là nghi lễ của Phật giáo miền Nam phong phú hơn vì được thừa hưởng tất cả những dòng nghi lễ trên và nhờ vào những giọng điệu, âm điệu vốn có của người miền Nam nên đã tạo thành những phong cách riêng rất đa dạng và đặc sắc. Chẳng hạn, mỗi một bài "tán" ở miền Nam đã mang một điệu khác, không còn mang những nét nguyên thủy của Bình Định nữa mà đã theo tiếng nhạc riêng của miền Nam. * Vậy những điệu tán trong nghi lễ bắt nguồn từ đâu ? - Từ chư Thiên ! Sách chép rằng ở Trung Quốc vào đời Tam quốc có ông Tào Thực (con của Tào Tháo) vì chán nản thời cuộc, ông đi vào núi tu tiên... Giây phút sắp đạt đạo, ông nghe có chư Thiên đến, trỗi lên khúc nhạc trời, ca ngợi đạo hạnh của ông. Sau khi xuất đạo, ông chợt nhận ra rằng đạo Phật rất cao siêu đem chép lại tất cả các điệu nhạc ấy mà truyền tụng trong Phật giáo. Những điệu ấy gọi là các điệu "tán". Trải qua các đời, các điệu tán ấy hòa nhập vào mỗi quốc gia và tùy theo tính đặc thù của Phật giáo Đại thừa tại mỗi quốc gia ấy mà các điệu "tán" có những nét đặc trưng khác nhau. * Có quan niệm Phật giáo xuất hiện cùng với nghi lễ. Điều này đúng hay sai ? - Không hoàn toàn đúng. Đối với Phật giáo, nghi lễ chỉ xuất hiện từ khi đức Phật nhập diệt. Khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử đã thể hiện lòng kính trọng đối với Đạo Sư của mình bằng những cung cách khác nhau. Dần dà những cung cách ấy được gắn vào những tư tưởng triết lý của Phật và phổ vào những điệu nhạc trở thành nghi lễ. * Các loại nghi lễ được dùng hiện nay có hình thức ra sao ? - Hiện nay, không chỉ riêng gì miền Nam mà cả miền Bắc và miền Trung đều dùng các nghi lễ có nguồn gốc do Tổ sư để lại. Các loại nghi lễ hiện được dùng theo hai khoa chính, đó là Thiền môn chánh độ và Tâm nam thiện bản. Thiền môn chánh độ gồm có hai phần chính, đó là độ các sư tăng viên tịch và độ các người tại gia khi qua đời. Còn Tâm nam thiện bản thì có tính chất như một công văn, đó là những văn sớ. Còn về hình thức thì tùy theo nội dung mà có những cách thể hiện khác nhau. Như ở chùa thì lúc nào cũng có nghi lễ. Sáng thì có hành trì (giờ công phu). Có những bài kinh, tán tụng đều dùng đến nghi lễ, nhưng các sư đọc theo giọng lạc (thiền). Còn buổi chiều thì có khóa Tịnh độ (công phu chiều), đọc hồi hướng theo giọng ai. Còn trong các pháp hội như lễ Vu Lan, Phật Đản... thì nội dung của pháp ngữ cũng khác nhau. Và trong độ linh thì các khoa giáo cũng khác và giọng điệu cũng khác. * Xin điểm qua những dụng cụ trong hành trì nghi lễ. - Thường dùng thì có linh cổ (trống đạo), đẩu, chuông, mõ, đại cổ (trống bát nhã). Ngoài ra ở các pháp hội lớn thì có các loại nhạc khí thêm vào như đàn cò, sáo kèn, đàn nguyệt (kiềm)... Các loại dụng cụ cũng chỉ là phụ, quan trọng nhất vẫn là người hành trì nghi lễ. * Dụng cụ mà người miền Nam gọi là cái "đẩu" thì miền Trung gọi là cái "tang" và miền Bắc gọi là cái "tiêu" và "cảnh". Vậy chúng giống và khác nhau như thế nào ? - Sự thật thì ba tên gọi đó đều chung cho một thứ dụng cụ cả. Nhưng ở miền Nam gọi là cái "đẩu" là do đọc trại từ chữ "điều" mà thành. Người ta gọi là cái "điểu" vì khi đánh vào dụng cụ kêu giống như tiếng chim, ví như con chim hót ra chân lý để người nghe phát tâm niệm Phật, Pháp, Tăng... nên gọi là cái "đẩu". Còn người miền Trung gọi là cái "tang" là vì khi đánh, họ đánh rất nhẹ nghe cái "tang" nên tiếng "tang" là từ đó. Còn ở miền Bắc khi đánh vào nghe to hơn nên gọi là tiếng "tiêu" miền Bắc cũng còn gọi là cái "cảnh". * Có đòi hỏi đặc biệt nào đối với người hành trì nghi lễ không, thưa Đại Đức ? - Trong hành lễ có những khác biệt, đó là có người thích tĩnh, có người thích động. Do đó, tùy theo căn cơ mà người hành trì làm tăng vẻ trang trọng cho pháp hội hoặc ngược lại. Cái chủ yếu của nghi lễ là tác động đến tâm thức của người nghe, do đó muốn cho nghi lễ hay, người hành trì nghi lễ phải có đời sống nội tâm (tâm linh) cao. Người có đời sống tâm linh cao chừng nào thì hành trì nghi lễ hay chừng nấy. Và chỉ hay khi người hành trì hòa mình vào các thứ nhạc khí và cất lên giọng điệu của mình để đánh vào tâm thức của người nghe. Những điệu "tán", "tụng" chỉ có tác dụng thu hút mọi người khi người hành trì nghi lễ dồn hết tâm trí của mình vào việc hành lễ. Còn ngược lại, người chỉ biết tán tụng không có đời sống nội tâm cao thì hành lễ sẽ chẳng thu hút được mọi người, chỉ khiến cho họ điếc tai mà thôi. Cũng giống như trong hát dân ca vậy, người nghệ sĩ chỉ nhập vai mới thu hút được người xem. Trong đạo Phật, có người không hiểu vai trò đó, nên chỉ chú trọng luyện giọng cho tốt, không chú trọng định lực, chánh niệm nên cuối cùng không có một tác dụng nào về mặt hoằng pháp cả. Do đó, muốn hành trì nghi lễ hay cần phải có 3 yếu tố. Thứ nhất phải có nghệ thuật : điêu luyện đúng mức về giọng điệu. Thứ hai phải có khoa học, đó là sự thật, là chân lý, những giọng điệu câu văn phải khế hợp với chân lý của đạo Phật, nếu không khế hợp thì chắc chắn sẽ bị đào thải. Thứ ba là phải quần chúng, giọng điệu phải mang nét văn hóa Việt Nam; thiếu một trong 3 yếu tố trên, người hành trì nghi lễ không thể đem nghi lễ phổ cập được. * Đại Đức nghĩ gì về quan niệm "nghi lễ phát triển, Phật giáo suy đồi?" - Câu nói này hoàn toàn đúng, nếu như người hành trì nghi lễ không chịu học giáo lý, không chú tâm vào đời sống tâm linh, sử dụng nghi lễ như một phương tiện kiếm sống. Với những hạng người này, mọi hoạt động của họ đều làm cho Phật giáo suy đồi. Ngược lại, các nước như Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bản... nghi lễ rất phát triển mà Phật giáo ở các nước đó đâu có dấu hiệu nào là suy sụp ! Do đó, không phải ở nghi lễ làm cho Phật giáo suy đồi mà chính là do ở những người hành trì nghi lễ. Còn nếu nghi lễ sai thì các Tổ sư đâu có sáng chế ra nghi lễ để làm gì, và Phật giáo Việt Nam cũng chẳng cần có một giai đoạn nghi lễ phát triển mà Phật giáo vẫn hưng thịnh vào giữa thế kỷ 19 đó sao ? * Thưa Đại Đức, hiện nay nghi lễ đóng vai trò như thế nào trong đời sống tu học của Tăng Ni ? - Có thể khẳng định rằng nghi lễ hiện nay đang bị bỏ quên, không có một phương hướng đào tạo cụ thể. Nếu có thì chỉ truyền dạ theo lối Tổ truyền và chỉ đi sâu vào những điệu "tán", "tụng" chứ không chú trọng về tâm thức khi hành lễ. Ở các nước, môn học đầu tiên của các Tăng Ni khi vào chùa là phải học nghi lễ. Họ quan niệm rằng "Tôn giáo mà không có nghi lễ sẽ trở thành học thuyết". Thế nhưng, với Phật giáo Việt Nam ta, hiện nay vai trò của nghi lễ vẫn chưa được nhận thức đúng đắn. Ngày xưa, các vị Tổ sư đã dạy rằng : "Học kinh ba tháng, học tán ba năm". Thế mà hiện nay, đáng buồn thay ! * Vậy để khôi phục và phát triển nghi lễ cần phải làm gì ? - Cần phải có một cái nhìn đúng về nghi lễ ! Không chỉ Tăng Ni mà tất cả mọi người phải nhìn nhận rằng : nghi lễ của thiền gia để hành trì chứ nghi lễ không phải để làm đám... Cần loại trừ những tệ hại phát sinh từ nghi lễ để mọi người cùng nhìn thấy rằng đây cũng là một pháp môn tu như bao pháp môn cần tu tập khác. Nghi lễ cần được đem phổ biến truyền tụng cho tất cả Tăng Ni để mọi người ai cũng phải biết hành trì nghi lễ, tuy rằng không chuyên nhưng phải biết để thấy giá trị thật sự của nghi lễ, Phật giáo còn thì nghi lễ còn ! Lê Việt Nhân thực hiện Nghi lễ Phật Giáo các tỉnh miền Trung Ngày xưa khi đạo đức ở Trung Quốc bị suy đồi, người ta mới thật sự chú trọng vào nghi lễ của Phật giáo. Thông qua nội dung câu kinh, tiếng kệ, đã tạo được sự an lành trong tâm hồn, lời khuyến nhủ bỏ ác làm lành. Sống phải có hiếu hạnh với cha mẹ biết đền ơn đáp nghĩa, tri ân thầy tổ v.v... và lời kinh kệ trong nghi lễ mọi người xem như một nền tảng để phát triển đạo đức cá nhân, cộng đồng. Từ đó nghi lễ mới dần dần định hình, và nhiều nhóm phái nghi lễ ra đời. Tại Việt Nam, nghi lễ vốn chịu sự ảnh hưởng từ các nhà sư Trung Quốc sang truyền giáo khoảng thế kỷ thứ 10, rồi dần dần cải biến hưng thịnh ở : Huế, Bình Định, Phú Yên với sự đóng góp của Quốc sư Thích Phước Huệ, Hòa Thượng Thích Vạn Ân... trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo. Âm Vị và ý nghĩa Theo chư tôn đức người Huế, Quảng Trị... đang hành đạo tại miền Nam thì nghi lễ xứ Huế trên căn bản được biến tấu, chuyển thể từ : Ca - hò Huế, chầu văn, nhạc cung đình v.v... Mượn làn điệu âm nhạc ngoài đời đưa vào trong đạo biến thành bản sắc lễ nhạc Phật giáo, mang tinh thần vô ngã, đầy thiền vị. Sau thời gian phát triển, nghi lễ Huế được định hình qua chất giọng : Thiền và Ai (buồn não), làm ngữ điệu chính trong các buổi lễ. Nghe giọng Thiền, chúng ta sẽ cảm nhận được tiết âm trầm nhẹ, thảnh thơi, mang lại niềm an vui nội tại. Còn giọng Ai hay sử dụng vào dịp tang lễ, húy kỵ. Về ý nghĩa của nghi lễ thì TT. Ng.G đã giải thích : "Dù là Pháp môn Thiền - Tịnh - Mật, thì cũng phải có một số nghi lễ nhất định để áp dụng vào đời sống tu tập hàng ngày. Nghi lễ rất cần thiết cho Tăng ni, vì có thể xem đó là Giới để hành trì, nhằm hướng tới sự an tịnh tâm. Ý nghĩa thứ hai, nghi lễ được dùng làm phương tiện hoằng pháp, đến hôm nay nó vẫn còn đóng vai trò quan trọng, mượn lời kinh nói lên sự vô thường. Khía cạnh thứ ba, nghi lễ dùng để đáp ứng hình thức tín ngưỡng dân gian qua các lễ : Cầu an, Cầu siêu... Vì lâu nay, mọi người vốn coi trọng nghi lễ là nơi nương tựa vững chắc nhất khi con người gặp khủng hoảng trong đời sống tinh thần, họ liền quay về với lời kinh, với Phật". Pháp Khí Để xác định âm điệu tán tụng đồng nhịp hay không, các Tổ đời trước mới chế ra nhiều loại pháp khí : mõ, chuông, tang, khánh, linh, thủ, xích, ốc hiệu... đệm với lời kinh mới xác định được trường canh, hoà quyện vào nhau giữa âm thanh và khí cụ thiêng liêng. Riêng xứ Huế, Bình Định do chịu sự ảnh hưởng nhạc cung đình, hát bội, nên Pháp khí còn phối hợp thêm nhạc cụ : đàn cò, mõ sừng trâu, trống cơm, đàn nhị, sáo v.v... cũng theo TT. Ng.G, tuy là những pháp khí của nhà Phật nhưng mỗi miền lại mang nét khác nhau. Miền Trung có cái Tang (gồm ba chân kiềng, để dưới đất gõ cũng được); ở miền Nam gọi là cái Đẩu, điểm khác là không có ba chân đế. Riêng cách đánh trống cũng khác nhau : Miền Trung đánh trống theo từng câu, trống trước chuông sau. Miền Nam xổ luôn một hồi chuông trước trống sau. Về phương diện hình thức nghi lễ, HT. Đ.C bổ sung thêm : "Y hậu thì cũng Y hậu vàng do đức Phật chế ra, sau này người ta mới chế thêm mũ, áo v.v..." Mũ bao gồm : Tỳ lư, Hiệp chưởng, Quan Âm. Một khi lên hành lễ, chư tôn đức miền Trung rất chú trọng đến tính trang nghiêm của một vị tu sĩ qua tướng đi, điệu bước. Ngay cả cách bắt ấn cũng được qui định theo chuẩn mực "Kiết ấn tại tâm, xả ấn tại đỉnh", động tác gãy gọn nhịp nhàng không có lối hoa mỹ uốn éo, lộn cuộn, xoay tròn. "Thân - Khẩu - Ý phải đồng nhất với nhau, để đoạn trừ các vọng tưởng khi kiết ấn (đôi lúc phải nín thở, vì hơi người vốn uế trược). Vì người chủ sám mà tâm không định sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các chúng hữu tình". - Và thông thường, vào đêm trước ngày chôn của đám tang một Phật tử, quí thầy tổ chức lễ Tịch Điện gồm phần thuyết linh (giảng cho người chết), nội dung kinh Phật để răn nhắc với Ngũ giới, Thập thiện. Thông qua người chết còn nhắc cho những người thân trong gia đình biết ăn chay, niệm Phật. Sau đó là lễ Triều Tổ, tức đưa hương linh đến bái Tổ Tiên lần cuối cùng. - Nhìn chung, các nghi lễ của đạo Phật đều xuất phát từ Du Già - Mật Tông, nghi thức tán tụng thực hành chẩn tế (Ấn, chú...) của Nam - Trung - Bắc đều mang sắc thái riêng biệt do quan niệm "Phật pháp đồng, qui cũ bất đồng". Vi Trần - U. Viễn |
Từ khóa » Nghi Lễ Phật Giáo Miền Trung
-
Các Bài Tán Xấp Theo Nghi Lễ Phật Giáo Miền Trung
-
Cần Có Cái Nhìn Tổng Quan Hơn Về Nghi Lễ Phật Giáo
-
Lễ Nghi Miền Trung - YouTube
-
NGHI LỄ PHẬT GIÁO || TÁN HUẾ || KINH - NHẠC THÍCH NHUẬN ...
-
Bộ Sưu Tầm Những Bài Tán Xấp, Rơi, Trạo, Thỉnh... Trong Nghi Lễ ...
-
(Luận Văn Thạc Sĩ) Nghi Lễ Cầu An, Cầu Siêu Trong Phật Giáo ở Miền ...
-
Các Bài Tán Xấp Theo Nghi Lễ Phật Giáo Miền Trung
-
Những Bài Tán Rơi Theo Nghi Thức Phật Giáo Miền Trung - Pháp Vân
-
Hoà Thượng Chủ Tịch: Thống Nhất Mục đích, ý Nghĩa, Hình Thức Của ...
-
TP.Hải Phòng: Bế Mạc Hội Thảo Nghi Lễ Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ III
-
Vai Trò Của Nghi Lễ Trong Tu Học Và Hoằng Pháp
-
[PDF] Nghi Lễ Cầu An, Cầu Siêu ở Thừa Thiên - Huế Và Vấn đề đặt Ra
-
Âm Nhạc Trong Nghi Lễ Phật Giáo Việt Nam