Cần Có Sự Hiểu Biết Cần Thiết Về Bệnh Sán Dây Lợn

Home TRANG CHỦ Thứ 2, ngày 06/01/2025
Hỏi đáp Diễn đàn Sơ đồ site Liên hệ English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản
Tìm kiếm
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
WEBLINKS
-- Chọn -- Đảng Cộng sản Việt Nam Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam Bộ Y tế - Việt Nam Bộ ngoại giao Việt Nam Bộ Thương mại Việt Nam Bộ Giao thông vân tải Việt Nam Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam Bộ Bưu chính, Viễn thông Việt Nam Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Bộ Xây dựng Việt Nam Bộ Thuỷ sản Việt Nam Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Bộ Tài chính Việt Nam Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Viện Khoa học Pháp Lý Việt Nam Ngân Hàng nhà nước Việt Nam Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Thông tin Y dược Việt Nam Báo Sức khỏe và Đời sống Bệnh viện Việt Đức Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh Viện Vacxin và các chế phẩm sinh học Bệnh viện Việt Đức Bệnh viện Nhi Trung ương Trường Đại học Y Hà Nội Trường Đại học Y dược TP. HCM Trường Đại học Y tế công cộng Trường Đại học Y Thái Bình Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định Trường Đại học Y khoa Huế Bộ Y tế Indonesia Bộ Y tế Malaysia Bộ Y tế Nhật Bản Bộ Y tế Philippin Bộ Y tế Singapore Bộ Y tế Thái Lan Bộ Y tế Trung Quốc Bộ Y tế Anh
Website liên kết khác
Số lượt truy cập:
5 4 6 5 4 3 8 5
Số người đang truy cập
1 0 2
Chuyên đề Sán
Cần có sự hiểu biết cần thiết về bệnh sán dây lợn

Trong thời gian qua, việc phát hiện tình trạng nhiễm sán dây lợn ở học sinh tại tỉnh Bắc Ninh đã làm cho dư luận xã hội có nhiều lo lắng. Vì vậy cần có sự hiểu biết cần thiết về bệnh lý này. Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) thường nói giun sán là bệnh bị lãng quên, có lẽ từ đây bệnh không bị lãng quên nữa vì đã có nhiều người quan tâm. Mặc dù đã có nhiều bài viết về bệnh sán dây lợn nhưng đọc thêm bài viết này cũng không thừa.

Đặc điểm của sán dây

Sán dây (Cestoda) có thân dài được hợp thành bởi những đốt sán tương tự như nhau và nối với nhau tạo thành một dải dài. Tất cả các giai đoạn vòng đời của chúng đều sống ký sinh. Giai đoạn trưởng thành sán thường sống ký sinh ở ống tiêu hóa của người hoặc động vật có xương sống khác. Giai đoạn ấu trùng sán thường sống trong mô tế bào của động vật có xương sống, đôi khi trong mô tế bào của người. Bệnh sán dây phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và phụ thuộc vào tập quán ăn uống, quản lý và xử lý nguồn phân thải...

Về hình thể bên ngoài, sán trưởng thành có 3 phần gồm đầu, cổ và các đốt sán. Đầu được xem là đốt đầu tiên dùng để bám do có giác bám, vòng móc, rãnh bám và thường có hai loại đầu: đầu có góc cạnh có 4 giác bám ở 4 góc, có thể có các vòng móc; đầu dài, nhỏ, hình bầu dục, có hai rãnh bám hai bên và nếu cắt ngang đầu thấy đó là hai vệt lõm sâu ở hai bên. Cổ được xem là đốt thứ hai, nhỏ, dẹp, nối tiếp với đầu, không có bộ phận gì bên trong nhưng rất quan trọng vì từ đó sinh ra các đốt sán và có vai trò trong việc phát triển thân sán. Có thể nói đầu và cổ là hai bộ phận quan trọng để sán sống dai dẳng và phát triển lâu trong cơ thể, trong khi đó những đốt sán sẽ rụng dần và bị tống ra ngoài cơ thể vật chủ. Các đốt sán ở gần cổ non nhất và chưa có cấu tạo gì bên trong rõ rệt, chúng chỉ chứa mầm phôi thai của cơ quan sinh dục; các đốt sán càng xa cổ càng già, chứa cơ quan sinh dục đã trưởng thành và có thể phân ra làm 3 loại đốt: đốt non có bộ phận sinh dục đực chiếm ưu thế, bộ phận sinh dục cái xuất hiện sau; đốt trưởng thành có cả bộ phận sinh dục đực và cái phát triển hoàn thiện, cân đối; đốt già có bộ phận sinh dục cái chiếm ưu thế, toàn đốt sán chỉ gồm có tử cung phân nhánh chứa đầy trứng, bộ phận sinh dục đực chỉ còn lại dấu vết của đường dẫn tinh và các bộ phận khác thoái hóa hết. Đặc điểm là mỗi đốt sán có một cơ cấu riêng biệt, khi bị tách rời ra đốt sán vẫn có thể sống và di chuyển...

Sán dây phát triển qua nhiều vật chủ, có loại chỉ có một vật chủ phụ là loại sán đầu có giác, loại có hai vật chủ phụ thường là loại sán đầu có rãnh bám. Đối với loại sán có một vật chủ phụ, trứng ra ngoại cảnh xâm nhập vào vật chủ phụ và phát triển thành ấu trùng ký sinh ở các mô tế bào của vật chủ phụ dưới dạng nang, mỗi nang có thể có một ấu trùng dưới dạng một đầu sán có giác, có móc, tuy nhiên cũng có thể có nhiều đầu sán trong một nang; khi nang ấu trùng vào cơ thể vật chủ chính qua đường tiêu hóa, ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành. Đối với loại sán có nhiều vật chủ phụ, trứng sán ra ngoại cảnh phát triển thành ấu trùng, sau đó vào ký sinh ở vật chủ phụ thứ nhất là các động vật thuộc lớp giáp xác (Crustacea), rồi tiếp tục ký sinh ở vật chủ phụ thứ hai là cá và các loài lưỡng thê; vật chủ chính ăn phải vật chủ phụ thứ hai có nang ấu trùng thì ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành. Sán dây ký sinh ở người cả dưới dạng sán trưởng thành và cả dưới dạng ấu trùng, nói một cách khác người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây. Ở người, sán dây trưởng thành ký sinh tại ruột non và bám vào thành ruột; ấu trùng sán dây cư trú ở nhiều bộ phận khác nhau như tổ chức dưới da, cơ, gan, phổi, não, mắt... Trên thực tế, bệnh sán dây có thể phân bố ở nhiều nơi khác nhau và phụ thuộc vào tình hình, tập quán vệ sinh ăn uống. Có hai loại là sán dây bò Taenia saginata chiếm tỷ lệ khoảng 78% thường gặp ở vùng đồng bằng và sán dây lợn Taenia solium chiếm tỷ lệ khoảng 22% thường gặp ở miền núi.

Sán dây lợn Taenia solium

Trong phạm vi của bài viết này, chỉ đề cập đến sán dây lợn do tính thời sự đã xảy ra trong thời gian qua tại Bắc Ninh, còn sán dây bò sẽ được nói thêm ở một bài viết khác. Sán dây lợn được ghi nhận khá phổ biến ở nhiều nơi tại nước ta do người dân có tập tục ăn thịt lợn sống chưa nấu chín kỹ, việc quản lý và xử lý phân thải không tốt và chưa có chế độ kiểm tra thực phẩm chặt chẽ... Trước đây, quan niệm cũ cho rằng người bị bệnh sán dây lợn chỉ nhiễm đơn độc một sán trưởng thành nhưng hiện nay thực tế cho thấy người bệnh có thể bị nhiễm từ 2 đến 5 sán trưởng thành, thậm chí cá biệt có trường hợp người bị nhiễm đến 17 sán trưởng thành; ước tính có khoảng 10% bệnh nhân sán dây lợn bị nhiễm từ 2 sán trưởng thành trở lên. Về sinh học, người là vật chủ chính, người cũng là vật chủ phụ và người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn.

Người là vật chủ chính của sán dây lợn: Sán dây lợn trưởng thành sống ký sinh ở ruột non của người, đầu bám vào màng nhầy của ruột nhờ 4 giác và những hàng móc. Đốt già thường rụng từng đoạn gồn 5 đến 6 đốt theo phân thải ra ngoại cảnh. Vật chủ phụ là lợn ăn phải đốt sán hoặc trứng sán từ đốt sán vỡ ra, trứng sán qua dạ dày đến ruột non, ấu trùng thoát ra chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn đi khắp cơ thể; sau 24 đến 72 giờ kể từ khi lợn ăn phải, ấu trùng vào cư trú ở mô liên kết giữa các cơ và ở đây sau 2 tháng, ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài với kích thước dài từ 17 đến 20 mm và rộng từ 7 đến 10 mm, chúng thường được gọi là “gạo lợn” hay “lợn gạo” (cysticercus cellulosae); trong nang có dịch màu trắng, có một đầu sán với 4 giác 2 vòng móc. Ngoài lợn nhà ra, các loài lợn rừng, chó, mèo hoặc ngay cả người đều có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn. Người ăn phải thịt lợn chứa nang ấu trùng “lợn gạo” còn sống chưa được nấu chín kỹ, dưới tác dụng của dịch tá tràng, đầu sán thoát ra khỏi nang sán bám vào niêm mạc ruột, phát triển lớn lên thành sán trưởng thành và khoảng 67 đến 72 ngày sau đó sán đã có những đốt già. Sán trưởng thành có thể sống tới 25 năm, trong trường hợp này người là vật chủ chính của sán dây lợn.

Người là vật chủ phụ của sán dây lợn: Thực tế người còn có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn trong những trường hợp người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh xâm nhập theo thực phẩm, rau quả sống, nước uống... vào đường tiêu hóa; dưới tác dụng của dịch tiêu hóa ấu trùng thoát khỏi nang, xuyên qua thành ruột, vào vòng tuần hoàn tiếp tục chu du đi khắp cơ thể rồi cuối cùng đến cư trú tại các tổ chức liên kết. Ở đây ấu trùng không thể tiếp tục phát triển thành sán dây lợn trưởng thành được mà sẽ tạo thành nang ấu trùng sán (cysticercus cellulosae) và người có nang ấu trùng sán được gọi là “người gạo”.

Người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn: Đây là trường hợp cũng thường gặp nhưng với mức độ nặng và nguy hiểm hơn do người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoài cảnh. Những người mắc sán trưởng thành ký sinh ở ruột non được xem người là vật chủ chính, do bất kỳ một lý do nào đó như bị say tàu, say xe, say sóng, phụ nữ có thai, sốt cao... bị nôn ọe thì những đốt sán già rụng ra ở ruột non theo nhu động ngược chiều lên dạ dày; ở đây dưới tác dụng của dịch tiêu hóa, trứng từ các đốt sán già được giải phóng ra; khi xuống đến tá tràng, ấu trùng trong trứng thoát ra, chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn và theo các mạch máu đi khắp cơ thể rồi lại vào các cơ, các mô tế bào khác để phát triển thành nang ấu trùng sán (cysticercus cellulosae) như đã nêu ở trên và người được xem là vật chủ phụ.

Bệnh lý gây nên do nhiễm sán dây lợn

Khi bị nhiễm sán dây lợn, người có thể bị bệnh sán dây lợn trưởng thành và bệnh ấu trùng sán dây lợn với các đặc điểm khác nhau tùy theo từng trường hợp.

Bệnh sán dây lợn trưởng thành: Người mắc sán dây lợn trưởng thành thường không có biểu hiện triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên tùy theo phản ứng của cơ thể có thể thấy triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau vùng thường vị, đi đại tiện phân lỏng từng đợt; có thể chán ăn, ăn không ngon hoặc ngược lại có khi đói bụng cồn cào, ăn nhiều, sút cân... Những triệu chứng này thường biểu hiện rõ khi sán ở giai đoạn đang trưởng thành. Lúc bắt đầu xuất hiện hiện tượng rụng các đốt sán già theo phân thải thì biểu hiện lâm sàng giảm đi.

Bệnh ấu trùng sán dây lợn (cysticercosis): Nang ấu trùng sán dây lợn (cysticercus) có thể thấy ở bất cứ nơi nào trong cơ thể vật chủ. Tùy theo số lượng nang và vị trí của nang mà trên thực tế thấy những biểu hiện lâm sàng nặng hoặc nhẹ khác nhau hay thậm chí có thể gây tử vong. Các nang ấu trùng sán thường ký sinh ở mô dưới da, não, mắt, cơ bắp, tim, gan, phổi, các hốc trong ổ bụng... Nang ấu trùng sán ở dưới da tạo thành các nốt có thể sờ thấy được, di động, đôi khi có thể gây ngứa; chẩn đoán xác định bằng sinh thiết và xét nghiệm giải phẫu bệnh học. Nang ấu trùng sán ở mô cơ ít khi được chẩn đoán nếu bị nhiễm nhiều nang, có thể có triệu chứng đau cơ; sau nhiều năm nang ấu trùng sán sẽ bị vôi hóa, lúc này có thể phát hiện bằng phim chụp X quang thấy có vết mờ dọc theo các sợi cơ. Nang ấu trùng sán ở não thường gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu tùy theo vị trí, số lượng của nang ấu trùng sán ký sinh trong não với biểu hiện như một u nang trong não; những triệu chứng lâm sàng thường gặp là tăng áp lực trong sọ não, có những cơn động kinh, suy nhược khả năng trí tuệ, rối loạn tâm thần, có thể bị liệt tùy theo vị trí của nang ấu trùng sán chèn ép, có trường hợp bị đột tử, xét nghiệm thấy bạch cầu ái toan trong dịch não tủy gia tăng. Nang ấu trùng sán ở trong mắt có thể nằm ở vị trí trong hốc mắt, mí mắt, kết mạc, thủy tinh thể, tiền phòng...; những rối loạn thị giác cũng rất đa dạng tùy theo vị trí ký sinh của nang ấu trùng sán ở trong mắt, có thể giảm thị lực và bị mù... Nang ấu trùng sán ở cơ tim có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, người bệnh bị khó thở, ngất xỉu...

Chẩn đoán xác định bệnh

Từ các biểu hiện triệu chứng lâm sàng được ghi nhận, việc chẩn đoán xác định bệnh phải căn cứ vào những xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

Bệnh sán dây lợn trưởng thành phải xét nghiệm để tìm đốt sán hoặc các đoạn gồm 5 đến 6 đốt sán ở trong phân thải, quan sát đốt sán trưởng thành thấy tử cung có từ 6 đến 12 nhánh ngang; rất hiếm khi thấy được trứng sán dây lợn ở trong phân, chỉ thấy được trứng khi các đốt sán bị vỡ ra vì một lý do nào đó.

Bệnh ấu trùng sán dây lợn ngoài các triệu chứng lâm sàng như dấu hiệu động kinh, giảm thị lực, mù mắt, có các nốt nang ấu trùng sán ở dưới da...; xét nghiệm có thể thấy bạch cầu ái toan tăng cao. Cần thực hiện phương pháp sinh thiết (biposy), chụp phim X quang, chụp hình não thất, soi đáy mắt, chụp cắt lớp vi tính CT scanner (computed tomography), chụp cộng hưởng từ MRI (magnetic resonance imaging) để xác định. Các phương pháp miễn dịch học cũng có giá trị trong chẩn đoán xác định nhưng thường cho kết quả phản ứng chéo với các loại sán dây khác nên cần thận trọng.

Xử trí điều trị bệnh

Điều trị bệnh sán dây lợn trưởng thành: Lưu ý cần dùng thuốc chống nôn trước khi điều trị và trước khi uống thuốc tẩy sán. Thực tế có thể dùng phương pháp y học cổ truyền với hạt bí đỏ phối hợp hạt cau tươi hoặc thuốc tây y để điều trị.

Hạt bí đỏ, hạt cau tươi thường được dùng để điều trị theo y học cổ truyền. Hạt bí đỏ (Semina cucurbitae decortica) bóc vỏ, giã nhỏ, liều lượng 100 đến 200 gam. Hạt cau tươi với liều lượng 50 đến 100 gam tùy theo độ tuổi và thể trọng, trẻ em dưới 10 tuổi dùng khoảng 30 gam; đổ 500 ml nước lã vào hạt cau tươi và đun sôi cho cạn dần còn khoảng 150 đến 200 ml, nên nhỏ thêm gelatin 2,5% hoặc dùng 5 lòng trắng trứng thay cho gelatin để đỡ vị chát của cau và đỡ kích thích dạ dày. Theo quy định nên uống hạt bí đỏ trước, 2 giờ sau uống nước sắc hạt cau tươi, nửa giờ sau nữa uống thuốc tẩy sán magie sulfate 50% với liều 60 ml. Lưu ý khi áp dụng phương pháp điều trị này, phải tôn trọng thực hiện đúng thứ tự về thời gian quy định thì mới bảo đảm được kết quả tốt; các nhà khoa học cho rằng phương pháp này đạt hiệu quả khả quan với khoảng 90 đến 100% các trường hợp tẩy ra cả đầu sán dây lợn.

Quinacrine (Atebrin) với liều lượng người lớn uống từ 0,9 đến 1,2 gam chia liều nhỏ. Một ngày trước khi uống thuốc này cần uống thuốc nhuận tràng để làm giảm bớt chất nhầy bám ở thân sán giúp thuốc điều trị dễ dàng ngấm vào thân sán nhiều hơn. Lưu ý sau khi uống thuốc một giờ phải dùng ngay thuốc tẩy sán, nếu dùng thuốc tẩy sán chậm hơn thì Quinacrine sẽ ngấm vào máu dễ gây độc hại cho cơ thể.

Niclosamide (Yomesan, Tredemine) uống một liều 4 đến 6 viên thuốc hàm lượng 0,5 gam vào buổi sáng, nhai từng viên một và nhai thật kỹ trong khoảng thời gian 10 phút, sau đó uống theo với một ít nước; thuốc thường không gây độc nhưng có tác dụng hiệu quả điều trị cao.

Trên thực tế, cần chú ý phát hiện và điều trị bệnh sán dây lợn trưởng thành vì đây là biện pháp tích cực nhất để chủ động phòng ngừa nhiễm bệnh ấu trùng sán dây lợn.

Điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn: Hiện nay việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn vẫn được xem là vấn đề nan giải. Mặc dù đã có một số loại thuốc có tác dụng diệt ấu trùng sán dây lợn như Praziquantel, Methifolat, DEC (diethylcarbamazine)... nhưng cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết được cơ chế tác dụng của thuốc cũng như những phản ứng của cơ thể nói chung, đặc biệt là đối với não. Thực tế nhiều trường hợp sau khi điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn thì bệnh nhân lại bị mù mắt, thậm chí bị tử vong. Kết quả giải phẫu bệnh lý cho thấy những nang ấu trùng sán dây lợn ký sinh ở não, sau khi điều trị nang ấu trùng sán có thể gây tổn thương vùng thị giác, gây mù mắt không hồi phục được hoặc có thể dẫn đến tình trạng phù não gây tử vong. Vì vậy không nên tiến hành điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn khi chưa có các biểu hiện bệnh lý lâm sàng. Việc chỉ định điều trị nội khoa bệnh ấu trùng sán dây lợn khi bệnh nhân có biểu hiện động kinh, tăng áp lực sọ não, thay đổi nhân cách với biểu hiện tâm thần và phải được thực hiện tại bệnh viện có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa thần kinh và phải sử dụng corticoides liệu pháp để tránh phản ứng của cơ thể.

Tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương trước đây khi theo dõi các trường hợp bệnh ấu trùng sán dây lợn đến điều trị ghi nhận người bệnh thường có các biểu hiện lâm sàng như sốt, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, sẩn ngứa dị ứng toàn thân, động kinh, tăng áp lực nội so...Tất cả bệnh nhân đều được chẩn đoán xác định có ấu trùng sán dây lợn ký sinh trong não hoặc các tổ chức khác bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ và được điều trị theo 3 phác đồ: Albendazole 15mg/kg/24 giờ chia hai lần trong ngày phối hợp với Prednisolone 20mg/24 giờ, điều trị trong 30 ngày. Albendazole 15mg/kg/24 giờ chia 2 lần trong ngày không phối hợp với Prednisolone, điều trị trong 30 ngày. Albendazole 20mg/kg/24 giờ chia 2 lần trong ngày phối hợp với Prednisolon 20mg/24 giờ, điều trị trong 20 ngày. Kết quả điều trị bệnh nhân được theo dõi trên diễn biến lâm sàng, xét nghiệm cơ bản, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ ghi nhận tác dụng thuyên giảm về triệu chứng lâm sàng của 3 phác đồ đều như nhau, các triệu chứng nhức đầu và nhược cơ được cải thiện sau một đợt điều trị, số ít bệnh nhân còn biểu hiện động kinh sau 3 đợt điều trị nhưng cơn động kinh nhẹ hơn về cường độ và thời gian; số bệnh nhân có nang ấu trùng sán ký sinh dưới da vẫn còn nhưng các nang đã teo nhỏ lại.

Việc chỉ định điều trị ngoại khoa bệnh ấu trùng sán dây lợn được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật để lấy bỏ nang ấu trùng sán ở mắt, tổ chức dưới da, tại nơi có nguy cơ chèn ép thần kinh...

Các biện pháp phòng bệnh sán dây lợn

Trên thực tế, sự phân bố bệnh sán dây lợn tại nước ta không đồng đều; thường phát hiện ở những nơi còn nuôi lợn thả rong, cho lợn ăn phân người và còn tập tục ăn thịt lợn sống chưa nấu chín kỹ... Nguồn bệnh nguy hiểm nhất là người vì người bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn phân thải. Nếu phát hiện và điều trị tích cực cho những người bệnh không những đạt được mục đích là giải quyết tận gốc nguồn lây lan mầm bệnh ra môi trường mà còn là biện pháp tích cực nhất để phòng bệnh ấu trùng sán dây lợn. Về mặt kinh tế, các nhà khoa học cho rằng điều trị một bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn tốn kém gấp nhiều lần so với chi phí để điều trị bệnh nhân mắc bệnh sán dây lợn trưởng thành. Lưu ý bệnh sán dây lợn lây nhiễm qua đường tiêu hóa do ăn phải thịt lợn có nang ấu trùng sán còn sống chưa được nấu chín kỹ; tại nước ta một số vùng có tập quán ăn nem chua, ở miền núi còn thói quen ăn lạp là loại thịt sống, nhiều nơi vẫn còn tập tục ăn thịt lợn sống chưa nấu chín kỹ... thì nguy cơ bị nhiễm bệnh sán dây lợn là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy các biện pháp phòng bệnh cần tập trung giải quyết một số vần đề cần thiết như:

- Tích cực phát hiện và điều trị người mắc bệnh sán dây lợn trưởng thành.

- Vệ sinh cá nhân và vệ sinh công cộng thường xuyên, không phóng uế bữa bãi, sử dụng nhà vệ sinh đúng quy cách, không nuôi lợn thả rong, không cho lợn ăn phân người.

- Tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm về thịt lợn tại các lò mổ lợn hoặc tại các gia đình có mổ thịt lợn. Kiểm tra để phát hiện dấu hiệu “lợn gạo” hay nang ấu trùng sán lợn ở thịt lợn giết mổ để tiêu hủy theo đúng quy định, không được sử dụng làm thực phẩm. Kỹ thuật đơn giản thường được áp dụng để phát hiện là dùng dao sắc cắt ngang miếng thịt lợn ở phần mông hay phần lưng con lợn, nếu có “lợn gạo” hay nang ấu trúng sán lợn sẽ thấy phòi ra mặt cắt.

- Thực hiện đầy đủ về vệ sinh ăn uống, không ăn thịt lợn còn sống chưa được nấu chín kỹ, không nên ăn nem chua hoặc lạp... Nếu muốn dùng thịt lợn sống theo tập tục không thể loại bỏ được thì phải thực hiện đúng quy định ướp thịt lợn ở âm 10oC trong vòng 4 ngày trước khi ăn.

Điều cần quan tâm

Trước tình hình hình bệnh sán dây lợn Taenia solium được phát hiện trong thời gian vừa qua tại một số trường học ở tỉnh Bắc Ninh đã làm cho dư luận xã hội khá lo lắng. Từ đây đã có nhiều trường hợp phụ huynh phải đưa con em mình về tận một số cơ sở y tế của thủ đô Hà Nội để thực hiện việc khám và thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh. Qua bài viết này, cộng đồng người dân cần có sự hiểu biết cần thiết về bệnh sán dây lợn trưởng thành và bệnh ấu trùng sán dây lợn để có biện pháp tích cực phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Đồng thời cũng từ vụ việc xảy ra, vấn đề tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm về giết mổ thịt lợn làm thực phẩm cần được các cơ quan chức năng chú ý quan tâm, đặc biệt là giám sát các đơn vị cung ứng nguồn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể của trường học, công ty, xí nghiệp... để chủ động phòng ngừa mắc bệnh. Có lẽ từ đây, bệnh giun sán nói chung và bệnh sán dây lợn nói riêng sẽ không còn được xem là bệnh bị lãng quên như trong thời gian vừa qua nữa.

Ngày 08/04/2019
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
    Các nội dung khác »
  • Một số vấn đề điều trị và quản lý ca bệnh ký sinh trùng sán nhái ở người (Phần 4-Hết) (19/02/2024)
  • Một số vấn đề điều trị và quản lý ca bệnh ký sinh trùng sán nhái ở người (Phần 3) (18/02/2024)
  • Một số vấn đề điều trị và quản lý ca bệnh ký sinh trùng sán nhái ở người (Phần 2) (16/02/2024)
  • Một số vấn đề điều trị và quản lý ca bệnh ký sinh trùng sán nhái ở người (Phần 1) (15/02/2024)
  • Neurocysticercosis: Cập nhật Chẩn đoán Lâm sàng và Hình ảnh thần kinh (Phần 2) (07/11/2023)
  • Neurocysticercosis: Cập nhật về Chẩn đoán Lâm sàng và Hình ảnh thần kinh (Phần 1) (02/11/2023)
  • Phấn 2. Cập nhật điều trị và quản lý ca bệnh ấu trùng sán dây lợn thể thần kinh từ Tổ chức Y tế Thế giới (25/06/2023)
  • Phần 1. Cập nhật điều trị và quản lý ca bệnh ấu trùng sán dây lợn thể thần kinh từ Tổ chức y tế thế giới (15/06/2023)
  • WHO chính thức ban hành Hướng dẫn phòng chống và loại trừ bệnh sán máng ở người (23/02/2022)
  • Làm thế nào để phòng bệnh do sán dây và ấu trùng sán dây lợn hiệu quả? (06/05/2019)
  • Đáp ứng miễn dịch trong bệnh sán dây lợn và sán dây bò và bệnh ấu trùng sán dây lợn thể thần kinh (04/05/2019)
  • Một số thông tin liên quan đến quản lý và điều trị bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (03/05/2019)
  • Một số thông tin về bệnh sán dây và ấu trùng sán dây ở người (Update on Human Taeniasis and Cysticercosis) (02/05/2019)
  • Phần 2: Cập nhật thông tin về nghiên cứu bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn ở người và động vật (27/03/2019)
  • Phần 1: Cập nhật thông tin về nghiên cứu bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn ở người và động vật (25/03/2019)
THÔNG BÁO

Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”

LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
CHUYÊN ĐỀ
PHẦN MỀM LIÊN KẾT
CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
QUẢNG CÁO
Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464 Email: impequynhon.org.vn@gmail.comTrưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích

Từ khóa » đại Cương Về Lớp Sán Dây