Cẩn Trọng Với Căn Bệnh Kawasaki ở Trẻ Nhỏ

Bệnh viện Bãi Cháy: Cẩn trọng với căn bệnh Kawasaki ở trẻ nhỏ

  • 2021/12/28 05:05

Bệnh Kawasaki là bệnh lý viêm không đặc hiệu các mạch máu có kích thước từ nhỏ đến trung bình. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể gây di chứng trên mạch vành, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận điều trị thành công cho một bệnh nhi 15 tháng tuổi mắc bệnh kawasaki.

Bệnh nhi Nguyễn M Q (15 tháng tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện với biểu hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Các bác sĩ đã thăm khám, chẩn đoán ban đầu ỉa chảy cấp nhiễm khuẩn; Viêm mũi họng cấp. Sau 3 ngày theo dõi điều trị, trẻ còn sốt cao từng cơn (nhiệt độ sốt cao nhất là 40 độ C) kèm nổi ban đỏ trên da, mắt xung huyết, lưỡi đỏ nổi gai, sưng hạch góc hàm, loét hậu môn, sinh dục.

Trẻ được kiểm tra lại xét nghiệm, siêu âm tim. Kết quả xét nghiệm máu chỉ số bạch cầu và CRP tăng cao, siêu âm tim cho thấy kích thước động mạch vành giãn nhẹ. Các bác sĩ Khoa Nhi đã hội chẩn chuyên khoa cùng bác sĩ CKII Đinh Thị Lan Oanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy, thống nhất chẩn đoán bệnh kawasaki và tiến hành điều trị theo phác đồ với thuốc đặc hiệu Immuno Globulin.

Ngay sau khi sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định dần, trẻ hết sốt hoàn toàn, các chỉ số xét nghiệm trở bình thường. Hiện tại trẻ đã khỏi bệnh ra viện và không để lại di chứng gì.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn – Phó khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho trẻ

Bệnh Kawasaki được một bác sĩ Nhật Bản Kawasaki Tomisaku phát hiện lần đầu vào năm 1961, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, tỷ lệ bệnh ở trẻ trai cao hơn so với trẻ gái. Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa xác định được rõ ràng nên chưa có biện pháp phòng ngừa. Giới chuyên môn cho rằng bệnh có thể liên quan đến nhiễm vi trùng hoặc siêu vi trùng, hoặc liên quan đến phản ứng miễn dịch.

Ảnh minh họa về bệnh kawasaki ở trẻ nhỏ

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn – Phó khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Bệnh kawasaki không phải bệnh mới, tỉ lệ trẻ bị bệnh trong cộng đồng khá cao, bệnh có thể khởi đầu bằng biểu hiện như nhiễm vi trùng hoặc virus thông thường.

Khi mắc Kawasaki điển hình trẻ có biểu hiện như: sốt cao kéo dài hơn 5 ngày, một số trường hợp khác có thể kéo dài 3-4 tuần; viêm kết mạc (mắt sung huyết đỏ, thường không chảy dịch, gỉ), môi đỏ, lưỡi đỏ nổi gai, phát ban đỏ toàn thân, hạch góc hàm hoặc dưới cằm… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng tim mạch nguy hiểm đến tính mạng của trẻ như: phình giãn động mạch vành tim làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến hậu quả nhồi máu cơ tim; hoặc hẹp tắc động mạch vành, thiếu máu cơ tim, suy vành mãn tính.

Hiện nay, bệnh Kawasaki hoàn toàn có thể điều trị được nếu trẻ được đưa đến bệnh viện sớm, phát hiện kịp thời và điều trị theo đúng phác đồ, ngăn ngừa biến chứng trong vòng 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát.

Bệnh nhi hồi phục sức khỏe tốt và được xuất viện

Qua đây, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo các bậc phụ huynh:

Cẩn thận theo dõi khi con bị sốt và có các triệu chứng như trên. Cần đưa trẻ đến bệnh viện thay vì chủ quan chăm sóc tại nhà nếu trẻ bị sốt 2-3 ngày không khỏi. Không nên ngại ngần dịch bệnh mà bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị bệnh. Điều này giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm như kawasaki, giúp điều trị hiệu quả và tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Khi trẻ đã mắc bệnh Kawasaki thì cần phải được dùng thuốc và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Mạc Thảo – Nguyễn Sơn

Từ khóa » Kawasaki Phác đồ