Cảnh Giác Với Thủ đoạn Làm Giả Sổ đỏ để Chiếm đoạt Tài Sản

Cảnh giác với thủ đoạn làm giả sổ đỏ để chiếm đoạt tài sản 06:31, 03/04/2022

Chỉ cần vào Google gõ cụm từ "làm sổ hồng, sổ đỏ", hoặc các loại giấy tờ khác như cà-vẹt xe, bằng cấp 2, cấp 3, trung cấp, cao đẳng, đại học... sẽ thấy hàng loạt website nhận “làm” một cách công khai.

Lĩnh án tù vì mang sổ đỏ giả đi lừa đảo 5,8 tỷ đồng
Lừa vay tiền qua sổ đỏ: chiêu thức cũ - nạn nhân mới
Cảnh giác với thủ đoạn lừa cầm sổ đỏ để vay vốn
Cán bộ và “cò sổ đỏ” đều lãnh án tù

Đặc biệt, với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) thì dễ thấy những thông tin quảng cáo như: “Sản phẩm làm ra cam kết giống thật 100%, bao công chứng, bao soi chiếu, bao cầm đi vay ngân hàng. Bảo mật thông tin cho khách hàng tuyệt đối! Liên hệ hotline:... trong vòng 1 - 3 ngày bạn sẽ nhận được các loại giấy tờ cần làm...".

Từ những lời quảng cáo "bùi tai" kèm theo giá làm dịch vụ từ 10 - 20 triệu đồng/sản phẩm, nhiều đối tượng đã thuê làm giả sổ đỏ để mang đi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người dân.

Mới đây, TAND tỉnh đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích Vi (SN 1989, trú TP. Buôn Ma Thuột) 22 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Liên quan đến hành vi phạm tội của Vi, bị cáo Lê Văn Đoàn (SN 1987, trú tỉnh Hải Dương) cũng bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 4 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo đó, trước thời điểm phạm tội, Vi làm nghề môi giới, mua bán bất động sản. Do làm ăn thua lỗ, nợ nần nên Vi nảy sinh ý định làm giả sổ đỏ để lừa đảo. Trong thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2020, Vi thuê Đoàn làm giả sổ đỏ, với giá thỏa thuận 17 - 18 triệu đồng/sổ. Sau khi nhận các thông tin về thửa đất từ Vi, Đoàn lên mạng Internet truy cập vào trang quảng cáo “nhận làm sổ đỏ” rồi liên hệ theo số điện thoại với đối tượng tên Thủy (hiện chưa xác định được nhân thân lai lịch) ở TP. Hồ Chí Minh, đặt làm giả 17 sổ đỏ. Vi đã chuyển cho Đoàn tổng số tiền 286 triệu đồng. Đoàn giữ lại 202 triệu đồng và trả cho đối tượng tên Thủy 84 triệu đồng. Với số sổ đỏ giả trên, Vi đã mang đi lừa đảo chiếm đoạt của 12 bị hại với tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.

Đối tượng H'Ngơm Bdap tại cơ quan điều tra.

Trước đó, ngày 3/6/2019, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột tiếp nhận hồ sơ của bà Tống Thị Hồng Hạnh (SN 1996, trú phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) chuyển nhượng thửa đất số 352, tờ bản đồ số 12, địa chỉ ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) cho bà Khoa Thị Thanh Xuân (SN 1979, tạm trú ở TP. Buôn Ma Thuột). Tuy nhiên, khi rà soát, kiểm tra, Chi nhánh Văn phòng không thấy có dữ liệu liên quan, nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên đã chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xử lý. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Buôn Ma Thuột vào cuộc xác định, sổ đỏ của bà Tống Thị Hồng Hạnh là giả. Quá trình điều tra, bước đầu đối tượng Hạnh khai nhận do cần tiền tiêu xài cá nhân nên đã cấu kết với Trương Công Tấn (SN 1993, trú xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) lên mạng Internet đặt làm giả nhiều sổ đỏ với giá 15 triệu đồng/sổ và một bộ dấu giả giá 2,5 triệu đồng. Với các sổ đỏ giả, Hạnh đã mang đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Riêng từ giữa năm 2018 đến cuối tháng 5/2019, Hạnh đã lừa vay của bà Khoa Thị Thanh Xuân 750 triệu đồng.

Một trường hợp phạm tội tương tự cũng được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Cư Kuin khởi tố để điều tra. Thông qua mạng Internet, đối tượng H’Ngơm Bdap (SN 1968, trú xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) đã thuê người làm giả nhiều sổ đỏ để mang đi lừa đảo. Năm 2017, H’Ngơm sử dụng một sổ đỏ giả ủy quyền nhờ bà H’Diêt Kpơr (SN 1964, trú cùng xã) thế chấp vay 450 triệu đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - Chi nhánh Đắk Lắk rồi chiếm đoạt. Năm 2019, đối tượng H’Ngơm Bdap tiếp tục sử dụng một sổ đỏ khác để làm hợp đồng chuyển nhượng 3 thửa đất không có trên thực tế cho ông Bùi Bá Kỳ (SN 1992, TP. Buôn Ma Thuột) để chiếm đoạt 300 triệu đồng thì bị phát hiện.

Trên đây là 3 trong số rất nhiều vụ việc mà các đối tượng đã sử dụng mạng Internet thuê người làm sổ đỏ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước sự bùng nổ về công nghệ làm giả giấy tờ, cùng với sự phát triển của Internet, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác, xem xét thật kỹ các loại giấy tờ liên quan đến tài sản trước khi quyết định giao dịch. Tốt nhất khi thực hiện các giao dịch nên đến Văn phòng công chứng đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai địa phương để kiểm tra về độ chính xác của sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất. Người dân cũng cần đề cao cảnh giác khi chuyển tải các thông tin về tài sản của mình lên mạng Internet như sổ đỏ, căn cước công dân... tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng đánh cắp thông tin để làm giả các loại giấy tờ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Điều 12, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp...: Đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu - 7 triệu đồng. Với hành vi làm giả giấy tờ, văn bản hoặc giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu - 10 triệu đồng

Hành vi sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện các giao dịch mua bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. Hành vi làm giả giấy tờ còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 3 - 7 năm.

Lê Thành

Từ khóa » Sổ đỏ Giả Có Vay Ngân Hàng được Không