Cánh Tay đắc Lực Của Y Tế Xã Tiên Lữ

Cánh tay đắc lực của y tế xã Tiên Lữ

Thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, anh Khương Văn Năm, tổ phó tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch ngày đêm tất bật với việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân, hỗ trợ đối tượng F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, anh đã kêu gọi nhân dân hỗ trợ kit test Covid-19 cho địa phương; linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới… Những nỗ lực đó của anh đã góp phần cùng y tế cơ sở xã Tiên Lữ thực hiện tốt công tác kiểm soát, điều trị người nhiễm Covid-19, đặc biệt là từ khi triển khai cách ly, điều trị F0 tại nhà.

Anh Khương Văn Năm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một trường hợp F0kết thúc thời gian cách ly, điều trị tại nhà

Chúng tôi tìm gặp anh Khương Văn Năm – người được đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lữ giới thiệu là “nhân vật đặc biệt”, cùng lúc đảm nhận nhiều vai nhưng vai nào cũng tròn trách nhiệm: Trưởng đài truyền thanh xã, trung đội trưởng dân quân cơ động, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã Tiên Lữ và là tổ phó tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng…

Vừa lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp ở thôn Tân Thành về, anh Năm vội vàng trở lại phòng làm việc để chuẩn bị cho chương trình phát thanh buổi chiều. Khi bộ trang phục bảo hộ, mũ chắn giọt bắn trên người được tháo xuống, chúng tôi cảm nhận rõ sự mệt mỏi trên gương mặt anh. Không mệt mỏi sao được khi một mình anh phụ trách lấy mẫu cho người dân cả hai thôn Tân Thành và Vinh Quang. Đợt cao điểm vừa qua, mỗi ngày tại hai thôn có khi lên đến gần trăm ca mắc Covid-19, chưa kể những trường hợp nghi nhiễm và các đối tượng là F1 cũng cần lấy mẫu để tầm soát kịp thời. Cứ nhận được cuộc gọi của người dân bất kể sớm trưa, khuya tối là anh lại nhanh chóng lên đường, không quên mang theo bộ đồ nghề: Áo, mũ bảo hộ, gang tay, sát khuẩn, bộ kit test… Vừa lấy mẫu xét nghiệm, anh Năm vừa kết hợp tuyên truyền trực tiếp cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch; những việc cần thực hiện khi cách ly, theo dõi sức khỏe trong thời gian F0 điều trị tại nhà; hướng dẫn vệ sinh, khử khuẩn, xử lý rác thải y tế tại gia đình có người mắc Covid-19… Theo anh, việc tiếp cận và tuyên truyền trực tiếp những nội dung trên tại các gia đình F0 có hiệu quả tích cực, vì đó là những thông tin cần thiết và kịp thời với họ, trong khi, nếu chỉ tiếp cận qua tờ rơi, bản tin, nhiều người sẽ lúng túng khi áp dụng vào thực tế.

Từ một anh dân quân với tâm lý lo lắng, căng thẳng và động tác có phần vụng về trong những lần tập dượt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, đến nay, anh Năm ước tính mình đã lấy mẫu cho hơn 2.000 lượt người. Anh nói: “Ban đầu còn chưa quen với bộ bảo hộ phòng dịch, đi đứng đôi khi vấp ngã; kín mít từ đầu đến chân tưởng chừng như ngạt thở nhưng dần dần, công việc làm mình quên đi những thứ cồng kềnh đang mang trên người. Cảm giác căng thẳng khi thực hiện lấy mẫu cho người dân cũng nhanh chóng qua đi, chỉ nghĩ làm thế nào để bảo đảm kỹ thuật, cho kết quả chính xác nhất và đặc biệt là hạn chế tối đa cảm giác khó chịu cho người được lấy mẫu”.

Anh Năm đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu với các thành viên tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng khi lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, đó là lưu ý khi đọc kết quả trên kit test. Quá trình này không thể vội vàng. Bởi có những trường hợp, kết quả hiện ngay 1 vạch đỏ, nhưng 10 – 15 phút sau, quan sát kỹ mới thấy vạch thứ 2 xuất hiện hơi mờ. Nếu vội thu gom kit test và yên tâm với kết quả sau 5 – 7 phút thì hậu quả rất khó lường, bởi không phát hiện kịp thời trường hợp dương tính để áp dụng các biện pháp cách ly ngay, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, gây áp lực lên công tác phòng, chống dịch của địa phương. Do đó, dù hằng ngày, số ca chờ thực hiện test nhanh nhiều, các phần việc khác cũng chiếm thời gian nhất định nhưng anh Năm vẫn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc khi làm nhiệm vụ.

Khi được hỏi về nỗi lo của bản thân vì hằng ngày liên tục tiếp xúc với nhiều ca F0, anh Năm chỉ cười bảo: “Lúc nào cũng phải tuân thủ 5K, sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc, lấy mẫu; về đến nhà là tự cách ly với những người thân trong gia đình. Cũng đã hai tháng nay, tôi chưa được ngồi ăn cơm cùng vợ con. Thôi thì giữ an toàn cho mọi người là trên hết. Còn để nói sợ lây nhiễm thì từ đầu chúng tôi đã không tình nguyện tham gia công việc này. Chỉ lo nếu chẳng may mình trở thành F0 thì anh chị em lại phải vất vả hơn để san sẻ, gánh vác phần việc của mình mà thôi”.

Đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Không chỉ là cánh tay đắc lực của lực lượng y tế địa phương, anh Năm còn có nhiều sáng tạo, đổi mới để tuyên truyền về phòng, chống dịch sao cho phù hợp với tình hình hiện nay, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, anh là người tiên phong vận động xã hội hóa kit test Covid-19 cho xã; tổ liên gia số 7, thôn Vinh Quang của anh là nơi hưởng ứng đầu tiên với số tiền ủng hộ gần 3 triệu đồng. Sau đó, mô hình này được nhân rộng ra toàn xã, góp phần chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng địa phương trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Hoàng Cúc

Từ khóa » đắc Lực